Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

HIỆN THỰC KHÁCH QUAN TRONG DỊCH THƠ TIẾNG NƯỚC NGOÀI

 


1. Đặt vấn đề
Dịch thuật, đặc biệt là dịch nghệ thuật, trong đó có dịch thơ tiếng nước ngoài sang tiếng mẹ đẻ, là một hoạt động liên quan đến vấn đề tương đương trong dịch thuật, đến những nhân tố liên quan đến hai nền văn hóa và việc giải mã chu cảnh của hiện thực khách quan văn bản nguồn. Bài viết này đề cập đến yếu tố của hiện thực khách quan trong sự gắn liền với hiện thực nghệ thuật của quá trình dịch thơ tiếng nước ngoài sang tiếng mẹ đẻ (ở đây là tiếng Việt).

2. Yếu tố hiện thực khách quan và văn bản nguồn
Hoạt động dịch thuật là một hoạt động ngôn ngữ thuộc phân ngành ngôn ngữ học ứng dụng. Nhìn từ góc độ ngôn ngữ học thuần túy thì trong quá trình sản sinh văn bản dịch dù muốn hay không muốn người dịch buộc phải tìm và lựa chọn những đơn vị hành chức trong văn bản đích (target language) tương đương về nghĩa với văn bản nguồn (sourse language). Như vậy người dịch phải làm việc hầu như cùng một lúc với hai ngôn ngữ, tức là người dịch có quan hệ với văn bản chứ không phải với ngôn ngữ như một hệ thống, do đó ở đây phải có sự giải mã văn bản nguồn. Yếu tố hiện thực khách quan được phản ánh vào văn bản nghệ thuật của mỗi dân tộc khác nhau. Vì vậy tri giác hiện thực khách quan được phản ánh trong tác phẩm nghệ thuật giúp người dịch nắm chắc nội dung văn bản nguồn để có thể truyền đạt nội dung ấy bằng phương tiện ngôn ngữ của văn bản đích. Yêu cầu đạt được chữ tín trong dịch nghệ thuật là văn bản đích phải tương đương về nội dung ý nghĩa với văn bản nguồn dù rằng chúng được diễn đạt bằng những phương tiện ngôn ngữ khác nhau. Liên quan đến ngôn ngữ học và thi học, khi đề cập đến vấn đề thông điệp, Roman Jakobson [Trong: Ngôn ngữ học và thi học (2001), T/c Ngôn ngữ, số 14, tr. 51] quan niệm rằng, người dịch văn bản nghệ thuật trước hết phải tìm hiểu và lĩnh hội được chu cảnh phản ánh hiện thực khách quan liên quan đến văn bản nguồn, tức là cần tìm hiểu xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của văn bản nguồn trước khi bắt tay vào làm việc với văn bản tiếng nước ngoài.

Kinh nghiệm dịch nghệ thuật cho thấy, phàm khi bỏ qua việc giải mã hiện thực khách quan trong tác phẩm nghệ thuật trong quá trình dịch thì người dịch thường nếm mùi thất bại. Đó là những trường hợp lĩnh hội sai lệch hiện thực khách quan trong tác phẩm nghệ thuật do bỏ qua không tìm hiểu hoặc không có tri thức nền (background knowledge) về văn hóa của văn bản nguồn và văn hóa của tiếng mẹ đẻ, hoặc không có kiến thức tôn giáo, lịch sử, văn hóa của hiện thực khách quan ở văn bản nguồn. Đơn cử một vài ví dụ:
- Bài thơ «Ты принись мне, хотя бы принись...» của Olga Berggoltz có người hiểu sai hoàn cảnh ra đời của bài thơ đã dịch khổ thơ đầu như sau:

Anh hãy trở về trong giấc mơ em
Dẫu trong mơ anh không còn như ảnh
Anh một thuở như cuộc đời như chim, như nắng
Như tuổi thanh xuân như hạnh phúc vô bờ.
(Thivien, Thơ Olga Berggoltz).

Thực ra bài thơ không hề đề cập tình yêu nam, nữ qua cách dùng các đại từ xưng hô anh/ em (Я /Ты) như trong tiếng Việt mà ở đây Olga Berggoltz viết bài thơ này năm 1937 là thời gian bà đang chịu nhiều đau đớn mất mát trong vòng 3 năm (năm 1933 và 1936) bà mất liền 2 đứa con gái mà bà rất yêu thương (con út Maia mất trước và sau là con gái đầu lòng Irina). Bài thơ toát lên tình thương yêu mẹ - con khi bà luôn mong con về với mẹ dù trong giấc mơ như trong văn bản nguồn viết Я /Ты:
Con hãy trở về với mẹ trong mơ
Dẫu không giống như ảo mờ tấm ảnh
Hãy trở về như cuộc đời, như chim trời, như tia nắng
Như tuổi thanh xuân, như hạnh phúc vô bờ
(Bản dịch của Đặng Đình Cung).
Nguyên văn tiếng Nga như sau:
Ты приснись мне, хотя бы приснись,
Не такой, как на карточке серой,
Точно лучик, и птица и жизнь
Точно юность и счастье без меры
3. Quá trình dịch nghệ thuật (trên cứ liệu một số bản dịch thơ của các nhà thơ Nga sang thơ Việt)
Trong tác phẩm nghệ thuật tác giả sáng tạo ra nó thường tuân thủ nguyên tắc: sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình để miêu tả hiện thực khách quan theo cách tư duy của dân tộc, phù hợp với phong tục của người bản ngữ. Người bản ngữ khác khi dịch một tác phẩm nghệ thuật trước hết phải có ý thức tìm hiểu để lĩnh hội được hiện thực khách quan như bối cảnh được thông điệp bàn đến trong nguyên tác. Luận điểm về dịch nghệ thuật của Jirí Levý (1974) cho rằng, tác phẩm nguyên bản vốn nảy sinh nhờ con đường phản ánh và nhào nặn một cách chủ quan hiện thực khách quan, nhưng nội dung tư tưởng thẩm mĩ hình thành trong tác phẩm lại chính là nhờ vào quá trình lao động nghệ thuật của tác giả. Theo cách hiểu của Jirí Levý thì một trong những vấn đề quan trọng đầu tiên đối với người dịch là phải phân biệt hiện thực khách quan với hiện thực nghệ thuật, tức là phải phân biệt được hiện thực khách quan với cách lí giải hiện thực khách quan ấy của tác giả thể hiện trên văn bản. Và một logic tiếp theo đối với người dịch là, trước khi tri giác tác phẩm nguyên bản người dịch phải coi sự xuất hiện của ngôn ngữ trong nguyên tác luôn có mối liên hệ hữu cơ với hiện thực khách quan mà tác giả của nó đã từng chứng kiến, lí giải nó trong tác phẩm. Theo Jirí Levý [Trong: Искусство перевода (1974). Москва, tr. 49-88], dịch nghệ thuật là truyền đạt thông báo, hay nói chính xác hơn, trong quá trình dịch người phiên dịch giải mã thông báo của tác giả văn bản nguồn bằng ngôn ngữ của văn bản đích. Quá trình này có thể được mô tả theo sơ đồ sau:
Tác giả: sự lựa chọn, diễn đạt → Văn bản ngoại ngữ → Người dịch: Đọc, diễn đạt → Văn bản tiếng mẹ đẻ → Bạn đọc: Đọc, Cụ thể hóa.
Nói một cách tóm tắt, người dịch không dịch tác phẩm nghệ thuật theo công thức giản đơn văn bản nguồn → văn bản đích, mà chuyển dịch sang văn bản đích bằng một công thức đầy đủ hơn và hiệu quả hơn:
Văn bản nguồn → Hiện thực được hình dung → Văn bản đích
[Искусство перевода (1974) , tr.63]

Từ những điều trình bày trên có thể hiểu một cách khái quát về dịch nghệ thuật như sau: dịch nghệ thuật là chuyển mã văn bản nguồn (ngoại ngữ) sang mã của ngôn ngữ đích (tiếng mẹ đẻ của người dịch), lấy nội dung của bối cảnh được thông điệp bàn đến làm cốt lõi để nhận thức đúng và chuyển đạt được nội dung nghĩa thực tại của bối cảnh đó sang ngôn ngữ đích. Như vậy điều kiện giải mã bối cảnh được thông điệp bàn đến thông qua hiện thực nghệ thuật của nguyên tác đòi hỏi trong lao động dịch thuật người dịch phải có vốn văn hóa chung: văn hóa của văn bản nguồn và văn hóa của tiếng mẹ đẻ và tất nhiên, người dịch phải thông thạo ngoại ngữ và thông thạo tiếng mẹ đẻ. Đây là điều kiện tiên quyết đảm bảo tính trung thành của bản dịch. Tính trung thành ở đây phải được hiểu là: người dịch bằng phương tiện ngôn ngữ mẹ đẻ phải tái hiện được nguyên bản sao cho cảnh huống ngôn ngữ đúng như ở văn bản nguồn, và ngôn ngữ ở văn bản đích cũng phải gây được tác động đối với bạn đọc như/gần như văn bản nguồn đã tác động đến người bản ngữ tiếp nhận thông báo (đây là hiệu quả của thông báo).

Liên hệ với việc dịch bài thơ “Đồi cây quanh năm tỏa mát...”của thi hào Nga Aleksandr Blok chúng tôi đã cố gắng nắm bắt hoàn cảnh viết bài thơ này của tác giả. Bài thơ đề ngày 3 tháng 11 năm 1898 lúc A. Blok mười tám tuổi nhưng đã trải qua mối tình đầu tuổi thanh xuân của mình được viết theo chủ đề và mô típ vở bi kịch Hamlet của Shakespeare có những chi tiết liên quan đến Liubov Dmitrievna Mendeleva, ái nữ nhà bác học Mendeleev, sau này là vị hôn thê và đến năm 1903 là vợ của A. Blok. Kinh nghiệm đầu đời của nhà thơ trẻ đã được chuyển thành những dòng thơ tuyệt vời, đầy biểu tượng và thấm đẫm chất trữ tình. Bóng râm tạo bởi đồi xanh là tâm hồn của người nhân vật trữ tình gắn liền với tác giả, chất chứa bao nỗi niềm. Nhưng hoa không tàn và suối không cạn tượng trưng cho sự mong đợi hạnh phúc, hy vọng vào tương lai. Đau khổ ẩn sâu những bí mật trong tâm hồn nhân vật trữ tình nhưng không hề bị lãng quên: những người đau khổ được chôn cất, và trên ngôi mộ tượng trưng của họ có những bông hoa tươi của ký ức vĩnh cửu. Tác giả đã sử dụng thủ pháp biểu đạt nghệ thuật như câu hỏi tu từ "Nói đi, tại sao hoa không khô héo?" để lôi cuốn độc giả vào một cuộc trò chuyện bí ẩn, đồng thời cũng sử dụng hình thức trình bày câu hỏi - câu trả lời. Ophelia, nhân vật nữ nhu mì trong bi kịch của Shakespeare, tượng trưng cho nỗi buồn và đau khổ, trở thành nạn nhân của hoàn cảnh bị mất trí, cô ấy lang thang với những bó hoa tươi, dâng hoa cho những người xung quanh và hát những bài hát tưởng chừng như vô nghĩa, và hoàn cảnh viết bài thơ gợi nhớ đến hai người cùng tham gia vở diễn Hamlet trước đó 3 tháng (1/8/1898), trong đó Blok sắm vai hoàng tử Hamlet, còn Liubov Dmitrievna mười bảy tuổi sắm vai Ophelia mất trí. Bài thơ đã được dịch như sau:
Đồi cây xanh quanh năm toả mát,
Bên suối khe trong cánh rừng hoang.
Sinh bệnh lười khi nghe suối hát
Xung quanh đồi ngào ngạt đưa hương.
Hoa, cỏ cây phủ đồi xanh mướt
Chẳng bao giờ để nắng lọt qua,
Đồi cây xanh cho ta bóng mát
Nghe đều đều róc rách suối xa.
Đôi tình nhân nép mình thủ thỉ
Quên chẳng nhìn cây cỏ xanh mơ.
Thì thầm sao hoa không héo nhỉ?
Sao suối không cạn nước bao giờ?
Dưới sâu lòng đất cây đâm rễ
Là nơi chôn mãi nỗi đau tôi,
Ngày cứ trôi mà chưa thôi rơi lệ
Ofelia, ôi những đóa hoa tươi !
3 tháng Mười một 1898
(Nguyễn Xuân Hoà dịch)
Nguyên bản tiếng Nga:
A.БЛОК
Есть в дикой роще, у оврага,
Зелёный холм. Там вечно тень.
Вокруг – ручья живая влага
Журчаньем нагоняет лень.
Цветы и травы покрывают
Зелёный холм, и никогда
Сюда лучи не проникают,
Лишь тихо катится вода.
Любовники, таясь, не станут
Заглядывать в прохладный мрак.
Сказать, зачем цветы не вянут,
Зачем источники не иссяк ? –
Там, там, глубóко под корнями
Лежат страдания мои,
Питая вечными слезами,
Офелия, цветы мои !
3 ноября 1898
4. Thay lời kết
Dịch nghệ thuật là một công việc nhọc nhằn. Ngoài tố chất bắt buộc đòi hỏi người dịch phải đáp ứng như thông thạo hai ngôn ngữ, người dịch còn phải hiểu rõ hai nền văn hóa, phong tục, tập quán, tư duy của người bản ngữ trong văn bản nguồn, đồng thời trước khi dịch tác phẩm văn học nghệ thuật người dịch phải tìm hiểu kỹ lưỡng bối cảnh sáng tác và hiện thực khách quan được miêu tả trong văn bản nguồn. Điều này giúp người dịch bám sát nội dung nguyên tác để đối sánh hai văn bản: văn bản nguồn và văn bản đích, đồng thời cũng giúp người dịch tránh sa vào những sai lệch đôi khi rất tệ hại về phương diện văn hóa và tư duy của người bản ngữ mỗi dân tộc trong quá trình dịch nghệ thuật.
(Bài viết nhân 143 năm ngày sinh thi hào Nga Aleksandr BLOK - 28/11/1880 - 28/11/2023).
Ảnh: Thi hào Aleksandr BLOK (1880 - 1921)

Không có nhận xét nào: