Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

TỔNG KẾT VỤ VIỆC TAM ĐẢO

Vị trí máy bay đâm vào núi
(được xác định bởi nhóm tìm kiếm độc lập)


Thấy Bộ Quốc phòng hội nghị tổng kết hoành tráng quá, mà các bạn báo chí bảo là họp kín, đến ngay tỉnh Thái Nguyên là địa bàn rơi máy bay mà chỉ có 4 sĩ quan được tham gia, trong đó những người tích cực nhất, tham gia trực tiếp nhất ngồi nhà chờ xem VTV, duy nhất có anh Sơn là người khi tìm được di hài của phi công thì lên sau để đón về được tham dự.
http://baochinhphu.vn/…/tam-dung-tim-kiem-hai-c…/354686.vgp…
Thế nên tôi là một công dân theo đúng hiểu biết và quyền hạn của mình, xin thực thi quyền góp ý cho các cán bộ nhà nước, mà cụ thể là bộ quốc phòng về việc tìm xác máy bay và hài cốt của các phi cồng đã hy sinh ngày 30/4/1971 tại vùng núi Tam Đảo như sau:
-hãy thành thật với lương tâm của chính mình, trước vong linh của hai anh Yuri Poyarkov và Công Phương Thảo, công nhận rằng trong 47 năm qua quân đội (ở đây là Bộ Quốc phòng, Quân chủng Khồng quân sau này là Phòng không-không quân, quân khu II, tỉnh đội Thái Nguyên) và tất cả chúng ta ở đây đã hầu như không có động thái nào để tìm thi hài liệt sĩ và xác máy bay cả! Có thể nói gì để thanh minh cũng được, có thể dùng chữ “mật” để tỏ ra quan trọng, nhưng hãy hỏi lại những người dân ở địa bàn, từ già tới trẻ từ năm ấy tới nay đi, nhiều nhất là có vài lần trực thăng lượn vòng trên trời, có một lần đỗ xuống xã Mỹ Yên, thế rồi thôi. Xin cho biết tên một vị nào đã đi tìm kiếm tại thực địa từ bất đến nay?

-cũng xin khẳng định một điều, là việc máy bay rơi, thậm chí cả vị trí nó rơi không phải là bí mật gì khủng khiếp. Hóa ra tại 2 xã Tam Nông và Mỹ Đức những năm 80-90 dân làng đều biết là có cái máy bay rơi, họ lũ lượt lên chở mảnh xác máy bay về bán đồng nát nhưng có cấp nào quan tâm đâu?
-trong 47 năm ấy có ai thuộc bộ quốc phòng đã làm bất cứ việc gì để liên hệ với gia đình phi công đại úy Poyarkov? Hãy đừng kể rằng đã từng liên hệ qua bộ quốc phòng Liên Xô hay Nga ABCD... mà không có kết quả, nếu thực sự có tâm để đi tìm, thì đã phải tìm ra lâu rồi! Xin thưa: không hề! Thế nên những cụm từ “...làm tốt công tác tư tưởng đối với thân nhân của phi công Liên Xô (cũ) để giúp họ hiểu sâu sắc thêm về truyền thống nhân đạo, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam; chia sẻ về sự hy sinh, mất mát của thân nhân hai gia đình phi công...” nên tránh dùng, không có thể gây ra sự xấu hổ đến tột cùng của những người biết việc!
-khi có nhóm tìm kiếm thông báo kết quả và chuyển giao cho quân chủng hiện vật thì quân đội vào cuộc với một sự “nhiệt tình” không thể chậm hơn! Biết bao thời gian đã trôi đi từ lúc bắt đầu có hướng tìm kiếm. Đến xác định đó có phải chính là mảnh vỡ của MiG-21YM (máy bay huấn luyện) là chiếc đã rơi không cũng đến lượt nhóm tìm kiếm đưa ra luận cứ không thể nghi ngờ. Rồi đến vị trí đâm của máy bay cũng nhờ nhóm tìm kiếm xác định hộ, chứ có biết tìm đâu (và có tìm đâu mà biết!).
-“... 120 lượt người đã tham gia với 432 ngày công tìm kiếm...” thử hỏi là được mấy hôm nếu chia ra? Và đa số thời gian để làm đường, làm bếp dã chiến ngon lành đầy đủ, làm lều sẵn trên núi cho các vị lên đó, ở được một đêm không thấy gì lại xuống, có phải không ạ? Hiệu quả duy nhất là buổi tìm kiếm do tỉnh đội thực hiện với khoảng hơn 20 binh lính và dân quân, cùng với 2 người cháu của liệt sĩ Công Phương Thảo, theo đúng tọa độ của nhóm tìm kiếm chỉ ra, có cả sự tham gia của đài truyền hình Thái Nguyên. Nhưng có một lệnh rất thông thái là cấm quay phim chụp ảnh, để rồi không ai ghi lại hình hài di vật là hai bộ hài cốt của hai thầy trò phi công! Đến khi mang xuống đến huyện đội thì tiếc thay vì không nhiều kinh nghiệm, họ đã làm hư hỏng hết hai di vật đó, nhưng không lẽ hơn hai chục người làm chứng lúc trời quang mây tạnh không đủ cơ sở đưa ra những kết luận gì sao? Xin hỏi nếu thực sự không có di hài của liệt sĩ thì tỉnh đội Thái Nguyên đã tổ chức truy điệu cái gì vậy?
-“Không có cấu trúc xương...” theo đánh giá bằng mắt thường trong vài phút của ông viên trưởng pháp y trước mặt bá quan văn võ và mấy chục nhà báo, sau đó lên xe về Hà Nội có việc gấp. Vâng, nếu vậy sau đó nhóm tìm kiếm cũng cấp mẫu vật khác, mà trước đó đã nhờ các chuyên gia trong ngành đánh giá, thì “chắc chắn có cấu trúc xương!”. Thế kết quả của quân đội phân tích mẫu vật đó đâu rồi?
-hiện nay thành viên gia đình liệt sỹ Poyarkov đang sống rải rác ở 3 quốc gia độc lập khác nhau, quân đội ta có biết thế không? Truyền thông đại chúng các nước đó và tùy viên quân sự của cả Nga và Ukraina đều hỏi về kết quả tìm kiếm cũng như mong muồn tham gia vào quá trình này, chưa hề có bất cứ động thái trả lời tích cực nào từ phía Việt Nam, đấy là tình nghĩa thầy trò, đồng chí gì?
-trong tình cảnh này không hiểu câu trả lời mĩ miều đối với gia đình phi công sẽ là gì đây?
Thực sự kể cả nhóm tìm kiếm độc lập, cả biết bao người theo dõi và ủng hộ cho công việc đầy ý nghĩa này đều không hiểu lý do của cả một kịch bản như trên. Hôm nay có một người thạo việc xin dấu tên có đưa ra giải thích thế này, có lý hay không thì thời gian sẽ trả lời: “Quân đội mà công nhận hoàn toàn kết quả tìm kiếm đợt này thì hóa ra bêu xấu bao nhiêu lứa lãnh đạo trước kia vô tình và kém năng lực chả làm được cái gì à? Họ sẽ để mọi việc lắng xuống, sau đó mới âm thầm lặng lẽ tìm kiếm thêm, thế rồi kết quả đây, phải tìm như chúng tôi thế này mới chuẩn, Ơ rê ka! Đền ơn đáp nghĩa thôi...! Mà phải hiểu việc này chả “màu mỡ” gì đâu, nên chờ cũng lâu đấy nhé... ”. Thứ thực là dù bản thân có rất thất vọng về cách hành xử của quân đội trong việc này nhưng tôi cũng không thể nghĩ tệ đến thế. Tuy vậy nếu đang tìm kiếm tốt thì tại sao “tạm dừng việc tìm kiếm máy bay và phi công”? Tôi không thể hiểu, các bạn có hiểu không?

Trước ngày lễ 22/12 tôi không muốn kết thúc bài viết bằng những điều chán chường như vậy, nên xin xác nhận rằng có những người hết lòng ủng hộ việc tìm kiếm, nhất là các bác cựu chiến binh, các cự lưu học sinh. Có những người vợ phi công chỉ mong được đóng góp cho công việc ân nghĩa này, có những người “lính bay” đã về hưu lâu rồi nhưng vẫn nhiệt tình góp ý cho việc tìm tòi, biết bao người đã từng ở Liên Xô và chưa từng đặt chân đến đo mong muốn được giúp đỡ phần nào đền bù cho nỗi đau của 2 gia đình liệt sỹ. Đó là huyện đội Đại Từ, nơi tình nghĩa với các gia đình liệt sỹ cảm nhận được rõ ràng nhất. Rất cảm động, chúng tôi xin tri ân họ, nhưng vào lúc này điều đó là chưa thể, không có “cơ chế” nào để nhận sự ủng hộ của các anh chị, cô bác, mà cái thằng “cơ chế” này nó gớm ghiếc thế nào thì có lẽ chả phải nói nhiều...
Hãy tổng kết năm 2018 với cuộc tìm kiếm MiG21 ở Tam Đảo một cách lạc quan. Tôi xin giới thiệu những người thực sự đóng góp đầy ý nghĩa vào kết quả có được ngày hôm nay (không đưa ảnh vì chưa xin phép, và có lẽ họ cũng chả cần đến tiểu tiết này!):
-rất nhiều người muốn giúp, nhưng cháu Tuấn là người đầu tiên liên hệ và chở chúng tôi về quê cháu, làng Mỹ Đức ở Đại Từ, nơi người lớn đều biết chuyện “máy bay” này nhưng câu chuyện chỉ quanh quất ở đấy thôi. Cháu không nhiệt tình thì có lẽ chưa ai động tay động chân cả...
-anh Sergey Kopurov, chị Irina Vinkovskaya: những người đưa câu chuyện “cháu gái tìm ông” lên mạng xã hội và sau này giúp liên hệ với gia đình đại úy Poyarkov.
-anh Yuri Denisovich – đại diện trưởng của TASS ở Việt Nam – người đầu tiên đưa tin về vụ tìm kiếm trên thông tin đại chúng ở nước ngoài.

Và ở những bức ảnh dưới đây tôi xin phép giới thiệu những con người thực sự đã bỏ trí tuệ, mồ hôi và thời gian để tìm kiếm chiếc máy bay xấu số và hai liệt sỹ. Vì không tiện viết dài nên chỉ qua vài nét chấm phá tôi cố gắng khắc họa những con người bằng xương bằng thịt, rất đời thường, giữa chúng ta thôi, họ đã góp phần làm nên kỳ tích! Cũng như mọi khi, tôi xin không nêu tên những “người tử tế” – họ đã làm bằng cả trái tim chứ không phải vì mấy lời khen, nhất là trên Facebook (còn ngoài FB ra chưa thấy ai đả động gì tới họ, chỉ thấy toàn những kẻ nói hay hơn họ mà thôi!).



Công đầu và lớn nhất thuộc về anh, thế nên không có gì ngạc nhiên khi gia đinh phi công Poyarkov viết thư cảm tạ anh và các đồng sự, chứ không phải cái tổ chức đáng nhẽ đã phải làm điều này trong suốt 47 năm qua. Anh là "dị nhân" toán học, đã 20 năm trèo núi Tam Đảo thường xuyên, và dùng suy luận toán để xác định khoanh vùng vị trí máy bay phải rơi từ đó dẫn tới quyết tâm tìm kiếm độc lập. Và quantrọng nhất là anh là người "khoác balô lên và đi", thế mới có được cuộc tìm kiếm này. Anh tìm ra mảnh vỡ máy bay đầu tiên, dựa vào đó mà có thể kết luận được đây chính là chiếc MiG21YM tập huấn (đã rơi 30/4/1971).
Hiện nay anh nghiên cứu toán và vật lý lý thuyết, thời gian còn lại cùng anh chị em đi xây những chiếc cầu cho vùng cao hoàn toàn từ thiện.
Một việc nữa là anh hay "góp ý" cho Bộ Giáo dục, với văn phong và ý nghĩa hay hơn tôi đang "góp ý" cho quân đội rất nhiều...
Về sau này do có thể đã "góp ý" với quân chủng hơi nhiều về vụ việc Tam Đảo anh đã bị dân quân và kiểm lâm được lệnh cấm cho lên núi!!!


Anh là đại diện của một tờ báo phía Nam, là nhà báo duy nhất theo dõi sát câu chuyện từ khi hiện vật đầu tiên được bàn giao cho quân đội cho tới ngày hôm nay. Không phải mọi điều anh viết ra chúng tôi đều có cùng đánh giá, tuy vậy rất trân trọng sự nghiêm túc trong hành nghề báo chí của anh!

Còn các nhà báo khác đã đưa tin ư, xin lỗi, toàn cầm nhầm và xào xáo ba lăng nhăng những thông tin và nhất là ảnh của FB Nam Nguyen! Shame on you!


 Công lao của "dân địa phương" rất lớn! Trong ảnh bên trái nhất là anh Hiệu, nhà anh chị Hiệu Hiền là "cơ sở cách mạng" cho nhóm tìm kiếm ở bên Mỹ Yên. Anh Hiệu đã từng đeo thiết bị thu phát, một mình trèo núi dưới sự điều khiển của Hà Nội và tìm ra hiện vật. Anh Chung (áo xanh) chính là người phát hiện ra cái mảnh máy bay đầu tiên và rất quan trọng. 
Lâu ngày không lên núi nên họ lúc đầu khá mất phương hướng, nhưng tất cả bọn họ (và còn nhiều người làng nữa) đã từng lên lấy mảnh xác máy bay cách đây ba chục năm rồi, có thấy ai bên quân đội tìm kiếm cái gì bao giờ đâu...? Hy vọng sau này địa điểm này trở nên hấp dẫn du khách nhờ vào câu chuyện hy sinh của 2 thầy trò phi công và chuyện đi tìm hài cốt liệt sỹ, và đây sẽ là những hướng dẫn viên giỏi nhất!


Chị là nhà hóa học và người phụ nữ duy nhất tham gia vào các cuộc lên núi. Kiến thức của chị cũng giúp rất nhiều cho việc xác định vị trí rơi của máy bay. Nhưng đóng góp khác lớn hơn của chị là kết nối phía Nga với câu chuyện tìm kiếm này. Họ rất mong muốn được cùng tham gia, và sẵn sàng dựng tượng đài tưởng niệm cho 2 phi công ở vùng núi này (với địa danh Cửa Tử). Hỡi ơi, bây giờ thì chả biết thế nào đâu...
Chị bị bộ chủ quản (lại cái Bộ KH-CN) dọa nạt khá nhiều với "tội danh": đi tìm hài cốt liệt sỹ ngoài giờ làm việc! Tôi đã đưa ảnh chị lên FB, rồi lại phải gỡ xuống để người ta để cho chị yên thân. Nhưng lần này xin hứa với chị, nếu cơ quan chị có định "ghép tội" như vậy cho chị nữa, thì cộng đồng mạng sẽ có tiếng nói riêng về việc này!


Nhà vật lý thực nghiệm tài ba, anh đã dựng mô phỏng hành trình của máy bay, từ đó đã xác định được điểm đâm chính xác rồi tìm được hiện vật chứng minh cho chuyện đó. Anh đã thực hiện gắn nguồn phát tín hiệu vào người dân địa phương, rồi từ Hà Nội hướng dẫn họ leo núi theo điều khiển từ xa mà vẫn tìm được mẫu vật. Chính anh là người cung cấp "cấu trúc có xương" sau khi quân đội tuyên bố là không tìm thấy. Kết quả xét nghiệm chưa ai trả lời...
Anh là người đau tim nặng, huyết áp có thể bỗng nhiên vọt lên rất cao nên các lần lên núi của anh đều vô cùng liều lĩnh. Anh đã một lần rơi từ khe đá xuống, và một lần lăn xuống suối. Có lẽ anh linh của các liệt sỹ đã đỡ cho anh...
Anh đã bị bộ chủ quản (Bộ KH-CN) chỉ trích nặng nề vì "tội" phát biểu liên quan đến cuộc tìm kiếm, và nếu anh không dùng các luận chứng khoa học để bảo vệ được chính mình thì có lẽ bị quy vào tội "mê tín dị đoan" và mất chức rồi...


Chuyên gia hóa dầu học tại CCCP nhưng kiến thức của anh rất đa dạng. Chẳng phải leo núi mà chỉ ngồi nhà, theo đánh giá về mảnh máy bay tìm được anh đã chỉ rõ rằng nó chỉ có thể thuộc về máy bay MiG21YM (loại trừ mọi giả thuyết rằng cũng có những máy bay khác đã rơi tại đây). Còn bao nhiêu "lính lái", "thợ sửa chữa"... của chúng ta qua nhiều thế hệ máy bay thì trầm ngâm suy ngẫm rồi... công nhận thế là đúng!


Lý là người dẫn đường chuyên nghiệp bên Hoàng Nông (địa danh du lịch Cửa Tử) và anh là người lên núi nhiều nhất trong vụ này. Quân đội mà chả nhờ anh đi cùng chỉ cho địa điểm nhóm tìm kiếm đã tìm ra thì có mà tìm đến Tết Công Gô... Anh và anh Thắng (công an xã) cùng mấy anh em ở làng rất có tâm khi làm việc nghĩa này!


Hai vợ chồng Poyarkov ngày cưới và chị vợ già đi sau 47 năm đợi chờ mòn mỏi. "Có ai giải thích cho chúng tôi chuyện gì đã xảy ra không?".

47 năm chưa có ai người Việt Nam liên hệ với bà quả phụ này!


Có lẽ hai quân nhân duy nhất tôi thấy thực sự có "tâm" trong cả câu chuyện này: anh Khánh và Dũng ở huyện đội Đại Từ - nơi duy nhất có thể cảm nhận được tình đồng đội và mong ước tri ân những người đã ngã xuống. Họ đã nhiều lần đến thắp hương tại nơi thờ phụng anh Công Phương Thảo, cầu xin liệt sỹ giúp cho cuộc tìm kiếm hoàn thành dúng như nguyện vọng... Chắc bây giờ anh Khánh buồn chả khác gì chúng tôi, còn thất vọng thì hơn nhiều...
Các anh đã làm hết khả năng, xin ghi nhơ công sức của các anh!



"Không ai bị lãng quên, không gì được quên lãng!"

Chúng ta vẫn có lỗi với vong linh liệt sỹ Poyarkov (và Công Phương Thảo).

Không có nhận xét nào: