Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

BOT CAI LẬY. THƯA THỦ TƯỚNG, CÓ DÂN MỚI CÓ ĐƯỜNG

  
THƯA THỦ TƯỚNG, CÓ DÂN MỚI CÓ ĐƯỜNG

Cái sai của BOT Cai Lậy không chỉ sai ở vị trí đặt trạm thu phí mà sai ở chỗ những người ra quyết định đã không lấy dân để đặt gốc rễ cho tính chính danh của một chính quyền.

Không ngạc nhiên khi những kẻ như Nguyễn Nhật đến lúc này vẫn còn chày cối. Nhưng cái thời các cơ quan chính phủ sẵn sàng đồng thuận cho những quyết định bất chấp như đặt trạm Cai Lậy phải được chấm dứt. Đây là lúc Thủ tướng phải vô cùng cân nhắc. Đưa trạm thu phí Cai Lậy về đúng chỗ của nó có thể còn phải thay đổi vị trí của một số trạm BOT nữa. Thất thu hàng nghìn tỷ khi ngân khố cạn kiệt thật là một bài toán hóc búa.

Nhưng thưa Thủ tướng, có dân mới có đường.

Có thể chỉ vài tài xế thông minh và quả cảm xuất hiện ở trạm Cai Lậy nhưng phía sau họ là lòng dân. Vấn đề của dân chúng không chỉ bởi mấy chục nghìn bị móc túi trong khi họ chỉ đi trên Quốc lộ đã có hàng trăm năm được gìn giữ bằng cả máu của cha anh và tiền thuế của chính họ. Cái người dân cần là lẽ công bằng. Và, người dân không muốn thấy một chính phủ xưng là của họ, rao là vì họ mà hành xử như con tin của một nhóm tư bản thân hữu mua bán đặc quyền.
Chúng tôi biết, trong hai năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực để dọn dẹp những khối u của người tiền nhiệm đặc biệt là nỗ lực cắt bỏ hàng nghìn giấy phép con xuất hiện trong khoảng thời gian từ 2008 -2015. Nhưng, không có nỗ lực nào có thể đi tới đích của thành công khi một cái sai mười mươi mà vẫn còn dung dưỡng. Vấn đề của BOT Cai Lậy không phải là phí mà là học phí; không chỉ là dân mà còn là con đường. Lịch sử sẽ quan sát quyết định hôm nay - trước một trạm thu phí nhỏ - để đánh giá tầm nhìn và đánh giá tầm vóc của một nhà lãnh đạo và điều quan trọng hơn là để biết, Chính phủ chọn bên nào.

BOT & LIÊN MINH NGUYỄN TẤN DŨNG - ĐINH LA THĂNG - BẮC HÀ

Tại sao lại miễn, giảm phí qua trạm thu phí Cai Lậy vì cái sai ở đây là vị trí đặt trạm chứ không phải là mức phí. Nhà nước cần giám định khoản tiền nhà đầu tư thực sự đã bỏ ra ở 26,5km (chứ không chỉ căn cứ lên mức họ kê khai) rồi hoàn trả cho họ (không quá 300 tỷ). Bắt buộc dời trạm thu phí vào phần đường tránh. BOT là đầu tư để cho người dân có thêm lựa chọn chứ đâu phải là chặn cửa, đơm đó, buộc mọi người dân dù đi đường cũ hay đường mới đều phải trả tiền cho nhà đầu tư.

Cần điều tra xem ai đã cho phép đặt trạm thu phí Cai Lậy trên quốc lộ Một; Quyết định này phải được coi là hành vi cấu kết của các quan chức hư hỏng với các tư bản thân hữu để chiếm đoạt tiền bạc của những người dân chỉ đi qua phần đường nâng cấp phải trả cả phần tiền BOT.

Hàng trăm nghìn tỷ đã được ném vào BOT, trong nhiệm kỳ Bộ trưởng của Đinh La Thăng, mà chỉ cần kiểm toán của Hồ Đức Phớc - người kéo Đinh La Thăng vào BCT bằng cửa ngách - cũng đã phát hiện ra số tiền thực đầu tư nhỏ hơn con số khai báo rất nhiều. Tác giả của con số khổng lồ này là liên minh ma quỷ: Nguyễn Tấn Dũng - Đinh La Thăng - Bắc Hà. Một phương thức rút tiền ngân hàng mà chính ông Nguyễn Văn Bình, khi còn là Thống đốc, dù chịu ơn "king maker" Bắc Hà vẫn đã từng công khai phản đối.

PS: Thay vì đưa một con số BOT tuyệt đối, tôi sửa lại là "hàng trăm nghìn tỷ" vì một chuyên gia về ngân hàng vừa cho tôi biết là con số rất lớn nhưng chưa có thống kê nào chính xác. Xin lỗi các bạn.

BT TRƯƠNG QUANG NGHĨA ĐỪNG BẢO VỆ CÁI SAI CỦA TIỀN NHIỆM NỮA

Như vậy, khi làm 12km đường tránh này, chủ đầu tư và Bộ Giao thông đã biết nếu đặt trạm thu phí trong đường tránh thì không thể nào thu hồi vốn. Phần tiền tráng mặt 26,5km đường 1a là để có cớ đặt trạm thu phí ở đó. Hành động này hôm qua tôi đã đề nghị phải coi là âm mưu "chiếm đoạt tài sản của những người dân không sử dụng BOT"(chỉ đi đường 1a).

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phải thấy hành vi ký hợp đồng này là có dấu hiệu tội phạm, ông nên yêu cầu chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra chứ đừng bao che người tiền nhiệm nữa. Lãnh đạo Tiền Giang và các tỉnh miền Tây cũng phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi người dân của mình, không thể tiếp tay cho những hành vi sai trái, ngăn chặn một loại tội phạm mới vừa xuất hiện.

nhà báo Trương Huy San

*
Mấy hôm nay dân chúng bức xúc. Giờ, Thủ tướng cũng bực mình. Hy vọng sự bực mình của người đứng đầu Chính phủ kiến tạo sẽ mang lại công bằng cho xã hội.

Người dân nào cũng chỉ mong làm ăn yên ổn, không ai muốn có chuyện với người khác - nhất là những người có tiền và có quyền. Nhưng việc ồn ào quanh các trạm BOT là do đặt sai vị trí. Tài xế hoàn toàn không sai khi họ trả tiền lẻ, càng không sai khi họ đấu tranh để đòi quyền lợi chính đáng là không đi đường BOT thì không trả tiền!

Cứ nhìn vào lượng like, cmts ủng hộ các tài xế của cộng đồng mạng- dù cả triệu người, trong đó có tôi, chả liên quan đến cái trạm BOT Cai Lậy - đủ biết thái độ của người dân.
Cộng đồng ủng hộ không vì cá nhân các tài xế, mà là ủng hộ lẽ phải. Bởi người dân không đi đường BOT, nhưng đang bị ép trả thì phải đấu tranh. Con giun xéo lắm cũng quằn.
Chỉ cần nhấc trạm BOT về đúng vị trí, đảm bảo mọi người lại hiền lành như cũ.
Nhà đầu tư xây dựng đường ở đâu, thì thu tiền ở đó. Không lý nào để họ được thu tiền của dân ở con đường họ không hề xây dựng. Hàng triệu người đã hy sinh để giành lại mảnh đất ấy, không phải để cho nhóm lợi ích làm tiền.

Nếu chấp nhận sự vi phạm pháp luật, sẽ là tiền lệ cho các trạm BOT khác không chỉ tồn tại mà còn tiếp tục mọc thêm trên khắp nẻo đường đất nước -những con đường do nhà nước đầu tư từ tiền thuế của người dân. Và người dân tiếp tục bị một nhóm người bóc lột.

Trước ồn ào của dư luận, chỉ thấy nhà đầu tư lý giải vị trí đặt trạm BOT là có sự đồng ý của Bộ GTVT. Lý do này không thuyết phục, vì Bộ GTVT đồng ý không có nghĩa là việc đó đúng, nhất là kết luận của Thanh tra CP và Kiểm toán NN đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của các trạm BOT, mà Bộ GTVT là nơi chịu trách nhiệm.

Lẽ ra, sau những kết luận này và sau ý kiến mạnh mẽ của các ĐBQH, rất cần phải điều tra xem "có hay không việc nhận hối lộ để chủ đầu tư đặt trạm ở nơi có thể thu phí cả những người dân không sử dụng BOT" như một nhà báo đã đề nghị.
Khi đó, biết đâu lò sẽ chật vì quá nhiều củi! :D 
facebooker, nhà báo Hằng Thanh
   
*

Xin lỗi các anh em tài xế vụ BOT Cai Lậy, tôi nhu nhược và hèn.

Tôi từng lái xe qua nhiều cung đường của Việt Nam và vô cùng khó chịu vì cứ một quãng lại chình ình một cái trạm thu phí, lại phải cứ móc tiền ra trả.
Tôi thầm lặng trả, ngoan ngoãn như một con cừu và đôi lúc cười nhẹ: Ừ, cũng chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng có lần không thể chịu nổi trước cái BOT trước sân bay Vinh, thu luôn cả tiền gửi xe máy. Cô thu tiền nói giọng rất hách dịch: "Anh có là Chủ tịch tỉnh anh cũng phải nộp!". Tôi đưa máy ra chụp ảnh, cô còn kênh cái mặt: "Anh chụp đi. Em được nổi tiếng em càng sướng"
Thái độ này, gương mặt này, tôi đã gặp hầu hết trên suốt các cung đường mà tôi qua, ở đất nước hình chữ S này. Thái độ này, gương mặt này, bao người dân Việt Nam đã phải nhận nhục chịu đựng, ngoan ngoãn cống nạp.
Đằng sau một cô thu tiền là ông chủ BOT, đằng sau ông chủ BOT là một nhóm lợi ích. Và tại sao họ lại vẫn lì lợm, vẫn nhơn nhơn như vậy được, giờ tôi hỏi ai?

Xin trích dẫn ý kiến của PGS Nguyễn Lê Ninh UV MTTQ Tp.HCM: “Từ xưa đến nay, tất cả các tuyến quốc lộ đều là của dân, do dân đóng góp tiền xây dựng cho nên không ai được quyền thu phí người dân. Không nên mượn cớ xây sửa đường mà buộc người dân gánh thêm mức phí vô lý.

Trong vấn đề tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, Bộ GTVT có trách nhiệm lắng nghe, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho dân. Lãnh đạo bộ hãy nhìn nhận những điểm chưa hợp lý và khắc phục kịp thời.

Chúng ta biết nhưng chúng ta đã nhẫn nhịn. Bạn nhẫn nhịn, tôi nhẫn nhịn vì chúng ta quen rồi cách nhẫn nhịn này. Tôi không biết bạn nhận xét về chính mình thế nào, nhưng tôi nhận thấy mình nhu nhược, thậm chí là hèn. Nhất là trước những phản ứng của cánh tài xế ở BOT Cai Lậy mấy ngày qua.

Tôi có chữ nghĩa, cũng hiểu biết pháp luật, hay nói những lời hay ý đẹp, thế mà tôi lại không phản ứng, đấu tranh với bất công vô lý được như các anh. Tôi xin lỗi vì đã để các anh đơn độc làm điều đó.

Họ khác tôi một chút, là họ phải cống nạp từng ngày từng ngày một. Đều đặn như một kẻ liên tục bị nhỏ nước tong tỏng vào đầu. Họ sống trong ức chế, phải tìm đủ mọi cách để đối phó với đám BOT kia.

Và, họ một mình chống chọi với đám đó, như một mình chống chọi với Mafia. Tôi đứng ngoài cuộc đấu đó. Và không ít trong các bạn đứng ngoài cuộc đấu đó.

Các hội đoàn liên quan đến họ, những người mang bổn phận bảo vệ họ, cũng đứng ngoài cuộc.
Riêng cảnh sát, với những hành động bạn thấy và những thông tin trên báo, họ đứng về ai, bạn sẽ có câu trả lời. Họ đã thu giấy tờ tuỳ thân của một số tài xế. Họ đúng hay sai, mời bạn tham khảo ý kiến của Luật sư Phạm Tất Thắng (Đoàn luật sư Tp.HCM), trên báo Tuổi trẻ sáng nay:
“Việc lực lượng cảnh sát túc trực để điều tiết, giữ gìn trật tự, đề phòng, xử lý hành vi gây rối (nếu có) tại trạm thu phí là cần thiết. Tuy nhiên, phải khẳng định ngay việc tài xế dùng tiền lẻ hay chẵn là quyền của tài xế, không vi phạm pháp luật. Mệnh giá tiền bao nhiêu hoặc phương thức thanh toán nào khác phù hợp (cà thẻ nếu có) giữa tài xế và trạm thu phí là quan hệ dân sự đơn thuần".

Theo luật sư, rắc rối phát sinh giữa tài xế và trạm thu phí chỉ là các bên chưa sử dụng phương thức thanh toán phù hợp. Rắc rối đó, phía tài xế chỉ là thiếu thiện chí trong thanh toán (nếu có) nhưng lỗi của trạm thu phí lớn hơn. Bởi lẽ trạm buộc tài xế đóng phí nhưng lại không chuẩn bị đầy đủ công cụ, phương thức thanh toán. Đó là chưa kể đến việc đặt trạm thu phí tại vị trí đó để thu tiền là chưa đúng.


"Như vậy, lực lượng cảnh sát giao thông tham gia giải quyết rắc rối đó bằng cách thu giữ bằng lái, giấy tờ xe của tài xế là hành vi trái luật", ông Thắng khẳng định.
Vâng, để các anh không đơn phương, từ nay, trên các cung đường, nhất là các đoạn chi chít trạm thu phí như Bình Phước và Khánh Hoà, tôi sẽ áp dụng theo cách của các anh. Tôi sẽ trả tiền cho các BOT một cách đầy đủ như họ muốn và họ phải trả lại cho tôi phần tiền dư, cho dù chỉ là 100 đồng.

P/s: Tôi sẽ không dùng bất cứ ngôn ngữ nào lịch sự cho các thể loại dư luận viên nhảy vào đây comment. Xin lỗi những người đọc tử tế!
facebooker Hoàng Nguyên Vũ

1 nhận xét:

Ngô Nguyệt Hữu. nói...


30 ngày của Bộ trưởng, 30 ngày của dân!

Thật không còn gì xác đáng để biểu thị cho cụm từ “trên nóng dưới lạnh” bằng hành động nhường quả bóng trách nhiệm vụ BOT Cai Lậy (Tiền Giang) cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Bất chấp, nắm về BOT Cai Lậy không ai có thể rõ bằng đương kim Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi chính ông là người ký phê duyệt, ký trình Thủ tướng rất lập lờ xung quanh dự án này thuở ông còn là Thứ trưởng Bộ GVTV vào năm 2013.

Về Sóc Trăng đảm nhiệm cương vị Bí thư Tỉnh ủy, báo giới hỏi ông về BOT năm xưa, ông trả lời tỉnh queo, hỏi mấy anh ở Bộ GTVT chứ tui làm công tác mới rồi.
Giờ trở thành tư lệnh ngành giao thông, ông lại bất ngờ đãng trí để phải chọn cách im lặng và dồn việc cho Thủ tướng Chính phủ. Mặc mới cách đây vài tuần, ông còn rất mạnh mẽ khi phát ngôn về BOT và những bất cập.

BOT Cai Lậy không đơn thuần chỉ là một trạm thu phí đặt sai vị trí, là tiền lẻ, là cảm xúc nhân dân, là thân hữu quyết bảo vệ cái không đúng đến cùng... mà trên cả, đó là giọt nước tràn ly, đó là điểm quá sức chịu đựng của nhân dân.

Đáng tiếc, lãnh đạo Bộ GTVT từ Bộ trưởng đến Thứ trưởng, dưới nữa là Tổng Cục trưởng đã không nhìn thấy điều đó.
Họ vẫn nhìn sự vụ BOT Cai Lậy với ánh nhìn của giai cấp trên nhìn xuống, thuận thì ngoan, không thuận chính là kích động, là gây rối, là tụ tập mất trật tự... Khi một lãnh đạo Bộ GTVT nói điều này, thú thật là tôi hoảng sợ về hai từ “nhân dân” trong tư duy của họ. (Mong biên tập viên không cắt đoạn này của tôi, rất cảm ơn - N.N.H).
Cuối cùng, việc đã đến tay Thủ tướng.

Vẫn tôn trọng cảm xúc của nhân dân, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp. Thậm chí chỉ đạo, nếu Bộ GTVT thấy đúng quy trình nhưng không hợp ý dân, không hợp thực tiễn thì phải có giải pháp đúng đắn, khoa học.
Thời hạn cho giải pháp cuối của Bộ GTVT và các ban ngành liên quan báo cáo dứt điểm về BOT Cai Lậy trước Thủ tướng là hơn một tháng tính từ ngày 4-12-2017.

Hơn 30 ngày để lãnh đạo Bộ GTVT chứng mình họ là một mắt xích trơn tru của cỗ máy kiến tạo mang tên Chính phủ, chứ không phải là một mắt xích lỗi.
Hơn 30 ngày để nhân dân hy vọng có câu trả lời cho câu hỏi, “Chọn quyền lợi chính đáng của dân hay chọn bảo vệ nhóm thân hữu?”.
Hơn 30 ngày ngắn ngủi, sẽ cho thấy quyết tâm của một hành trình dài, hành trình đã có quá nhiều biểu thị bằng lời nói, phát ngôn.

Cá nhân mình, tôi nghĩ rằng nhất định phải nói điều này với ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT, bằng tất cả sự tôn trọng của mình, tôi mong ông đừng cố gắng cản trở quá trình kiến tạo của Chính phủ thêm bất cứ lần nào nữa.
Ngô Nguyệt Hữu.