Lại nói về nhóm học giả TQ gồm toàn những giáo sư, tiến sỹ rầm rộ xuất quân viết loạt bài Câu chuyện "không thể không nói" giữa Trung Quốc và Việt Nam với nội dung từ đầu đến cuối hàm ý rằng Việt Nam phải biết ơn TQ. Ấy là do từ thời tiền sử mông muội người Việt cũng do người Hoa sinh ra, qua ngàn năm Bắc thuộc nhờ vào sự khai hóa và dạy dỗ của các quan thái thú TQ mà người Việt mới trở nên văn minh, mới có ngôn ngữ và chữ viết, mới có phong tục tập quán và lễ nghi, rồi qua thời hiện đại nhờ vào sự giúp đỡ của TQ mà VN mới đánh thắng được hai đế quốc xâm lược là Pháp và Mỹ. Thế mà bây giờ VN lại còn tranh giành hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc của TQ, rồi nhân dân VN đi biểu tình nói xấu TQ là "gã láng giềng to xác xấu bụng" là không còn đạo lý gì cả, là phủi sạch ơn của TQ.
Nhưng thực sự thì ta có cần mang ơn TQ không nhỉ?
Có cần mang ơn TQ vì những giúp đỡ hay không?
Không ai phủ nhận những giúp đỡ của nhà cầm quyền Trung Hoa cộng sản với các đồng chí của mình. Từ năm 1949 đến nay, TQ đã làm nghĩa vụ quốc tế vô sản với ít nhất ba nước trong khối. Đó là Bắc Triều Tiên, Khơ Me Đỏ và Việt Nam.
Nhờ vào sự giúp đỡ to lớn đó mà đảng Cộng sản Triều Tiên chiếm được nửa bán đảo Triều Tiên và tồn tại đến bây giờ, Khơ Me Đỏ của Pôn Pốt chiếm được Kampuchia rồi tấn công "cáp duồn" Việt Nam được một vài lần trước khi giãy chết, và Việt Nam đánh thắng được Pháp rồi Mỹ để đưa cả nước tiến lên CNXH.
Nhưng có cần thiết mang ơn TQ về những giúp đỡ đó hay không?
Có lẽ nên xét riêng từng trường hợp cụ thể. Trước hết là với Bắc Triều Tiên và phải xét trên hai khía cạnh: nhà cầm quyền và nhân dân. Dĩ nhiên là nhà cầm quyền độc tài cộng sản gia đình trị BắcTriều Tiên phải đời đời mang ơn TQ. Không có xương máu của hàng vạn chí nguyện quân TQ đổ xuống và không có sự chống lưng của TQ đến tận bây giờ thì “triều đại nhà Kim” không thể lên nắm được chính quyền và tồn tại đến ngày hôm nay để truyền tới đời thứ ba.
Nhưng liệu nhân dân Bắc Triều Tiên có biết ơn TQ không nhỉ? Câu trả lời đã có ngay qua thực trạng tồi tệ về mọi mặt mà nhân dân Bắc Triều Tiên đang rên xiết chịu đựng hơn nữa thế kỷ qua. May mà họ đang bị bịt mắt bịt tai để không nghe và thấy cảnh sống xa hoa sung túc của những người đồng bào bên kia vĩ tuyến vốn không được hưởng ơn mưa móc của TQ.
Với chế độ CS Pôn Pốt thì sao? Cũng vậy, đến xuống mồ rồi họ vẫn vô cùng mang ơn TQ. Nhưng liệu nhân dân Khơ Me biết ơn hay phải căm phẫn đến tận xương tủy khi mà vì sự giúp đỡ đó mà hàng triệu thân nhân của họ phải phơi thây trên những cánh đồng tập thể theo kiểu Đại Trại, hàng vạn người khác phải chết thảm trong ngục tù Tung Sleng.
Bây giờ xét đến Việt Nam. Cũng xét trên hai khía cạnh, nhà cầm quyền và nhân dân. Không thể chối cãi trước những lập luận vững như bàn thạch của các học giả TQ là không có sự giúp đỡ của TQ thì nhà cầm quyền Việt Nam khó thể thắng Pháp để giành được nữa nước vào năm 54 và khó thể thắng Mỹ để giành được nửa nước còn lại vào năm 75. Nhà cầm quyền Việt Nam không thể nào không mang ơn TQ đến đời đời… nếu như:
- Đến gần giai đoạn cuối của cuộc chiến Đông Dương, TQ không nhảy vào phỗng tay trên quyền chi phối lực lượng Khơ Me Đỏ rồi sau đó xúi giục đám này tấn công vào sau lưng Việt Nam.
- Đến năm 1972, TQ không đi đêm thỏa hiệp với Mỹ trên lưng Việt Nam và đến năm 1974 không thừa nước đục nhảy vào chiếm lấy Hoàng Sa.
- Không có cuộc chiến tranh thảm khốc nổ ra vào năm 1979. Năm đó vì muốn làm vừa lòng Mỹ để xin xỏ tiền vốn và công nghệ của Mỹ, muốn trả thù cho đám đàn em khát máu Pôn Pốt nên TQ đã xua hàng vạn quân qua biên giới dạy cho Việt Nam một bài học bằng máu, máu của quân đội và nhân dân vô tội VN và máu của hàng vạn thanh niên TQ đổ lai láng thành sông.
- Năm 1988, TQ không cho tàu chiến tràn vào đảo Gạc Ma, nã đại bác giết chết 64 chiến sỹ công binh VN trong lúc họ hoàn toàn không có một phản ứng gì. Máu lại loang đỏ Biển Đông.
Máu thành sông, thành biển ấy đã rửa sạch ơn nghĩa của TQ trước đây đối với nhà cầm quyền VN. Điều đó đã được ông Lê Duẩn, người đứng đầu cao nhất của nhà cầm quyền VN trước đây khẳng định. Không những vậy ông còn xác định TQ là kẻ thù số một của VN. Như vậy từ ân đã chuyển thành oán rồi nên chẳng còn gì để nói với nhau nữa.
Sau này do tình thế thay đổi, nhà cầm quyền VN buộc phải quay lại bang giao với TQ thì cũng bang giao trên cơ sở bình đẳng giữa hai nước láng giềng chứ không phải trên cơ sở ơn nghĩa, trên - dưới với nhau như xưa kia. Do vậy các học giả TQ đừng kể chuyện ơn nghĩa ra đây nghe rất chối tai và nhà cầm quyền VN đương đại không hà cớ gì phải quỵ lụy trước nhà cầm quyền TQ vì những chuyện ơn nghĩa mà máu đã rữa sạch hết rồi.
Còn đối với nhân dân Việt Nam thì sao? Nhân dân VN không hề bạc nghĩa vô ơn, nhưng nhân dân VN vẫn có sẵn một câu trả lời chắc nịch. Dĩ nhiên là phải trừ ra vài thằng phản động đã lỡ nhận tiền của bọn người “lạ” nước ngoài và đang bị chúng đứng đàng sau giật dây xúi giục nên có thể có ý ngược lại.
Còn chuyện Hoàng Sa và Trường Sa? Hai quần đảo đó thuộc chủ quyền Việt Nam là chân lý bất di bất dịch không phải bàn cãi nữa. TQ dùng sức mạnh và đục nước béo cò tạm thời cướp đi một nửa. Nhân dân Việt Nam sẽ quyết lấy lại bằng mọi cách. Ngày hôm nay chưa được thì ngày hôm sau.
Còn chuyện công hàm của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Lúc VN đang quẫn bách vì đánh lại một siêu cường số một thế giới, người đồng chí lớn TQ đứng đằng sau hô hào vì lý tưởng XHCN, vì nghĩa vụ quốc tế vô sản, hãy đánh mạnh đi anh giúp cho, nhưng một tay đưa ra giúp đồng thời với một tay còn lại chìa ra tờ giấy bảo ký đi. Hành vi ấy đê tiện y hệt như một anh nhà giàu làm bộ ra tay nghĩa hiệp với một chị hàng xóm nghèo khổ đang quẫn bách vì hết tiền mua cháo cho con, một tay đưa tiền ra đồng thời với tay kia mò vào chỗ kín của người phụ nữ rồi ra hô hoán lên chị ấy đã dâng hiến phẫm tiết cho y. Các học giả TQ hãy dùng hết sở học mà biện minh hành vi đó là không đê tiện đi thì mới nói đến chuyện VN đã công nhận cái gì gì đó ngày xưa.
H.N.C.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét