Ngay từ lúc đầu, khi thấy Việt Nam không phản ứng gì mạnh mẽ khi TQ vi phạm vùng 200 hải lý thuộc hải phận VN thì tôi đã thầm lo, là nếu để mất chủ quyền vào tay TQ thì các nước Tư bản Tây Âu nói chung và Hoa Kỳ nói riêng sẽ điều đình với ông chủ mới. Tôi cũng có lo ngại là nước Mỹ là một nước trọng Nhân Quyền trong khi chánh phủ CSVN thì ngược lại đang vi phạm trầm trọng nhân quyền trong một lúc mà hơn bao giờ hết VN rất cần được sự hỗ trợ của các cường quốc Tây phương. Đọc tình hình vừa qua cho thấy là rút cục những điều mà tôi lo ngại đang thực sự diễn ra.
Thật vậy, trong bản tin ngày 09/08/11 của đài VOA (Voice Of America), thấy viết như sau: Các giới chức Việt Nam cho hay họ đã gặp các giới chức Trung Quốc để chính thức phản đối các hoạt động của một tàu thăm dò của Trung Quốc ở vùng biển Đông đang có tranh chấp. Báo chí trong nước trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga nói rằng Việt Nam coi các hoạt động của phía Trung Quốc là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Bà Nga nói thêm rằng Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động tương tự”. Tuyên bố này được đưa ra sau khi hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, Tân Hoa Xã đưa tin từ ngày 13/6 đến ngày 30/7/2011, Cục thăm dò địa chất Trung Quốc hợp tác với phía Pháp đã sử dụng tàu thăm dò Thám Bảo (Tan Bao Hao) tiến hành đo đạc, khảo sát khoa học từ vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa, mà phía Trung Quốc gọi là Tây Sa, đến phía Bắc quần đảo Trường Sa, phía Trung Quốc gọi là Nam Sa.
Ngày hôm sau 10/08/11 đọc trang mạng sau của đài BBC thì lại thấy có đoạn viết như sau: Truyền thông Trung Quốc lại một lần nữa cảnh báo "một số nước" liên quan tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông. Tờ Nhân dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản nước này mới đây có bài nghiêm khắc chỉ trích việc quân đội Philippines xây cất cơ sở trên đảo Flat (tiếng Việt là đảo Bình Nguyên) tại quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa. Bài trên Nhân dân Nhật báo gọi việc này là sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và vi phạm Tuyên bố chung của các bên liên quan về Biển Đông (DOC). Bắc Kinh nói đây là lãnh thổ truyền thống của mình (nhưng chưa thấy Bộ Ngoại giao CSVN lên tiếng phản kháng trong khi đảo này đã được tài liệu lịch sử chứng minh là thuộc VN).
Về phương diện Nhân Quyền thì tôi cũng đọc được tin như sau của đài VOA: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 10/8 cho biết chính phủ Mỹ ngỡ ngàng trước bản án 3 năm tù và 3 năm quản chế mà chính quyền Việt Nam tuyên phạt cùng ngày đối với ông Phạm Minh Hoàng, giảng viên toán trường Đại học Bách Khoa tại Sài Gòn, với tội danh ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng không nên truy tố bất kỳ người nào vì họ thực thi quyền tự do bày tỏ quan điểm và ý kiến. Bộ Ngoại giao Mỹ nói việc Hà Nội truy tố các cá nhân chỉ vì họ đã bày tỏ quan điểm là đi ngược lại cam kết của Việt Nam với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, đồng thời nhấn mạnh nhân quyền sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Pháp cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước bản án của ông Minh Hoàng, người mang quốc tịch Pháp, còn được biết đến với bút danh blogger Phan Kiến Quốc. Bộ Ngoại giao Pháp đã gửi một số thông điệp tới chính quyền Việt Nam kêu gọi xem xét lại trường hợp của ông Hoàng và sớm trả tự do cho ông. Thông cáo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Pháp nêu rõ chính phủ Pháp coi trọng quyền tự do bày tỏ quan điểm và tư tưởng, kể cả trên internet, và rất quan ngại trước thực trạng các công dân tại Việt Nam bị tuyên án tù vì đã kêu gọi thực thi các quyền tự do của con người hơn nữa.
Cùng với Pháp và Mỹ, Liên hiệp Châu Âu (EU) lên tiếng yêu cầu Việt Nam tôn trọng quyền tự do bày tỏ tư tưởng của công dân và ngay lập tức phóng thích nhà hoạt động Phạm Minh Hoàng, một công dân EU. Bà Catherine Ashton, người đứng đầu ngành ngoại giao của EU, nói bà hết sức quan ngại về trường hợp của ông Hoàng. Bà Ashton nhấn mạnh bản án của ông Hoàng cùng với những bản án của các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam trong vài tuần qua không phù hợp với quyền căn bản của công dân trong việc bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa, chiếu theo Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và điều 19 của Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Có thể TQ sẽ lợi dụng tình hình các nước Tư bản đang bị nhức đầu về nợ nần (debt) quốc gia, cho nên sẽ không muốn mua thêm chuyện, để ép VN. Hiện TQ đang tập trung quân ở biên giới phía bắc của VN nói là để tập trận, một cách nói gián tiếp là lần này là để đánh thử nhưng lần sau sẽ là đánh thật, đồng thời TQ cũng vừa cho hạ thủy Hàng Không Mẫu Hạm, nói là để tuần hành trên Biển đông. Phía VN thì có thể sẽ lợi dụng tình hình này để đàn áp những người yêu nước theo kiểu Syria, để tế thần TQ, có tin là chúng đang sửa soạn để triệt hạ các Blogger và bắt đầu từ Bauxitevn: Chương trình TV vu khống Bauxitevn gian lận có thể là mục đích này và có thể vì thế mà Tướng N.T.Vĩnh và cựu Dại tá N.V.Tuyến, một đãng viên với 64 tuổi đẳng đã, như người Pháp nói: Monter au créneau, tạm dịch là lên pháo đài (thông tin) để phản pháo trong trang mạng sau đây của Bauxitevn. http://boxitvn.blogspot.com/2011/08/thu-cua-mot-nha-lao-thanh-cach-mang-gui.html#more.
Thí dụ những việc có thể thực hiện trong giai đoạn ngắn hạn (short term)
Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa huyênh hoang là Việt Nam là một nước dân chủ..., nếu nhà nước đã nói vậy hay là đã hứa như vậy thì tại sao, công dân lại không cứ hành sự như là công dân của một nước dân chủ. Trong một nước dân chủ thì chánh phủ được lập ra để thực hiện những nhiệm vụ mà dân giao phó cho, cho nên dân có quyền đòi. Bình thường trong một nước dân chủ thì người dân chuyển ước vọng của họ qua dân biểu là đại biểu của họ để đại biểu đệ trình lên Quốc hội chuyển cho chánh phủ thi hành bằng cách cấp cho ngân sách, quyền là ở QH vì QH nắm tiền của quốc gia. Thí dụ điển hình vừa rồi là TT Obama đã phải xin Quốc Hội để có thể tăng tiền đi mượn nợ lên tới 14,6 ngàn tỷ USD.
Vì dân biểu VN không làm nhiệm vụ của mình, thành ra đề nghị là lập ra một mục để thâu nhận nguyện vọng của dân bao gồm tất cả các bất công xã hội để lập kiến nghị xin giải quyết, nếu chánh phủ không giải quyết thì thông báo cho dân biết để dân đi biểu tình đòi quyền của mình. Cũng nên lập ra một trang mục trong đó luật sư được mời đến để giải thích, đồng thời thông tin cho dân biết quyền của mình nghĩa là: dân có quyền đòi và chánh phủ thì có nhiệm vụ phải đáp ứng nguyện vọng của dân.
Phải làm gì trong giai đoạn trung hạn (medium term)
- Phải công bố những lời tâm huyết của ông Phạm Đình Trọng, một đảng viên CS với 40 năm tuổi đảng, gửi cho các lãnh tụ đảng CSVN vừa qua để xin Quốc Hội phải nhanh chóng thay đổi hiến pháp để cho phép đa đảng. Cho các đảng được thành lập và bắt đầu được hoạt động tự do một cách hợp pháp ngay từ bây giờ để có thể sửa soạn một cuộc bầu cử thật sự dân chủ, dưới sự giám sát của các quan sát viên LHQ, trong thời hạn 2 hay 3 năm tới. Quốc hội mới sẽ được giao phó trách nhiệm thảo một Hiến Pháp mới để chọn thể chế, nghĩa là sẽ phải chọn một thể chế dân chủ theo kiểu Anh, Pháp hay là Mỹ.
- Trong trang mạng Nguyễn Xuân Diện-Blog: GIÁO SƯ NGUYỄN MINH THUYẾT TRẢ LỜI PHỎNG VẤN HÃNG BBC, thấy TS Thuyết đề nghị như sau "Có thể Trung ương Đảng là Thượng nghị viện, còn Quốc hội do dân bầu ra là Hạ nghị viện. Rồi mình quy định những việc gì chỉ cần Thượng viện quyết, những việc gì chỉ cần Hạ viện quyết là được.":
Tôi không thích chữ Thượng dành cho đảng ở đây, vì như vậy thì đảng vẫn đứng trên nhân dân vì nhân dân vẫn bị ở Hội dưới, có quyết định gì thì cũng sẽ phải gửi lên Hội Thượng của đảng để chờ sự chấp thuận của bề trên. Theo tôi thì, đừng nên nghĩ là trứng có thể khôn hơn vịt, nghĩa là VN, một nước không có truyền thống về dân chủ, có thể nghĩ ra được một cái khuôn dân chủ mới.
- Đương nhiên là sẽ phải có một cuộc trưng cầu dân ý để hỏi ý dân, trước đó cũng phải có những chương trình thông tin để cắt nghiã cho dân sự khác biệt giữa các thể chế để dân có thể hiểu, như vậy dân mới có được một sự lựa chọn sáng suốt. Sau đó một hay hai năm tùy quyết định của QH sẽ cho tổ chức một cuộc bầu cử thực sự tự do để bầu một chánh phủ hòa giải dân tộc. Hơn bao giờ hết, lúc này là lúc phải đoàn kết, đất nước sẽ cần đến tất cả mọi người, vì thế để trấn an, QH mới phải hứa là chánh phủ mới sẻ tiếp tục tôn trọng các bổn phận của chánh phủ chuyển tiếp tức là các quan chức hành chính tại chức hay đã về hưu vẫn tiếp tục được hưởng lương bổng và hưu trí vv…
Kết luận
Chánh phủ hiện tại sẽ là một chánh phủ chuyển tiếp nghĩa là sẽ là chánh phủ độc đảng cuối cùng. Không làm vậy, nếu để quân dân uất ức mà nổi dậy thì sợ là sẽ không tránh được một cuộc săn người đẵm máu để trả thù như đã xẩy ra ở Roumanie sau thời Nicolae Ceausescu.Việtnam không còn thời gian nữa, cần phải thực hiện dân chủ càng sớm càng tốt để có sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội thì mới mong phát triển đất nước. Đã đến lúc VN phải chọn một trong hai con đường: Công bố giải pháp thực hiện Dân Chủ với quốc tế có nghĩa là VN đã chọn đứng về khối các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ, ngược lại nếu đàn áp những người đồng hương yêu nước lúc này thì cũng như chọn tiếp tục đứng về phía TQ, như vậy là tự sát. Liên minh với Hoa kỳ không những có lợi là được cung cấp vũ khí tối tân khi cần mà còn có thể trông cậy vào Vệ tinh trinh sát của họ để cung cấp vị trí tầu chiến của TQ cho VN. Tôi rất đồng ý với tác giả của bài " Mỹ xúi TQ đánh VN ", cũng đăng trong mạng N.S.G.V. khi với giả thuyết là nếu khi, nhìn 2 nước “liên minh thần thánh xã hội chủ nghĩa” đánh nhau, ông kết luận là Mỹ sẽ có một niềm vui tuyệt vời, khi nghĩ là "dân Việt Nam (cả Nam và Bắc) bấy giờ sẽ tiếc là tại sao trước kia không kết thân với Mỹ, mà lại cứ xem là ‘thế lực thù địch…’ làm chi. Mỹ nghĩ thêm, dân VN sẽ sáng mắt vì bỗng nhiên hiểu rằng, phải chi trước kia mời Mỹ đưa quân đội vào Việt Nam trú đóng hù dọa TQ, cũng y hệt như Mỹ đã từng đóng quân tại 737 căn cứ quân sự tại hơn 120 quốc gia trên thế giới (Chalmers Johnson, “737 U.S. Military Bases = Global Empire”, Z Net, February 22, 2007) nhưng chỉ cần dân chúng nơi đó biểu tình đòi Mỹ rút, và quốc hội nước đó yêu cầu Mỹ rút, thì Mỹ sẽ rút quân, không thèm chi cái đất nào hết, dù đó là Okinawa của Nhật — cũng sẽ chẳng thèm gì đất bôxit Tây Nguyên hay Biển Đông của VN. Và Mỹ sẽ cho Việt Nam nếm mùi anh em xã hội chủ nghĩa rằng, cứ để TQ chiếm một xã, là sẽ mất thêm một huyện và vĩnh viễn đừng hòng mà đòi lại; có khi còn phảỉ cắn răng như ở Thác Bản Giốc, đành phải khai thác du lịch chung nhau".
NDT (Việt kiều Canada)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét