Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Chủ nghĩa dân tộc trên biển

Tác giả: Rory Medcalf, Raoul Heinrichs và Justin Jones

    Một số hành vi xác quyết của Trung Quốc trên biển có thể nhằm thể hiện năng lực hải quân, nhằm củng cố vai trò của giới lãnh đạo và quân đội nước này như người bảo vệ chủ quyền quốc gia.

 Phần 1: Sự cố, đối đầu và khủng hoảng trên biển ở châu Á

Ngoài các đòi hỏi về chiến lược và mức độ sẵn sàng hoạt động, sự lớn mạnh của các lực lượng hải quân trong khu vực, cũng như việc sử dụng các lực lượng này với mục đích khẳng định lợi ích quốc gia, đã cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của chủ nghĩa dân tộc trong chính sách và quan điểm quốc phòng. Điều này đúng với Trung Quốc.

Chủ nghĩa dân tộc vẫn là một trụ cột chính tạo ra tính hợp pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này bắt đầu thể hiện trong sự nổi lên của cấu trúc lực lượng PLA-N: niềm tự hào dân tộc có thể được coi là một lý do chính khiến Trung Quốc quyết định mua một tàu sân bay. Chủ nghĩa dân tộc hải quân của Trung Quốc vì vậy có thể được xem là một "chiến lược uy tín": đảng Cộng sản tìm cách tăng cường vai trò của mình ở trong nước thông qua thái độ về an ninh bên ngoài.


Chủ nghĩa dân tộc cũng ảnh hưởng đến cách sử dụng lực lượng hải quân. Một số hành vi xác quyết của Trung Quốc trên biển có thể nhằm thể hiện năng lực hải quân, nhằm củng cố vai trò của giới lãnh đạo và quân đội nước này như người bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Các sức ép và sự mập mờ về thể chế
Các vụ đối đầu trên biển cũng có thể được dùng để ảnh hưởng tới các cuộc tranh luận về chính sách bên trong Trung Quốc, trong đó có các cuộc tranh luận trong nội bộ PLA. Dường như các quan chức quân đội ngày càng độc lập trong hành động và lời nói, và có thể một số quan chức còn sử dụng các sự cố biển để mong có lợi thế về vị trí và nghề nghiệp, trong khi nhiều quan chức khác có thể lo ngại về các nguy cơ đi kèm.
   Cũng có thể các hành vi quân sự xác quyết xuất phát từ các tác nhân và lợi ích đặc biệt trong hệ thống Trung Quốc nhằm xây dựng tiền tệ và "chuyện đã rồi" ảnh hưởng tới chính sách quốc gia theo hướng giảm trợ giúp các lợi ích nước ngoài. Đây là một cách giải thích có thể chấp nhận cho việc công khai thử nghiệm các loại vũ khí mới vào những thời điểm nhạy cảm về chính trị - ví dụ vụ chạy thử máy bay chiến đầu tàng hình J-20 đúng lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đang ở thăm Bắc Kinh tháng 1/2011, hay vụ thử một tên lửa chống vệ tinh năm 2007.
   Một logic tương tự có thể đúng với một số vụ đối đầu trên biển. Điều dường như là những khiêu khích mang tính dân tộc có tính toán này có thể một phần là kết quả của "các quan chức hành xử xấu", của các cơ quan không phối hợp, dù công khai hay không. Phần lớn vì sự mập mờ trong chính sách quốc phòng của Trung Quốc, những quan chức quân sự và nhà hoạch định chính sách muốn tìm cách hiểu và đáp lại các sự cố biển do Trung Quốc gây ra đã phải đối mặt với những vấn đề khó khăn khi tìm nguyên nhân khiến các sự kiện này xảy ra. Có ít nhất 5 cách giải thích cho mỗi trường hợp.
   Liệu có sự xúi giục từ các cấp lãnh đạo chính trị cao hơn ở Bắc Kinh? Đây là xu hướng của các quan chức quân sự cấp cao của PLA, hành động mà không bị trừng phạt dân sự và không có định hướng? Hay nó phản ánh sự ảnh hưởng trong các cuộc tranh luận về học thuyết của PLA, hoặc có thể là các cuộc tranh giành để được thăng cấp? Đây là một quyết định của một tư lệnh đơn vị PLA địa phương hay là hành động tự phát của một quan chức hải quân liều lĩnh và khinh suất? Hoặc đây là một cách để đánh lạc hướng thông tin hoặc gây tai nạn?
Ảnh minh họa: news.gov.sg

Hầu hết mọi câu trả lời đều dẫn tới những hàm ý khiến người ta bối rối. Nếu Bắc Kinh cho phép hoặc ra lệnh cho các tư lệnh hải quân của mình tiến hành các hành động đối đầu, điều này có thể khẳng định suy nghĩ về sự xác quyết của Bắc Kinh, mà một số chuyên gia phân tích coi là âm mưu nhằm đẩy lùi vai trò bá chủ của Mỹ ở Đông Á, và có thể cố gắng tìm cách thay thế Mỹ bằng một dạng bá chủ của Trung Quốc.
    Nếu giải thích rằng PLA không chú ý tới chính sách dân sự, thì các sự cố biển cho thấy một vấn đề sâu sắc trong quan hệ giữa quân sự và dân sự ở Trung Quốc. Nếu đây là một trường hợp một cá nhân liều lĩnh và chưa được phép, điều này cho thấy trình trạng thiếu nguyên tắc hoặc năng lực quản lý kém đến mức nghiêm trọng trong lực lượng hải quân Trung Quốc. Và nếu một sự cố thực sự là vô tình, thì đồng nghĩa với năng lực kém ở các cấp - thêm một dấu hiệu cho thấy trục trặc. Thực tế có thể là sự pha trộn của tất cả những điều nói ở trên.

Tranh chấp lãnh thổ
Trong bối cảnh lộn xộn của những tuyên bố đòi chủ quyền chồng lấn ở biển Đông, các tranh chấp của Trung Quốc với Việt Nam và Philippines đã xảy ra. Điều khiến các bất đồng này khiến đôi bên bực tức và dẫn tới các sự cố trên biển không chỉ là số nước đòi chủ quyền và sự phức tạp của các yêu sách chồng lấn, mà còn là sự đan xen của những vấn đề kinh tế, địa chiến lược và biểu tượng dân tộc.
    Các đảo tranh chấp trên biển Đông - hay nói đúng hơn là các vùng nước xung quanh các đảo này - trong nhiều trường hợp được cho là nơi có nhiều trầm tích hydrocarbon cũng như có nhiều cá. Về địa lý, chúng nằm ở nơi giao nhau của các hải trình quan trọng, nối Đông Á tới Trung Đông và châu Âu, qua Ấn Độ Dương, và ở gần các "điểm tắc" như Eo biển Malacca, nơi mà Trung Quốc lo ngại có thể bị sử dụng để chặn các nguồn cung năng lượng của mình.
   Điều quan trọng là các tranh chấp này lại gắn với những vấn đề nhạy cảm về chủ nghĩa dân tộc và bản sắc. Trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, các bất đồng này dẫn tới căng thẳng thường xuyên và đôi khi dẫn tới đụng độ vũ trang. Tuy nhiên từ cuối những năm 1990, biển Đông dường như nhường chỗ cho các tính toán chiến lược khu vực, khi Trung Quốc hoãn các yêu sách của mình nhằm làm dịu các lo ngại của Đông Nam Á. Nhưng trong khi Trung Quốc và ASEAN ký một tuyên bố không ràng buộc năm 2002 về cách ứng xử trên biển Đông, mọi chuyện lại ít tiến triển hướng tới mục tiêu lập một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả.
   Dù cuối năm 2010, Trung Quốc nói rằng họ đang nỗ lực về việc này, nhưng các sự cố mới trên biển vẫn xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines, cũng như giữa Trung Quốc với Việt Nam. Biển Đông lại nổi lên thành một điểm nóng về an ninh khu vực, lôi kéo Mỹ và có thể cả các cổ đông khác, cách xa hơn về địa lý như Australia. Năm 2010, báo chí đưa tin các quan chức cấp cao Trung Quốc coi biển Đông là một "lợi ích cốt lõi" - giống như Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, và Bắc Kinh có thể sử dụng vũ lực để bảo vệ. Các bài báo trên đã gây tranh cãi và làm dấy lên bất đồng nội bộ Trung Quốc về việc cần thúc đẩy vấn đề biển Đông tới mức nào - hay có thể quan điểm của Bắc Kinh cần giảm bớt trước tình đoàn kết và sự giận dữ của nhiều nước khác.
    Sau cùng, Mỹ đã trả lời quyết liệt, bằng việc khẳng định các lợi ích không thể chuyển nhượng của mình. Họ đã sử dụng Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Hà Nội để khẳng định lại cam kết "tự do hàng hải, tự do tiếp cận các vùng biển chung ở châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế tại biển Đông". Cuộc tranh cãi về "lợi ích cốt lõi" giữa năm 2010 cũng tạo điều kiện cho cam kết an ninh mật thiết giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như các nỗ lực của Mỹ nhằm biến biển Đông thành một chủ đề thảo luận trên các diễn đàn đa phương.
   Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Nhật Bản trên biển Hoa Đông cũng có nhiều đặc điểm tương tự - về biểu tượng, kinh tế và địa chiến lược - cộng thêm "gia vị" là sự mất lòng tin lẫn nhau và đối kháng trong lịch sử giữa Bắc Kinh và Tokyo, bắt đầu từ cuộc chiến tranh Trung - Nhật năm 1894-1895. Ngày nay, biển Đông là một khu vực biển có tầm quan trọng ngày càng lớn đối với cả Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Mỗi bên đều đang đầu tư cho các năng lực quân sự của mình.
    Đáy biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) được cho là giàu trầm tích hydrocarbon, và hơn nữa lại nằm ở vị trí giữa hai quốc gia đều đang đói năng lượng. Nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận hiệu lực về khai thác tài nguyên chung vẫn không đi tới đâu.
    Thay vào đó, biển Hoa Đông trở thành nơi thường xuyên xảy ra các sự cố giữa các đơn vị hải quân và tàu dân sự của Trung Quốc và Nhật Bản. Tháng 7/2004, một tàu hải quân Trung Quốc hoạt động ở cự ly quá gần một tàu thăm thăm dò của Nhật Bản trong khu vực này. Một năm sau đó, các tàu chiến Trung Quốc được phát hiện ở rất gần một mỏ khí đốt đang tranh chấp, trong đó một tàu được cho là đã chĩa súng vào một máy bay do thám của Nhật. Và nhiều trong số các sự cố giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào năm 2010 và 2011 như kể trên cũng có ý nghĩa về mặt an ninh tài nguyên và lãnh thổ.
    Khả năng đối đầu dẫn tới xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông là rõ ràng. Điều này sẽ có tác động trực tiếp đến uy tín của Mỹ trong vai trò là một đồng minh của Nhật. Trong 12 tháng qua, Washington và Tokyo dường như đã nhất trí rằng theo hiệp định an ninh Mỹ - Nhật, Mỹ sẽ trợ giúp Nhật Bản trong những tình huống như một cuộc xung đột. Nếu Washington làm như vậy tức là sẽ xung đột trực tiếp với Trung Quốc, gây ra nguy cơ một cuộc chiến tranh trên diện rộng và kéo dài giữa hai cường quốc. Nhưng nếu Washington rút lui, thì uy tín của họ trong vai trò đồng minh sẽ bị hủy hoại, không chỉ ở Nhật mà trên toàn cầu.

Nguy cơ gia tăng, nguy hiểm càng lớn
   Trong chiến tranh Lạnh, việc rốt cuộc nhận ra những nguy hiểm của hành động khiêu khích quân sự không giới hạn trên biển đã khiến Mỹ và Liên Xô nhận ra rằng các nguy cơ đều vượt quá bất kỳ lợi ích chiến lược hay chính trị nào. Vì vậy, họ đã tiến những bước lịch sử - đáng kể là đạt thỏa thuận giải quyết các sự cố trên biển (INCSEA) năm 1972 - hướng tới đặt giới hạn nghiêm ngặt về số lượng và mức độ nghiêm trọng của các vụ đối đầu như vậy.
   Hiện tại, chưa có cuộc gặp nào tương tự giữa Trung Quốc và các nước khác tại Ấn Độ - châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc liên tục nảy sinh sự cố trên biển giữa Trung Quốc và các lực lượng khác có nguy cơ dẫn tới những hậu quả nghiệm trong. Đằng sau nguy hiểm đối với các cá thể, ít nhất có thể xảy ra 4 loại tác động nghiêm trọng tới an ninh:
   - Căng thẳng ngoại giao và tiềm ẩn một cuộc xung đột lan rộng, như đã xảy ra sau sự cố EP-3 năm 2001 và sự cố Senkaku/Điếu Ngư năm 2010: các sự cố này có thể dẫn tới các leo thang phi quân sự, nhưng mang tính hủy hoại, như các trừng phạt kinh tế hay ngừng đối thoại.
   - Tích tụ sự mất uy tín chiến lược: mỗi sự cố, nhất là trong trường hợp dẫn tới khủng hoảng ngoại giao hoặc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, có thể khiến các sự cố xảy ra sau đó khó xử lý hơn hoặc giải quyết một cách hòa bình, và có thể thêm vào những khó khăn lớn hơn trong việc xoa dịu các cảm giác bị đe dọa.
   - Xung đột vũ trang cục bộ: việc sử dụng vũ lực của một trong hai hoặc cả hai bên trong sự cố có thể dẫn tới căng thẳng ngoại giao lớn và có thể gây ra đối đầu hoặc xung đột lan rộng hơn.
   - Leo thang xung đột: điều này có thể dẫn tới việc tăng quân cho đơn vị ban đầu tham gia đối đầu, hoặc các lực lượng đồng minh hoặc của một nước thứ ba.
   Các cuộc tấn công trả đũa hoặc đe dọa tấn công trả đũa có thể nhằm vào bất cứ mục tiêu nào, có thể khiến một sự cố - dù ở một nơi xa xôi - trở thành chất xúc tác cho một cuộc chiến trên diện rộng. Trong hầu hết các trường hợp, các lãnh đạo chính trị có nhiều cơ hội để ngăn chặn giao tranh ngay từ đầu. Tuy nhiên, phần nhiều còn tùy thuộc vào việc sự cố mang tính khiêu khích đó có xảy ra trong bối cảnh của một cuộc xung đột trước đó hay không.
   Có thể là gượng gạo khi cho rằng đối đầu hay xung đột lớn giữa các cường quốc chính trong châu Á thế kỷ 21 có thể xuất phát từ một sự cố nhỏ trên biển. Bởi sau tất cả, khu vực này đang thịnh vượng và độc lập về kinh tế. Tất cả các nước lớn đều có lợi ích trong hòa bình và ổn định, và sự tồn tại của vũ khí hạt nhân sẽ giảm khả năng xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc. Tuy nhiên, dù khả năng leo thang thành chiến tranh không nhiều nhưng tác động quốc tế của nó sẽ là thảm họa. Nếu có những biện pháp giảm được nguy cơ này, thì cũng đáng để thử áp dụng...

Còn tiếp

Châu Giang theo Lowy Institute







Không có nhận xét nào: