Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

AI THỦ LỢI Ở THỦ THIÊM



Kịch bản của những người làm quy hoạch Thủ Thiêm từ thập niên 1990s (thời ông Võ Viết Thanh, Vũ Hùng Việt) là đấu thầu quốc tế. Tuy nhiên, yếu tố nước ngoài đã được sử dụng như những con ngáo ộp (đe doạ an ninh, chính trị) để các dự án BT ở đây rơi vào tay các nhà thầu sân sau. Những nhà thầu này từng giữ dự án nhiều năm mà không đầu tư một mét hạ tầng nào để sau đó bán lại với giá cao hơn gấp 3, 4 lần chi phí.
Phải biết những kẻ thực sự thủ đắc siêu lợi nhuận ở những nơi này (chưa phải là nhà đầu tư hiện thời) mới hiểu vì sao ngày 17-11-2015, khi đang thanh tra các dự án BT ở Thủ Thiêm, các thanh tra viên đã bị “mật rút” về Hà Nội.
Không chỉ phải phục hồi thanh tra để làm rõ các nhóm đặc quyền, đặc lợi đã chia chác Thủ Thiêm mà cần phải rút được những bài học nhằm bổ sung chính sách.

Đừng để những người dân đang nằm trong các vùng tham vọng của những Sun Group, FLC… rồi phải tha phương như người dân Thủ Thiêm. Nếu đất có thể đẻ ra siêu lợi nhuận tại sao những người dân sở hữu đất đai của cha ông lại không phải là những người đầu tiên được sẻ chia lợi nhuận.
Quốc hội nên cho sửa ngay Luật Đất Đai, thay vì tiếp tục trao cho chính quyền từ cấp huyện trở lên quyền thu hồi đất, chỉ nên cho họ quyền “trưng mua” như Hiến định.
Quốc hội cũng nên ban hành một đạo luật cho phép người dân nằm trong vùng có dự án đụng chạm đến một quy mô đất đai và dân số nhất định bầu ra một ban đại diện làm việc với nhà nước và các chủ đầu tư về tỷ lệ góp vốn bằng quyền sử dụng đất và thoả thuận mức giá với những người muốn nhận tiền để đầu tư nơi khác.
Tại sao hàng chục nghìn người dân Thủ Thiêm hay Ecopark bị “giải toả” đất đai chỉ nhận đền bù được khoảng vài trăm nghìn đồng một mét vuông để rồi đất ấy đang được bán với giá có nơi lên đến trăm triệu một mét vuông. Nếu phải giải toả Thủ Thiêm rồi giao cho các tư nhân “phân lô bán nền” như hiện nay, tại sao người dân lại không được sử dụng đất đai của ông cha để cùng góp vốn.
Nếu có một ban đại diện thực sự của người dân, chi phí đầu tư hạ tầng sẽ không cao như vừa qua vì nó buộc phải minh bạch và ban này sẽ không chấp nhận những khoản chi cho tham nhũng.
Chắc những người đang có quyền ban hành chính sách hiện nay cũng nhận ra rằng, quý vị không hề thiếu tiền. Cái quý vị thiếu là sự tôn trọng và ủng hộ của dân chúng.
Mấy ai trong quý vị thực sự được hưởng lợi khi duy trì những chính sách đặt tài sản của những người dân thấp cổ bé miệng trong tầm ngắm của những kẻ tham lam. Thay vì cho các đại gia núp sau lưng rồi đưa chân vào thế đối đầu với nhân dân hãy đặt mình trong tâm thế người dân. “Quan nhất thời”. Nên nhớ là, người thân và chính quý vị rất có thể trở thành nạn nhân của những chính sách mà quý vị đang níu kéo vì tưởng bở sẽ có cơ trục lợi.

1 nhận xét:

Trương Huy San nói...

TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU, NHÌN TỪ VỤ ÁN “NĂM CAM”

Khác với Năm Cam - một đối tượng “ngoài xã hội” - rất nhiều vụ án xảy ra gần đây có vai trò đắc lực của các tướng lĩnh Công an. Đặc biệt, những vụ án như “đánh bạc nghìn tỷ” hay “Vũ Nhôm”, các “đối tượng ngoài xã hội” chỉ tham gia với vai trò công cụ. Không phải tự nhiên mà trong nhiệm kỳ trước, Út Trọc, Vũ Nhôm… được gọi là “Út Bộ Trưởng”, “Vũ Bộ Trưởng”.

Trong vụ án Năm Cam, trung tướng Bùi Quốc Huy bị án 4 năm tù giam vì tội, trong thời gian ông làm Giám đốc CATP HCM “đã "không chỉ đạo, tổ chức biện pháp đấu tranh có hiệu quả, để tội phạm có tổ chức xảy ra trong một thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” [Theo ông Huy thì ông đã từng có văn bản đề xuất bắt Năm Cam, tuy nhiên Thành uỷ - thời ông Nguyễn Minh Triết - có bút phê cho lui lại để củng cố thêm chứng cứ].

Đặc biệt, trong vụ án này, chỉ vì từng là người đứng đầu (1996-2000) chứ không hề dính líu gì, ông Trương Tấn Sang cũng đã bị BCH Trung ương kỷ luật khiển trách bởi “chưa làm tròn trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều tra, ngăn chặn những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam cùng đồng bọn” [Ông Sang rời Thành phố ra làm Trưởng ban Kinh tế TƯ tháng 1-2000, 10 tháng trước khi xảy ra vụ “giết Dung Hà”, hành vi nghiêm trọng nhất của vụ án].

Tính chất mức độ liên đới trách nhiệm của hai nhân vật bị kỷ luật trong vụ án Năm Cam ít nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những vụ việc xảy ra trong ngành Công An vừa được phanh phui. Những nỗ lực phá án của những người đương nhiệm nhằm cắt bỏ những khối u trong ngành là rất đáng ghi nhận. Nhưng cũng phải xác định thời điểm bắt đầu xảy ra các vụ án nghiêm trọng như “Đánh bạc nghìn tỷ, Vũ Nhôm…” để xem xét trách nhiệm của người đứng đầu ngành lúc đó.

Đứng đầu bộ sức mạnh chống tội phạm trong thời gian tội phạm, đặc biệt là tham nhũng hoành hành nhất; chưa kể những tội phạm được tiếp tay, bao che bởi nhiều tướng lĩnh dưới quyền mà không bị xử lý gì, thì – đối với công cuộc chống tham nhũng của BCT, TƯ - không những dân mà cán bộ ở các địa phương cũng không “tâm phục”.

PS: Tôi sẽ nói trách nhiệm TBT & BCT trong một dịp khác.