Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

KẺ SĨ KINH BẮC


 


Hai Kẻ sĩ Kinh Bắc là Trần Đức Thảo và Hoàng Cầm đều có Chân dung gò đồng trong bộ tranh của Phạm Xuân Trường. Hai bức chân dung hai ông đều bị Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội không cấp phép cho treo trong Triển lãm.
Xin giới thiệu bài viết của tác giả Hồ Hoàng, viết ngày 29.3.2017 cùng hai chân dung gò đồng của Phạm Xuân Trường.
KẺ SĨ KINH BẮC
Kinh Bắc có hai người con kiệt xuất, cùng thời nhưng cuộc đời đầy tai ương bất trắc. Có thể hai người này là hai vết khắc sâu đậm của văn hóa Việt Nam hiện đại. Nghiệt ngã thay, cả hai ông đều là nạn nhân của những gì các ông theo đuổi; bị truy đuổi đến tận cùng bởi tài năng xuất chúng; bởi trung thành với chính mình.
Cuối đời các ông đều được tặng thưởng những phần thưởng cao quý:
+ Trần Đức Thảo được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội,
+ Hoàng Cầm được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
1.TRIẾT GIA TRẦN ĐỨC THẢO.
Với con người này, mình chưa được tiếp cận nhiều với những gì ông viết vì sách của ông rất ít phổ biến mà chắc có phổ biến mình cũng rất khó tiếp cận bởi lĩnh vực nghiên cứu của ông không phải giành cho tất cả mọi người. Chỉ biết được cuộc đời đầy cay đắng của ông qua những gì người ta viết về ông.
Giáo sư Văn học Nguyễn Đình Chú đã đánh giá về ông: “là một lưu học sinh đã làm vẻ vang cho tổ quốc trên đất Pháp với tấm bằng thủ khoa thạc sĩ triết học đến nay chưa có người thứ hai; là triết gia duy nhất của Việt Nam trên trường quốc tế với những hành động, tác phẩm nổi trội, có ý nghĩa phát triển chủ nghĩa Mác theo hướng “duy vật biện chứng nhân bản” và người khai sinh bộ môn Lịch sử tư tưởng triết học cho giáo dục Việt Nam.”
Giáo sư Trần văn Giàu khẳng định: “Ở Việt nam, người duy nhất được là nhà Triết học, chỉ có Trần Đức Thảo thôi”. Nhà văn hóa Bùi Nam Sơn cho rằng: “Đó là một trong những người Việt hiếm hoi được học hành đến nơi đến chốn về triết học và cho thấy người Việt mình cũng có thể tiếp cận rất gần với triết học thế giới”
Sinh năm 1917, học sinh trường Trung học Pháp nổi tiếng nhất Đông dương Albert Sarraut. Đạt giải nhì cuộc thi Triết học các trường Trung học toàn quốc Pháp. Nhận học bổng phủ Toàn quyền Đông Dương học tại Pari. Đậu thủ khoa Thạc sĩ triết học thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đậu Thạc sĩ Triết học tại Pháp.
Là một học giả được đào tạo bài bản của nền giáo dục hàng đầu thế giới, lại rất có tiếng tăm hứa hẹn một tương lai sán lạn của ông trên đất Pháp. Tham gia Hội nghị Fontainebleau, Bác Hồ đã tìm gặp và đề nghị Trần Đức Thảo về nước phục vụ cách mạng, năm 1952, ông đã xung phong về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến.
Năm 1955 ông trở thành Giáo sư Triết học và Phó Giám đốc đại học Văn khoa Hà Nội, Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 1957, ông bị quy tội tham gia Nhân văn giai phẩm, một phong trào đấu tranh vì tự do dân chủ cho văn hóa văn nghệ vì công bố một số bài báo bàn về tự do dân chủ. Bị giáng chức, tước quyền giảng dạy, Tước biên chế nhà nước (thời đó coi như hết đường sống), bị cắt đứt mọi mọi mối liên hệ với cuộc sống, bị cô lập với đồng bào và đồng chí. Một học sinh của ông kể lại: “việc gặp thầy Trần Đức Thảo từ nước Pháp tư bản trở về là rất dễ bị quy tội như bên Trung Quốc trong Đại Cách mạng Văn hoá. Gặp thầy lủi thủi đạp chiếc xe đạp mini cộc cạch cũng đành làm ngơ, nhiều khi không dám nhìn”. Một học trò khác là Giáo sư Nguyễn Đình Chú kể: “Hàng ngày vẫn gặp Thầy lên xuống ở cầu thang mà tôi cứ phải cúi mặt xuống không dám chào Thầy vì sợ liên lụy, vì xấu hổ về tội phản Thầy. Chỉ một Đoàn Mai Thi là người duy nhất không sợ gì cả vẫn thường xuyên lui tới săn sóc Thầy trong hoạn nạn, để lại một điểm son về đạo tôn sư trong lòng chúng bạn.". Còn Trần Như Tảng kể lại rằng: “Ông không bị tù hay hành hạ thân xác, nhưng công an bao vây, cô lập ông không cho ai tiếp xúc…Nếu ông Thảo tiếp xúc với ai, chẳng hạn một người bạn trên đường phố, thì người đó sẽ bị bắt giữ để điều tra. Bề ngoài xem ra triết gia sống cuộc đời bình thường. Nhưng thực tế ông sống như Robinson Crusoe, hoàn toàn cô độc, mặc dầu có nhiều người ở xung quanh. Ngay họ hàng thân thích cũng không được phép nói chuyện với ông. Đối với một trí thức như vậy là một sự tra tấn dã man."
Hành trình cuộc đời đầy cay đắng của ông có thể gom lại trong chuyện kể chết cười của bà cụ hàng nước được nhà văn Phùng Quán ghi lại:
“Dễ có đến hai năm tôi không đến khu tập thể Kim Liên. Lần này trở lại, tôi ngạc nhiên thấy cái quán của bà cụ móm dưới gốc xà cừ, mà mười năm trước tôi thường ghé hút thuốc uống nước, vẫn còn nguyên ở đó. Tôi vào quán uống chén rượu thay bữa ăn sáng. Bà cụ đang rôm rả nói chuyện với mấy anh xích lô, chắc là những khách quen… "Con cháu nhà tôi nó vừa sắm được cái ti vi màu nội địa. Tối hôm kia, bắt dây dợ xong, bật lên thấy đang chiếu cánh tang lễ một ông tên là gì gì Thảo đó. Người ta giới thiệu cái ông Thảo này là nhà triết học nổi tiếng thế giới, làm đến sáu, bảy chức, chức nào cũng dài dài là, chắc là toàn chức to được tặng huân chương Độc lập hạng hai. Ông ta sang tận bên Tây mà chết, cả Tây cả ta đều làm lễ truy điệu, toàn bộ cấp cao, có danh giá đến dự… Trong khu nhà B6 đằng kia cũng có một ông tên Thảo, nhưng lôi thôi nhếch nhác quá mấy anh công nhân móc cống. Mùa rét thì áo bông sù sụ, mùa nực thì bà ba nâu bạc phếch, quần ống cao ống thấp, chân dép cao su đứt quai, đầu mũ lá sùm sụp, cư ỡi cái xe đạp "Pơ-giô con vịt" mà mấy bà đồng nát cũng chê. Thật đúng như anh hề làm xiếc? Mặt cứ vác lên trời, đạp xem thinh thoảng lại tủm tỉm cười một mình như anh dở người… Một buổi trưa nắng chang chang, ông ghé vào quán uống cốc nước chè xanh, tôi hỏi: "Ông đi đâu về mà nắng nom vất vả thế… ế… ế…". Ông nói: Lên chợ Hàng Bè mua củi đun. Tôi hỏi: Thế củi ông để đâu cả rồi? Ông quay lại nhìn cái "poócbaga", mặt cứ ngẩn tò te. Chỉ còn có sợi dây buộc! Củi ná rơi đâu hết dọc đường, chẳng còn lấy một que… Nghĩ cũng tội, già ngần ấy tuổi đầu mà phải nấu lấy ăn, không vợ, không con… Đấy, cũng là Thảo cả đấy, mà Thảo một đằng thì chết danh, chết giá, còn Thảo này thì sống cơ cực trần ai". Bà cụ chép miệng thương cảm: "Một vài năm nay không thấy ông đạp xe ngang qua đây, dễ chết rồi cũng nên…".
Tôi uống cạn chén rượu, cười góp chuyện: "Cái ông Thảo mà bà kể đó chính là cái ông Thảo người ta chiếu tang lễ trên ti vi…". Bà già bĩu môi: "Ông đừng tưởng tôi già cả mà nói lỡm tôi!".
2. NHÀ THƠ HOÀNG CẦM.
Với nhà thơ Hoàng Cầm, mình bị mê hoặc bởi những câu thơ lộng lẫy của ông. Nhưng những câu thơ đi vào tâm khảm đầu tiên, thuộc ngay tắp lự là:
“Bên kia sông Đuống
Ta có đàn con thơ
Ngày tranh nhau một bát cháo ngô
Đêm líu ríu chui gầm giường tránh đạn
Lấy mẹt quây tròn
Tưởng làm tổ ấm
Trong giấc thơ ngây tiếng súng dồn tựa sấm
Ú ớ cơn mê
Thon thót giật mình
Bóng giặc dày vò những nét môi xinh”.
Từ những câu thơ đó, mình bắt đầu hành trình đọc thơ ông cho đến hôm nay và chắc chỉ dừng lại khi không đọc được nữa.
Khó có ai mà quê hương thấm vào máu như ông, văn hóa Kinh bắc đã hóa trầm tích trong mỗi câu thơ ông, nó cứ bay lên lấp lánh, lộng lẫy với những Sông đuống, Mưa Thuận thành, Cổ bài tam cúc…:
“Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”
Sinh ra ở Thuận Thành Bắc Ninh, Tốt nghiệp tú tài toàn phần, 8 tuổi đã có thơ đăng báo. Năm 1944 ông đã tham gia Việt Minh, Cách mạng Tháng Tám, về Hà Nội xây dựng đoàn Kịch Đông Phương, phục vụ kháng chiến.
Năm 1947, tham gia Vệ quốc quân, thành lập đội Tuyên truyền Văn nghệ, năm 1952, ông được cử làm Trưởng đoàn Văn công Tổng cục chính trị. 1955 về công tác tại Hội văn nghệ, tham gia thành lập Hội nhà Văn Việt nam. Cũng như nhiều nghệ sĩ tài năng thời đó, ông bị kết tội tham gia Nhân văn gia phẩm bị tước văn tịch.
Đầy là cuộc sống của Nhà thơ sau án phạt: "Bề ngoài, Hoàng Cầm chịu một hình phạt tương đối nhẹ là khai trừ một năm khỏi Hội Nhà văn, cho dù ông là một yếu nhân của phong trào với vai trò chủ trương hai tờ Giai phẩm và Nhân văn, khích lệ các văn nghệ sĩ tham gia, cổ vũ Văn Cao “vào cuộc” (với thi phẩm “Anh có nghe thấy không?”), chủ động in “Nhất định thắng” và can đảm bênh vực Trần Dần, v.v...
Tuy nhiên, trong thực tế, một bản án vô hình đã treo lơ lửng trên đầu ông, khiến thi sĩ lâm vào một cuộc trầm luân kéo dài 3 thập niên: không được sống bằng ngòi bút, không được in ấn tác phẩm, người đời xa lánh... Như hồi tưởng của nhà thơ: “Nội dung kỷ luật lúc đầu thì chỉ như thế thôi. Nhưng rồi cái kỷ luật đó nó kéo quá dài. (...) riêng tôi thì cũng sáng tác tập “Về Kinh Bắc”. (...) Không hiểu lý do làm sao, nhưng đưa đến nhà xuất bản nào hay tòa báo nào cho nó đăng thì đều bị từ chối."
Năm 1982, bị bắt, bị tống giam 18 tháng vì tập thơ “Về kinh Bắc” bằng “ ‘Lệnh bắt và khám xét khẩn cấp’ vì tội ‘lưu truyền văn hóa phẩm phản động ”, tập thơ đậm nhất về vùng văn Hóa Kinh Bắc . Ra tù ông bị bệnh tâm thần. Cuộc sống được tự ông ghi lại: "“Bà vợ tôi đã qua đời trong cảnh vô cùng nghèo đói, phải chạy ăn từng bữa một, từng dúm gạo một. Tiền thức ăn thì cũng không có, bữa cơm nào hai vợ chồng cũng phải nhịn bớt đi, nghĩa là đáng lẽ mình ăn ba bát, ăn có một bát, để nhường cho các con ăn.
Bà vợ tôi chết vào những ngày như thế, mà lại chết vào năm 85 ấy, lúc tôi đang bị cái bệnh tâm thần, đang ở cái dạng trầm uất và hoảng loạn như thế. Vì bà ấy phải chạy từng ngày bữa ăn của gia đình. Gia đình thì đông. Mỗi một tháng lại phải lên trình diện một lần mới được người ta cấp cho 12 cân gạo. Rồi lại phải đi lên sở lương thực để lấy giấy chứng nhận nọ kia, rồi bấy giờ mới lại sang phòng tài chính để thanh toán tiền, xong rồi xuống chỗ bán hàng, xếp hàng chờ đợi.
Tóm lại là muốn được 12 cân gạo, bà vợ tôi vất vả đến mức là nó lên một trận huyết áp rất đột ngột, chỉ mới có từ chập tối hơi sôn sốt, rồi bà ấy đi nằm, mà giữa mùa nực, bà ấy thấy có cái gì ren rét, tôi đã phải đắp cho bà ấy một cái chăn lớn. Ðến 4 giờ sáng thì người cứng ra và liệt nửa người. 9 giờ thì đem đi cấp cứu và đến chiều hôm sau qua đời.”
Và cái chứng tâm thần mà theo ông " cũng không có gì ghê gớm lắm" hành hạ ông:
"Thật ra thì cũng không có gì là ghê gớm lắm, cũng không xé quần, xé áo, không đi ra ngoài đường, không chửi bới hay làm những gì ầm ĩ cả, bởi vì chỉ là hoảng loạn thôi. Hoảng loạn một cách hết sức lặng lẽ. Ví dụ nghe một tiếng còi ô-tô và một cái gì như là phanh ô-tô rít lên ở ngoài cửa - mà lúc bấy giờ tôi ở tít tận trong nhà cơ - nhưng khi nghe thấy như thế, vào lúc độ gần nửa đêm chẳng hạn, thì tự nhiên tôi co rúm lại và hết sức sợ hãi.
Nó như là một cái bản năng đấy, tìm chỗ trốn. Quả nhiên là tôi đã có nhiều lần chui xuống gầm giường vì những hoảng loạn như thế. Hay nghe tiếng giày cộp cộp và thoáng thấy một bóng áo, như áo quân đội hay áo cảnh sát hay của một người thương binh nào đó, chỉ cần một cái bóng, một cái màu quần áo thôi, thì tôi cũng hoảng rồi. Người ta gọi là bệnh hoảng loạn. Chứ sự thực thì lúc ấy chẳng có ai dọa nạt, chẳng có ai làm gì mình cả."
Hai con người, hai chiến sĩ, hai nhà văn hóa. Đã đi trọn cuộc đời vì niềm đam mê, thao thức về trí tuệ và văn hóa. Kết cục khó có thể nói bi đát hơn nhưng nhờ thế hai ông đã để lại cho Việt Nam những hình ảnh của nhà văn hóa đích thực, những kẻ sĩ đích thực trong hoàn cảnh nhiễu nhương. Là hi vọng cho sự tồn tại nhân cách Việt, con Người Việt.
tác giả Hồ Hoàng

Không có nhận xét nào: