Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

Mất gì ở Thủ Thiêm?



BÀI VIẾT CỦA Huong Quynh - tức nhà báo PHẠM VŨ (Báo Tuổi Trẻ). 
CÂU HỎI LÀ "MẤT GÌ?". 
CÂU TRẢ LỜI LÀ : "MẤT TẤT CẢ!!!!".

Mất gì ở Thủ Thiêm?
Ngồi dự buổi tiếp xúc cử tri quá nóng hôm nay, mình đã thử note trên sổ tay những gì mà những người dân Thủ Thiêm đã mất.
Quá nhiều, gần như là tất cả.
Tuy nhiên, mất nhiều không chỉ là người dân, mà chính quyền cũng đã và đang mất. Rất nhiều. Cũng gần như tất cả.
Mất gì?
Khi một người nói: “Tôi nghe lời ông cựu chủ tịch Võ Viết Thanh nói ông đau không chịu nổi khi sang xem cảnh giải tỏa đường Lương Định Của, tưởng như vừa qua một trận B.52, tôi rớt nước mắt khi nhớ cảnh nhà mình, xóm mình”. Chính mình là người trực tiếp nghe ông Thanh nói, lúc ấy mình cũng thấy buồn, thấy đau, nhưng không sao có thể đau bằng hôm nay. Vì sao vậy?
Vì tiếp lời là người thứ hai: “Ông Thanh chia sẻ với dân, chúng tôi cảm ơn lắm, nhưng ông chưa hiểu hết rồi. Bom B.52 có dội xuống thì sau đó chúng tôi vẫn còn có thể bới gạch vụn để cắm lên một mái lều. Còn sau khi Q.2 giải tỏa, cả mấy khu phố, mấy phường của chúng tôi không còn đất, không còn nhà. Gia đình chúng tôi lang thang, vất vưởng”. 
Mình đã giật mình. Quả vậy. Trước buổi tiếp xúc cử tri, mình đã gặp những người dân Thủ Thiêm trên bãi trống cỏ hoang, cắm túp lều nuôi gà nuôi vịt thả rông. Mình đã gặp bà lão còng lưng bứt cọng rau muống trên vũng nước mưa về nấu bữa trưa quấy quá. Những bãi những vũng trước đó vài năm còn là khu dân cư sầm uất...
Mất gì?
Một người nói: “Nhà tôi mặt tiền đường Lương Định Của, giá thị trường 200tr/m2. Chính quyền bồi thường 18tr/m2, ưu tiên cho xuất mua chung cư tái định cư giá 20tr/m2. Vậy đó, tôi mất nhà, mất chỗ làm ăn buôn bán, lại phải mang nợ thêm 2tr/m2 nhà. Mà nhà tôi thì ở ngoài ranh qui hoạch, không tin thì mở bản đồ ra xem”.
Hầu hết những người dân hôm nay đều khẳng định như vậy: “Nhà tôi ngoài ranh qui hoạch. Bản đồ chứng minh đây...”. Còn chủ tịch quận 2 thì nói: “Vấn đề trong hay ngoài ranh thì quận chưa trả lời được, chúng tôi chờ trả lời của Thành phố rồi mới giải quyết được khiếu nại của bà con”. Chưa trả lời được nhưng nhà của dân đã bị giải toả rồi. Giải tỏa trắng. Câu trả lời của chủ tịch quận chưa dứt, dưới các hàng ghế hội trường hàng loạt người đã bật dậy kêu khóc phẫn nộ...
Mất gì?
Hàng chục người, đàn bà lẫn đàn ông uất nghẹn, khóc nghẹn khi kể câu chuyện của mình. Cũng có người bình tĩnh: “Chúng tôi không quá khích, không bức xúc, không phản động, không mơ hồ. Chúng tôi chỉ muốn đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình bằng pháp lý, bằng văn bản, bản đồ, sơ đồ. Chúng tôi tự tin tranh luận với bất kỳ ai, cấp nào...”. Nhưng nhiều hơn là những người bức xúc: “Tôi đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình qui hoạch và chỉnh sửa qui hoạch, xây dựng và đấu thầu, giải tỏa và cưỡng chế ở Thủ Thiêm, nhưng không được để thành phố làm, tôi không thể tin tưởng. Phải là trung ương vào làm, Quốc hội cùng với dân lập ban giám sát”; “Tôi không thể tin ai trong cấp chính quyền quận 2”; “Những điều oan sai đã diễn ra ở Thủ Thiêm này, đi tù không đủ để đền tội”...
Mất gì? 
Ngồi nghe những người đàn ông, đàn bà nối nhau thuyết trình việc riêng việc chung, văn bản, quyết định, bản đồ, sơ đồ rành rẽ hơn một luật sư, chợt nghe xót ruột. Bao nhiêu tâm sức, thời gian, mồ hôi, nước mắt, tiền bạc và máu của họ đã đổ để trở thành luật sư cho chính mình. Những tâm sức, thời gian đáng lẽ được dành cho sự nghiệp, gia đình, dành để tập thể thao, đi du lịch, để đọc sách, nghe nhạc, vẽ tranh. Cuộc đời bao người, cuộc sống bao gia đình đã phải thiệt thòi những ngày hạnh phúc. Cuộc sống xã hội đã phải thiệt thòi bao nhiêu con người tràn đầy năng lượng, tràn đầy những hành động tử tế, tốt lành, làm đẹp cho đời. Thay vào đó là những luật sư bất đắc dĩ đầy bức bối, những đoàn người khiếu kiện, biểu tình năm này tháng nọ...






Mất gì?
Dẫu không lạ gì với việc tiếp những người dân đang uất ức vì cho rằng mình bị oan sai, nhưng buổi tiếp xúc cử tri ở Thủ Thiêm hôm nay quả là làm mình căng thẳng thần kinh. Thầm thán phục bà đại biểu Quốc Hội kiêm Phó Bí thư ngồi trên ghế nóng. Bao nhiêu câu cay đắng nhằm vào bà. “Bà đã từng khuyên dân chúng tôi nên hy sinh một chút đất để con cháu được hưởng một cuộc sống mới, tương lai mới trên đô thị mới. Thế rồi hôm nay thấy cả con cháu chúng tôi cũng đang vơ vất trong khu tạm cư, cũng phải hy sinh, bà có ray rứt không?”; “Hai nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội ở Thủ Thiêm, bao nhiêu lời bà đã hứa, bao nhiêu cảnh khổ bà đã nghe, đã chứng kiến? Bà đã làm gì để xứng đáng với lá phiếu của chúng tôi?”; Và mạnh mẽ hơn nữa: “Bà có giải quyết cho dân được không? Nếu không, nghỉ đi cho người khác làm”... Người dân vừa nói vừa khóc.
Và bà thì rất bản lĩnh: “Cô bác giận, bức xúc, nói nặng đến đâu tôi cũng nghe được. Chỉ lo cho sức khỏe cô bác, giận quá cũng mệt lắm...”.
Mất gì?
Đất đai. Tài sản. Sinh kế. Yên bình. Tương lai. Hy vọng. Uy tín. Niềm tin....
Gần như tất cả.
Với tất cả.

3 nhận xét:

Manh Kim nói...



Sự kiện Thủ Thiêm như vụ vỡ đập cuồn cuộn tuôn ra lượng thông tin khổng lồ. Dĩ nhiên chẳng phải tự nhiên hình ảnh những người dân hiền lành vác các tấm băngrôn “lên án bọn cướp đất” “ngang nhiên” xuất hiện công khai trên các trang báo nhà nước, mà cách đây không lâu họ còn bị thờ ơ, bị cố tình lãng quên và thậm chí bị quy chụp là do “phản động” giật dây “chống đối chính quyền”. Chính quyền nào? Chẳng xa lạ gì cả. Đó là những gương mặt cực kỳ quen thuộc, những “anh Hai”, “anh Tư” từng có mặt trên trang nhất như những “quan bề trên” “hết lòng vì dân”.

Với giới làm báo Sài Gòn, chuyện về Lê Thanh Hải đã là đề tài quen thuộc bên bàn nhậu từ cách đây cả chục năm hơn. Nhưng chẳng ai dám viết. Làm sao dám viết! Lê Thanh Hải lúc đó là ông vua không ngai của đất Sài Gòn mà quyền lực chỉ thua “đồng chí” “Ba X”. Cánh nhà báo chỉ có thể kể nhau nghe những “giai thoại” về Lê Thanh Hải, lẫn thế giới ngầm mà Lê Thanh Hải đóng vai như một ông trùm, một “Năm Cam” của “chính quyền thứ hai” trong bóng tối điều khiển các “thương vụ” béo bở mà “ăn đất” bằng “kỹ thuật” quy hoạch là đứng hàng đầu. Có vô số chuyện “nghe thôi, đừng kể tùm lum” của cánh nhà báo về đồng chí Hai Nhựt-Lê Thanh Hải, khó có thể biết đích xác giả hay thật (dù người kể thường cam đoan là thật), chẳng hạn việc “đồng chí Hai Nhựt” tiêm tế bào gốc vào mặt nên khuôn mặt “đồng chí” ấy luôn “tươi trẻ” (?).

Bất luận có tiêm tế bào gốc hay không, Hai Nhựt vẫn là một “bố già” của thế giới ngầm điều khiển một chính quyền ngầm với những hoạt động kinh khủng còn hơn cả thế giới tội phạm giang hồ. Cuộc càn quét nhắm vào đối tượng “chính quyền giang hồ” đang đổ bộ vào Sài Gòn rồi sẽ cho thấy nhiều điều mà “nhân dân thành phố” sẽ tiếp tục bất ngờ. Có bao nhiêu “bố già” ở đất nước này? Có bao nhiêu oan khuất đằng sau những “dự án quy hoạch” trên đất nước này, từ Bắc xuống Nam? Có bao nhiêu “đại gia” đang móc ngoặc với chính quyền các địa phương để tàn phá đất nước này? Có bao nhiêu chính quyền địa phương “bảo kê” cho những kẻ đang nắm trong tay các “dự án phát triển đô thị” để “ăn không chừa thứ gì” của nhân dân?

Nguyên nhân nào và làm thế nào mà chính quyền các địa phương trở thành những băng nhóm tội phạm là câu hỏi của mọi câu hỏi để giải quyết tận gốc vấn đề. “Cái gốc” ở đây rõ đến mức chẳng cần phải nêu ra. Vấn đề là người ta có dám triệt đến cùng cái gốc ấy không.

Truong Huy San nói...

THỦ THIÊM & NHIÊU LỘC: KHÔNG AI XỨNG ĐÁNG HY SINH CHO NGƯỜI KHÁC

Đừng trách báo chí hai hôm nay không nói một lời về Thủ Thiêm. Họ đã đưa được những tiếng nói oan khiên lên mặt báo và giờ đây là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta đã có dữ liệu để "share" và lên tiếng.

“Tôi phải nói! Anh biết không, tôi phải nói bởi tôi già sắp chết rồi” - nhiều bạn bị ám ảnh bởi câu nói này của cụ bà Trần Thị Mỹ, 77 tuổi.

Tất nhiên là tôi vẫn mong có những tổng biên tập trừng mắt với Tuyên giáo như cụ bà Trần Thị Mỹ đã làm và nói với họ rằng, "Chúng tôi phải nói! Các anh biết không, vì chúng tôi im lặng mà hàng vạn người dân Thủ Thiêm đã phải tha phương trong khi rất có thể bọn tham nhũng đã chia chác nhau hàng ngàn tỷ. Các anh cứ nhìn tài sản nhà ông Hai Nhật, Tất Thành Cang... và cả một ông tưởng là thanh liêm như ông Ba Đua, mà xem."

Nhưng, đó không phải là một điều dễ dàng trong thể chế này. Thế hệ chúng tôi đã từng bảo vệ đất cho dân từ những năm cuối thập niên 1980s, đầu 1990s. Nhưng, chúng tôi cũng nhiều lần phải dở dang công việc.

Hôm nay, tôi nghe nói Thành uỷ sẽ họp. Trước khi bàn về Thủ Thiêm, tôi muốn nhắc lại cho các vị một câu chuyện giải toả đền bù ở Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trên con kênh nước đen này cũng có hàng vạn người dân sống đời tăm tối. Phần lớn họ tự dựng lều, sống trên mặt kênh thối um, có người đã sống ở đây từ cuối thập niên 1960s. Chẳng ai có mảnh giấy dắt cạp quần nào cả. Nhưng, không ai bị "giải toả trắng".

Truong Huy San nói...

Thành phố đưa giải pháp cho các công ty kinh doanh và quản lý nhà các quận, nổi bật hồi đó là những giám đốc Quách Văn Hân, Lê Phụng Thiều... Cách bờ kênh không xa mọc lên rất nhiều chung cư từ Tân Bình tới quận Nhất. Mỗi hộ cắm lều trên con kênh nước đen, được "bồi thường" một khoản tiền đủ mua một căn hộ.

Chủ nhà mà tôi mua lại, năm 1996, được bồi thường 34 triệu, đủ mua một căn hộ gần 60m2 trong một chung cư mà "nếu hắt hơi cả Bình Thạnh, Phú Nhuận và quận Nhất (Đa Kao) cùng nghe thấy".

Khi tôi mới về đây, 2006, đi từ tầng trệt lên lầu II, tầm 10 giờ đêm, thể nào cũng gặp vài trường hợp vạ vật vì say rượu hay phê thuốc. Nhà thơ Đỗ Trung Quân mỗi lần sang chơi thường bắt gặp rất nhiều ánh mắt lườm nguýt. Các bạn ở đây rất ít đọc thơ, nhìn một cha râu ria, nặng 37kg, tưởng sang giành mối thuốc.

Thế mà tôi đã sống ở đây được 12 năm. Nhiều cư dân "gốc" đã chuyển đi. Có người bán nhà ra Hóc Môn, quận 12; nhiều người ở lại đã đổi đời. Những thay đổi đó là hợp lẽ. Tại sao Nhiêu Lộc bây giờ đã có "đò trăng", kênh đen đã có cá lội... mà những phúc lợi ấy lại không phải dành cho cả những cư dân từng ở đó.

Tất nhiên, cái gốc vẫn là chính sách, đặc biệt là chính sách chung về đất đai. Cũng trong thập niên 1990s, nhất là những năm đầu 1990-1993, các cư dân ở Nhà Bè đã bị thu hồi đất với giá rẻ mạt để làm Khu chế xuất Tân Thuận và khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Có thể những người từng đuổi dân ở Thủ Thiêm cũng nói, "Không có biện pháp mạnh làm sao có một khu đô thị đẹp như Phú Mỹ Hưng". Vấn đề là ai đang ở trong những khu nhà tiện nghi ở Phú Mỹ Hưng hay Thủ Thiêm.... Có ai biết người dân Nhà Bè bị lấy đất gần 30 năm trước bây giờ đi đâu. Phải chăng họ xứng đáng hy sinh để cho bọn vô lại giàu lên và chúng ta có thể tung tẩy dưới những vòm me ngây thơ, vô tội.