Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Không thể trốn tránh sự trừng phạt của công lý

© The Voice of Russia

Mới đây, tại Việt Nam lại có thêm một vụ bắt giữ thu hút sự chú ý rộng lớn trong và ngoài nước. Tại một quốc gia trong vùng Đông Nam Á, Interpol đã bắt giữ và chuyển giao cho Việt Nam nhân vật trong diện truy nã quốc tế là Dương Chí Dũng, cựu Cục trưởng Hàng hải, cựu Chủ tịch tập đoàn Nhà nước - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Lệnh bắt giữ ông này được phát ra từ tháng Năm, nhưng khi đó Dương Chí Dũng đã tẩu thoát ra nước ngoài. Việt Nam đưa nhân vật này vào danh sách truy nã quốc tế và đến nay Dương Chí Dũng mới bị bắt. Trước đó, cũng đã bắt giữ mấy lãnh đạo khác của Vinalines.

Dương Chí Dũng bị cáo buộc về tội "cố ý can thiệp vào qui trình quản lý kinh tế Nhà nước, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng". Ở đây nói đến việc hoạch định và bắt đầu triển khai đề án xây dựng nhà máy đóng tàu ở miền Nam Việt Nam mà không có sự phê chuẩn của Chính phủ. Ban lãnh đạo Vinalines cũng bị cáo buộc làm thất thoát 514 tỷ VND (tương đương với 24 triệu dollar) trong việc mua lại một ụ nổi cho cái nhà máy không thể xây dựng được bởi không có kinh phí.


Vụ bắt giữ Dương Chí Dũng diễn ra một thời gian ngắn sau khi bắt giữ Nguyễn Đức Kiên, một trong những người sáng lập và cổ đông chính của ngân hàng cổ phần lớn thứ hai ở Việt Nam là Ngân hàng Thương mại Á châu (Аsian Commercial Bank – ACB) và Tổng Giám đốc ngân hàng Lý Xuân Hải.
Tuy nhiên, sự vụ chưa dừng ở đây. Việc bắt giữ những nhân vật lãnh đạo trong cơ cấu kinh doanh và Nhà nước của Việt Nam sẽ còn tiếp tục, - sử gia Saint-Peterburg, Tiến sĩ Khoa học Vladimir Kolotov dự đoán.

“Ở Việt Nam, lực lượng lành mạnh trong chính quyền đang cố gắng tái lập trật tự trong nước. Hiện tại khoản nợ nước ngoài của Việt Nam vượt quá một nửa GDP của đất nước. Bậc xếp hạng tín dụng của Việt Nam rất thấp. Do tương quan khủng hoảng, trên các thị trường xuất khẩu cơ bản của Việt Nam đã giảm doanh số bán hàng. Còn tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm 2012 chậm lại đến 4,4%. Tình hình rất phức tạp. Thêm vào đó, là áp lực từ tình trạng lạm phát và nhân khẩu. Tất cả những yếu tố này giáng đòn vào uy tín và khả năng cạnh tranh của Nhà nước. Bên cạnh đó, Việt Nam là đất nước nằm trong khu vực diễn ra cuộc tranh đấu gay gắt về đầu tư. Vì thế, chính quyền cần giải quyết vấn đề tham nhũng có hệ thống trong cả nước. Thực trạng hiện nay là mối đe dọa với an ninh quốc gia, và ở đây vấn đề cần được giải quyết một cách cứng rắn và đúng nguyên tắc, bất kể vị trí của đối tượng sai phạm. Những nhân vật lãnh đạo này nắm trong tay nguồn tài nguyên và cán bộ, nhưng đã bộc lộ sự quản lý không hiệu quả. Họ đã tham gia sử dụng sai mục đích hàng tỷ dollar”.

Mức độ nghiêm trọng của những vấn đề trong nước cón thể hiện qua chi tiết các đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tuyên bố về sự cần thiết phải yêu cầu sự giúp đỡ từ phía Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo quan điểm của hãng Bloomberg, hệ thống tài chính ở Việt Nam hiện nay đang cần được rót từ 250 đến 300 nghìn tỷ VND (tức là 12-15 tỷ dollar). Gói hỗ trợ tài chính này có thể sẽ là đáng kể nhất đối với Việt Nam kể từ thời cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1997-1998.

Sử gia Việt Nam học Vladimir Kolotov cho rằng, trong một vài tháng tới, công luận sẽ biết được kết quả của cuộc đấu tranh vì đổi mới và thanh lọc các cơ cấu kinh doanh và Nhà nước ở Việt Nam bị sa vào vũng lầy tham nhũng. Hiển nhiên, tất cả tùy thuộc vào việc chính quyền Việt Nam liệu có thi hành công việc này được đến cùng hay chăng, và những liên hệ tham nhũng ở độ sâu nào sẽ được phanh phui đưa ra ánh sáng công lý.

Không có nhận xét nào: