Albert R. Hunt – Bloomberg News
Nguyễn Trùng Dương dịch
Từ: The New York Times
28-08-2011
Hà Nội – Phạm Bình Minh có người cha đã chiến đấu đánh đuổi Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam, hiện đang làm việc hết mình, nhằm nâng cao sự chú ý và sự tham gia của đất nước, từng được xem là cựu thù với đất nước ông.
Việt Nam muốn có sự hiện diện của Hoa Kỳ vì lý do kinh tế cũng như một sự cân bằng đối với Trung Quốc, siêu cường trong khu vực. Ông Minh là Bộ trưởng Ngoại giao mới; cha của ông (tức cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, là người được cho là có quan điểm chống Trung Quốc mạnh mẽ sau năm 1975, khi quan hệ Việt – Trung căng thẳng – ND) là thành viên trong chính phủ cộng sản của ông Hồ Chí Minh, trong thời kỳ xung đột khốc liệt hồi thập niên 1960 và 1970. Sau đó, ông trở thành Bộ trưởng Ngoại giao khi Việt Nam mâu thuẫn với Trung Quốc.
“Mọi người không thể tưởng tượng nổi mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển nhanh như thế nào. Sau 16 năm bình thường hóa quan hệ [giữa hai nước], chúng tôi đi đến giai đoạn phát triển mối quan hệ gần như trên tất cả mọi lĩnh vực“. Ông Minh, 52 tuổi đã phát biểu như vậy tại Hà Nội.
Trong khi Hoa Kỳ chưa hoàn toàn xóa hẳn nỗi đau chiến tranh, thì người Việt là những người bị chịu tổn thất lớn hơn [trong cuộc chiến] đã hoan nghênh những cựu thù của họ.
Quan hệ kinh tế giữa hai nước đang phát triển; Hoa Kỳ là nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam lớn nhất. Hai nước có các mối quan hệ quân sự thường xuyên và trong tháng này đã ký một hiệp định quốc phòng đầu tiên về quân y. Năm ngoái, quan chức Việt Nam quan sát các cuộc diễn tập quân sự của Hoa Kỳ trên chiến hạm John S. McCain, đây là chiến hạm được lấy tên từ hai đô đốc, cha và ông nội của Thượng Nghị sĩ John McCain, thuộc đảng Công Hòa, bang Arizona, và là tù nhân chiến tranh ở Hà Nội suốt 6 năm.
Giờ đây, ông Bộ trưởng Ngoại giao nói rằng, 2 nước đang thảo luận để nâng cao mối quan hệ chiến lược lên “tầm cao mới“. Ông ấy tuyên bố rằng, điều này sẽ là “điều tốt đẹp cho sự ổn định trong khu vực”, phù hợp với chủ trương “đa phương” của Việt Nam.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Việt Nam khẳng định rằng, không có điều gì [trong mối quan hệ Việt – Mỹ] nhằm mục đích chống lại Trung Quốc. Tuy vậy, [Việt Nam] nói đến đa phương và khuyến khích vai trò của Hoa Kỳ trong khu vực là điều mà chế độ Bắc Kinh không hoan nghênh.
Việt Nam có lịch sử xung đột lâu dài với Trung Quốc; lần gần đây nhất vào năm 1979, khi Việt nam đẩy lùi sự xâm nhập của Trung Quốc tràn qua biên giới. Người Việt biết Trung Quốc sẽ vẫn là một siêu cường lâu dài và cũng muốn có một quan hệ tốt với gã hàng xóm láng giềng to xác ngay sát vách.
Tuy nhiên, [giữa Việt Nam và Trung Quốc] đã xảy ra căng thẳng, đặc biệt là vấn đề chủ quyền ở biển Đông. Gần đây, đã có các cuộc biểu tình ở Việt Nam chống Trung Quốc, mặc dù chính quyền Hà Nội muốn các cuộc biểu tình đó chấm dứt, lo ngại rằng điều này sẽ kích động tinh thần dân tộc và có thể gia tăng đến mức vuột khỏi tầm kiểm soát [của chính quyền].
Ngoài các quyền lợi chung, quan hệ [của Việt Nam] với Hoa Kỳ là [một vấn đề] phức tạp.
Việt Nam không chắc Hoa Kỳ sẽ cam kết lâu dài với Châu Á, và các quan chức đã phàn nàn một cách kín đáo, rằng khu vực này có mức độ ưu tiên thấp đối với Washington. Trong một cuộc phỏng vấn dài một tiếng đồng hồ với Charlie Rose, là người dẫn chương trình truyền hình của Mỹ, phát hôm 21 tháng 7, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, ông Thomas E. Donilon đã nói rất nhiều về Trung Quốc, nhưng không hề nhắc đến Việt Nam.
Ông Minh nói rằng ông muốn “có sự nhất quán hơn nữa” trong chính sách của Mỹ, và nên “chú ý hơn” đến Ðông Nam Á. Ðiều phiền toái hơn nữa là sự va chạm vẫn còn tiếp diễn [trong quan hệ hai nước] về các chính sách của Việt Nam về các vấn đề nhân quyền, cũng như các quyền chính trị.
Tiến bộ cũng đã đạt được, đặc biệt trong lĩnh vực tự do tôn giáo. Thượng Nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ, bang Virginia, ông Jim Webb và cũng là một cựu chiến binh Việt Nam, cho biết, trong chuyến thăm Hà Nội trước đây, lần đầu tiên ông dự lễ nhà thờ Thiên chúa giáo 20 năm trước, chỉ có một vài giáo dân dự lễ cầu nguyện; nhưng cách nay vài năm khi ông dự lễ Giáng Sinh đã có khoảng 2.000 người. Tuy nhiên, vài chục người bất đồng chính kiến đã bị bỏ tù trong nhiều năm qua, và tin tức trên phương diện truyền thông về các cuộc đàn áp vẫn thường xuyên xảy ra.
Hồ sơ về vấn đề này thì tốt hơn so với hồ sơ Trung Quốc. Tuy vậy, thực tế về mặt chính trị là với dân số khoảng 90 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội khoảng 102 tỷ đô la, Việt Nam bị đối xử khác hẳn với gã khổng lồ Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ, những người lo ngại về sự hiếu chiến của Trung Quốc, một nước ngày càng gia tăng sự tự tin, muốn có một mối liên minh sâu đậm hơn với Việt Nam. Họ nhìn thấy một thế hệ lãnh đạo trẻ hơn, là hình ảnh thu nhỏ của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, là người vẫn còn nhớ rằng lúc còn thiếu thời ông ấy đã “lao xuống hầm trú ẩn khi bom [Mỹ] được thả xuống“. Sau này khi trưởng thành, ông đã tốt nghiệp cao học tại Trường Luật của Ðại học Tufts ở bang Massachusetts và đã làm việc vài năm cho Liên Hiệp quốc ở New York, và Đại Sứ quán Việt Nam ở Washington.
Mối liên kết sâu sắc trong nhiều năm sắp tới phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, hệ thống chính trị và luật pháp của Việt Nam. Ðã có một sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên kể từ khi Ðảng Cộng sản mở cửa hệ thống [kinh tế], cho các thành phần kinh tế tư nhân phát triển hơn 20 năm trước. Thu nhập đầu người là 1.200 đô la, gấp mười lần so với khoảng một phần tư thế kỷ trước đây; đất nước đã hoàn toàn hội nhập công đồng kinh tế toàn cầu. Ðầu tư nước ngoài của Hoa Kỳ đạt 10 tỷ đô la, một con số tuy nhỏ nhưng gia tăng một cách nhanh chóng. Các công ty như Intel, Chevron đang đầu tư lớn ở đây.
Tuy vậy, nền kinh tế vẫn đang được dẫn dắt chủ yếu bởi nguồn lao động rẻ. Thói quan liêu, cửa quyền của Ðảng Cộng sản đã bóp nghẹt tinh thần làm ăn của các doanh nghiệp. Nạn tham nhũng tràn lan không thể kiềm chế được. Mặc dù nói đó là các vấn đề “ưu tiên hàng đầu” của chế độ, nhưng ông Minh cũng thừa nhận, để giảm bớt tham nhũng thì “khó khăn“.
Nghịch lý vẫn dai dẳng kéo dài: số người sử dụng internet [trên đầu người ở Việt Nam] thuộc vào hàng cao nhất trong khu vực và tỷ lệ thất học tương đối thấp; tuy nhiên, hệ thống giáo dục còn thấp kém.
Một trong những vấn đề quí hiếm [ở Việt Nam] là có một trung tâm nhỏ [nghiên cứu] về chính sách công, có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, liên kết với Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, thuộc Ðại học Havard. Ðây là một phần trong chương trình Việt Nam của Ðại Học Havard, do Tom Valley điều hành, ông là một cựu chiến binh, đã dành phần lớn thời gian trong đời mình kể từ khi cuộc chiến [kết thúc], cố gắng cải thiện mối quan hệ Mỹ – Việt.
Vài năm trước, trung tâm này đã công bố một nghiên cứu về các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Bản nghiên cứu kết luận rằng các tiêu chuẩn về sự thành công của các nền kinh tế ở Nam Á như Singapore, Nam Hàn và Ðài Loan, đó là sự minh bạch, ít tham nhũng, có hệ thống giáo dục và y tế hàng đầu và cấu trúc luật pháp có thể tồn tại vững chắc – tất cả những điều đó hiện còn thiếu ở Việt Nam.
“Những nước cạnh tranh dựa trên yếu tố lao động rẻ, không thể nào vượt quá tình trạng thu nhập thấp, theo đúng định nghĩa [lao động rẻ]”, nghiên cứu cho biết.
Các lãnh đạo trẻ, như vị Bộ trưởng Ngoại giao này, phải đối mặt với những thách thức đáng ngại.
Trong số những thách thức lớn nhất: tiến hành những bước đi tế nhị trong việc duy trì các mối quan hệ tử tế với cường quốc láng giềng và đẩy mạnh các mối quan hệ với Washington; hạn chế tối thiểu nạn tham nhũng và thay đổi hệ thống giáo dục mà công trình nghiên cứu của Ðại Học Havard mô tả, là vô cùng khó khăn.
Chính điều này đã nảy sinh một khả năng thú vị, điều mà ông Bộ trưởng Ngọai giao nói rằng ông sẽ chào đón trường Havard, học viện đã tạo ra nhiều kiến trúc sư cho sự tham gia của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam (ý nói trường Havard đã đào tạo ra nhiều nhân vật chính trong cuộc chiến tranh – ND), có thể sẽ dẫn đầu trong việc tạo ra một trường đại học hàng đầu ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét