Nhà thơ Trần Đăng Khoa |
- Thưa ông Trần Đăng Khoa, tôi có thói quen cứ thứ hai hàng
tuần tham khảo “Góc nhìn…” của ông về tất cả những vấn đề thời sự nóng hổi nhất
ở mấy tờ báo ông giữ mục, như Tuổi trẻ & Đời sống, Sức khỏe & Đời sống,
Cựu Chiến Binh, VOV, Hồn Việt, và…Facebook...Chỉ có điều hơi chán là ông chẳng
chịu giao lưu với bạn bè gì cả…
- Vâng! Đúng là tôi có lỗi. Và tôi cũng đã xin lỗi bạn đọc
faceboook nhiều lần rồi. Thi thoảng tôi mới giao lưu với bạn đọc khả kính được
thôi. Bởi tôi rất bận, lại thường xuyên đi công tác vắng. Tôi không có thời
gian viết faebook. Những bài tôi đưa lên đều là những bài báo. Tôi giữ chuyên mục
hàng tuần cho 6 tờ báo. Như thế nghĩa là ngày nào cũng phải có bài. Bài in báo
xong ba ngày, nghĩa là báo giấy đã bán hết rồi, tôi mới đưa lên Faceboook để bạn
bè đọc miễn phí. Nhiều bạn đọc Faceboook kêu, sao bài nào ông cũng viết dài thế.
Đọc mỏi cả mắt. Xin thưa đấy là bài báo. Báo yêu cầu phải đủ 1800 chữ cho đầy một
trang.
Đấy không phải STT. Tôi cũng đã xin các tòa báo cho tôi viết ngắn, chỉ một
cột thôi. Như thế sẽ hay hơn, sắc hơn nhiều. Nhưng không tòa báo nào đồng ý. Vì
thế bài mới dài như vậy. Những bài đó, phần lớn tôi viết trên đường, có khi viết
ngay trên ô tô đang chạy, rồi gửi bài đi cũng gửi ngay trên ô tô đang chạy với
tốc độ lớn. Còn nhớ có lần, tôi tham gia đoàn cán bộ tháp tùng ông Tổng Giám đốc
Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Đăng Tiến đi thăm, làm việc và ký kết hợp tác với
Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Chỉ riêng lần ấy tôi lỡ bài.
Vì tất cả mọi trang bị của tôi đều vô hiệu.Còn ở Đức, hay ở rất nhiều nước trên
thế giới, trong tầu tốc hành cũng vẫn có internet. Tìm thông tin hay gửi bài
thoải mái như ở nhà mình vậy. Bây giờ là thời đại thông tin. Thế giới trong
lòng bàn tay, chỉ cần một cú “nháy chuột”, ta đã biết tất cả, có tất cả, như
ngày xưa, cha ông ta từng mơ ước đến chiếc đũa thần. Bây giờ ai cũng có phép
màu nhiệm còn hơn cả “chiếc đũa thần”. Chính vì thế mà tôi hóa chủ quan, lại cứ
tưởng ở Trung Quốc cũng như ở nước mình hay ở bất kỳ nơi nào trên trái đất, vì
thế mới có lỗi với bạn đọc…
- Vậy ở Trung Quốc lại không có Internet sao?
- Không phải không có internet! Trung Quốc là một nước phát
triển rất hùng mạnh về tất cả mọi lĩnh vực, trong đó có truyền thông, thông
tin. Thế kỷ XXI này là Thế kỷ Trung Quốc. Ở đâu cũng truy cập được internet,
nhưng tiếc ở đó không dùng được Email, Google, Blog và cả Facebook. Vì thế, tôi
như kẻ lạc rừng. Tôi bảo ông bạn đồng nghiệp Trung Quốc: “Nếu bạn sang Việt
Nam, bạn sẽ thấy tràn ngập trên các kênh truyền hình từ Trung ương đến các địa
phương là phim truyền hình Trung Quốc. Sách báo Trung Quốc dịch sang Việt Nam rất
nhiều. Trên trời, dưới sách Trung Quốc. Rồi đồ chơi Trung Quốc, hàng hóa Trung
Quốc, từ hàng cao cấp cho đến hàng thứ phẩm, thậm chí cả hàng phế phẩm, hàng độc
hại cũng tràn ngập thị trường. Chúng tôi hiểu rất nhiều về đất nước các bạn.
Nhưng các bạn biết chúng tôi rất hạn chế, thậm chí không biết gì cả. Không phải
chỉ Việt Nam, các nước khác cũng vậy. Ở mọi nhà chúng tôi, ngay một người dân
bình thường cũng có thể xem được rất nhiều kênh truyền hình của các nước trên
thế giới. Còn ở Trung Quốc, có gần trăm kênh truyền hình. Kênh nào cũng rất đẹp.
Nhưng toàn truyền hình nội bộ của các tỉnh thành Trung Quốc, tuyệt không có một
kênh nào của nước ngoài.” “Đúng là chúng tôi cũng còn nhiều hạn chế. Chúng tôi
đang mở cửa. Nhưng mở cửa theo quy trình. Mở cửa từng bước…”. Phải nói về vấn đề
“mở cửa” này, chúng ta “thoáng” hơn Trung Quốc, cởi mở hơn Trung Quốc rất nhiều….
- Ông vừa nói Thế kỷ này là Thế kỷ Trung Quốc?
- Đấy là một nhận định cũng đã cũ rồi. Nhận định ấy không phải
của tôi mà của nhiều học giả trên thế giới. Từ những năm Tám mươi của thế kỷ
trước, khi còn học ở Nga, tôi cũng đã nghe người ta nói như vậy rồi. Bây giờ
thì nhận định ấy đang dần được khẳng định. Trung Quốc là một nước đang phát triển
rất mạnh. Sự vươn dậy của họ ít nhiều cũng đã tác động đến nhiều nước trên thế
giới, đặc biệt là Việt Nam, một nước “núi liền núi, sông liền sông”. Tôi nghĩ,
chúng ta cần phải nghiên cứu họ một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng. Phải thật hiểu họ
để có thể hợp tác với họ, chung sống an hòa với họ, nhưng không đánh mất mình
và cũng không để họ lừa mình. Làm sao có thể học được những kinh nghiệm của họ,
nhưng cũng phải thoát khỏi họ. Đặc biệt không thể biến mình thành cái bóng mờ của
họ. Nói thế không có nghĩa là “bài Trung”. Mà đây là vấn đề lớn. Vấn đề giữ gìn
bản sắc dân tộc. Vấn đề này, nước nào cũng quan tâm.
- Điều ông nói rất đáng lưu ý. Trước hết ở lĩnh vực văn hóa.
Chúng ta hợp tác toàn diện với Trung Quốc, nhưng không phải là một phiên bản của
Trung Quốc. Một dạo báo chí công luận truyền thông đã từng rầm rĩ lên về chuyện
những con sư tử đá Trung Quốc đang ung dung ngự trị trên nhiều đình chùa miếu mạo
Việt Nam. Nhờ có công phát hiện của báo chí mà vụ việc đã được điều chỉnh, giải
quyết ổn thỏa. Gần đây, đến thăm chùa Bái Đính, một ngôi chùa lớn. Có thể nói
đó là một công trình văn hóa kỳ vĩ của Việt Nam vừa được xây dựng. Chùa đẹp, tượng
đẹp. Chỉ tiếc nó cứ na ná như những ngôi chùa cổ của Trung Quốc. Nghĩ mà buồn!
- Đây là một vấn đề không hề đơn giản. Tất nhiên, trong văn
hóa, có sự giao thoa. Nhưng giao thoa không có nghĩa là phiên bản hay sao cóp.
Chùa Bái Đính không phải là một phiên bản nhưng hình dáng, hồn vía của nó cứ gợi
cho người ta nhớ đến những quần thể chùa chiền Trung Quốc. Đấy là điều rất đáng
tiếc. Trong khi đó, một nước có nền văn hóa rất gần với Trung Quốc là Nhật Bản,
nhưng họ vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Đó là những vẻ đẹp không thể trộn
lẫn. Trông là nhận ra ngay Nhật Bản. Hàn Quốc cũng vậy. Mà ngay cả Đài Loan
cũng vậy. Tôi chợt nhớ đến một vụ việc diễn ra cách đây cũng đã lâu. Dạo ấy,
tôi đang học bên Nga. Nhà thơ Chế Lan Viên có gửi sang Matsxcova tặng tôi tập
thơ Hàn Mặc Tử do tỉnh Nghĩa Bình in mà ông người tuyển chọn và viết tựa. Đấy
cũng là lần đầu tiên, thơ Hàn Mạc Tử được in lại và phát hành khá rộng rãi. Tôi
có giới thiệu với bạn bè về Hàn Mạc Tử nhân sự kiện vui đó. Tôi còn bảo: “Đây
là B. Paternac của Việt Nam”. Rồi tôi đọc một bài thơ bốn câu bằng âm tiếng Việt
cho một nhà thơ Nga nghe nhạc điệu, rồi dịch ý bài thơ của Hàn. Nhà thơ Nga bảo:
“Sao thơ của các cậu giống thơ cổ điển Trung Quốc thế?”. Tôi bảo, không phải
thơ của chúng tớ giống thơ Đường Trung Quốc đâu, mà thơ Đường Trung Quốc bắt
chước thơ chúng tớ đấy. Cả các công trình lăng tẩm, đền đài ở Huế cũng vậy, họ
toàn bắt chước chúng tớ để xây dựng Tử Cấm thành, bắt trước chúng tớ nhưng lại
xây trước chúng tớ đến cả mấy trăm năm. Có công trình xây trước cả ngàn năm. Thế
mới “đểu” chứ. Mọi người cười ồ.
- Ông quả là người hài hước. Chuyện gì cũng đùa được.
- Tôi có đùa đâu. Tôi đang nói nghiêm túc đấy chứ. Việc giữ
gìn bản sắc dân tộc bao giờ cũng là vấn đề rất nghiêm túc! Cái chúng ta còn phải
phấn đấu để vươn tới thì Trung Quốc lại có cả một kho kinh nghiệm. Nói như một
đồng chí ở Đại sứ quán ta, Trung Quốc có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo rất giỏi.
Ngay một cán bộ ở địa phương cũng có tầm nhìn của trung ương. Lấy tư duy của
trung ương để xử lý cả những việc cỏn con ở cơ sở. Vì thế họ có được sự đồng bộ
và nhất quán xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Chúng tôi qua Lệ Giang rồi
Đại Lý, một thành phố cổ của Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam. Thành phố này đã bị phá
hủy vào năm 1996 trong trận động đất 7,5 độ richte. Vậy mà họ vẫn khôi phục lại
được. Một thành phố rất đẹp, cổ kính. Nhiều ngôi nhà dựng lại mà trông cổ kính
như có tuổi thọ hàng ngàn năm tuổi. Phải nói là rất tài. Trung Quốc là thế đấy.
Họ kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ. Bởi thế, Trung Quốc là đất nước của du lịch.
Thành phố nào cũng có những vẻ đẹp bí ẩn khiến người ta muốn chiêm ngưỡng, khám
phá. Đó là những vẻ đẹp không chỉ chinh phục du khách nước ngoài mà còn có thể
mê hoặc được cả chính người dân Trung Quốc. Chỉ riêng khách du lịch Trung Quốc
cũng đã đủ “nuôi” ngành du lịch Trung Quốc rồi. Còn chúng ta thì nghèo quá. Lại
nhớ đến cố Giáo sư Trần Quốc Vượng. Có lần ông tâm sự với lũ chúng tôi. Có một
nhà sử học nước ngoài hỏi ông về Chùa Một Cột. Ngôi chùa rất độc đáo, là một
Danh thắng rất đặc biệt của Việt Nam. Trần Quốc Vượng đã dẫn vị khách quý quốc
tế đến thăm chùa và giới thiệu rất kỹ lưỡng về ngôi chùa tuyệt vời này. Ngày
hôm sau, nhà Sử học Mỹ lại đòi ông đưa đi thăm Chùa Một Cột. Ông rất ngạc
nhiên: “Hôm qua tôi đưa ông đi rồi mà. Ông đã quên sao?”. “ Ồ, hóa ra đó là
Chùa Một Cột à? Tôi lại tưởng ông đưa tôi đi xem mô hình. Còn hôm nay chúng ta
mới đến thăm ngôi chùa huyền thoại đó!”. Nếu có một cái gì tôi rất ghét, thậm
chí nói giảm đi là không thích ở Trung Quốc, là chất Đại Hán. Vì thế Trung Quốc
to mà vẫn không lớn. Vì rất không đàng hoàng. Ông bạn này cứ như một anh hàng
xóm rất giàu có nhưng lại có cái tính rất khó chịu là cứ thích ăn cắp vặt. Nhà
có hàng núi vàng, nhưng vẫn thích thó của những anh hàng xóm trái cam hay quả
trứng gà. Nếu không lấy được thì khó chịu. Cái việc họ lấn đất, lấn biển lấn đảo
cũng thế. Giả thiết nếu không có mấy hòn đảo ăn cắp, hay cả Biển Đông nữa, họ vẫn
cứ lớn, vẫn giầu có, ở không ít mặt họ còn vượt cả Nga, cả Mỹ. Thế mà vẫn cứ
càm cắp những thứ bé hin hin chẳng phải của mình. Khó chịu là thế!
- Cám ơn ông!
SONG YẾN ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét