Bộ không nắm, địa phương không hay nên sắp tới sẽ đi kiểm tra. Lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam chủ yếu làm các công việc đơn giản, mức thu nhập như lao động Việt Nam.
“Tại Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau có hơn 1.700 lao động người Trung Quốc, trong đó gần 690 lao động được cấp phép, 440 lao động có thời gian làm việc dưới ba tháng chưa cấp phép, số còn lại chưa biết đi đâu. Khi chúng tôi đến kiểm tra thì chủ sử dụng lao động vắng mặt hoặc lao động phân tán đi đâu hết khiến chúng tôi không thể biết chính xác là bao nhiêu”. Bà Chung Ngọc Nhãn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, cho biết tại hội nghị giao ban sáu tháng đầu năm với Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phía Nam, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 15/8.
Sẵn sàng nộp phạt
Theo bà Nhãn, Ban Quản lý Cụm công nghiệp và nhà thầu (Công ty Kỹ thuật Ngũ Hoàng, Trung Quốc) đưa lao động đến làm việc nhưng chưa báo cáo bao nhiêu người, làm việc gì, mức lương ra sao nên các cơ quan quản lý lao động tại địa phương chưa nắm chính xác có bao nhiêu lao động Trung Quốc ở Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau.
“Sở LĐ-TB&XH và công an tỉnh chỉ làm công việc “phần sau” (kiểm tra, xử phạt). Lẽ ra các bộ, ngành khác phải nắm số lao động này ngay từ đầu khi triển khai dự án chứ địa phương khó kiểm tra, thẩm định thực tế năng lực nhà thầu ngoài nước như thế nào. Người dân địa phương muốn vào làm nhưng không vào được” - bà Nhãn nói.
“UBND tỉnh Cà Mau rất cương quyết để xử lý lao động ngoài nước không có giấy phép nhưng chưa giải quyết được, thậm chí khi chúng tôi đến làm việc họ cũng không tiếp. Ra quyết định họ sẵn sàng nộp phạt. Dù mức phạt có cao hơn nữa cũng chỉ là giải pháp tình thế” - bà Nhãn phân tích.
Lao động Trung Quốc đang làm việc tại Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau.
Bộ: “Địa phương phải quản!”
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng công trình cấp quốc gia nhưng Sở LĐ-TB&XH là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát lao động nên Sở phải có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh quản lý và điều hành chứ không thể nói khác được. Theo ông Hòa, lẽ ra Ban Quản lý Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau phải báo cáo số lao động ngoài nước đang làm việc tại đây với cơ quan quản lý lao động để nơi này quản. Kế đến, nhà thầu cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin lao động và phương án sử dụng lao động tại nơi làm việc.
Cũng theo ông Hòa, hiện Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Công an đã có phương án xử lý lao động chưa được cấp phép. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, Bộ sẽ lập các đoàn kiểm tra lao động Trung Quốc đang làm việc tại các tỉnh Cà Mau, Ninh Bình, Đăk Nông để đánh giá thực tế.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam chủ yếu làm các công việc đơn giản, mức thu nhập như lao động Việt Nam. Nhưng bù lại họ làm việc rất khỏe, chịu khó, cần cù, làm việc với cường lực cao, không kén việc…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Tôi rất lo vì lao động Trung Quốc đã có mặt ở tận đất mũi Cà Mau”. Còn ông Hòa cũng bỏ lửng với câu nói: “Tôi băn khoăn không hiểu vì sao lao động người Trung Quốc lại có mặt ở các công trình trọng điểm quốc gia…”.
Ngày 15/8, ông Ninh Công Dũng, Phó Trưởng phòng Quản lý lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đăk Nông, cho biết Sở vừa ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với Ban Quản lý dự án thủy điện Đăk Tik (Phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông) vì không làm thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài.
Tin đã đưa:
Kiểm tra, Sở phát hiện tại đây có hai lao động Trung Quốc đến làm việc từ tháng 3/2011 nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép lao động. Sở cũng cho hay: Trong số 340 lao động nước ngoài (có 314 lao động Trung Quốc) đang làm việc tại địa bàn tỉnh có đến hơn 170 người chưa có giấy phép lao động. Riêng tại dự án Alumin Nhân Cơ (huyện Đăk R’Lấp- Đăk Nông) có đến 171 người Trung Quốc chưa được cấp phép lao động.
Trước đó, ngày 8/8, Công an tỉnh Đăk Nông cũng đã ra quyết định xử phạt 2 triệu đồng đối với Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pagoda (KCN Tâm Thắng, huyện Cư Jut, Đăk Nông) vì đơn vị này không khai báo tạm trú cho lao động nước ngoài đến làm việc.
Tỉnh ủy tỉnh Đăk Nông cho biết đã chỉ đạo các ban ngành tỉnh Đăk Nông thanh tra xử lý những công ty sử dụng lao động nước ngoài chưa có giấy phép lao động.
* * *
Một vài trích dẫn:
"Một số nhà thầu ngoài nước lách luật bằng cách làm hộ chiếu du lịch thời hạn ba tháng cho người lao động nhưng sau đó họ ở lại các công trường, nhà máy làm việc luôn. Với các trường hợp này, nhà thầu, người sử dụng lao động không khai báo thì rất khó quản lý lao động ngoài nước". Ông NGUYỄN THANH HÒA, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH
Bà PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH" Với những lao động không phép, nhà thầu vi phạm sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, Bộ cũng đang xem xét, cân nhắc thời điểm lao động không phép làm việc tại các công trình này trước hay sau thời điểm Nghị định 46/2011 ra đời (6/2011)."
Theo Pháp luật TPHCM" Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có bản xác nhận hoặc các giấy phép lao động, các bản hợp đồng lao động xác định có ít nhất năm năm kinh nghiệm trong nghề nhiệp, trong điều hành sản xuất, quản lý và phù hợp với vị trí công việc mà người nước ngoài dự kiến sẽ đảm nhận. Trong đó, bản xác nhận ít nhất năm năm kinh nghiệm do các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức mà người nước ngoài đã làm việc xác nhận.Hằng quý, Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm phối hợp với công an và các cơ quan kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam đối với người nước ngoài làm việc tại các dự án, gói thầu do nhà thầu nước ngoài trúng thầu trên địa bàn." Theo Nghị định 46/2011/NĐ-CP
1 nhận xét:
chuyện như đùa ấy nhỉ mang tiếng là 1 đất nước có chủ quyền vậy mà chuyện xảy ra thì chả ai nhận trách nhiệm chả ai có lỗi cả ? vậy người dân đóng thuế và bầu các ông các bà lên để làm gì? bộ công an, rồi an ninh dùng để làm gì ? thật khôi hài
Đăng nhận xét