Nhạc sĩ Nguyễn Vũ thời thanh niên
(1968) - Ảnh tư liệu của tác giả
|
Tuy có chủ đề về Giáng sinh nhưng ca
khúc mang nhiều tục lụy của trần thế, mô tả cái được cái mất, gặp gỡ và chia ly
rồi hoài niệm tiếc nhớ trong tình yêu đôi lứa. Ban đầu “Bài thánh ca buồn” chỉ
là một kỷ niệm rất riêng tư về một cuộc tình thời trai trẻ của Nguyễn Vũ, nhưng
bài hát đã vượt lên trở thành hoài niệm chung của rất nhiều người. Từ đó ca
khúc “Bài thánh ca buồn” trở thành bài hát quen thuộc của mùa Giáng sinh hàng
năm.
Kỷ niệm cuộc tình dưới mưa
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ tên thật là Nguyễn
Tuấn Khanh, sinh năm 1944 tại Hà Nội nhưng suốt thời thơ ấu ông sống ở Đà Lạt.
Những năm tháng tuổi thơ sống ở thành phố sương mù đã tác động nhiều đến bước
đường nghệ thuật của ông trong đó có “Bài thánh ca buồn”.
Không chỉ sáng tác nhạc, Nguyễn Vũ còn
hát rất hay. Từ nhỏ, ông đã chơi được nhiều nhạc cụ như guitar, harmonica, piano…và
hát cho Ban thiếu nhi của Đài Phát thanh Đà Lạt. Năm 12 tuổi (1956), cậu bé
Tuấn Khanh đã đoạt giải Nhất đơn ca thiếu nhi do Đài Phát thanh Đà Lạt tổ chức.
Năm 1965, Nguyễn Vũ có tác phẩm đầu tay
là ca khúc “Loài chim biển”. Hai năm sau, tên tuổi nhạc sĩ mới được giới yêu
nhạc biết đến nhiều qua loạt ca khúc có chữ “cuối”: “Lời cuối cho nhau”, “Nhìn
nhau lần cuối” và “Bài cuối cho người tình”. Rồi sau đó, đặc biệt nhất là “Bài
thánh ca buồn”.
Mỗi mùa Giáng sinh về, "Bài thánh ca buồn" của Nguyễn Vũ lại vang lên như một hoài niệm chung của những ai từng có tình yêu chớm nở trong đêm Giáng sinh lạnh giá. Chính tác giả cũng đôi lần tự nhận thấy: "Đến nay, ‘Bài thánh ca buồn’ vẫn luôn được người nghe yêu thích. Đó là điều chính tôi cũng không ngờ. Thật ra, ai trong đời cũng trải qua một thời yêu thương mơ mộng, mà thường những kỷ niệm buồn bao giờ cũng khắc sâu và dễ làm mềm lòng người mỗi khi được gợi lại. Có lẽ “Bài thánh ca buồn” của tôi phần nào đã làm được điều đó chăng?".Nhạc sĩ Nguyễn Vũ cho biết: “Tôi không
nghĩ ca khúc này lại được nhiều khán giả yêu mến đến thế. Khi viết ca khúc ấy,
đơn giản tôi đang hoài niệm quãng thời gian trai trẻ của mình. Cái thời mà tôi
chỉ dám ngắm nhìn người tôi mến, không dám mở lời làm quen…"
“Thuở tôi là một cậu bé 14 tuổi ngày đi
lễ ở nhà thờ Con gà (TP.Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì tìm ra một
cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn đi ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà
thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình
thiếu nữ tóc bồng bềnh trong gió cao nguyên. Ngày qua ngày, suốt hơn ba tháng
trời, tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” của cô ấy. Kẻ trước người sau, mỗi
bận đi lễ về phải đi bộ hơn 3km đường đèo nhưng một lời bẻ đôi tôi không dám
thốt. Lòng thành của tôi chỉ được hưởng một ân huệ cỏn con: Tôi được biết cô ấy
tên Th., lớn hơn tôi 2 tuổi…”.
Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng
sinh, tan lễ thì trời đổ mưa to, cô ấy nép vào một mái hiên trú mưa, tôi
cũng…trú tạm bên cạnh, hai người đứng cách nhau độ một gang tay... Lẫn trong
tiếng mưa vang lên giai điệu quen thuộc của bản thánh ca “Đêm thánh vô cùng”
(Silent Night) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy:
“Đêm Thánh vô cùng/ Giây phút tưng
bừng/ Đất với trời, se chữ đồng…”. Cô ấy đưa tay hứng những giọt nước mưa và
khe khẽ hát theo. Tôi lặng người. Giọng hát cô ấy buồn da diết. Tự dưng tôi cảm
thấy run, khẽ đưa tay vuốt nhẹ những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo
của cô ấy. Cô ấy bất chợt quay sang tôi nhoẻn miệng cười: “Cảm ơn nghen!”.
Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất
dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ vì “Người đi
một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”.
Ba ngày sau, gia đình tôi chuyển vào
Sài Gòn sinh sống. Tâm trạng tôi lúc đó y như người vừa đánh mất một vật quý
giá. Từ đó, mỗi khi chợt nghe bài “Đêm thánh vô cùng” lòng tôi lại tái tê với
ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy”.
Ôm hình bóng ấy cho đến mãi 14 năm sau,
tình cờ nghe lại “Đêm thánh vô cùng” từ chiếc máy đĩa, bỗng dưng cảm xúc từ một
mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ – tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi
trần thời gian – chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc tôi và “Bài thánh ca buồn”
ra đời.
Nhạc phẩm “Bài thánh ca buồn” được nhạc
sĩ Nguyễn Vũ sáng tác trong hai tiếng vào một ngày tháng 10.1972 và được hãng
dĩa Sơn Ca mua độc quyền, nam ca sĩ Thái Châu là người đầu tiên thể hiện và
ngay sau đó, nó trở thành ca khúc “hot” nhất trong mùa Giáng sinh năm đó.
Cho đến nay có rất nhiều ca sĩ hát bài
này nhưng ca sĩ Elvis Phương đã là người mặc định cho ca khúc một vị trí hoàn
hảo, thổi vào đó dạt dào những cảm xúc từ khung trời kỷ niệm một chút gì tiếc
nuối. Xa vắng, kết hợp giọng hát ở không gian cao, rộng, khoan thai, phát âm
từng chữ rõ ràng, lắng đọng, để rồi đẩy ca khúc lên. Biết bao thế hệ nghe qua ca
khúc vẫn không nhàm chán: “Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang/ Xin cho đôi
mình suốt đời có nhau/ Vang trong đêm lành bài ca Thiên Chúa/ Khẽ hát theo câu:
“Đêm thánh vô cùng”/ Ôi giọng hát em mênh mang buồn”.
( Sưu tầm )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét