Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Quyền lực, quyền uy và những phát ngôn ấn tượng

Tác giả: Kỳ Duyên

Quyền lực, quyền uy trước thách thức của vận mệnh đất nước; gọi đúng tên "biểu tình mang tính chất yêu nước" và những phát ngôn không bình thường mà rất ấn tượng của một ông Bộ trưởng, là thông điệp, là những lát cắt mà Phát ngôn và Hành động tuần này mong được sự chia sẻ, đồng cảm cùng chiêm nghiệm của bạn đọc.

Quyền lực, quyền uy và... nợ dân

   Bên cạnh sự kiện Biển Đông luôn nóng bỏng, tuần này, một sự kiện nổi bật nữa được bạn đọc quan tâm. Đó là kỳ họp Quốc hội khóa XIII với sự ra mắt của Chính phủ mới.
   Các nhân vật chủ chốt nhất của chính quyền mới: Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CP (tái đắc cử), Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội. Trước đó, ông Nguyễn Phú Trọng được Đại hội Đảng khóa XI bầu làm Tổng Bí thư ĐCSVN. Cơ cấu Chính phủ mới, có 4 Phó Thủ tướng và 22 Bộ trưởng.
   Còn dân gian, vốn dân dã nên xếp "bộ tứ" các vị lãnh đạo một cách nôm na, theo vần nhưng rất ý nghĩa: Hùng- Dũng- Sang- Trọng. Hay bởi nhân dân cũng mong đợi ở khí phách và tinh thần dân tộc qua những người lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước?
   Bỗng nhớ tới một bài viết đăng trên Tuần Việt Nam trước đó, ngày 10/7/2011, có chủ đề khá hay: "Quyền lực thì đứng, quyền uy thì ngồi".
   Đó là cuộc triển lãm của Cung điện Versailles (Pháp) trưng bầy những chiếc ghế- những ngai vàng khắp các nơi trên thế giới- biểu tượng của quyền lực và quyền uy, từ thời cổ đại đến thời hiện đại.
    Cũng là để gửi thông điệp cho khách tham quan, không chỉ thấy sự oai nghiêm và vị thế của quyền lực, mà còn là sự tìm kiếm giá trị và ý nghĩa đích thực của 2 chữ quyền uy. Quyền lực và quyền uy bao giờ cũng khiến con người quan tâm, chiêm nghiệm và một chút triết lý. Vì quyền lực và quyền uy mà nhân loại chứng kiến biết bao bi kịch, bi hài.
    Có thể thấy ở triển lãm độc đáo mang tính văn hóa cao, đồng thời chứa đựng nội hàm chính trị sâu sắc này, chiếc ngai cổ nhất của nước Marsch (thuộc Đức- thế kỷ V). Kế đến, ngai của ông hoàng Dagobert (nước Pháp- thế kỷ VII)... Còn mới nhất và hiện đại nhất là chiếc ghế tổng thống Pháp Jacques Chirac đã ngồi để chiêm ngưỡng lễ mừng quốc khánh 14/7/2005...

   Chính trị và văn hóa là 2 mặt tưởng đối lập, nhưng thực ra luôn song hành. Chính trị cao nhất phải là chính trị vì con người. Chỉ khi đó, văn hóa trong chính trị sẽ tự nhiên tỏa sáng - đó là nền chính trị nhân văn.
   Nhưng khác với quan niệm về quyền lực đứng, quyền uy ngồi của cuộc triểm lãm, người viết bài cho rằng quyền lực và quyền uy là 2 khái niệm, giống nhau ở chữ quyền, nhưng lại khác nhau ở chữ lực, chữ uy, nhất là trong thế giới hiện đại, khi các thang bậc giá trị có nhiều thay đổi so với thế giới cổ đại.
    Quyền lực là vị thế, vị trí, địa vị xã hội phân công cho con người được sử dụng quyền lực đó. Nhưng quyền uy lớn hơn thế và đòi hỏi dụng công hơn nhiều. Quyền uy là sự tổng hợp của một loạt điều kiện: Quyền lực + tài năng+ nhân cách+ uy tín+ hiệu quả cách sử dụng quyền lực.
   Như vậy, bản chất quyền lực là cái ghế. Bản chất quyền uy là con người ngồi trên cái ghế đó. Người có quyền lực muốn có uy phải hội tụ được nhiều năng lực, nhân cách cá nhân phục vụ cho xã hội, vì lợi ích chung. Bởi thực tiễn cũng cho thấy, ngay ở cơ sở, có không ít người có quyền lực, nhưng không hẳn đã có quyền uy. Thậm chí bị nhân dân ghẻ lạnh, coi thường.
    Bộ máy Chính phủ mới với quyền lực được nhân dân tín nhiệm đề cử, được xã hội phân công, đang phải đối mặt trước vô vàn thách thức lớn.

  Tình cờ, mới đây, trên VnE có bài phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, và VTC News phỏng vấn GS. TS Nguyễn Minh Thuyết. Cả 2 trí thức có tên tuổi đều nhận định bên cạnh nhiều thuận lợi cũng có những thách thức lớn đối với Chính phủ mới, trên con đường đưa đất nước vượt qua "vòng nguy hiểm" và phát triển vững chắc.
   Tuy nội hàm của những thách thức có những điểm khác nhau, do mỗi người đứng ở góc độ lĩnh vực chuyên môn riêng, nhưng lại rất bổ sung cho nhau, khá đầy đủ và tường minh:
  - Đó là bất ổn kinh tế vĩ mô, thể hiện ở lạm phát, nhập siêu, nợ công, quản lý các tập đoàn Nhà nước...Nếu không giải quyết được ngay trong 5 năm tới Việt Nam khó lòng hoàn thành mục tiêu cho cả 10 năm, tiếp tục rơi vào điểm nghèo, hoặc vướng ở mốc thu nhập trung bình thấp trong thời gian rất dài.
   - Là bảo vệ chủ quyền, trước hết là chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng hiện nay.
   - Là "bạo bệnh" tham nhũng đang biến tướng, ngày càng phức tạp với quy mô rộng hơn, tham lam hơn, làm thất thoát tài sản của dân nhiều hơn.
   - Là những nhóm lợi ích đã và đang chi phối xã hội ở nhiều lĩnh vực. Bộ máy Chính phủ phải làm sao để lợi ích của sự phát triển được phân bổ đồng đều trong xã hội, cho đa số người dân. Đồng thời, kiềm chế những nhóm lợi ích ích kỷ, chỉ nghĩ cho cá nhân mình, gia đình mình, công ty và tập đoàn mình, không nghĩ tới lợi ích chung của đất nước.
   - Là bất bình đẳng gia tăng, và khát vọng dân chủ của nhân dân. Nếu không giải quyết tốt những điều này thì những bức xúc tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến mất ổn định xã hội.
   - Là đưa văn hóa, giáo dục ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng, chấn hưng và phát triển nền tảng nhân văn, dân trí và đạo lý xã hội. Nếu không lo cho văn hóa, giáo dục hôm nay, thì đó là thảm trạng cho dân tộc ngày mai.

   Chọn giải pháp nào để vượt qua các thách thức lớn phụ thuộc vào tầm nhìn xa của Chính phủ. Sáng 3/8/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã "tuyên ngôn" trước QH, cũng là trước quốc dân đồng bào về những định hướng chiến lược.

Nhưng có 2 giải pháp căn cốt không thể thiếu: Đó là
1) "Cơ chế, thiết chế" quản lý xã hội cần đổi mới tiếp tục, như lời hứa của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lúc ông với tư cách ứng viên ĐBQH tiếp xúc cử tri Quận I (t/p. HCM).
2) Có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo các ngành từ vĩ mô tới cơ sở phải thực tài, có tâm, vì lợi ích chung. Có vậy, mới ra được chính sách đúng, phù hợp quy luật và thực tiễn khách quan.

   Nhân dân đòi hỏi nhưng nhân dân rất công minh và công bằng. Người lãnh đạo nếu sống vì dân thực sự, đâu cần phải bia đá, tượng đồng mà họ luôn được dân tạc trong tâm thức. Đó chính là quyền uy tối thượng của quyền lực. Cũng là niềm hạnh phúc của người có quyền uy.
   Nếu như các đại biểu Quốc hội nợ dân một lá phiếu bầu, thì Chính phủ mới và những thành viên có quyền lực cao và cao nhất nợ dân tới...2 lá phiếu bầu. Món nợ lớn nhất, là những thách thức sừng sững phía trước, trên hành trình của cả dân tộc cần phát triển và hội nhập văn minh.
   Quyền lực của Chính phủ đã có. Còn quyền uy của Chính phủ, phụ thuộc vào tài năng, tầm nghĩ chiến lược, vào khí phách và bản lĩnh một Chính phủ "của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân"

Gọi đúng tên... biểu tình

   Chiều ngày 2/8/2011 mới đây, một bản tin ngắn trên VietNamNet v à tr ên nhi ều t ờ b áo kh ác đã khiến bạn đọc phải chú ý. Người viết bài này đọc đi đọc lại, bỗng rưng rưng. Đó là "Biểu tình phản đối Trung Quốc mang tính chất yêu nước".

  Thông tin cho biết, tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành uỷ Hà Nội, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh nhận định các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội thời gian qua là mang tính chất yêu nước.
   Đây là thông tin chính thức đầu tiên của cơ quan chức năng. Chính vì thế, nó được sự hoan nghênh, đồng thuận của đông đảo nhân dân và bạn đọc.
  Sự thông báo, đánh giá về các cuộc "tụ tập tự phát" được công khai và nhìn nhận từ ông GĐ Công an Hà Nội, chính là việc gọi đúng tên... biểu tình. Bởi Hiến pháp 1992 (Điều 69, chương V) quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật", cho dù trong thực tế đến nay QH chưa ban hành Luật Biểu tình.
     Nhưng lòng yêu nước của người dân, trước chủ quyền Tổ Quốc bị đe dọa thì không thể đợi.!
    Cũng bởi một điều muôn thuở của mọi quốc gia- luật pháp nhiều khi đi sau thực tiễn, " cây đời mãi mãi xanh tươi" là như vậy đó!

   Thông tin cũng cho biết, trước dư luận và kiến nghị của một số công dân, trí thức đề nghị trả lời về việc, một số người tập trung biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc ngày 17/7, đã bị các lực lượng công an thành phố "đàn áp thô bạo", Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân TP xác minh, điều tra và kết luận: Không có căn cứ xác định công dân Nguyễn Chí Đức bị lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự đánh, đạp khi tham gia biểu tình tự phát ngày 17/7.
   Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đức Nhanh khẳng định: "Công an thành phố và cấp trên không ai có chủ trương đàn áp, trấn áp và bắt giữ người trong các cuộc biểu tình".

     Xã hội đang tiến tới sinh hoạt dân chủ, công khai, minh bạch. Sự minh bạch cần cả lời nói lẫn hành động. Có thế, lòng dân mới bình an, và xã hội mới mạnh được.
    Chắc chắn, sự công khai thông tin, đánh giá các cuộc biểu tình yêu nước chưa thể khép lại những quy định về quyền công dân. Trái lại, nó mở ra hàng loạt vấn đề mới mang tính pháp quy của một xã hội,một đất nước trước sinh tử, trước sự phát triển, đòi hỏi Chính phủ mới phải bàn thảo và quyết định.

Thất thu, bội thu và... những phát ngôn ấn tượng

    Trong tuần này, ngành giáo dục một lần nữa "thất thu" ở các kỳ thi tuyển quốc tế và trong nước khiến báo chí tốn biết bao nhiêu giấy mực, và người dân thêm một lần nữa... thất vọng.
    Ngoài nước, ở bộ môn thuộc KHTN, Đội tuyển học sinh Việt Nam dự thi Olimpic Toán quốc tế (IMO 2011) với 6 thành viên chỉ đoạt 6 huy chương đồng, xếp hạng 31/101. Đây cũng là thành tích kém nhất trong 35 năm dự giải, của bộ môn luôn được coi có thành tích cao khá ổn định. Điều bi hài xảy ra là đúng lúc Viện Toán cao cấp vừa ra đời.
   Trong nước, ở môn thuộc KHXH, tiếp theo môn Văn, đến môn Lịch sử được học sinh "nói không". Tại kỳ thi tuyển sinh ĐH 2011, không chỉ tỷ lệ học sinh dự thi vào khối C có 6%, thấp nhất so với các khối khác, mà kết quả thi môn sử thật thảm hại- hàng nghìn bài thi bị điểm 0!

Đó là sự thất thu rõ nhất của ngành. Còn có gì bội thu?

     Vẫn có: Đó là tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao đáng ngờ. Là căn bệnh thành tích không hề thuyên giảm, tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Là số trường ngoài công lập mọc lên như nấm, tuột khỏi sự kiểm soát của ngành. Là bằng rởm của vô số cán bộ các địa phương...
    Như một lẽ thường tình, cả xã hội, từ cán bộ quản lý Nhà nước, quản lý giáo dục, nhà sử học, các chuyên gia, giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh cho đến thường dân, tất cả "tay dao, tay kéo" mổ xẻ con bệnh có tên Toán (IMO 2011) và Lịch sử, mặc dù 2 con bệnh này rõ ràng là vô tội.
    Bác sĩ nào, y sĩ nào chẩn bệnh và cho thuốc, cũng trúng hết. Nào là chính sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực KHXH- NV, chính sách khuyến khích tuyển thẳng ĐH không có. Nào là tuyển chọn đội tuyển có vấn đề. Nào là chính trị hóa chương trình lịch sử. Nào là phương pháp giảng dạy khô khan, cứng nhắc. Nào là cách ra đề khiến trò phải học thuộc lòng...
    Bao nhiêu loại thuốc, bao nhiêu thang thuốc, không biết 2 con bệnh này có kịp ngấu không, dù nó biết rõ mình chẳng có bệnh gì. Bệnh là ở... những người đang chẩn, thì họ lại không chịu thừa nhận!

    Duy nhất, mỗi một người rất lạc quan. Người đó là Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận.
    Lý giải nguyên nhân cho các nhà báo, ông Phạm Vũ Luận chia ra 3 phần sáng tỏ, và dành cho "thời đại" phần nhiều:
- Điểm sử thấp không phải chỉ là chuyện của Việt Nam, mà là chuyện của thời đại
- Học sinh thuộc sử Tàu hơn sử Việt Nam không phải là vấn đề vấn đề của giáo dục, mà là vấn đề...xã hội
- Còn chuyện do dạy và học, cũng có khía cạnh đúng, nhưng nếu đổ hết cho dạy và học thì lại là chuyện khác(!)
  Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận
   Bỗng nhớ tới Kỳ họp QH khóa trước. Khi nói về trách nhiệm với con tàu Vinashin, một vị Bộ trưởng đã chia đều cho tất cả các bộ, các ngành, trừ bộ của ông. Cả hội trường QH cười ầm. Cái cười vì sự ngụy biện
   Nay nghe Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời, cả xã hội vừa cười, vừa mếu. Cười vì sự ngụy biện, mếu vì sự vô tình!
   Nếu là chuyện của thời đại, thì những nước do công nghệ thông tin, kinh tế phát triển, học sinh của họ có ghẻ lạnh với sử, có hàng ngàn điểm 0 về sử như ở ta không?
   Nếu là chuyện của xã hội, vì không địch nổi phim Tàu, hàng Tàu....thì cũng vẫn nên xem lại chất lượng dạy- học sử của giáo dục, vì quá kém nên yểu mệnh.

Nhưng vô tình nhất và cũng ấn tượng nhất lại là phát ngôn:
   "Hàng nghìn điểm 0 là chuyện bình thường". Làm sao lại là bình thường, nếu như học sinh đã tốt nghiệp THPT, tức là phải có một kiến thức lịch sử nền tảng, phổ thông nhất định, chứ không thể là kiến thức ...liệt (điểm 0).
    Lại nhớ, khi mới nhậm chức, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời, đại ý, ông không muốn tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình.
   Nhưng với phát ngôn này, chắc chắn ông đã tạo ra một dấu ấn không bình thường, khá sâu sắc...xấu trong lòng xã hội.
   Mà cũng biết đâu, câu trả lời đó đúng, thì sao? Bởi có câu ca dao đời mới vừa buồn cười vừa chí lý khi luận về học Sử ta :

Dân ta phải thuộc sử ta
Nếu mà không thuộc thì tra Gúc gồ" (Google)!



Không có nhận xét nào: