Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

NHỮNG ĐỨA CON CỦA HAI NGƯỜI LÍNH

ảnh minh họa
 

Thành đứng nghiêm, dập mạnh gót giầy, đưa tay lên vành mũ
- Báo cáo sư trưởng, tôi, thiếu tá Nguyễn Thành có mặt theo mệnh lệnh.
Sư trưởng, một người nửa đời chinh chiến, mái tóc đã bạc gần hết, ngẩng đầu lên vui vẻ.
- Thành đấy à, ngồi đi – Ông chỉ tay vào chiếc ghế. Thành rụt rè ngồi xuống. Sư trưởng chỉ tay sang người đang ngồi nói chuyện với mình giới thiệu. – Giới thiệu với cậu, đây là thượng tá Hân, người của vụ đối ngoại của bộ. Đồng chí ấy có việc muốn làm việc với cậu.
Người ngồi cùng với sư trưởng chìa tay ra bắt tay Thành. Ông ta đưa mắt nhìn Thành từ đầu đến chân với một ánh mắt dò xét khiến Thành cảm thấy gai hết cả người. Từ tốn, ông lấy trong cặp ra một tấm ảnh chìa cho Thành.
- Cậu có quen biết người này không?
Thành cầm lấy tấm ảnh ngắm nghía. Ảnh một phụ nữ hơn ba mươi. Đẹp gái nhưng lạ hoắc.
- Báo cáo thủ trưởng tôi không biết người này.
- Lạ nhỉ! – Ông Hân lẩm bẩm. – Cậu xem kĩ lại đi và cố nhớ xem đã gặp cô ta bao giờ chưa.
Thành ngắm kĩ bức ảnh một lần nữa rồi kiên quyết lắc đầu.
- Chắc chắn là tôi không biết người này. Nhưng có việc gì đấy ạ?
- Vấn đề là thế này đồng chí thiếu tá ạ. – Ông vừa cất tấm ảnh vào cặp vừa nói – Cô gái này là một tiến sĩ sử học của Mỹ sang đây nghiên cứu về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam theo một hiệp định trao đổi văn hóa giữa hai chính phủ. Về phía chúng ta, chúng ta phải cử một người đi theo cô ta để thuyết trình cho cô ta biết về cuộc chiến tranh và liên hệ với các cơ quan hữu quan của ta giúp đỡ cô ta trong quá trình làm đề tài nghiên cứu của mình. Văn phòng bộ đã cử người nhưng cô ta không chấp nhận mà lại chỉ đích danh cậu.
- Chỉ đích danh tôi? – Thành kêu lên kinh ngạc. – Nhưng tôi có quen biết gì cô ta đâu?
- Đấy mới là vấn đề. – Thượng tá Hân trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp. – Hiện tại chúng ta không biết tại sao cô ta lại biết cậu và cô ta làm thế có mục đích gì. Tôi chỉ dặn cậu mấy điểm.
Thứ nhất. – Phải hết sức cảnh giác.
Thứ hai. – Cô ta là một học giả có uy tín ở Mỹ. Bộ ngoại giao lưu ý chúng ta là hiện nay chủ trương của Đảng và nhà nước ta là khép lại quá khứ. Cố gắng tạo dựng một hình ảnh tốt đẹp, thân thiện với nhân dân Mỹ và nhất là với cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Nhiệm vụ của cậu lần này là hết sức nặng nề. Cô ta không những là một học giả có uy tín mà còn là người Mỹ gốc Việt vì vậy tình cảm của cô ta với đất nước trong lần về nước này có ảnh hưởng rất sâu rộng trong cộng đồng người Việt. Chúng tôi hi vọng đồng chí làm được điều này.
*
* *
Đón Hà ở sân bay là một chàng thiếu tá. Chững chạc trong bộ quân phục, Thành lịch sự mở cửa, mời cô gái lên xe. Xe từ từ lăn bánh ra khỏi khu vực sân bay. Thành tranh thủ giới thiệu.
- Trước đây, thời chiến tranh phá hoại, nơi này là một sân bay quân sự. Chính từ sân bay này, những chiếc Mic của chúng tôi đã bay lên bắn rơi pháo đài bay B52 của không quân Mỹ.
Mặt Hà hơi cau lại. “Sặc mùi cộng sản” cô thầm nghĩ. Nhưng cô đã nhanh chóng lấy lại được vẻ thản nhiên.
- Thế chỗ đấu tố địa chủ đầu tiên trong cải cách ruộng đất có gần đây không hả anh?
Cô giả vờ hỏi một cách bâng quơ. Thành giật mình. “Con mẹ này ghê gớm thật” Thành nghĩ nhanh.
- Xin lỗi chị
Hà thích thú nhìn bộ mặt đỏ rực vì ngượng nghịu của anh chàng thiếu tá. Một niềm vui hiếu thắng rất thơ trẻ bỗng xâm chiếm tâm hồn cô. “ Một không nhé, anh bạn” cô mỉm cười.
Tám giờ tối, anh chàng thiếu tá lại sang bên phòng cô, mời cô đi thăm Hà Nội vào ban đêm. Cô vui vẻ nhận lời. Thành dắt xe máy ra sân. Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của cô gái, anh giải thích.
- Đi chơi đêm ở Hà Nội không nên đi bằng ô tô. Tốt nhất là đi bộ. Có như thế mới tận hưởng được vẻ đẹp và hương vị của thành phố Hà Nội vào ban đêm.
- Thế tại sao chúng ta không đi bộ?
Thành đưa cô gái lên Hồ Tây, vào một nhà vườn kín đáo và yên tĩnh. Chọn một góc khuất nhìn thẳng ra ngoài hồ, anh gọi hai tách cà phê phin, một ít hoa quả và bánh ngọt. Tiếng nhạc cổ điển du dương nhè nhẹ vang lên trong một không gian yên tĩnh mà ấm cúng làm con người như thoát khỏi cuộc sống náo nhiệt hiện tại lơ lửng bay giữa chốn thiên đường. Trăng sáng vằng vặc. Mặt hồ như trải rộng mênh mông dưới ánh trăng vàng.
- Ngày xưa thời còn đi học, khi đọc hai câu thơ:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Của Hàn Mặc Tử, tôi không thể cảm nhận được hai câu thơ đó. Câu thơ hư hư, thực thực, mờ mờ, ảo ảo chẳng biết ông định nói cái gì. Đêm nay, ngồi đây, tôi mới thấy câu thơ thật đẹp. Chị nhìn xem, nếu đây là một dòng sông đang chảy thì có khác gì một dòng ánh trăng đâu. Ông dùng hai từ sông trăng mới chính xác và thơ mộng biết bao. – Thành tựa vào khung cửa, ánh mắt mơ màng. Hà hết sức ngạc nhiên. Trước mặt cô, không còn là một anh chàng quân nhân khô cứng trong bộ quân phục chỉnh tề mà là một nhà thơ đang đắm mình trong vẻ đẹp mĩ lệ của đất trời. Cô có cảm giác anh có thể nhảy xuống dòng sông trăng mênh mông kia để ôm lấy vầng trăng đang sáng ngời giữa lòng hồ sâu thẳm. Từ lâu lắm rồi, lâu đến mức cô không thể nhớ nổi trong đời mình, đã có bao giờ mình được thả mình phiêu diêu trong mây trời, trăng nước như thế này chưa. Cuộc sống tất bật của một nền văn hóa tất bật nước Mỹ làm cô quên mất cuộc đời còn có những phút tĩnh lặng thiên thần. – Cả một dòng sông trăng như thế mà Hàn mặc Tử vẫn thấy chưa đủ. – Thành mơ màng nói tiếp. – Ông vẫn muốn nhiều trăng hơn nữa. Ông muốn những con thuyền kia. – Thành giơ tay chỉ ra phía xa xa ngoài hồ, có một vài con thuyền nhỏ đang lững lờ trôi trên sóng nước. – Chở thêm nữa ánh trăng huyền diệu về để đổ thêm vào dòng sông trăng vốn đã mênh mông. Một tứ thơ tuyệt vời có phải không chị?
- Anh Thành có làm thơ không? – Hà hỏi, trong lòng đầy ngạc nhiên về sức cảm thụ thơ đầy tinh tế của anh chàng đang ngồi trước mặt mình. – Tôi không nghĩ rằng các anh là những người như thế này
- Thế chị nghĩ chúng tôi như thế nào? – Thành cười hỏi lại. – Chắc là những con người khô cứng, quằn quại trong đói nghèo. Hằn học trong thù hận và nụ cười thì đã biến mất trên những bộ mặt khắc khổ. Có đúng vậy không? – Thành nhìn cô gái, trong mắt ánh lên một nét giễu cợt không hề che dấu. – Đói nghèo thì đúng nhưng làm gì đến mức quằn quại phải không chị? Còn nụ cười? – Thành lại cười. Một nụ cười rất tươi. – Thì ở đâu cũng có. Chị có thể bắt gặp nó ở tất cả những khuôn mặt nào mà chị gặp.
Cách nói chuyện thẳng thắn và trực diện của anh làm cô gái lúng túng. Nhưng cô công nhận là anh đúng. Từ hôm về nước đến nay, ở đâu cô cũng gặp những nụ cười thân thiện, tươi rói và tràn trề sức sống. Là một sử gia, cô đã đi nhiều nơi, đã gặp gỡ bao nhiêu khuôn mặt, đã nghiên cứu về lịch sử của bao nhiêu dân tộc và cô biết trên trái đất này có biết bao dân tộc nụ cười đã bị biến dạng vì chiến tranh, vì đói nghèo và vì thù hận nên khi đặt chân xuống sân bay, cái đầu tiên làm cho cô ngỡ ngàng lại chính là nụ cười. Cô không thể ngờ được trên mảnh đất đầy đau thương, bom đạn, máu, nước mắt và nghèo khổ này nụ cười vẫn nở trên môi mọi người như một minh chứng hùng hồn về sức sống mãnh liệt của một dân tộc.
- Vâng! Anh nói đúng. – Giọng cô gái bỗng trầm xuống xa xót. – Tôi chưa hiểu mảnh đất này. Lúc còn ở bên Mỹ, thú thật với anh tôi hiểu về mảnh đất này đúng như anh nói đấy. Tôi sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, nhiều lúc tôi đã quên đi mất mình là người Việt Nam. – Môi cô nở một nụ cười cay đắng. – Thật không thể tin nổi, một sử gia như tôi, hiểu thấu đáo lịch sử của bao nhiêu dân tộc thế mà lại không hiểu chính dân tộc của mình. – Đột nhiên, cô gái bỗng thở hắt ra một cái, cô nhìn Thành tươi cười. – Nhưng tôi vẫn còn một cái may hơn hẳn những người cùng lứa với tôi trên đất Mỹ đó là ba mẹ tôi luôn luôn kể về Việt Nam cho chúng tôi nghe và không bao giờ ông cho phép chúng tôi nói tiếng Anh khi về đến nhà. Ơn trời! Tôi vẫn còn nói được tiếng Việt.
- Thế nghĩa là nhiều người vào lứa tuổi chị ở Mỹ không biết nói tiếng Việt? – Thành ngạc nhiên hỏi lại.
- Vâng! ở Mỹ cuộc sống quá bận rộn, không phải ai cũng có thời gian để làm việc này.
- Tôi muốn hỏi chị. – Thành trầm ngâm. – Với tư cách là một sử gia thì theo chị một dân tộc bị mất đi tiếng nói của mình thì dân tộc đó còn tồn tại nữa không?
Câu hỏi của anh khiến cô gái rùng mình. Trời ơi! Cô thầm kêu lên thoảng thốt. Một dân tộc hơn một nghìn năm Bắc thuộc với chính sách đồng hóa của người Tàu, dân tộc ấy vẫn không mất đi tiếng nói của mình. Thế mà thế hệ của cô chỉ mới ba mươi năm tiếng nói của dân tộc ấy đang dần dần biến mất. Ý nghĩ ấy làm cô gái ớn lạnh.

Rất muộn họ mới trở về nhà khách của Bộ Quốc phòng. Hà không ngủ được. Buổi đi chơi đã để lại trong cô quá nhiều những cảm tưởng mới lạ. Cô mở ngăn kéo, lấy ra từ trong một cuốn sổ tay một tấm ảnh nhỏ đã ố vàng theo năm tháng. Cô chăm chú nhìn bức ảnh, một người lính giải phóng đội mũ tai bèo với một khẩu AK khoác trên vai và một nụ cười tươi thắm. Cô lặng lẽ thở dài.
*
* *
Gần hai tháng trời, Thành đưa cô gái đi khắp nơi cùng chốn. Anh không thể không khâm phục sức làm việc một cách kinh khủng của cô gái nhìn rất mảnh mai này. “Đúng là phong cách làm việc của người Mỹ” anh thầm nghĩ. Cô sục sạo mọi nơi, lôi về hàng đống tài liệu, rồi suốt đêm đọc phân loại và đưa vào máy tính.
Một buổi sáng, Thành gõ cửa phòng. Không có tiếng trả lời, anh đẩy cửa bước vào. Cô gái đang ngủ gục trên bàn. Nhẹ nhàng, anh lấy chiếc chăn mỏng khoác nhẹ lên mình cô gái. Máy tính vẫn đang mở, tò mò, anh đọc lướt qua xem cô gái ghi chép những gì. Một loạt những bảng, biểu thống kê những viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung quốc. Song song với những bảng đó là những bảng thống kê trang bị của quân đội Mỹ ở chiến trường Việt nam. Đang mải mê đọc những tài liệu đó, đột nhiên Thành nghe thấy tiếng hỏi ngay đằng sau lưng mình.
- Anh có suy nghĩ gì trước những bảng so sánh này?
Thành giật mình quay lại. Cô gái đã dậy từ lúc nào mà anh không biết.
- Tôi chẳng có suy nghĩ gì cả.
- Chẳng có suy nghĩ gì cả? – Cô gái trầm tư hỏi lại. – Lạ nhỉ! Còn tôi, khi nhìn bảng so sánh này, tôi luôn tự hỏi làm sao các anh có thể thắng được người Mỹ trong cuộc chiến ấy? – Cô cười nhìn Thành. – Mà anh đừng trả lời tôi theo cái giọng cũ rích của báo Nhân Dân các anh đấy nhé. – Môi cô gái chẩu ra, bai giọng. – Chúng tôi thắng vì có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vì tinh thần….
Thành bật cười, cắt ngang lời cô gái.
- Thế chị đã tìm ra câu trả lời chưa? Chưa chứ gì? Cứ nhìn vào cách chị lập bảng so sánh tiềm lực quân sự của hai bên là tôi biết ngay chị không thể tìm được câu trả lời rồi.
Mắt cô gái sáng lên.
- Anh có ý gì khác à? Anh nói đi.
- Tôi cho rằng chị phải tìm câu trả lời trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt và tôi nghĩ nghệ thuật quân sự cũng là một phần trong nền văn hóa đó. Theo tôi được biết. – Thành nhìn cô gái ngập ngừng. – Không biết có đúng không? Vì tôi không biết nhiều về lịch sử thì trên mảnh đất này vốn có một trăm bộ lạc Việt sinh sống nên còn gọi là bách Việt nhưng cuối cùng chỉ còn lại hai bộ lạc là Âu Việt và Lạc Việt còn tồn tại trên mảnh đất này. Hai bộ lạc đó kết hợp hợp lại thành chúng ta ngày nay. Mà sao chị có thể nghĩ về chúng tôi xấu như vậy được nhỉ? – Thành thở dài. – Chị cũng là một thành viên trong đại gia đình ấy. Chưa bao giờ chúng tôi coi chị là người Mỹ. Với tôi, chị luôn là người Việt. – Thành nói một cách chân thành, làm cô gái xúc động. Cô định nói thì anh giơ tay ngăn lại. – Vấn đề giữa chị và chúng tôi, tôi cho rằng không phải là cộng sản hay không cộng sản. – Giọng Thành bỗng sôi nổi hẳn lên. – Đúng là Đảng cộng sản đã lãnh đạo cuộc kháng chiến này thành công. Nhưng nếu không có Đảng cộng sản thì chúng ta vẫn chiến thắng. Đấy là một quy luật tất yếu của lịch sử dân tộc.

Hà không tin nổi vào đôi tai mình nữa. Cô kinh ngạc nhìn Thành. Một người cộng sản chính tông vừa nói một câu không cộng sản. Quá lạ. Cô chăm chú nhìn Thành.
- Anh cho tôi hỏi một câu nhé. Anh có phải là Đảng viên cộng sản không?
- Vâng, Tôi là một đảng viên. Thì sao?
Thành gật đầu công nhận.
- Thế mà anh lại cho rằng không có Đảng của anh lãnh đạo thì các anh vẫn chiến thắng?
- Trước tiên tôi là người Việt chị ạ. – Anh nhấn mạnh – Là người Việt tôi tự hào về dân tộc mình. Thời nhà Trần, theo tôi được biết dân số chúng ta chỉ khoảng mười triệu người chống lại một đội quân năm mươi vạn. Nếu so sánh về tương quan lực lượng thì cuộc chống Mỹ vừa qua không thể so sánh được với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông hồi ấy. Lúc ấy lấy đâu ra Đảng cộng sản thế mà dân tộc ta vẫn chiến thắng đấy thôi. Đúng là Đảng cộng sản lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ thật nhưng không thể nói do có Đảng lãnh đạo. Nói thế là cướp công lao của cả một dân tộc….
Thành định nói tiếp, bỗng nhiên anh dừng lại vì anh thấy mặt cô gái dần dần đỏ lên. Anh vội vàng hỏi.
- Chị làm sao vậy? Tôi nói gì xúc phạm đến chị à?
- Không! Không! – Hà vội nói – Em cảm thấy xấu hổ vì trong mình không có được một niềm tự hào dân tộc như anh.
Tiếng “Em” thốt ra một cách vô thức nhưng đầy rung cảm.
*
* *
Lại một nửa tháng nữa trôi qua. Một buổi sáng, Hà bỗng đến gặp Thành.
- Hôm nay anh bố trí cho em xe đi Thái nguyên nhé.
- Đi Thái nguyên? Làm gì Thành hỏi. Cô gái trả lời một cách bí hiểm
- Anh cứ đi khắc biết.
Lúc ra xe, cô gái khuân từ phòng mình ra một lô vàng mã, hương, rượu, bánh kẹo mà Thành cũng không biết cô ta chuẩn bị từ bao giờ. Tuy rất ngạc nhiên nhưng anh vẫn im lặng không hỏi. Xe bon trên đường. Ra khỏi địa phận Hà Nội, thì cô gái nói.
-Hôm nay chúng ta về thăm nhà anh.
- Thăm nhà tôi? – Thành kinh ngạc phanh khựng xe lại làm cả hai dúi về phía trước.
- Vâng, anh chẳng khuyên em tìm câu trả lời trong truyền thống văn hóa của dân tộc là gì. Hôm nay em bắt đầu tìm hiểu truyền thống văn hóa đó và bắt đầu từ gia đình anh. Anh không đồng ý sao?
- Không phải thế.- Thành ngần ngừ - Có điều…..
- Có điều hôm nay là ngày giỗ của bác trai. Đúng không? Chính vì vậy mà em mới phải về nhà anh trong hôm nay.

Cô gái nói một cách cương quyết. Thành không nói gì. Anh nhả phanh. Chiếc xe lao vút đi. Lòng anh rối bời. Anh linh cảm thấy có một điều gì đó rất hệ trọng sắp xảy ra. Tại sao cô ta lại biết hôm nay là ngày giỗ bố mình nhỉ? Anh tự hỏi nhưng không sao trả lời được. Trong suốt quãng thời gian vừa qua, Thành luôn có cảm giác cô gái hiểu rất rõ về mình. Anh chợt hiểu vì sao có đám vàng hương cô gái mang theo.
Hơn mười giờ, xe về đến nhà Thành. Nhà đang rất đông người. Khi Hà bước xuống xe, mọi con mắt đều đổ dồn vào cô. Cô nghe thấy những tiếng xì xào “Xinh quá, chắc là người yêu của cậu Thành”. Một ai đó cất tiếng hỏi.
- Hôm nay thằng Thành làm lễ ra mắt đấy hả?
Nhiều tiếng cười bật ra. Một lũ ba bốn đứa con gái trạc hai ba hai bốn, xúm vào cô ríu rít.
- Chị mặc kệ bọn họ, chị để em xách túi giúp cho.
- Chị với anh Thành từ Hà Nội về à?
- Chị ơi….
Hà cảm thấy ngỡ ngàng trước những tình cảm thân thiết, cởi mở mà mọi người dành cho cô. Mẹ Thành từ trong nhà đi ra. Anh vội vàng giới thiệu Hà với mọi người để dập tắt những lời nói đùa vô ý.
- Giới thiệu với chị đây là mẹ tôi. – Thành quay sang nói với mẹ. – Thưa mẹ - Anh cố ý nói to cho mọi người nghe thấy. – Đây là chị Hà một tiến sĩ ở Mỹ sang Việt Nam để nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày trước. Chị ấy muốn về thăm nhà ta để tìm hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc.
Bà mẹ Thành chưng hửng.
- Thế à! Bố anh! Thế mà tôi cứ tưởng.
Mọi người cười ầm lên. Mặt Thành đỏ lựng. Bà quay sang Hà sởi lởi
- Mời chị vào trong nhà sơi chén nước. Gớm quý hóa quá. Ngày giỗ mà cũng được chị lại thăm.
Mọi người vào cả trong nhà. Hà cẩn thận đặt đồ lễ mang theo lên ban thờ. Cô quay ra thưa với mẹ Thành và mọi người.
- Thưa bác và tất cả mọi người. Hôm nay là ngày giỗ bác trai. Trước tiên xin phép bác cho cháu thắp nén nhang trước bàn thờ bác trai và sau đó cháu có một câu chuyện muốn được thưa lại với bác và tất cả mọi người.

Mọi người kinh ngạc nhìn nhau. Tất cả đều im lặng. Cô gái kính cẩn châm ba cây nhang, cắm vào bát hương. Lùi lại một bước, cô kính cẩn chắp hai tay trước ngực, nhìn trân trân vào bức ảnh một người chiến sĩ giải phóng đặt trên ban thờ. Đột nhiên, ngoài sự tiên liệu của tất cả mọi người, cô gái bỗng quỳ sụp xuống, lạy mấy lạy và nói to:
- Bác ơi hôm nay cháu thay mặt ba cháu đến đây để tạ tội với bác. Ba cháu rất ân hận vì đã cướp đi tính mạng của bác, người đã tha chết cho ba cháu. Cháu về Việt Nam lần này là để thực hiện di vọng cuối cùng của ba cháu là được tạ lỗi với bác và gia đình.

Lời của cô gái như một tiếng sét. Tất cả đều bàng hoàng. Một khoảng im lặng khá dài. Người lấy lại được bình tĩnh đầu tiên lại chính là mẹ Thành. Bà đi lại, nâng cô gái dậy.
-Thôi nào cháu. Đứng lên đi, có gì từ từ ta sẽ nói chuyện.
Cô gái đứng dậy, ôm chặt lấy bà nghẹn ngào.
- Bác ơi, bác tha thứ cho ba cháu bác nhé.
- Bác tha thứ - bà nói khẽ, tay khe khẽ vỗ về cô gái.
*
* *
Đấy là mùa mưa năm 1974, tại đồi 601 chiến trường Tây Nguyên. Đại đội biệt động của Toàn (Bố của Hà) được trực thăng thả xuống đỉnh đồi vào buổi trưa. Chưa kịp đào xong công sự thì mới chập tối đại đội biệt động bị quân giải phóng tiến đánh. Toàn, anh lính trẻ lần đầu ra trận, một sinh viên văn khoa bị bắt lính ngay trên đường phố Sài Gòn, co dúm người lại, đạn pháo Việt cộng trùm kín đỉnh đồi. Một quả pháo nổ gần hất toàn ngã dúi vào một góc công sự. Đến lúc Toàn hoàn hồn ngẩng đầu lên thì một họng súng AK đen ngòm đang chĩa vào giữa mặt. Nhìn người lính đang chĩa súng vào mình Toàn biết, anh ta sắp bóp cò. Người Toàn nhũn ra, anh nhắm mắt đợi một tiếng nổ. Đột nhiên có tiếng quát.
- Không được bắn!
Toàn mở mắt. Một bóng đen từ phía dưới băng lên gạt mạnh người lính sang một bên. Một tiếng nổ chát chúa. Viên đạn sượt qua má Toàn bỏng rát.
- Báo cáo đại đội trưởng có mỗi một tên này để làm gì cho vướng
Bóng đen vừa cứu Toàn khoát tay.
- Đưa tên này đi. Tất cả rút ngay pháo địch sắp bắn vào đây bây giờ.
Đúng như lời người vừa cứu Toàn nói. Đoàn người vừa rút ra được vài trăm thước thì đạn pháo từ Playku đã tới tấp nã vào trận địa. Người đại đội trưởng hét to trong tiếng pháo gầm.
- Tản ra ! Chạy nhanh lên! Pháo địch sắp chuyển làn đấy. – Hét xong anh ta túm cổ áo Toàn quát lớn. – Còn mày cố mà chạy nhanh cho kịp nếu không tao có muốn cứu mày một lần nữa cũng không cứu được đâu. Hiểu chưa?
Toàn líu ríu gật đầu. Pháo bắt đầu chuyển làn rơi trúng vào đội hình hành quân. Người đại đội trưởng hét to.
- Nằm xuống! tản ra.
Nằm giữa bãi pháo bầy, nghe tiếng hú của những quả đạn pháo ngay trên đầu quả thật là kinh sợ. Không giữ nổi, Toàn vùng bỏ chạy. Người đại đội trưởng lao theo quật một báng súng như trời giáng vào lưng Toàn khiến anh ngã dúi về phía trước.
- Đồ ngu! muốn chết à? – Quát xong,nhìn vào đôi mắt đã dại đi vì sợ hãi của Toàn, anh ta nhổ một bãi nước bọt. – Lính với chả tráng, đánh trận lần đầu hả?
- Vâng, vâng
Toàn líu ríu
- Nghe đây, mày có nhìn thấy gốc cây cụt kia không? – vừa nói người lính Việt cộng vừa chỉ về phía trước. Toàn gật đầu. – Lúc nào tao hô chạy thì cố mà chạy thật nhanh về đấy và nằm im ở đấy. Rõ chưa?
Toàn gật đầu. Một lúc sau pháo ngớt, người lính Việt cộng hô “ Chạy”. Toàn vọt lên, lăn vào gốc cây. Ngoái đầu nhìn lại, Toàn thấy người lính Việt cộng thu chân phải lại, cả người anh ta chồm lên phía trước. Đúng lúc đó, một quả đạn pháo nổ phía sau lưng anh ta, hất khẩu AK bay đến chỗ Toàn đang nằm. Hoảng sợ đến mức mất hết ý thức, Toàn vớ lấy khẩu súng, xả cả một băng đạn về phía người lính Việt cộng rồi cắm cổ bỏ chạy giữa những tiếng hú điên loạn và tiếng nổ long trời của một trận pháo bầy.
*
* *
Hà ngừng kể nhìn mọi người đang im lặng ngồi quanh cô. Giọng cô nghẹn lại.
- Bác ơi! – Cô nói với mẹ Thành. – Đúng là ba con đã có lỗi với bác và gia đình nhưng con mong mọi người hiểu cho ba con, Không phải là ba con độc ác, bất nhân đâu mà đó là vì ba con sợ hãi quá mà hành động một cách vô thức. Sau này, cho đến tận lúc ba con mất, ổng luôn luôn bị giày vò vì điều đó.
-Thôi mà con, bác không trách ba con đâu. – Mẹ Thành nói nhẹ, bà đưa cho cô gái chiếc khăn tay. – Lau nước mắt đi con, chuyện xảy ra đã quá lâu rồi nhắc lại cũng chẳng để làm gì. Con về đây với bác là bác đã vui rồi. Mà sao con lại biết gia đình bác mà đến?
- Chính ba con cũng không hiểu vì sao mà ổng lại sống sót trong lúc cắm cổ chạy như thế. Đến lúc mọi việc đã yên trở lại, ba con quay lại lối cũ thì thấy bác trai đã chết. Không thể làm gì khác được.
Ba con liền tháo lấy túi gùi bác trai đeo trên người và chôn ông bên cạnh dòng suối bên một tảng đá rất to. Ổng nói với con: Để cho khỏi quên ổng đã nhét vào hai túi áo ngực của bác trai hai vỏ đạn AK và bắn vào tảng đá cạnh mộ bác trai năm phát đạn.Chính nhờ túi gùi lấy được của bác trai mà ba con mới biết địa chỉ gia đình bác. Ba con đã giữ túi gùi mấy chục năm nay. Trước khi mất, Ổng có dặn con phải bằng mọi cách mang những di vật của bác trai giao lại cho gia đình và nói lại với bác mộ của bác trai để gia đình tìm kiếm.
Nói xong, Hà mở túi xách du lịch lấy ra một chiếc gùi may bằng vải dù hai tay đưa cho mẹ Thành. Trong túi gùi là một bộ quần áo bộ đội đã bạc mầu vì mưa nắng và năm tháng, một cuốn nhật kí và một tấm ảnh khổ nhỏ giống hệt bức ảnh đặt trên ban thờ. Gia tài của một người cả đời trận mạc chỉ có vậy. Mẹ Thành đỡ lấy túi gùi, ôm nó vào ngực, hai dòng nước mắt từ từ lăn trên đôi má nhăn nheo.
*
* *
Khuya lắm rồi, Hà trằn trọc không sao ngủ được . Cô ngồi dậy, không bật đèn ngồi im lặng trong phòng .Mọi việc xảy ra không như cô dự đoán. Cô đã chuẩn bị tinh thần để nghe những tiếng chửi rủa, để nhìn thấy những cặp mắt phẫn nộ, oán hờn. Thậm chí cô đã đặt ra cả những tình huống xấu nhất: Cô bị đánh đập, trả thù. Cô đã tự đặt mình vào hoàn cảnh của gia đình Thành và cô hiểu: Không có gì có thể bào chữa cho ba mình. Giá mà mọi việc xảy ra như cô dự đoán thì tốt biết bao. Cô thầm nghĩ. Cô sẽ thấy nhẹ lòng, sẽ thấy mình được thanh thản. Sự việc không xảy ra như vậy. Không một lời chửi rủa, không một ánh mắt thù hận, chỉ có những giọt nước mắt. Điều đó làm tâm hồn cô trĩu nặng. Cô có cảm giác thêm một lần nữa mình mắc nợ gia đình này.
Không thể ngủ được, cô mở cửa bước ra ngoài sân. Giật mình, cô thấy Thành đang ngồi bên bờ ao nhìn xuống vườn chè. Điếu thuốc trên môi anh rực đỏ. Cô gái bước lại phía anh. Không quay lại, Thành hỏi.
- Chị cũng không ngủ được à?
- Em không ngủ được
Cô ngồi xuống bên cạnh Thành. Cả hai đều im lặng. Đêm yên tĩnh, tiếng côn trùng rả rích càng làm cho đêm trở nên sâu thẳm. Cô gái cắn môi. Cô không thể chịu đựng nổi sự im lặng nặng nề này.
- Sao anh lại cứ im lặng thế? Thà anh cứ mắng chửi em, hay tát cho em mấy cái em còn thấy dễ chịu hơn phải nhìn thấy anh im lặng như thế này. – Đột nhiên cô túm chặt lấy vai Thành lắc mạnh. – Anh! Anh đánh em đi, anh mắng chửi em đi. Em xin anh!
Giọng cô tắc nghẹn. Dưới ánh trăng Thành nhìn thấy mắt cô ướt đẫm
- Em đã đọc Dubopsky của Puskin chưa? – Thành hỏi, rồi không đợi cô gái trả lời anh nói tiếp. – Tâm trạng của anh bây giờ cũng giống như của Dubopsky ấy. Khi anh ta nâng khẩu súng lên nhằm vào kẻ thù của mình thì người con gái của kẻ thù xuất hiện và anh ta đã không thể bóp cò. Còn anh, anh không còn kẻ thù để nhằm vào. Anh biết bắn vào đâu đây? Vào em chăng? – Thành rít một hơi thuốc dài rồi ném mẩu thuốc xuống đất lấy mũi giày di cho nó tắt ngấm. – Ngọn lửa thù hận đã đến lúc phải tắt rồi em ạ. Anh tự hỏi “Lấy gì đây để lấp đi cái vực sâu thù hận giữa hai đứa chúng mình?”
Anh lấy tay nhẹ nâng mặt Hà lên, nhìn vào mắt cô. Hà ôm lấy anh thì thầm.
-Tình yêu! Chúng ta hãy lấy tình yêu để lấp đi cái vực sâu thù hận ấy
Trăng trong quá. Đêm yên tĩnh quá và tình yêu đẹp quá.
Hà Nội 6-1 -2009

Không có nhận xét nào: