Nguyễn Bảo Sinh
23/03/2024
“Đêm qua anh đi chơi về
Hương tình men rượu bay đi ít nhiều
Vợ con chẳng nói một điều
Chỉ con chó mực vẫy liều cái đuôi”
“Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ”
Ngày xưa ta nuôi chó chỉ để trông nhà, làm thịt và dọn phân cho trẻ con. Chó rất ít khi được ăn cơm chứ đừng nói đến ăn thịt, cá như bây giờ. Chó được ăn vã cơm đó là một đại tiệc lớn. Thời Pháp thuộc cấm chó chạy rông ra đường, ai vi phạm sẽ bị phạt.
“Hà Nam danh giá nhất ông Cò
Trông thấy ai ai chẳng dám ho
Hai mái trống tung đành chịu dột
Tám giờ chuông đánh phải nằm co
Người quên mất thẻ âu trời cói
Chó chạy ra đường có chủ lo
Vớ vẩn đi xia may bắt được
Phen này chắc hẳn kiếm ăn to”
(Thơ Tú Xương)
Trong truyện Vũ Trọng Phụng, hai cảnh sát “Minoong”, “Min-đơ” đi suốt Hà Nội cũng chỉ tìm cách phạt được mấy chủ thả chó chạy ra đường. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, người nuôi chó Béc giê đầu tiên ở Hà Nội là ông Đỉnh làm nghề thầu khoán, giầu lắm, nhà ở đầu phố Hàng Chiếu. Ông nuôi chó tại nhà, đầu phố Thanh Hà, sát cổng Ô Quan Chưởng. Thời đó, mỗi lần ông Đỉnh cho chó phối giống là cả phố đến xem đông nghịt. Thuở ấy, nuôi chó Béc giê là biểu hiện của gia đình quý tộc. Mua chó Béc giê phải đặt từ bên Pháp. Khách mua gửi cho chủ bán một chiếc khăn mùi xoa đã dùng quen. Sau đó chủ chó xuống Hải Phòng đón chó.
Chó đánh hơi chiếc khăn mùi xoa, rồi chạy xuống đám đông đánh hơi, tìm đúng chủ mua và ngồi ngay dưới chân. Thế là đã hoàn thành hợp đồng mua bán. Thời ấy chó Béc giê toàn nuôi bằng thịt bò sống tốn kém lắm. Chủ chó cũng oách lắm:
“Tường ông trồng toàn những chai
Vườn ông thả đầy những chó”