Vũ Thư Hiên 8/2018: Tôi được chứng kiến sụp đổ chế độ cộng sản ở
Liên Xô và các nước “xã hội chủ nghĩa” ở Đông Âu. Nếu nhìn quang cảnh trước những
sự kiện động trời ấy, tôi cũng bị nhầm. Cái bề ngoài yên ả chứa trong lòng nó một
núi lửa uất hận, và chỉ khi những dòng nham thạch sục sôi trào ra ta mới biết sức
mạnh của nó. Dân trí nước ta không hề tụt hậu, theo tôi quan sát, các bạn ạ, mà
ngược lại. Khi thời cơ đến (tôi không bàn về khái niệm thời cơ, nó gồm nhiều yếu
tố) chúng ta sẽ thấy sự thật trong lòng người.
…………
Tôi ra tù cuối năm 1976. Bận bịu với đủ thứ việc để kiếm sống,
hai năm sau tôi mới có dịp gặp lại Trần Độ. Ra khỏi cuộc chiến, với tư cách phó
chính uỷ kiêm phó bí thư quân uỷ Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, nghe nói
anh rất bận, nào tham gia viết quân sử, nào tổng kết kinh nghiệm chiến tranh … ,
tôi không có ý tìm anh.
Nhưng rồi anh tìm tôi. Trong bữa rượu hàn huyên đạm bạc chỉ
có ba người, ngoài hai chúng tôi còn có một chị cán bộ trẻ, phụ tá của anh.
Trần Độ có biết tôi vừa ở tù ra. Anh nhìn tôi thương hại:
- Chắc chú có làm gì sai thì Đảng mới bắt chú chứ.
Tôi sững người.
Vậy ra anh chẳng biết gì về cái gọi là vụ án “nhóm xét lại
chống đảng" mà tôi bị đính vào. Tôi dùng chữ “đính vào” như cách người ta
nói về một cái khuy áo, một vật chẳng mấy quan trọng cho cái áo, nhất là nó lại
là cái khuy cuối cùng. Cái gọi là nhóm này không phải một đảng, chẳng phải một
tổ chức, thậm chí một nhóm thôi cũng chẳng phải nốt. Nhà cầm quyền bịa ra nó,
cho một toan tính nào đấy, đặt cho nó cái tên chính thức rất kêu là “Nhóm tổ chức
chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình
báo cho nước ngoài”.
Kỳ thật, một vụ án ầm ĩ như thế, nhiều cán bộ cao cấp bị
khai trừ, bị bắt, bị bỏ tù, trong Đảng có báo cáo, rất nhiều người biết, mà Trần
Độ lại không biết. Mà không phải mình anh không biết. Hơn chục năm sau (1988),
khi tờ “Truyền thống Kháng chiến” của “Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ”
ra đời ở Sài Gòn, tướng Trần Văn Trà kêu tôi tới nhà anh ở đường Nguyễn Thị
Minh Khai (tên mới của đường Pasteur) để bàn chuyện tờ báo muốn tôi tham gia,
tôi mới hiểu là cả tướng Trà cũng chẳng biết gì về vụ này. “Hồi đó tôi đang lo
đường vận chuyển vũ khí trên biển - Trần Văn Trà nói - Có, tôi có nhận được một
thông tin từ Ban tổ chức Trung ương. Thông tin sơ sài, thậm chí tôi không đọc kỹ.
Chúng tôi đang bận tối tăm mặt mũi với đủ mọi khó khăn, chẳng ai để ý”.
Khiếp thật. Thì ra ngay ở trong Đảng người ta cũng chia ra
nhiều cấp, nhiều đối tượng trong việc nhận hoặc không cần được nhận thông tin.
Tôi dùng chữ Đảng viết hoa ở đây để chỉ cái đảng độc tôn, cho tiện, chứ không
phải với ý khác.
Tôi cười buồn, nói với Trần Độ:
- Em có nói gì bây giờ anh cũng sẽ nghĩ là em thanh minh. Tốt
hơn hết là ta cạn với nhau chén rượu này, kèm một giao ước: “Anh sẽ xem xét sự
việc bằng con mắt của mình, suy xét bằng cái đầu của mình, để rồi có kết luận”.
Em chờ câu trả lời của anh trong bữa rượu sau. Anh hứa nhá?
Anh gật đầu, cạn chén.
Trần Độ hơn tôi đúng 10 tuổi. Tôi coi mình là đứa em của
anh, không dám lắm lời.
Rồi gần một năm sau mới có bữa rượu thứ hai.
- Em lắng nghe câu trả lời của anh đây - tôi nói.
Anh lắc đầu, thở dài:
- Một lũ chó má! Không thể ngờ.
Và văng một câu chửi tục, lần đầu tiên tôi nghe thấy từ miệng
anh.
Trần Độ sau đó nhận nhiều chức vụ mới: làm Trưởng ban Văn
hoá-Văn nghệ của Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, rồi Phó Chủ tịch Quốc Hội. Đã tưởng
anh sẽ còn được giao phó nhiều chức trách quan trọng hơn nữa, nhưng rồi tôi được
nghe những tiếng xì xào về chuyện anh đi chệch đường lối, anh có những việc làm
không phải (xúi giục tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói” cho văn nghệ sĩ,
tháo gỡ việc ngăn sông cấm chợ, toa rập với Nguyên Ngọc đưa ra bản “Đề dẫn” về
văn nghệ sặc mùi chống Đảng vv…).
Văn Cao là người rất chăm chú theo dõi thời cuộc, nói với
tôi: “Trần Độ thẳng quá, hỏng! Cao Biền dậy non, phí”!
Tôi đồng ý với Văn Cao.
Trần Độ được phong trung tướng cùng lúc với Lê Đức Anh, nhân
vật sau này làm mưa làm gió trong chính trựờng. Nếu biết xuôi dòng anh rất có
thể sẽ lên cao nữa trong hệ thống quyền lực.
Không ai có thể can ngăn Trần Độ. Anh không phải là nhà
chính trị biết lui tới, biết náu mình chờ thời. Anh hành xử thẳng thắn, một mực
đấu tranh cho chân lý. Những phát biểu của anh lúc này lúc khác, chỗ này chỗ nọ,
làm chối tai những người cầm quyền.
Mà có phải anh chỉ phê bình sơ sơ chế độ toàn trị đâu. Từ chỗ
nhỏ nhẹ, anh dần dần nói trắng ra ý muốn thay thế nó bằng chế độ dân chủ, tam
quyền phân lập… Người ta theo dõi anh từng bước, nên những lời nói của anh, dù
trong chỗ thân tình, đều được thu thập, báo cáo lên “trên”.
Những bài viết của anh, không được đăng báo, nhưng được chuyền
tay rộng rãi. Chúng làm cho nhà cầm quyền điên ruột. Anh nhanh chóng trở thành
“tên phản động”. Thời thế đã khác – người ta không thể bỏ tù anh tức khắc. Người
ta chỉ có thể dùng đủ mọi cách hạ uy tín của anh.
Còn nhớ năm 1997 tôi ở thành phố Strassbourg, chung nhà với
nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Một hôm, Trần Độ gửi cho tôi bài viết mới của anh, bảo
tôi xem lại trước khi công bố. Tôi đưa anh Thiện cùng đọc. Thiện đọc, nói anh
không thể hài lòng một số câu chữ trong đó. Khi nói chuyện điện thoại với Trần
Độ, tôi đưa ống nói cho Thiện, bảo nhà thơ cứ nói thẳng ý kiến của mình. Thiện
bỗ bã: “Không hiểu sao anh vẫn còn có thể dùng những từ “giải phóng”, “Mỹ-nguỵ”
trong bài viết, người đọc ở hải ngoại sẽ khó chịu lắm đấy, không hay chút nào”.
Anh Độ cười hề hề: “Chết chửa, mình lỡ viết theo thói quen, cậu nhận xét đúng,
sửa lại hộ mình nhá”.
Chuyện Trần Độ bị khai trừ Đảng năm 1999 thì ai cũng đã biết.
Đảng cộng sản vốn không thích vạch áo cho người xem lưng cũng đã kiên nhẫn với
Trần Độ lắm rồi, nhịn Trần Độ nhiều lắm rồi. Lẽ ra người ta phải khai trừ anh từ
lâu.
Một lần khác, năm 2001, trong một cuộc trò chuyện điện thoại
với Trần Độ khi tôi đang ở Frankfurt am Main (CHLB Đức), có mặt một chú em rất
hâm mộ bác Độ. Chú này đòi được nói với bác Độ của chú vài câu: “Bác ơi, cái đảng
của bác kỳ quá, ai lại chống tham nhũng mà lại chống từ cấp cơ sở? Quét nhà thì
người ta phải quét từ tầng trên xuống tầng dưới chứ! Ai lại ngược đời quét từ
dưới lên trên?”. Anh Độ cười lớn: ”Hay, chú nói rất hay. Chú chỉ nói sai một
chút thôi: cái đảng ấy không phải của tôi. Nó là của lũ vừa ngu vừa rồ. Này,
chú tên gì nhỉ?”, “Dạ, cháu tên Cóc, Nguyễn Văn Cóc. Dễ nhớ lắm, bác ạ. Ở Đức
này chỉ có mình cháu có cái tên xấu xí ấy thôi”. Anh Độ lại cười to: “Xấu gì mà
xấu, cậu ông Giời phán đúng lắm, cái đảng ấy toàn làm lộn ngược thôi!”.
Anh nói anh bị đảng của anh khai trừ là may. Như thế, anh được
rũ khỏi trách nhiệm, anh tránh được “vũng bùn mà cái đảng ấy đang đằm mình một
cách sáng tạo”.
Khai trừ anh đảng cộng sản thêm một lần phô trương cái hẹp
hòi của mình, không chịu nghe bất kỳ lời nói ngược nào. Hành hạ anh cho tới khi
chết, cấm người đi đưa tang không được dùng chữ “Vô cùng thương tiếc”, đảng cộng
sản lại càng cho thiên hạ thấy nó tiểu nhân tới mức nào trong sự hằn thù.
Đảng của anh khai trừ anh. Bù lại anh được nhân dân đón vào
lòng. Anh bị nhà cầm quyền căm ghét. Bù lại anh được tình yêu thương của đồng
bào. Anh được rất nhiều, mà không mất gì, nói cách khác, cái người ta quen cho
là mất chẳng đáng cái quái gì với anh.
Khi lâm bệnh, anh không dùng thuốc của nhà nước cấp – anh
không tin thứ thuốc từ những người không tử tế. Anh chỉ dùng thuốc đồng bào gửi
cho anh. Có hai người rất sốt sắng lo cho anh có thuốc dùng là Tưởng Năng Tiến
và Đinh Quang Anh Thái. Khi anh qua đời những bọc thuốc cuối cùng vẫn còn ở
trên đường đến địa chỉ của anh. Trần Độ không bao giờ quên nhắn tôi gửi lời cảm
ơn hai người bạn thiết anh không biết mặt.
Được tin anh mất, tôi không khóc nổi. Nước mắt chảy ngược vào
tim. Tôi cảm được rằng mất mát này lớn hơn rất nhiều mất mát cho riêng tôi, đứa
em yêu mến và kính trọng anh. Mất mát này là của cả dân tộc đang nhọc nhằn, vất
vả đi tìm quyền sống, quyền làm người.
Trong bức thư cuối cùng Trần Độ gửi cho tôi trước khi mất,
anh dặn:
“Giai đoạn chuẩn bị cho sự chuyển đổi chế độ có thể kéo dài.
Việc hàng ngày của ta, không được quên, là nâng cao dân trí. Dân trí được nâng
cao bao nhiêu thì sự chuyển đổi sẽ thuận lợi bấy nhiêu. Thời cơ đến, việc mới
thành. Chuẩn bị tốt thì thành tốt”.
Thời cơ mà ta chờ đợi sẽ đến, bao giờ cũng bất ngờ, nhưng là
quy luật. Như nó đã từng xảy ra cùng với sự kết thúc chiến tranh thế giới thứ
hai đã đưa lại nền độc lập cho các nước thuộc địa. Như nó đã đến với sự sụp đổ
của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
Nó sẽ đến, như Trần Độ mong ước.
Ở thế giới bên kia anh sẽ được mỉm cười sung sướng.
8.2002 Vũ Thư Hiên
...............
BÀI LIÊN QUAN:
CÓ MỘT ĐÁM TANG… RẤT BUỒN
Trần Thắng
Hà Nội sắp vào thu, một mùa “vu lan báo hiếu” sắp đến. Tôi lại
nhớ tới những ngày này của 15 năm trước.
Sau Tết Nhâm Ngọ (2002), Cha tôi – Trần Độ trở bệnh nặng.
Cha tôi lại vào bệnh viện Hữu Nghị với chẩn đoán ung thư bàng quang. Nằm ít
lâu, sức khoẻ ông xuống rõ do suy hô hấp, tháng 5/2002 ông phải đưa ống xông
vào để thở và nằm ở phòng cấp cứu. Mặc dù nằm một chỗ, không nói được, đi tiểu
qua ống dẫn nhưng ông vẫn tỉnh táo. Ông rất vui khi có người thân, bạn bè tới
thăm. Không nói được nhưng ông ra hiệu hoặc bút đàm với mọi người. Giữa tháng
7/2002, ông ra hiệu cho tôi về lấy di chúc của ông ra đọc và thực hiện các việc
ông dặn. Trong di chúc ông viết: xin được hoả thiêu và hài cốt đưa về nằm bên mẹ
ở nghĩa trang làng Thư Điền, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải.
Vào 14g 10p ngày 9/8/2002 (tức 1 tháng 7 năm Nhâm Ngọ) Cha
tôi trút hơi thở cuối cùng tại phòng cấp cứu, bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội.
Ngày hôm sau, Văn phòng Quốc hội họp với gia đình bàn về lễ
tang cho ông. Các vấn đề lễ tang, hoả táng, đưa hài cốt về quê… được thống nhất.
Lời điếu của Ban tổ chức lễ tang, và lời cảm ơn của gia đình sẽ được soạn trước
và đưa hai bên thống nhất. Gia đình đề nghị có 4, 5 quyển sổ tang để mọi người
chia buồn, Văn phòng Quốc hội đồng ý. Đám tang được lùi lại 5 ngày vì… "Quốc hội
đang họp.
Ngày 11/8, anh Hùng phó Ban lễ tang mang tới nhà cho tôi xem
lời điếu. Trong đó có một đoạn khoảng chục dòng tôi yêu cầu bỏ vì nó “không
thích hợp” và trái đạo lý “nghĩa tử nghĩa tận” của ông bà ta. Tối đó anh Hùng
đưa tôi bản sửa, chỉ còn lại hơn một dòng “không thích hợp” và tôi cương quyết
đòi bỏ. Anh Hùng nói: Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư cho ý kiến là không bỏ, nhưng tại
lễ tang sẽ đọc rất nhỏ hoặc tạm tắt tăng âm… Tôi nói: Tuỳ các ông, nhưng nếu xảy
ra chuyện gì gia đình không chịu trách nhiệm. Còn lời cám ơn của gia đình tôi
đã soạn và đánh máy. Anh Hùng xem và không có ý kiến gì.
Sáng 14/8/2002, gia đình, họ hàng, thân bằng quyến thuộc của
Cha tôi đã có mặt rất sớm ở nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông.
Cảm nhận đầu tiên là vấn đề an ninh: không hiểu sao công an,
bộ đội, người đứng chỉ trỏ… rất đông. Cảm nhận tiếp theo là: không khí rất căng
thẳng như có gì đó chống đối nhau. Cảm nhận nữa là: tại sao việc kiểm soát vòng
hoa tang, băng tang, các bức trướng… lại nghiêm ngặt đến vậy? Nhiều vòng hoa phải
thay băng tang hoặc sửa câu chữ, nhiều bức trướng bị thu giữ…Tôi và mọi người
tang phục chỉnh tề bước vào nhà tang lễ. Đập thẳng vào mắt tôi là dòng chữ “Lễ
tang ông Trần Độ” trên một tấm bảng lớn phủ kín dòng chữ “Vô cùng thương tiếc…”
lâu nay vẫn gắn trên tường. Đi tới bàn ghi sổ tang tôi thấy trên 5 bàn có 5 tập
giấy trắng khổ A4. Tôi hỏi cán bộ Ban lễ tang: Sổ tang đâu? Anh ta nói: Sau đám
tang sẽ đóng thành sổ. Tôi nói: Đã thống nhất sổ tang là sổ tang, ban tổ chức
không có gia đình sẽ đưa tới. Một lúc sau, 5 quyển sổ tang đã đóng được đưa vào
thay cho 5 tập giấy rời.
Đám tang được cử hành, các đoàn, các nhóm, các cá nhân lần
lượt vào viếng. Băng tang hầu hết không có chữ “vô cùng thương tiếc” hoặc
“Trung tướng Trần Độ”.
Xen kẽ là các bức trướng:
- “Nhân văn danh tướng. Trung dũng vẹn toàn”;
- “Công thần không làm phách
Danh toại chẳng cầu nhàn
Bút thần vung mấy độ
Ðáng mặt đại nghĩa quân”
- “Vì đại nghĩa nhân chân, thân mấy độ trần thân
Tướng dẫu không nguyên giáp, hồn vẫn vẹn tình dân”.
- “Vô tình vị tất chân hào kiệt
Hữu độ phương vi đại trượng phu”…
Theo sau là các cụ già, các cựu chiến binh, các nhân sĩ… Họ
mang trướng theo hoặc giấu trong người. Khi tới gần quan tài họ giương lên hoặc
phủ lên áo quan. Cả phòng tang lễ im phăng phắc, không khí căng thẳng dần.
Khi các cụ đi khỏi, có vị nói với mấy cậu lính gì đó. Hai cậu
lính chạy lên, thu mấy bức trướng, cuộn lại và ném vào góc phòng. Tôi gằn giọng:
các cháu đâu? Lập tức cháu Đan, cháu Tuấn… lao lên góc phòng, mang tất cả các bức
trướng sắp xếp lại như cũ. Không một tiếng động nào, không một hành động nào xảy
ra trong lúc đó, nhưng ngột ngạt đến tức thở.
Các đoàn viếng đã gần xong. Bỗng anh Nghiêm Hà đến bên tôi
nói: Ban tổ chức định thu giữ mấy quyển sổ tang, anh ra xem sao? Tôi đi đến thì
thấy một anh đang gom giữ mấy quyển sổ tang. Tôi nói: anh để tôi xem. Mở một
quyển tôi thấy có những trang bị xé nham nhở. Tôi hiểu ngay họ muốn gì. Tôi lấy
lại 5 quyển sổ tang và chợt nhìn thấy em Lãng (chồng em Hạnh), một bác sĩ quân
y đã qua các chiến trường. Tôi nói lớn: Lãng! Em giữ 5 quyển sổ này không cho
ai lấy. Em có làm được không? Lãng cũng nói lớn như đang nhận lệnh: Rõ, em làm
được.
Tôi vội về vị trí để làm lễ truy điệu. Ông Vũ Mão đọc lời điếu.
Ông đọc to, rõ toàn văn lời điếu kể cả câu mà theo anh Hùng nói hôm trước là sẽ
đọc nhỏ nhất có thể.
Hội trường im lặng, có tiếng ho, tiếng khóc ấm ức cứ lớn dần.
Tôi lên đọc lời cảm ơn. Tôi đọc bản soạn sẵn đã đưa Ban lễ
tang duyệt. Gần về cuối, hình ảnh tập giấy A4 thay sổ tang, hình ảnh người lính
ném mấy bức trướng vào góc phòng, hình ảnh đòi thu giữ sổ tang và nhiều chi tiết
đau lòng khác làm tôi nghẹn giọng. Vẫn cầm tờ giấy như đang đọc nội dung có sẵn,
tôi nói to, chậm, rõ: “… gia đình và dòng họ chúng tôi không chấp nhận bài điếu
văn này…”.
Lập tức tiếng tôi chìm trong tiếng vỗ tay, tiếng hô vang của
mọi người dự tang lễ. Lúc đó tôi không cảm nhận hết không khí của buổi lễ, tôi
cố gắng làm tròn bổn phận của mình, nhưng trong tôi mọi thứ như vỡ vụn. Thật
không ngờ tôi phải tham gia một đám tang… rất buồn như vậy.
Hà Nội, tháng 8/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét