Lời Nói Đầu
Tác giả không hề có tham vọng và can đảm phê bình những đám biểu tình của SV hay của các đoàn thể (1) mà chỉ đứng trên cương vị một sinh viên YK làm một bài "quan sát" như những bài "quan sát bệnh lý" chúng ta vẫn làm tại Bệnh Viện, có khác chăng là ở đây đối tượng không phải là bệnh nhân mà lại là "đám đông".
Đám đông |
Một hiện tượng làm sửng sốt...
Trước và sau ngày lịch sử 1-11-1963 và mới đây nữa, sinh viên chúng ta không ít thì nhiều đã tham dự vào các cuộc biểu tình, hội họp và chúng ta đã ngạc nhiên khi thấy nhiều người, lúc trước thì hiền lành và nhu mì bao nhiêu thì bây giờ hăng say và xô bồ bấy nhiêu.
Họ đả đảo.
Họ hoan hô.
Họ đập phá.
Điều ngạc nhiên hơn nữa là khi nghĩ lại, chính chúng ta cũng đã hành động như họ. Động lực nào đã thúc đẩy chúng ta vào một tình trạng như vậy ?
Lòng khao khát tự do ?
Lòng căm thù độc tài ?
Là những người biết quan sát và có óc phán đoán, chúng ta không ưa những câu trả lời dễ dãi và chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu vấn đề để cố tìm ra một câu trả lời thoả đáng.
Đám Đông.
Trước hết chúng ta hãy đặt câu hỏi: là cái gì ? Mà chúng ta đề cập trong bài này là những đám quần chúng vô tổ chức hoặc chỉ được tổ chức một cách đơn sơ, được tạo nên một cách nhanh chóng bởi sự tụ họp của một số người đồng có một quan hệ (intérêt) chung nhưng đều khác nhau về những tương quan bản tính (rapports essentiels). Mc Dougall gọi cái đám người này là"foule"
Những đặc tính.
Sau khi định nghĩa rồi chúng ta hãy thử khảo sát về đám đông mà những đặc tính được thể hiện rõ ràng nhất trong các cuộc biểu tình : Đó là một xung động, dễ xô đẩy, dễ nổi giận. Tùy theo từng trường hợp, cái mãnh lực lôi kéo, xúi dục mà noi theo có thể cao thượng, anh hùng hoặc tàn nhẫn hay hèn hạ, nhưng sức lôi kéo đó lúc nào cũng có tánh cấp bách, khẩn cấp đến nỗi ngay cái quan hệ tự tồn ( intérêt de la conservation) cũng phải xẹp đi để nhường chỗ cho sức mạnh đó ào qua.
Ngay khi đám đông đòi hỏi một điều gì một cách say sưa nó cũng không bao giờ đòi hỏi lâu dài kiên nhẫn, nó không chịu đựng được một kỳ hạn nào giữa sự đòi hỏi và sự thực hiện điều đòi hỏi đó. Tự cảm thấy có một sức mạnh vô địch, nó cho rằng nó có thể làm được tất cả mọi việc.
Nó dễ bị ảnh hưởng và cả tin môt cách kỳ lạ, nó hoàn toàn không biết phê phán và cái sự "hình như bất thực" (invraisemblable) không có chỗ đứng trong một đám đông. Tình cảm của nó thật giản dị và cuồng nhiệt, nhưng nghi ngờ, vô định, nó đều không hề biết đến. Nó đi ngay đến những tình trạng quá khích, một điều nghi ngờ biến ngay thành một sự thật hiển nhiên vô phương chối cãi, một sự ác cảm hé mở trở ngay thành một hận thù sâu đậm, đám đông bị chi phối một cách cực kỳ linh hiệu bởi sức mạnh ma quái của những khẩu hiệu được gào thét liên hồi, những hình ảnh loè loẹt quá quắt được phô trương một cách thô bạo.
Phong ba bão táp có thể xẩy ra cũng chỉ vì những lời nói và những hình ảnh đó. Nhưng đôi khi, lạ lùng thay, cũng vẫn những yếu tố đó lại có thể làm đảo lộn tình thế, làm lắng dịu hẳn những cơn bão táp dữ dội nhất.
Trong cuốn"La Psychologie de la foule"của Gustave le Bon người ta đọc được "lý trí và những chứng cớ này khác không làm sao chống cự được với những khẩu hiệu. Chỉ cần hô lên tức thì các bộ mặt dữ tợn trở nên cung kính, các vừng trán cúi xuống ra điều cảm phục"
Mc Dougall trong cuốn "The group mind"cũng đã viết về đám đông nguyên văn như sau: "Thường thường thì đám đông hiếu động, say mê, hay đổi ý, mâu thuẫn, mập mờ, nhưng cùng một lúc nó lại muốn hành động thực lẹ. Nó chỉ bị chi phối bởi những dục vọng thô bạo nhất, những tình cảm sơ sài nhất. Suy luận thì nông cạn, phán đoán thì hung bạo, nó chỉ chiụ chấp nhận những quyết định hoặc những chứng cớ thô sơ nhất và thiếu sót nhất. Dễ điều khiển và dễ xúc động, nó không hề có lương tâm và lòng tự trọng. Nó trút bỏ hoàn toàn tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng chịu để lôi kéo kéo đến những sự việc tai hại (?) theo chiều hướng của một sức mạnh tuyệt đối và vô trách nhiệm. Nó xử sự như một đứa trẻ mất dậy hay như một tên man rợ bị đặt trong một tình trạng bất thường. Trong những trường hợp nặng nhất, ta có thể ví nó như một bầy thú dữ hơn là một cuộc tụ hợp của loài người chúng ta"
Đứng trong một cái nhân trơ trọi phải gạt bỏ tiếng gọi của lương tâm và đành phải"cùng thét lên với bầy chó sói"(Mc Dougall).
Giống như Mc Dougall, Gustave le Bon cũng đã viết về những"đám đông cách mạng"(foule révolutionnaire ) với giọng tương tự, không nương tay chút nào
Những Cơ Chế Nào.
Sau khi đã trình bầy những đặc tính của chúng, ta hãy đặt câu hỏi xem những cơ chế nào (par quel mécanisme) đã thúc đẩy những con người bình thường như chúng ta trở nên những"con chó sói"?
Như chúng ta đã biết, khoa Tâm Lý Học về cá nhân cho đến nay đã là đề tài của rất nhiều công trình khảo cứu và các tâm lý học gia đã hiểu biết khá nhiều về những khuynh hướng, bản năng, động lực cũng như những ý định của cá nhân trong những hành động của nó cũng như những tương quan của nó với đồng loại.
Nhưng khi con người chúng ta được hay bị hòa mình vào một"đám đông xung động", một"đám đông cách mạng"thì như chúng ta đã thấy ở trên, con người chúng ta bỗng cảm xúc, suy nghĩ và hành động khác hẳnh những điều mà Tâm Lý Học đã dự tính.
Tại sao vậy ?
1) Theo Gustave le Bon thì :"Nguyên cái sự trạng của số đông cũng đủ làm cho cá nhân cảm thấy có một sức mạnh vô địch cho phép nó thả ra những bản năng mà đứng một mình nó tự bắt buộc kiềm chế"
Thật vậy, đám đông thường thường là vô danh (anonyme) cho nên vô trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm vẫn kiềm chế những cá nhân khi đứng riêng rẽ hoàn toàn biến mất ở đây.
Sigm Freud thì cho rằng một khi ở trong đám đông rồi thì cá nhân ở trong những điều kiện cho phép nó thả lỏng sự dồn ép các khuynh hướng vô thức của nó (tendances inconscientes). Những bộc lộ của cái vô thức (inconscience) kia - mà ở trong đó vẫn tiềm ẩn những mầm mống, của tất cả những cái gì xấu xa, đen tối trong vực thẳm tâm hồn con người. Theo Freud thì chẳng là gì khác hơn là những đặc tính mới mẻ của cá nhân con người khi bị chìm đắm trong cá nhân như ta đã thấy ở trên.
2) Nguyên nhân thứ hai mà Gustave le Bon nêu lên là sự truyền nhiễm tâm thần (contagion mentale).
Theo ông thì sự truyền nhiễm này rất dễ quan sát nhưng vẫn chưa được cắt nghĩa một cách rõ ràng. Trong đám đông, mọi cảm xúc, mọi hành vi đều truyền nhiễm đến nỗi cá nhân hy sinh một cách thật dễ dàng quyền lợi riêng cho quyền lợi chung - đặc tính trái với bản tính thông thường của nó. Về nguyên nhân thứ hai này, Mc Dougall trong bài :"A note on suggestion" đăng trong báo "Journal of Neulology and psychology" gọi là sự "cảm-ứng tâm lý trực tiếp" (induction directe des emotions) hiệu quả của cái mà ông gọi là "phản ứng giao cảm nguyên thủy" (reaction sympathique primitive)
3) Nguyên nhân thứ ba, được coi là quan trọng nhất, theo đa số tác giả, là sự "khuyến dụ" hay "khuyến dụ năng" suggestibilité.
Để hiểu rõ hiện tượng này, chúng ta phải nhớ rằng trong những cuộc thí nghiệm sinh lý học, người ta có thể làm cho một con vật thí nghiệm lâm vào một tình trạng làm nó mất hẳn bản ngã ý thức của nó (personnalité consciente) và xô đẩy nó vào những hành vi trái ngược với bản tính và thói quen thường ngày của nó.
Vậy mà những cuộc khảo sát của nhiều tác giả có vẻ chứng minh rằng con người một khi bị chìm đắm trong một đám đông xung động thì cũng bị đặt vào một tình trạng giống như tình trạng bị thôi miên, bản ngã ý thức cũng như ý chí đều tiêu tan, trong khi một vài quan năng (facultés) bị hủy diệt thì những quan năng khác được đem tới một độ cuồng nhiệt quá quắt ! Và bởi tại khuyến dụ lẫn nhau (réciproque), sự khuyến dụ vốn đồng đều cho mỗi cá nhân, nên những sự đòi hỏi của đám đông trở nên cấp bách và bất khả kiềm chế (irresistible). Còn về bản chất (nature) của sự khuyến dụ, Freud gán cho ý niệm libido. Theo ông thì đó chỉ là một biểu lộ mới của khuynh hướng nhục dục (tendances libidineuses)
Kết Luận.
Sau khi đã trình bầy đặc tính của đám đông, và những cơ chế phát triển những đặc tính đó, chúng ta hãy can đảm cho ra một kết luận. Tuy các tác giả danh tiếng đều viết về đám đông với một giọng văn đầy khinh bỉ và miệt thị, nhưng ai ai cũng đồng ý rằng, bởi ảnh hưởng của sự khuyến dụ, đám đông dám cam tâm, hết lòng hy sinh cho một lý tưởng một cách bất vụ lợi. Nhưng dù cái lý tưởng đó có cao thượng hay đê hèn, thì những đặc tính của một đám đông xung động vẫn là sự tiêu tan của bản ngã ý thức, sự trỗi dậy của bản ngã vô thức cùng sự hạ thấp của trí tuệ và con người trở về với những thú tính của thời tiền sử.
Ấy thế mà những đám đông này đã có thể một sớm một chiều thay đổi được giòng lịch sử. Sự kiện đó thật đáng làm cho sinh viên chúng ta suy nghĩ lắm thay.
BÙI THẾ HOÀNH
[trích Tình Thương Số 9, tháng 9-1964]
(1) Cũng vì vậy mà ở đây sự thiếu sót các ví-dụ cụ thể là một sự dễ hiểu. Ước mong quí độc giả tha thứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét