Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

SƠN TINH, THỦY TINH (Truyện cổ viết lại)

(Chuyện cổ viết lại, viết đại một hơi cho con trẻ nó đọc)


Năm ấy vua Hùng Vương thứ 18 cho mở tiệc linh đình để kén rể. Cô con gái rượu Mỵ Nương xinh đẹp như nàng tiên cá, nhưng rất tiếc vẫn ế chồng. Thực ra, nói ế cũng không phải. Mới lớn lên nàng có quá nhiều chàng săn đón. Bao nhiêu đại gia bỏ tiền ra bao, nàng nhận tất. Rốt cuộc lắm trai không ai mở khóa động đào.

Thấm thoắt nàng đã gần trăm tuổi xuân xanh. Xem chừng không thể để nàng kéo dài cuộc mây mưa với quá nhiều đàn ông khi cửa động, đầu non đường lối cũ... đến lúc chỉ còn thơ thẩn bóng trăng chơi. Vị cha già hơn 500 tuổi gần đất xa trời kia bắt đầu sốt ruột. Cứ để các đại gia đi lại với nàng như thế xem chừng có ngày nàng chửa hoang rồi đến lúc cạp đất mà ăn.
Vua bèn nghĩ kế sâu gốc rễ bền cho sự nghiệp tổ tông, bằng cách làm sao kén được thằng rể tỉ phú để về già dựa dẫm. Vua cho sứ giả loan truyền: ai là người giàu có, hùng mạnh nhất thế giới có thể bảo vệ được cơ nghiệp của nhà vua sẽ được kén chọn làm phò mã. Loa loa loa...


Lễ tiệc hôm ấy xuất hiện hai chàng trai giàu có, mạnh mẽ đến yết kiến.
Chàng thứ nhất xưng:
- Thần là Sơn Tinh, đến đây cầu hôn Mỵ Nương công chúa. Thần có đủ sức mạnh phi thường để bảo vệ ngai vàng của nhà vua.
Chàng thứ hai xưng:
- Thần là Thủy Tinh, đến đây cầu hôn Mỵ Nương công chúa. Thần có đủ sức mạnh phi thường để chôn vùi đứa nào cướp đất của dân.
Nhà vua cả mừng, vì thấy chàng nào cũng phi thường. Nhưng nhà vua cũng không khỏi lúng túng, vì không lẽ để Mỵ Nương một lúc làm vợ cho cả hai anh chồng khổng lồ. 

Vua bèn hội ý với các đại thần nên chọn ai trong hai chàng kia.
Trong số các đại thần kia có đến quá nửa muốn chọn Sơn Tinh, số ít còn lại đòi chọn Thủy Tinh.
Phe chọn Sơn Tinh lí luận:
- Sơn Tinh là núi, thế cao lại gần kề ta như răng với môi. Môi hở thì răng lạnh. Chọn Sơn Tinh làm chỗ dựa là kế sách bền lâu cho đại nghiệp. Nhất là khi có biến, trốn chạy về hướng núi và giấu của là kế an toàn.
Nhưng phe Thủy Tinh cãi lại:
- Tuy Sơn Tinh là núi, thế cao mạnh mẽ, nhưng núi cao thì cheo leo hóc hiểm khó lường, không chừng leo cao không có nước uống mà chết. Nên chọn Thủy Tinh, dù là nước, thấp, nhưng là nguồn sống muôn đời nay của tổ tông. Chúng ta sinh ra từ nước, sống nhờ nước, bỏ nước theo núi khác nào phản bội cội nguồn. Con cháu ta sẽ mang mặc cảm phản bội này đến đời đời kiếp kiếp...
Phe kia không chịu, cứ nhao nhao lên:
- Về với nước khi có biến thì giấu của vào đâu? Giấu của vào đâu? Ném hết xuống biển à???
Nhà vua ôm đầu, bịt tai không cho cãi nhau nữa, đành cho biểu quyết. Kết quả, phe chọn Sơn Tinh thắng thế. Nhà vua nói:
- Thôi thì đa số thắng thiểu số. Nhưng làm cách nào để chọn Sơn Tinh mà không mang tiếng gian lận?
Phe chọn Sơn Tinh hiến kế:
- Bây giờ nên ra lệnh tạm hoãn. Ngày mai nhà vua cho hai bên đấu nhau công khai để an dân trước, sau đó có mật kế chọn Sơn Tinh.
Bỗng vua Hùng phân vân:
- Hay là ta cứ hỏi ý kiến con gái ta. Nếu nó không có ý kiến gì thì hỏi dân?
Phe chọn Thủy Tinh đồng tình:
- Đó là việc làm phải đạo!
Nhưng bọn theo phe chọn Sơn Tinh to tiếng:
- Không được! Kén rể là chuyện quyền lợi của dòng tộc, sao phải trưng cầu dân ý? Mà nữa, không chừng Mỵ Nương chọn cả hai thì sao? Chúng ta đang kiên định lập trường chọn một rể kia mà!
Nhà vua đành xoa tay. Thôi được, ta chiều các khanh. Ngày mai cứ thế mà làm.

Sáng hôm sau trời quang mây tạnh, chim hót véo von. Khung cảnh kén rể cờ phướng rợp trời. Nhà vua và các đại thần uy nghi bước ra khán đài. Các nô tài thi nhau che dù.
Sơn Tinh, Thủy Tinh cũng có mặt. Dân chúng đến xem rất đông.
Nhà vua phán:
- Hiện có hai chàng trai mà con gái ta thì chỉ có một, cho nên hai chàng phải tỉ võ để phân cao thấp. Trong ba hiệp mà bất phân thắng bại thì thi tiếp phần lễ vật.
Lời truyền vừa dứt, cuộc tỉ thí võ công bắt đầu. Thủy Tinh ra oai sấm sét đùng đùng, mây tuôn gió thổi, bốn bề nước đổ, biển dâng cao đến ngập cả núi. Đến lượt Sơn Tinh liền vẫy tay hóa phép dời núi lấp sông, đổ cây, phá rừng, núi non rùng rùng luân chuyển. Hai bên đánh nhau hết ba hiệp vẫn bất phân thắng bại. Dân chúng vỗ tay reo hò tán thưởng.

Nhà vua cho dừng cuộc đấu và phán:
- Cả hai ngươi đều tài giỏi cả. Bây giờ là cuộc tỉ thí thứ hai. Thi lễ vật.
Nhà vua đưa ra trước mặt mọi người một bọc vải đỏ. Vua nói, cái này bốn ngàn năm sau con cháu ta gọi là gói thầu. Trong đó sẽ chứa bí mật về lễ vật mà hai ngươi phải đáp ứng. Về nguyên tắc, đó là lễ vật theo thị trường nhưng có định hướng theo sở thích của ta. Bây giờ ta cho mỗi chàng nửa canh giờ về nhà lấy lễ vật. Sau khi mở gói ra, thứ lễ vật của chàng nào mang đến giống như tiêu chuẩn trong gói thầu này sẽ trúng thầu. Tức là sẽ được làm phò mã của ta!

Cả hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh lập tức phi thân mất dạng. Chưa tới nửa canh giờ, cả hai đã xuất hiện với đủ bộ lễ vật trên tay. Lễ vật của Sơn Tinh có voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao với bao nhiêu vàng bạc, châu báu, gỗ quý ở núi rừng. Lễ vật của Thủy Tinh có ngọc trai, đồi mồi, san hô, và bao nhiêu tôm cá nơi biển cả.
Nhìn lễ vật của cả hai, nhà vua trộm nghĩ, nếu ta có 2 đứa con gái thì hay biết mấy. Bèn cho mở gói thầu. Đại thần mang ra trước bàn dân đọc rõ to:
- Lễ vật nhà vua cần là voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao…
Sơn Tinh nhảy cẫng lên vui mừng và cướp ngay Mỵ Nương trên tay rồi hô biến bay về bên kia núi. Trong khi Thủy Tinh hụt hẫng, đứng như trời trồng. Chàng hét lên một tiếng thành sấm chớp lung lay cả kinh thành. Biết là thua, chàng quay lưng trở về biển cả và lầm bầm văng tục:
- Đù má quân gian lận. Tên hôn quân kia cùng nòi giống Rồng với ta mà phản bội ta. Ngươi bán con gái ngươi cho kẻ cướp, có ngày bán cả biển cả cũng nên! Ngươi sẽ phải trả giá!

Từ đó Thủy Tinh nuôi hận báo thù. Năm nào cũng như năm nào, chàng kéo quân đến kinh thành hỏi tội nhà vua. Nhưng chơi mãi chiêu lũ quét thì không chết ai mà toàn chết dân đen. Bọn quan lại đóng cửa thành im ỉm, chỉ chờ được phen đục nước béo cò. Một năm kia, Thủy Tinh thay đổi chiến thuật, không chơi trò lũ lụt nữa mà dùng kế bế thủy. Cả năm trời nước biển không bốc hơi lên được. Trời thì không mưa mà nước mặn thì tràn vào làm cho dân không có nước uống, cây trái tiêu điều.

Sơn Tinh biết trước có ngày này nên cho quân ra sức phá rừng, ngăn bờ đắp đập, hạn mặn lại càng gia tăng. Sau đó lại cho xả độc từ sông ra biển làm cho cá và các loài thủy sinh chết trắng bờ. Thủy Tinh càng nổi trận lôi đình dâng nước gây lũ lụt cả tháng trời. Dân tình điêu đứng, tiếng kêu khóc động trời. Bọn thù địch lôi chuyện thông thầu trong cuộc hôn nhân kia ra đàm tiếu, bôi nhọ. Chỉ có bọn quan tham là vui vẻ đi quyên góp từ thiện.

Dân đói. Đám nhà thơ suốt ngày nghêu ngao ca hát cũng đói. Chúng không còn sức đâu mà làm thơ ngợi ca nhà vua. Cả bọn tự chuyển hóa, đổi nghề bán miệng nuôi trôn thành bán trôn nuôi miệng. Trại sáng tác thành nhà thổ. Bệnh dịch, giang mai hoành hành. Tình thế lâm nguy.
Nhà vua bèn sai sứ giả sang cầu cứu Sơn Tinh. Đợi sứ giả đến, Sơn Tinh ra điều kiện:
- Tình thế này thì không ai cứu được các ngươi ngoài ta. Nhưng muốn ta cứu, nhà vua các ngươi phải trả lại ta thứ lễ vật mà ta đã cầu hôn. Để có được lễ vật ấy ta phải phá bao nhiêu rừng đấy. Trước mắt, vì đại cục, nhà vua hãy ra lệnh chém toàn bộ bọn thù địch tung tin bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ cuộc hôn nhân của ta đã rồi ta sẽ xuất quân ứng cứu. Cứ thế mà làm nhé, nhé…
Nói xong, Sơn Tinh ôm Mỵ Nương hôn đánh chụt một cái đến dập cả môi của nàng:
- Đấy, ta với cha nàng mãi mãi vẫn là tình môi răng. Môi hở thì răng há hàm ếch. Thỉnh thoảng răng có cắn môi thì môi mới thấy đau, à không, thấy thắm thiết hơn bao giờ hết…

1 nhận xét:

Chu Mộng L nói...

LỖI BỞI CHA CON VUA HÙNG

Sách dạy truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh cho trẻ em nói rằng, lũ lụt là do hung thần Thủy Tinh. Thiên nhiên sinh ra và nuôi dưỡng con người đã bị con người chối bỏ và vô tình vị thần nước kia bị quy tội thành thủy tặc.

Nước là sinh đồng thời cũng là diệt. Nước cho con người tất cả nhưng nước cũng lấy đi tất cả. Con người phản bội cội nguồn của mình ắt phải gánh lấy sự trừng phạt. Đó mới là nội dung đích thực của huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh.

Rành rành trong truyện, chỉ vì ham của rừng mà cha con vua Hùng đã quay lưng với Thủy Tinh và nhận lấy Sơn Tinh làm chàng rể. Bề ngoài tưởng Thủy Tinh không lấy được Mỵ Nương nên hàng năm dâng lũ đánh ghen, nhưng sâu xa là sự trừng phạt kẻ tham lam, bội nghĩa. Chẳng phải để có voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao cho một cuộc hôn nhân gả bán mà Engels gọi là "mại dâm cao cấp" trong học thuyết về nguồn gốc gia đình, con người đã tàn phá núi rừng, hủy diệt môi sinh?

Hồi nhỏ, mình từng hỏi cô giáo, rằng vị thần Thủy Tinh kia ghen gì mà ghen dai vậy? Nay mới hiểu, chẳng phải ghen tuông gì. Chỉ vì lòng tham của con người mà hết thế hệ này đến thế hệ khác phải gánh chịu sự trừng phạt. Càng tàn phá núi rừng, thiên nhiên càng nổi giận. Nếu không dừng tay lại, đến lúc nòi giống vùng sông nước này sẽ bị hủy diệt đồng loạt.

theo Chu Mộng Long