Truyền hình Trung Quốc vừa có một số chương trình phân tích các hoạt động nâng cấp năng lực hải quân của Việt Nam, đặc biệt là hợp đồng mua tàu ngầm từ Nga.
Các chương trình này được thực hiện sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh được báo chí dẫn lời nói hồi đầu tháng rằng Việt Nam "phấn đấu trong 5 - 6 năm tới sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm hiện đại với sáu tàu ngầm lớp kilo".
Kênh CCTV-4 Truyền hình Trung ương Trung Quốc mới đây trong chuyên mục 'Trọng tâm Hôm nay' dài 30 phút đã có chương trình thảo luận với hai chuyên gia: Chuẩn đô đốc Doãn Trác và nhà nghiên cứu Dương Hy Vũ từ Viện Nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế về chương trình hiện đại hóa hải quân của Việt Nam.
Chương trình bắt đầu bằng đoạn video ngắn giới thiệu việc Hà Nội bỏ 3,2 tỷ đôla để mua sáu tàu ngầm hạng Kilo và 20 chiến đấu cơ Su-30 MK2V của Nga.
Theo Chuẩn đô đốc Doãn Trác, các hợp đồng mua bán vũ khí này bắt nguồn từ ba lý do chính. Lý do đầu tiên là các nước trong khu vực Biển Đông hiện đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang, và Việt Nam nay có khả năng tài chính để tăng chi tiêu quốc phòng.
Lý do thứ hai, theo ông Doãn, là Việt Nam dè chừng hiện diện của các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ trong khu vực.
Lý do thứ ba, quan trọng hơn cả, là Việt Nam tìm cách ngăn chặn Trung Quốc trong các tranh chấp về lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chuyên gia Dương Hy Vũ nói thêm rằng Việt Nam luôn áp dụng cách tiếp cận một mặt mong muốn hòa bình để duy trì quyền lợi nhưng mặt khác lại tăng cường năng lực quân sự để mở rộng quyền lợi khi có dịp.
Ông Dương nói trên CCTV: "Việt Nam có thể ngăn cản được các quốc gia lân cận khác ở Biển Đông nhưng đã quá tự phụ nếu cho rằng có thể cản bước Trung Quốc".
Đe dọa ở Biển Đông
Câu hỏi mà chương trình truyền hình Trung Quốc đặt ra là việc Việt Nam trong tương lai có trong tay các tàu ngầm và chiến đấu cơ sẽ thay đổi cục diện ở Biển Đông như thế nào.
Chuẩn đô đốc Doãn nhận định rằng tàu ngầm tấn công lớp 636 có thể là "đe dọa nghiêm trọng" (cho Trung Quốc) tại Biển Đông.
Ông Dương Hy Vũ nói thêm rằng Việt Nam đã chọn một khu vực tấn công tàu ngầm ở eo biển Malacca để tập luyện chiến lược.
Ông nói: "Eo biển Malacca là đường thủy tối quan trọng đối với các nước, như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc".
"Tấn công tàu ngầm tại đây sẽ gây tác hại vô cùng nghiêm trọng cho tất cả các nước."
Các chuyên gia cũng đề cập tới khả năng tham gia tranh chấp Biển Đông của các quốc gia bên ngoài như Nga và Hoa Kỳ.
Chuyên gia Dương Hy Vũ Lu nhận định rằng chính sách của Việt Nam luôn luôn là lôi kéo Nga và Mỹ vào tranh chấp Biển Đông; và không chỉ hai nước này mà càng nhiều nước lớn càng tốt nhằm kiềm chế Trung Quốc.
"Đây là chủ ý của Việt Nam, nhưng làm như vậy không khác nào đùa với lửa."
Ông Dương nói: "Chính sách này không chỉ làm căng thẳng thêm tình hình khu vực, mà còn có hại cho chính Việt Nam".
Chuyên gia này phân tích rằng cả Hoa Kỳ và Nga đều muốn đặt căn cứ tại Việt Nam, nhưng quyền lợi của hai nước này lại mâu thuẫn nhau và do vậy, Việt Nam khó có thể dung hòa quan hệ với cả hai cùng một lúc.
'Lôi kéo Ấn Độ'Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Việt Nam cũng đang tích cực lôi kéo Ấn Độ tham gia vào tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.
Chương trình của CCTV nói Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh hải quân Việt Nam, từng mời Ấn Độ lập cơ sở thường xuyên tại Nha Trang.
Chuẩn đô đốc Doãn nhận xét Việt Nam chọn Ấn Độ vì hai lẽ: trong khi Mỹ đang khủng hoảng kinh tế, Ấn Độ là quốc gia đang lên và có thể có điều kiện đầu tư quân sự vào Việt Nam. Lẽ thứ hai, Việt Nam vẫn còn dè chừng Mỹ, quốc gia cựu thù, vốn có thể hậu thuẫn một cuộc "cách mạng màu" để lật đổ chính quyền Hà Nội. Ấn Độ thì không gây quan ngại này.
Không chỉ CCTV-4, môt số kênh truyền hình khác của Trung Quốc cũng làm chương trình về kế hoạch mua tàu ngầm của Việt Nam, cho thấy đây là chủ đề quan tâm lớn của dư luận trong nước Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét