Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

"ĐỢI ANH VỀ" & SỐ PHẬN NGHIỆT NGÃ CỦA NÀNG VALENTINA






“Ngay cả nếu về sau anh nguyền rủa ngày đã đưa anh tới gặp em, anh cuối cùng vẫn ca tụng nó” - Simonov đã chẳng từng viết thế thời trai trẻ, khi ông mới gặp nàng đó sao. Yêu có nghĩa là như cánh buồm trong thơ Lermontov, tìm sự bình yên trong chính bão dông.
--------
Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có buồn lê thê
Em ơi em cứ đợi.
Dù tuyết rơi gió thổi
Dù nắng cháy em ơi
Bạn cũ có quên rồi
Đợi anh về em nhé!
Tin anh dù vắng vẻ
Lòng ai dù tái tê

Chẳng mong chi ngày về
Thì em ơi cứ đợi!
Em ơi em cứ đợi
Dù ai thương nhớ ai
Chẳng mong có ngày mai
Dù mẹ già con dại
Hết mong anh trở lại
Dù bạn viếng hồn anh
Yên nghỉ nấm mồ xanh
Nâng chén tình dốc cạn
Thì em ơi mặc bạn
Đợi anh hoài em nghe
Tin rằng anh sắp về!
Đợi anh anh lại về.
Trông chết cười ngạo nghễ.
Ai ngày xưa rơi lệ
Hẳn cho sự tình cờ
Nào có biết bao giờ
Bởi vì em ước vọng
Bời vì em trông ngóng
Tan giặc bước đường quê
Anh của em lại về.
Vì sao anh chẳng chết?
Nào bao giờ ai biết
Có gì đâu em ơi
Chỉ vì không ai người.
Biết như em chờ đợi.

(Simonov, 1941)
-----
Konstantin Mikhailovich Simonov sinh 1919 tại thành phố Saint-Peterburg là một nhà văn, nhà thơ và nhà biên kịch Liên Xô nổi tiếng với những tác phẩm viết về Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Có lẽ tác phẩm được biết tới nhiều nhất của Simonov là bài thơ Đợi anh về (Жди меня), một trong những bài thơ hay và được biết đến nhiều nhất của Văn học Xô viết trong Thế chiến thứ hai.
Tháng 10 năm 1941, trong khi quân Đức đang tiến như vũ bão về thủ đô Moskva và Hồng quân đang lâm vào thế phải chống đỡ rất khó khăn, Konstantin Simonov đã cho ra đời bài thơ Đợi anh về (Жди меня).
Ban đầu, bài thơ được sáng tác với ý định dành tặng riêng cho người yêu của tác giả là nghệ sĩ Valentina Serova , nhưng tình cờ tâm trạng của người lính trong bài thơ đã trùng với tâm trạng chung của hàng triệu người lính Hồng quân đang chiến đấu trên mặt trận, vì vậy " Đợi anh về " đã nhanh chóng trở nên phổ biến ở Liên Xô và sau đó là nhiều nước khác trên Thế giới.
-----
...Và ít ai biết Valentina Serova, diễn viên nổi tiếng thành Matxcơva, người được Simonov dành tặng bài thơ bất hủ "Đợi anh về" lại có số phận nghiệt ngã đến thế.


MỐI TÌNH SÉT ĐÁNH VỚI NGUYÊN SOÁI LIÊN XÔ

Đã diễn ra một cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Valentina với một trong những vị nguyên soái Liên Xô nổi bật nhất.
Mùa xuân năm 1942, nàng cùng các nghệ sĩ nổi tiếng khác ở thủ đô biểu diễn cho các bệnh binh là sĩ quan cao cấp xem.
Khi chương trình sắp kết thúc, bác sĩ trưởng tới yêu cầu Valentina vào phòng bệnh biểu diễn riêng cho một bệnh nhân đặc biệt, vừa mới qua ca phẫu thuật nghiêm trọng nên sức khỏe còn quá yếu.
Valentina đồng ý và không ngờ rằng mình sẽ lại bước vào một mối tình sét đánh nữa. Vừa nhìn vào cặp mắt người bệnh đang nằm trên giường, nàng đã thấy tim mình nhói lên: gương mặt bệnh nhân có vẻ như quen thuộc.
Đúng rồi, đó là vị nguyên soái lừng lẫy chiến công Rokossovsky! Tình yêu đã đến thực bất ngờ.
Valentina phải lòng vị nguyên soái hơn mình 21 tuổi như chưa từng bao giờ yêu, bất chấp mọi sự đàm tiếu của những người xung quanh về thói đa tình của “biểu tượng thủy chung”.
Trái tim thép của người lính dạn dầy tất nhiên là không thể cưỡng lại cơn bão tình đắm đuối như thế. Nhất là khi đó, vợ và con gái của Rokossovsky bị mất tích, ông đang cô độc...
Tuy nhiên, mối tình bốc lửa đó đã không ngăn cản được Simonov tiếp tục cuộc tấn công bằng thơ của mình. Ông yêu nàng mạnh mẽ tới mức không đếm xỉa tới mọi thói hư tật xấu của nàng.
Ông vẫn tin rằng, tấm tình chân thành của một người thơ như ông có thể cải hóa được cả những trái tim dễ sa ngã nhất. Những lời bày tỏ nồng nhiệt và xúc động của ông cuối cùng đã khiến Valentina năm 1943 gật đầu nhận lời làm vợ ông.
Với nguyên soái Rokossovsky, tin này như sét đánh ngang tai. Ông không thể nào quên được dư vị hạnh phúc ngọt ngào trong chênh vênh mà nàng đã ban tặng cho ông.
Sau chiến tranh, chiều chiều, người ta thấy cứ đúng lúc năm giờ, ở phía dưới cửa sổ căn phòng hóa trang của nữ diễn viên Serova, lại có một chiếc xe Zil cao cấp đen bóng đỗ lại.
Từ cửa xe bước ra một người đàn ông nghiêm trang trong bộ quân phục nguyên soái.
Ông đứng lặng lẽ nhìn lên ánh đèn le lói từ cửa sổ hắt ra, buồn rầu và tê tái, vừa như mong vừa như sợ phải thấy lại bóng hồng xưa cũ. Một lát sau, ông lại vào xe đi về.
Ở trong phòng, Valentina nhìn xuống thấy ông nhưng với nàng, niềm cảm xúc cũ đã trôi qua. Nàng cảm thấy thú vị vì được ngưỡng mộ nhưng nàng không còn yêu ông nữa...


BỘI THỰC TÌNH YÊU
Rời Rokossovsky, Valentina Serova quay lại với Simonov trước khi kết cục bi thảm đến với bà. Trong giai đoạn đầu của cuộc sống vợ chồng, cặp uyên ương đã tỏ ra hạnh phúc. Họ cùng nhau tận hưởng những vinh quang và thành đạt. Năm 29 tuổi, Valentina được nhận danh hiệu Nghệ sĩ công huân (nghệ sĩ ưu tú).
Các tác phẩm của Simonov liên tục được xuất bản và nhận giải thưởng... Tưởng không còn cần phải mơ ước gì thêm nữa. Tuy nhiên, tình yêu, như người ta nói, như con thú dễ bị chết vì bội thực.
Đối với Simonov, không có thử thách nào lớn hơn là sống cạnh người đàn bà mà ông đắm đuối yêu một thuở, thấy rõ sự tẻ nhạt tầm thường đằng sau hào quang của vòng nguyệt quế bằng thơ mà ông đã tự dựng nên cho nàng.
Hơn nữa, Valentina khi công thành danh toại lại mắc tật nghiện rượu. Mọi tai ương đã từ đó nảy sinh.
Đến mức cô con gái của hai người (sinh năm 1950) đã bị tòa án buộc phải đưa về cho bà ngoại nuôi với lý do là người mẹ nát rượu không thể thực hiện nghĩa vụ...

Họa vô đơn chí, Simonov lại phải lòng một người phụ nữ khác và năm 1957, rời bỏ Valentina:
Thơ anh chẳng thể viết thêm,
Với em ngày đó, với em bây giờ
Những dòng chua chát ngẩn ngơ
Từ lâu đã chẳng đủ cho đôi mình.


Cảm ơn vì mọi yên lành
Thuở nao em đã nhỡ dành cho tôi
Nghĩa ân người để bên người
Chắc gì đã hóa nợ đời với nhau...”.

Quan hệ giữa hai người sau đó trở nên rất tồi tệ. Đúng là yêu nhau lắm cắn nhau đau. Simonov trong những lần tái bản sách sau này đã xóa hết những dòng đề tặng Valentina ở hầu hết những bài thơ hay nhất của đời ông mà nàng đã là người gợi hứng, chỉ trừ ở bài “Đợi anh về”.


Cuộc đời nàng từ đó xuống dốc. Mất Simonov, nàng không chỉ bị mất chỗ dựa lớn nhất và duy nhất của mình mà còn đánh mất cả lòng tin vào tính siêu việt của tình yêu.

Còn duyên thì khác, nay hết duyên rồi thì đành phải đi sớm về trưa lẻ bóng. Bệnh nghiện rượu ngày càng nặng hơn. Người con trai cả của nàng cũng vì nát rượu mà chết khi mới 35 tuổi.
Nàng chỉ sống lâu hơn con trai mình đâu đó một năm. Ngày 10/12/1975, đi lĩnh lương hưu về, mở cửa căn phòng giá lạnh và quạnh quẽ, nàng bị vấp chân ngã. Và không bao giờ trở dậy nữa!
Linh cữu Valentina quàn tại Nhà nghệ sĩ điện ảnh Matxcơva. Nhiều người tới viếng đã bật khóc vì thương một kiếp tài hoa.
Simonov, đang nghỉ ở Kislovodsk, không về mà chỉ gửi 58 bông cẩm chướng đỏ, 58 tuổi đời nàng, tới viếng:
Muộn rồi, trách móc gì em
Sợ chi gió thổi trắng đêm ngậm ngùi
Chẳng qua đã hết yêu rồi
Nên thơ viết có ra lời nữa đâu...”.

Tuy vậy, cho tới khi chết, Simonov vẫn không thể quên được Valentina. Theo lời kể của người con gái chung của họ, trước khi mất không lâu, ông đã yêu cầu cô mang di vật của Valentina tới bệnh viện cho ông.
Ông nói: “Con để lại đây cho cha, cha xem một vài thứ, sáng mai con quay lại lấy”.
Hôm sau, cô con gái trở lại: “Tôi gần như không nhận ra ông nữa. Ông đã già đi một cách bất thường, lưng gù cả xuống. Ông lụi hụi đi đi lại lại trong phòng bệnh, lặng lẽ một lúc lâu.”
“Rồi ông đứng lại trước tôi và nhìn tôi bằng đôi mắt mà có lẽ sẽ không bao giờ tôi quên được - biết bao nhiêu đau đớn và khổ ải hiện lên trong đó.”
“Hãy tha lỗi cho cha, con gái ạ, nhưng những gì đã có giữa cha và mẹ con là hạnh phúc lớn nhất của đời cha... và cũng là tai họa lớn nhất”.

Dẫu kết cục buồn nhưng mở đầu đã là tuyệt diệu, đó cũng chính là hành trình quen thuộc với nhiều kiếp nhân sinh.

“Ngay cả nếu về sau anh nguyền rủa ngày đã đưa anh tới gặp em, anh cuối cùng vẫn ca tụng nó” - Simonov đã chẳng từng viết thế thời trai trẻ, khi ông mới gặp nàng đó sao. Yêu có nghĩa là như cánh buồm trong thơ Lermontov, tìm sự bình yên trong chính bão dông.
-----

Văn nghệ thứ 7:
( Kỷ niệm 100 năm CM tháng 10 Nga 1917 - 2017)
"ĐỢI ANH VỀ" & SỐ PHẬN NGHIỆT NGÃ CỦA NÀNG VALENTINA
Ad #TTKC (Tổng hợp)
Tham khảo:
thivien.net
chungta.com
+ vanhaiphong

Không có nhận xét nào: