Nguyễn Bích Ngân và ông Ngoại của mình |
Bài thơ “Xin đổi kiếp này” của
em Nguyễn Bích Ngân, học sinh lớp 8A1, trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội)
được chia sẻ trên mạng khiến nhiều người bất ngờ, vì không nghĩ rằng cô bé
mới 14 tuổi có thể viết được một bài thơ sâu sắc như thế.
Bài thơ thu hút nhiều chú ý
và bình luận từ cộng đồng. Bình luận trên Vitalk.vn, thành viên Pé Tít cho rằng
bài thơ khiến "dân mạng nín lặng". Người dùng Khánh Linh nói:
"Tác giả đã xuất phát từ tứ thơ độc đáo "xin đổi kiếp này" để cảm
nhận và trải nghiệm những đau xót của sông biển, đất trời khi hàng ngày
hàng giờ bị con người tàn phá".
"Nỗi đau xót thấm thía ấy
đã làm bật lên câu hỏi nhức nhối về trách nhiệm, về lương tâm của con người
trong cách ứng xử với môi trường sống - mối quan hệ nhân quả hiện hữu nhãn tiền
khiến bài thơ như một thông điệp với sức mạnh cảnh báo mãnh liệt nhất".
Thành viên Thế Anh bình luận:
" Bài thơ rất hay, phản ánh chính xác về thực trạng môi trường ở nước ta.
Người lớn đọc cũng thấy giật mình. Hy vọng mọi người sẽ ý thức hơn về bảo vệ
môi trường". "Nếu đổi được kiếp này tôi xin hóa thành cây. Thử những
nhát rìu rạch sâu da thịt..." - Những câu thơ sâu sắc và thấm thía đến độ
không ai nghĩ rằng chúng có thể do một cô bé mới lên lớp 8 viết ra.
Ở tuổi 13, 14, chúng ta vẫn
còn chưa hết trẻ con, mới chỉ biết học, biết vui đùa cùng bạn bè chứ mấy ai
nghĩ được những thứ lớn lao hơn. Ấy thế mà có một cô bé mới chỉ lớp 8 đã nghĩ
được nhiều hơn thế, em đã gửi những suy tư rất sâu sắc về xã hội, môi trường
vào những vần thơ. Bài thơ "Xin đổi kiếp này" do Nguyễn Bích Ngân (Học
sinh lớp 8A1, trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, HN) sáng tác chính là bài thơ hot
nhất mạng xã hội mấy ngày nay, bởi nó sâu sắc và ý nghĩa đến độ không ít người
lớn phải giật mình.
XIN ĐỔI KIẾP NÀY
Nếu đổi được kiếp này tôi xin hóa
thành cây,
Thử những nhát rìu rạch sâu da thịt.
Trong biển lửa bập bùng thử mình cháy khét,
Thử chịu khói độc tàn, thử sống kiên
trung.
Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa ruộng
đồng,
Thử nếm vị thuốc sâu, thử sặc mùi hóa
chất,
Thử chịu bão giông, thử sâu rày, khô
khát,
Thử ngập mặn, triều cường, núi lửa,
sóng thần dâng.
Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa đại
dương,
Thử dầu loang hắc nồng, mùi cá trôi
hôi thối,
Đau vì kiệt tài nguyên, khổ vì không
biết nói,
Thử biết gồng mình, thử quằn quại đứng
lên.
Nếu đổi được kiếp này, tôi xin làm
không khí,
Thử khói bụi ngày đêm, thử ngột ngạt
trưa hè,
Thử không còn trong xanh vì lũ người
ích kỷ,
Thử tiếng ồn đinh tai, thử cái chết cận
kề.
Tôi làm gì đây? Khi vẫn kiếp con người!
Tôi nhận về bao nhiêu? Tôi lấy gì trả
lại?
Tôi phá hoại những gì? Tôi đã từng hối
cải?
Xin đổi được kiếp này…!
Trời đất có cho tôi???
18/5/2016
Nguyễn Bích Ngân
Lời bình
Sau nhiều năm khảo sát, đo đếm, so
sánh…; một số nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đã đi đến kết luận: Trong cơ
thể con người có tới 94% các yếu tố vật chất trùng với các yếu tố vật chất cấu
tạo nên trái đất.
Còn theo triết lí phương Đông thì “đại
vũ trụ” (trời đất) được tạo nên bởi 5 yếu tố vật chất là: Thủy, Hỏa, Mộc, Kim,
Thổ. Năm yếu tố vật chất này luôn luôn vận động theo qui luật “tương sinh tương
khắc”, tức là cái nọ sinh ra cái kia và đồng thời cái nọ cũng chế ngự cái kia để
đảm bảo sự cân bằng động của đại vũ trụ. Tương tự, cơ thể con người cũng được cấu
tạo bởi 5 yếu tố vật chất “thủy, hỏa, mộc, kim, thổ”, do đó người ta mới bảo
con người là “tiểu vũ trụ” (Nhân thân tiểu thiên địa).
Từ hai luận cứ trên, có thể suy ra:
Thiên nhiên và con người là một kiểu “bình thông nhau” vô cùng vi diệu. Nói
“thiên nhiên là môi trường sống của con người” hoặc “tàn phá thiên nhiên là
hành vi tự sát ngu muội nhất”… thì ai cũng hiểu, nhưng tiếc thay, vì cái thói
“tham bát bỏ mâm” truyền kiếp, cho nên con người vẫn cứ “hồn nhiên” đầu độc và
hủy hoại thiên nhiên với tốc độ ngày càng khủng khiếp!
Cũng từ hai luận cứ trên, tiếp tục suy
ra: Thiên nhiên là “căn tính” của con người. Đối với những người có hiểu biết
và có lòng tự trọng thì ở chừng mực nào đó, cái “căn tính” này sẽ trở thành một
thứ “linh giác” cực kì nhạy cảm trước những tổn thương của thiên nhiên. Nó dường
như đã trở thành một phản xạ tức thời của bản năng sinh tồn. Có lẽ bài thơ của
Bích Ngân đã ra đời như một tiếng nói của tiềm thức “căn tính thiên nhiên” này
chăng?
Lại nhớ câu nói: “Tai họa do trời gây
ra (thiên tai) thì còn có thể đỡ, tai họa do con người gây ra (nhân tai) thì vô
kế khả thi”!
Ta thử thống kê và so sánh các tai họa
được nhắc đến trong bài thơ:
1. Thiên tai (3): bão giông, núi lửa,
sóng thần
2. Nhân tai (9): những nhát rìu, biển
lửa, thuốc sâu, hóa chất, dầu loang, mùi cá trôi hôi thối, kiệt tài nguyên,
khói bụi, tiếng ồn
3. Các tai họa có nguyên nhân sâu xa bởi
con người:
a. Sâu rày: Trong cả nghìn năm sống bằng
nghề nông, cha ông ta không hề lạm dụng các loại thuốc trừ sâu kinh khủng như
bây giờ. Lí do:
- Thứ nhất, ngày xưa chưa có các loại
thuốc độc này.
- Thứ hai, thiên nhiên sinh ra muôn
loài rất hài hòa, nhờ nhiều loại côn trùng có ích không bị thuốc sâu tàn sát
nên chính chúng đã chế ngự sâu rày, giống như trời sinh ra động vật hoang dã ăn
cỏ thì cũng sinh ra động vật ăn thịt để cân bằng sinh thái. Giả dụ, nếu ta tiêu
diệt hết sư tử, hổ, báo… thì trâu, bò, hươu, nai, sơn dương… sẽ sinh sản vô tổ
chức và đến một lúc nào đó, chính chúng sẽ chết vì không còn ngọn cỏ, lá cây
nào cho chúng ăn.
- Kết luận: Sâu rày vốn đã có, nhưng
chính con người đã “tạo cơ hội bằng vàng” cho chúng phát triển “vô tổ chức” như
ngày nay.
b. Khô khát: Có một phần nguyên nhân
do con người gây ra như phá rừng, làm thủy điện tràn lan, lấp sông…
c. Ngập mặn, triều cường: Vì khô hạn
nên mới có hiện tượng ngập mặn xâm thực ngày càng sâu vào đất canh tác và hiện
tượng triều cường bất thường…
Có thể nói, bằng trực giác, Bích Ngân
đã nói rất đúng, rất trúng những hiểm họa do chính con người gây ra và không chỉ
hôm nay, mà con cháu chúng ta sau này sẽ tiếp tục phải trả giá cho những hành động
ngu dốt và “độc tàn” của mình!
Và cũng bằng trí tưởng tượng, thông
qua phép nhân hóa, thiên nhiên đã chỉ mặt giống người để chửi thẳng cánh: “lũ
người ích kỉ”!
Cuối cùng là sự sám hối trước thói bội
bạc phi nhân vô đạo của con người: “Tôi nhận về bao nhiêu?”! Nhận toàn bộ môi
trường sống trong lành của thiên nhiên nguyên thủy, nhận toàn bộ cuộc đời đáng
sống của mỗi con người! Nói cách khác, không có “bà đỡ” thiên nhiên thì không
có con người và muôn loài! Thiên nhiên sinh ra những cánh rừng để điều hòa
không khí, để giữ ẩm cho đất, để ngăn lũ quét lũ ống, để đàn voi có nơi sinh
sôi nảy nở… Phá hết rừng thì phải trả giá bằng khô hạn, lụt lội, voi dữ… Thiên
nhiên sinh ra các dòng sông và biển cả để hàng triệu loài cá được tự do tung tăng
bơi lội và chính chúng đã trở thành nguồn lợi hải sản vô tận nuôi sống con người.
Lấp sông, giết biển thì cái giá đã hiển hiện nhỡn tiền. Thiên nhiên sinh ra bầu
không khí trong lành để con người hít thở, giờ khói bụi và ô nhiễm đã gây ra
bao nhiêu bệnh tật nan y… Thiên nhiên cho ta tất cả những gì cần thiết nhất để
ta được sống với tư cách là một-con-người có lí trí và tâm hồn! Nhưng, đau xót
thay và cũng xấu hổ thay, chúng ta đã “trả lại” cho thiên nhiên những gì? Cao
nhất là lòng biết ơn? Đương nhiên là… không có! Tối thiểu là một sự tôn trọng?
Cũng không có nốt!...
Hai câu kết bài thơ khá hay: Xin đổi được kiếp này…!
Trời đất có cho tôi???
Xin đổi kiếp có nghĩa là muốn lấy cái
chết để tạ tội trước thiên nhiên? Chỉ là ước mơ của một sinh linh bé bỏng và cô
đơn thôi, Bích Ngân ơi!
Không trời đất nào cho phép ta “đổi kiếp”
vì xét cho cùng, đó chỉ là một hành vi chạy trốn! Tệ hại hơn, đó chỉ là sự phủi
tay vô trách nhiệm của những kẻ lì lợm trơ trẽn! Hãy can đảm tiếp tục sống,
nhưng là sống trong sự sám hối chân thành! Sám hối bằng hành động, chứ không phải
bằng những lời lẽ thơn thớt vô hồn! Nghĩa là… muộn còn hơn không! Hãy chấm dứt
ngay lập tức những hành vi hủy hoại và đầu độc thiên nhiên!
Thạch Bàn, 15h ngày 16.11.2016
Nguồn : Fb Hoàng Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét