Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

HÀ NỘI NGÀY THÁNG CŨ

 


Hà Nội ngày tháng cũ (tiếp theo và hết)
Đỗ Văn Minh
Nhớ và viết về Hà Nội thì dài lắm. Viết về thành phố, nơi tôi đã qua hầu hết tuổi hoa niên trong suốt 6 năm đầu trung học, thì hẳn có biết bao nhiêu điều để nói, muốn nói. Những kỷ niệm tràn tới liên miên, nhiều lúc tôi không biết bắt đầu từ đâu, chấm dứt nơi đâu, tiếp nối ra sao, thành ra tránh sao khỏi có sự lôi thôi, dài dòng mà tôi hy vọng đó chỉ là sự diễn tả thành thực của một tâm hồn.
Hơn nữa, viết về những chuyện, những việc ở thời gian trên dưới 70 năm về trước, lại dựa nhiều vào ký ức của một người tuổi đã quá bát tuần cho nên chắc chắn đã có nhiều sai lầm, thiếu sót về người, về vật, về việc, về ngày giờ, năm tháng, và đôi chỗ có đưa ra ý kiến thì cũng tránh sao khỏi có phần chủ quan.
Tôi chỉ biết cố gắng sao cho trung thực, có sao nói vậy, nhớ sao viết vậy, dựa theo khả năng của trí nhớ, để ghi lại tất cả những gì tôi còn biết, còn nhớ về Hà Nội của một thời xa xưa, của hơn nửa thế kỷ trước.
Tiếp câu hát ngày di cư vào Nam
Hà Nội ơi,
Những chiều sương gió dâng khơi
Có người lặng ngắm mây trôi
Biết bao là nhớ tơi bời”
Đó là nỗi niềm, là tâm sự chung của những người phải rời xa Hà Nội, nhớ Hà Nội, tự hỏi không biết có ngày nào trở về Hà Nội được không. Nỗi lòng ấy đã được Hoàng Dương bày tỏ trong ca khúc ‘Hướng về Hà Nội’, lúc này đang được thịnh hành do ca sĩ đài phát thanh Hà Nội hát đi hát lại.
Trong những năm 1948-1954, có 2 bài hát mang tên ‘Hà Nội’, xuất hiện trong hai hoàn cảnh trái ngược. Đầu năm 1949, thời gian người dân Hà Nội tới tấp bỏ vùng hậu phương hồi cư về thành, có một nhạc sĩ người Sài Gòn ra làm việc tại Hà Nội và ông đã sáng tác bản nhạc ‘Hà Nội 49’.
Trong bài hát với nhịp điệu tango nhịp nhàng qua phần điệp khúc dồn dập, tác giả Trần Văn Nhơn đã tỏ tấm lòng yêu mến HàNội với lối diễn tả thật là thiết tha. Gần giữa năm 1954, trước khi Hà Nội đổi chủ, trong lúc nhiều người Hà Nội đang chờ phương tiện để di cư thì có một người Hà Nội trước đó vì hoàn cảnh đã phải vào Sài Gòn và từ đây ông đã làm ra bài hát ‘Hướng về Hà Nội’, diễn tả nỗi nhớ thương về thành phố cũ, và mong có ngày trở về. Ca khúc với nhịp điệu chậm rãi, uyển chuyển này đã nói lên nỗi buồn ray rứt nhưng với một niềm tin sẽ có một ngày lên đường hồi hương. Cả hai bài, có thể nhiều người cho là rất bình thường, nhưng với tôi thì mỗi khi nghe hát, tôi lại thấy lòng sao xuyến và tự nhiên có một cảm giác buồn man mác, nhẹ nhàng, vì đó là nhũng bài hát mang dấu ấn kỷ niệm cũa từng chặng đường đời.
Cuối cùng, trưa ngày 4 tháng 8, 1954, tôi bước chân xuống tàu Ville de Saigon lên đường vào Nam. Lúc này lòng tôi buồn vui lẫn lộn. Buồn vì thế là phải rời xa đất Bắc biết đến bao giờ mới có ngày trở lại. Vui là vì lòng tôi vẫn nao nức sẽ được đặt chân đến thành phố Sài Gòn, “… là viên ngọc trân châu của Á Đông”, ‘ là nơi người viễn khách thường lui tới” như tôi hằng mơ tưởng khi nghe bài “Sài Gòn Xa Hoa” của Trần Văn Nhơn 4 năm về trước.
* * * * *
Năm 2002, là lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam sau 48 năm xa cách (1954) và ra Bắc chơi 2 tuần, ở lại Hà Nội 4 ngày. Gần nữa thế kỷ xa cách, tôi cảm thấy Hà Nội vừa quen thuộc lại vừa xa lạ. Quen thuộc vì cảnh cũ vẫn còn đây: Hồ Gươm với Tháp Rùa và Đền Ngọc Sơn, đường Cổ Ngư với Đền Quan Thánh và Chùa Trấn Quốc, vườn Bách Thảo với Núi Nùng và gần đó là Chùa Một Cột, rồi Văn Miếu, … Xa lạ trước tiên là các tên đường phố. Con đường Cổ Ngư, cái tên cổ kính đã có từ bao năm qua, nay được đổi tên thành đường Thanh Niên, một cái tên không nói lên được điều gì có ý nghĩa.
Đường Hàng Lọng biến thành đường Lê Duẩn, thế là tự nhiên mất đi một cái tên trong băm sáu phố phường. Và còn nhiều nữa… Xa lạ hơn là vì cảnh đó mà sao khác xưa nhiều quá. Đâu đâu cũng người thì đông mà không khí thì náo nhiệt. Tại vườn Bách Thảo, không xa núi Nùng, đã mọc lên 2 trong 4 ‘cái’ của Bác: Nhà Sàn Bác và Ao Cá Bác. (Hai ‘cái’ kia là Lăng Bác và Bảo Tàng Bác). Ao Cá thì chính là cái hồ nước cũ, cái hồ có tường cao ngang ngực bao quanh, nay được chọn đóng nhiệm vụ Ao Bác. Hai ‘cái’ của Bác này lúc nào cũng có người được lôi kéo đến coi xếp hàng dài dằng dặc, chuyện trò ồn ào.
Tại hồ Hoàn Kiếm, muốn qua cầu Thê Húc vào thăm Đền Ngọc Sơn phải trả tiền mua vé, mỗi người 1500 đồng, tương đương với 10 cents. Ngay những đại lộ như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, xưa kia đi cả mấy quãng đường mới gặp một người, nhà toàn là biêt thự thì nay xe cộ nườm nượp, hàng dãy cửa hàng buôn bán. Hà Nội lúc này có cả những khu ăn uống ngoài trời về buổi tối với nhiều loại hàng ăn khác nhau như khu gần phố Hàng Buồm, khu sau chợ Đồng Xuân, … khác hẳn với cái lề lối trước kia của người Hà Nội là chỉ ăn trong cửa hiệu, hoặc tại các gánh phở, các hàng xực tắc lẻ loi nơi đầu đường cuối phố hay các hàng quà rong đi bán rao mà thôi.
Suốt thời gian 6 năm, 1948-1954, chỉ có 2 bài hát mang tên Hà Nội: “Hà Nội 49” của Trần Văn Nhơn và “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương. Năm 1997, tôi được một anh bạn tặng băng nhạc chủ đề “Nhớ về Hà Nội” do Diễm Xưa thực hiện. Ngoài bài “Hướng về Hà Nội” quen thuộc, tôi thấy có đến 8 bài khác cùng mang tên Hà Nội. Có 2 bài của người nhạc sỹ ‘phản chiến’ thời VNCH (Nhớ mùa thu Hà Nội và Đoản khúc mùa thu Hà Nội), ông Song Ngọc, một nhạc sĩ loại ‘tàng tàng’ cũng có được 2 bài (Nhớ em Hà Nội và Hà Nội ngày tháng cũ), còn 4 bài nữa là của các nhạc sĩ Trần Quang Lộc với Có phải em mùa thu Hà Nội, Trương Qúy Hải với Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Hữu Xuân với Hà Nội mùa lá bay, và Trọng Đại với Hà Nội đêm trở gió. Tôi đã nghe đủ cả 8 bài và cảm thấy vô cùng chán ngán.
Đúng là hiện tượng lạm phát bài hát mang tên Hà Nội. Tôi không có được một xúc cảm nào, lòng tôi không rung động chút nào khi nghe những bài hát này, ngay cả bài của người nhạc sĩ tài hoa trước kia.
Dường như nói về Hà Nội, viết về Hà Nội sau khi văn nghệ được Nguyễn Văn Linh cho ‘cởi trói’ là một cái ‘mốt’, và nhiều ông nhạc sĩ cố gắng sáng tác ‘theo thời trang’ để đua nhau làm ra những bản nhạc nghe tên thì lãng mạn lắm nhưng thiếu vắng hẳn nhạc điệu, do những cảm hứng giả tạo và gượng ép.
Tôi không tìm lại được một người bạn cũ nào hết. Một người ở phố Hà Trung thì tôi không nhớ số nhà.Một người ở phố Kim Mã thì tôi không thấy dấu vết ngôi nhà xưa đâu nữa. Có nhà của mấy người tôi tìm thấy thì trước kia đó là nơi họ ở thuê, mà có ai thuê nhà ở suốt gân 5 chục năm liền. Trước khi về nước, tôi nghĩ rằng cứ tìm ra một người thì sẽ gặp đủ các người khác, nhưng cái hy vọng ấy nay đã tan biến hẳn.
Đã có quá nhiều thay đổi. Ngôi nhà phố Nam Ngư tôi từng ở hơn 3 năm, nay đã từ 1 tầng xây lên 3 tầng; ngôi nhà phố Hàng Giấy tôi ở trước khi vào Nam mặt tiền không còn dấu vết cũ nào nữa; ngôi nhà đầu
Phố Mới ngay trước Ô Quan Chưởng nay đã trở thành một cửa hàng, khách ăn ra vào tấp nập. Hà Nội không nơi nào còn cái không khí êm đềm, cái khung cảnh vắng lặng nữa. Đâu đâu cũng người đông, nhà cao, xe cộ nhộn nhịp. Hà Nội đã thay đổi, và thay đổi tất nhiên là cần thiết cho sự tiến bộ chung, do đó phải chấp nhận cả những điều hay lẫn những điều dở. Nhưng riêng trong thâm tâm, tôi vẫn cảm thậy ngậm ngùi.
Hà Nội, với tôi, mãi mãi vẫn là một khung trời kỷ niệm, là hình bóng của một ‘mối tình đầu’ kéo dài cho đến nay trong những ngày mãn chiều xế bóng.

Không có nhận xét nào: