Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

KỶ NIỆM 17 NĂM NGÀY MẤT CỦA PHẠM XUÂN ẨN


 

Kim Van Chinh

BÓNG MA CỦA CHỦ NGHĨA CƯỜNG QUYỀN CÓ CÒN TRÊN ĐẤT NƯỚC TA HAY KHÔNG?
1.Bây giờ ai cũng ghê tởm khi đọc những tư liệu thật về cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, xét lại chống đảng…
Các tư liệu được viết lại, ví dụ như cuốn sách: “Gia đình” của Phan Thúy Hà cũng mới chỉ nói về 1 góc nhỏ của biến chuyển được gọi là cải cách ruộng đất chỉ ở 1 địa phương nhỏ quê chị và với những trường hợp nhân chứng còn sống… , nhưng nó đã cho ta thấy sự nguy hiểm, tàn ác, phi nhân bản của chủ nghĩa cường quyền đối với người dân…
Ở Campuchia Khmer đỏ, chính chủ nghĩa cường quyền đó đã tạo ra chế độ diệt chủng kinh khủng nhất…
Còn ở Trung Quốc, cách mạng văn hóa đã sát hại bao người cán bộ cũng bắt đầu từ chủ nghĩa cường quyền.
Liên Xô (Nga) thì nổi tiếng tàn bạo với các đợt cải tạo địa chủ, thanh trừng nội bộ và di dân…
2.Sau 1975 đến nay, chủ nghĩa cường quyền ở Việt Nam có còn không?
Xin thưa, nó vẫn còn nguyên, chỉ thay đổi hình thức và mức độ tàn khốc của các hình phạt…
Và nạn nhân của nó vẫn bao gồm cả “phía bên kia” – địch quân lẫn phía ta – những người đồng chí nhưng bị coi là “bất đồng chính kiến”.
Và Phạm Xuân Ẩn là một người như vậy..
Ông vẫn được phong anh hùng LLVT, được thăng hàm tướng… Nhưng rõ ràng là ông gần như bị “quản thúc” tại gia : không được đi ra nước ngoài thăm thú dù mục đích cá nhân…
Tội của ông là ông đã đi trước thời đại, có nhãn quan và tầm nhìn quá xa vượt qua tất cả các đồng chí của mình, gây cho họ những nghi ngờ đến mức ông trở thành nạn nhân của chủ nghĩa cường quyền…
Ông được nhiều người Mỹ mệnh danh là “nhà tình báo cộng sản, nhưng yêu chúng ta (yêu nước Mỹ)”.
Ông là người nhìn ra những giá trị Mỹ có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân ông và cả dân tộc Việt Nam nói chung trên đường phát triển và hội nhập.
Và ông đã cố gắng hoàn thành, hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của một người lính – chiến sỹ tình báo đối với Tổ quốc mình, nhưng ông vẫn giữ tình yêu, sự kính trọng và mong muốn được làm việc với nền văn hóa Mỹ…
Ông đã trở thành biểu tượng của tình nghĩa hợp tác Việt Nam - Mỹ thời hậu chiến.
Nhưng trên thực tế, ông rất khổ với chủ nghĩa cường quyền ám ảnh, hành hạ ông trong suốt thời kỳ sau 1975 đến lúc ông qua đời…
3. Hãy đọc topic của nhà báo Chánh Nguyễn
“Hôm nay 20/9/2023 kỷ niệm 17 năm ngày mất của ông Phạm Xuân Ẩn, nhà tình báo xuất sắc của tình báo quốc phòng Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhớ ông lắm, tôi không bao giờ có thể quên ông được ! Tôi xin trích đăng lại bài viết từ tập sách " Kể chuyện cụm tình báo H.63 anh hùng " đã xuất bản như là một nén nhang từ tấm lòng thành của tôi gửi tới ông nhân ngày mất.

ẨN ƠI, NHỚ BẠN THẬT NHIỀU.
Một chiều, ông Ẩn gọi điện thoại cho ông Tư Cang xong rồi xách xe đạp ra để tới nhà ông Tư xin mấy trái đu đủ xanh về nấu thuốc chữa bệnh cho bà Thu Nhạn vợ ông. Hai ông bạn già uống với nhau mấy ly trà, nói với nhau được dăm câu chuyện rồi ông Ẩn lật đật xin phép ông Tư ra về, sợ bà Thu Nhạn đang chờ ở nhà. Tiễn bạn ra cửa, nhìn theo cái lưng còng đang cố sức đạp trên đôi pê-đan mà chiếc xe thì quá ì ạch lăn bánh trong khi 3 trái đu đủ xanh đánh qua đánh lại trên ghi đông xe. Tự nhiên hai hàng nước mắt đã lăn trên gương mặt ông Tư, chợt nhắm nghiền hai mắt lại, ông Tư bỗng khẽ kêu:
"Trời, Phạm Xuân Ẩn ơi! Đâu còn ngày tháng tôi với anh ngược xuôi khắp nơi ở cái chốn này khi trên tay anh nắm sợi dây da với con chó bergie to lớn để ra vào nhà hàng Victory hay quán cafe Givral nữa ?"
Chú Tư mở đầu câu chuyện hôm nay với tôi về người anh hùng Phạm Xuân Ẩn như thế đó.

Trong cuộc đời, có nhiều thứ nhớ hoài về những người bạn chiến đấu, mầy ơi -, chú Tư Cang kể với tôi về Phạm Xuân Ẩn như sau: anh Ẩn hơn tao 1 tuổi. Ảnh sanh tháng 9/1927, nếu giờ Ẩn còn sống thì cũng ở tuổi 91 rồi, đã quá già như tụi tao hôm nay, phải hông ? Những gì Ẩn đã đóng góp cho Tổ quốc trong vai trò một người tình báo chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là rất to lớn. Ảnh được nhà nước tuyên dương AHLLVTND tháng 1/1976 ngay đợt đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước. Ẩn là nhà tình báo xuất sắc của Việt nam, không phải tự nhiên mà Gs sử học người Mỹ Larry Berman viết về Ẩn với cái tên điệp viên hoàn hảo đâu. Ẩn là một con người thuỷ chung hoàn hảo trong cuộc sống.



Tôi có cảm giác như mình đang có lỗi khi chưa viết được hết cho các bạn những câu chuyện được nghe kể đầy tình người của chú Tư Cang về Tình báo và Đặc công biệt động thời đánh Mỹ. Ông già Nam bộ ở tuổi 90 nhưng minh mẫn tuyệt vời, ông chẳng quên thứ gì khi nhớ lại những ngày tháng trong quân ngũ bên đồng đội của mình vào sinh ra tử, ông thật hóm hỉnh và hiền lành khi kể chuyện “tình báo nhân dân” chân thực và rất cuốn hút, khiến người nghe nếu lắng đọng một chút thì mới thấm câu chuyện kể của ông, đặc biệt là chuyện về Phạm Xuân Ẩn. Tôi không biết ông Ẩn có bao nhiêu người bạn, chú Tư nói, nhưng được làm bạn với ông ấy thì chắc chắn sẽ nhận được sự bao dung và tử tế từ trái tim của con người này.

Chú Tư nói với tôi: "Tao là bạn của Ẩn, tao hiểu con người của Ẩn, thương bạn lắm. Tụi tao sau này hay chia sẻ với nhau không phải những chiến công mà mình lập được, chia sẻ với nhau những giây phút thập tử nhất sinh trong đời của người tình báo, chia sẻ khát khao được nhìn thấy hoà bình ngày đó mà vì nó, hàng triệu người đã ngã xuống mà không nhìn thấy. Một đời người rồi cũng ra đi, để lại cho đời những tiếng thơm và sự tử tế trong đối nhân xử thế thì ông Ẩn đã làm được việc đó. Cũng hơn mười năm Ẩn ra đi rồi, biết bao kỷ niệm với bạn ở trên cuộc đời này, hận thù được khép lại với kẻ thù xưa và một Việt Nam tươi đẹp đang ngày càng phát triển làm bạn với tất cả các nước".

Chú Tư nhìn tôi và nói: hôm nay tao kể cho mầy về ước muốn của ông Ẩn. Ẩn kể, Ẩn muốn một lần được trở lại Mỹ sau chiến tranh nhưng không được, ổng buồn lắm. Ổng muốn tới thăm lại ngôi trường xưa mà hơn nửa thế kỷ trước, ổng đã từng học ở đó để rồi sau này ổng trở thành Điệp Viên Hoàn Hảo trong vỏ bọc viết báo, chiến đấu cho đất nước mình chống lại chính người Mỹ. Rồi ai cũng có một gia đình để được thương yêu vợ con, được chia sẻ tình yêu với người bạn đời. Giờ bình tâm nhìn lại, đời người tình báo của tụi tao gian khổ quá, vợ con thường trực sống trong lo âu sợ hãi.

Những ngày cuối đời của Ẩn bên giường bệnh, bà Thu Nhạn vợ ổng nói với mọi người: hồi hôm, anh Ẩn có mê sảng rồi rên: "Bà ơi, tụi nó đánh tôi đau quá, sao tụi nó tống rắn rết vô miệng tôi vậy kìa, làm sao tôi sống được ?" Trong cơn mê hoảng loạn, Ẩn tưởng mình bị lộ, bị tụi nó bắt và tra tấn tàn bạo. Thường trực nỗi lo như thế và phải đối mặt với cái chết. Con người ta, ai không sợ chết hả mầy ?

Tôi đã từng đọc đi đọc lại những trang sách viết về ông của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải trong cuốn “Phạm Xuân Ẩn- tên người như cuộc đời.” Bà Hải đã dành khá nhiều thời gian để ngồi cùng ông Ẩn không phải chỉ để viết về chiến công của ông trong ngành tình báo , bà muốn viết về một con người cụ thể giàu nhân cách và tìm cách lý giải vì sao ông Ẩn lại được những người bạn ở phía bên kia yêu mến đến như thế ? Khi cuốn sách “X6- Điệp viên hoàn hảo” của Larry Berman được xuất bản, những sự thật về con người ông cùng nỗi trăn trở của ông trong cuộc sống sau ngày thống nhất dưới ngòi bút tài tình của giáo sư sử học đã đem đến cho chúng ta một chân dung người tình báo phải sống cuộc đời hai mặt, nhưng mặt nào cũng hoàn hảo.

Có một dạo, ông Ẩn kể cho Larry: "Chúng tôi phải chiến đấu chống lại một đạo quân hùng mạnh nhất thế giới với nền khoa học công nghệ tiên tiến. Cũng phải lấy vũ khí địch để đánh địch, vũ khí tiếp tế từ ngoài Hà Nội vô rất khó khăn kể cả đường bộ và đường biển. Người Mỹ khi ấy đã nghĩ ra cách gắn một con chíp điện tử rất nhỏ trong các cây súng. Sau các trận đụng độ, họ thu dọn chiến trường nhưng cố tình để lại những khẩu súng ấy cho Việt Cộng thu làm chiến lợi phẩm. Sau đó, bằng máy bay do thám, họ phát hiện ra vị trí của những cây súng ấy và cho máy bay tới ném bom. Chúng tôi bị hy sinh nhiều lắm mà không tìm được lý do vì sao bị lộ vị trí để tụi nó ném bom. Sau một thời gian dò tìm nguyên nhân, tôi đã thu được thông tin chính xác và thông báo vào trong khu để mọi người đối phó. Dù không phải là thông tin chiến lược cho Tổng hành dinh, nhưng những tin tức quý giá như thế này do ông Ẩn cung cấp cũng hạn chế được biết bao máu xương của chiến sỹ ta. Nói về tình báo của ta khi đối đầu với Mỹ, chú Tư nói ngay: "Đó là tình báo nhân dân của một cuộc chiến tranh toàn dân chống lại kẻ thù hung bạo. Tình báo nhân dân đụng độ với tình báo CIA của Mỹ. Chúng ta hy sinh nhiều lắm, không phải đơn giản đâu. Nhớ lại những ngày cuối cùng trên giường bệnh của Ẩn, tao vô thăm ổng. Khi ấy, đôi tay của Ẩn cũng yếu lắm rồi. Nắm tay tao, Ẩn nói chầm chậm: tui với anh giờ này còn ở đây là do lá số tử vi của mình cao số lắm, anh Tư ! Chứ hy sinh nhiều quá, gởi ai vô thành là bị tụi nó bắt hết, hàng loạt các Cụm bị bể mà tui và anh vẫn an toàn. So với các anh em khác, tụi mình đâu có tài giỏi gì hơn họ đâu ? Chẳng qua tại tụi mình gặp may mắn đó, phước đức ông bà phù hộ còn lớn lắm. Nói xong, Ẩn quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt chực trào ra từ khoé mắt. Còn tao thì đứng yên, nước mắt hai hàng tự nhiên tuôn ra, nắm chặt tay người bạn của mình rồi cúi xuống nói vừa đủ vào tai của bạn : ờ, tụi mình gặp may mắn lắm, Hai Trung !". Đứng phía bên kia giường ông Ẩn, bà Thu Nhạn vợ ông cũng rưng rưng nước mắt chứng kiến những tâm sự cuối cùng của chồng mình với người bạn, người đồng chí, người chỉ huy tình báo tài tình Tư Cang và bà đã thật sự hiểu rằng vì chồng bà mà các thành viên của Cụm H-63 sẵn sàng hy sinh, trong đó có cả người chỉ huy trực tiếp hôm nay đang đứng bên chồng bà trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Nhìn về xa xăm, chú Tư bảo: tao không bao giờ có thể quên được Ẩn trong trái tim mình. Một con người yêu nước, dành tất cả sức lực để phục vụ Tổ quốc trong những giờ phút lâm nguy của cả dân tộc. Con người ấy đã trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, xứng danh người anh hùng trong lòng nhân dân!
Tôi đã xin phép chú Tư ra về để chú còn đi nghỉ, song đôi chân tôi như bị níu kéo ở lại để còn muốn được nghe tiếp những câu chuyện của chú, nghe những lời trăn trối cuối cùng của ông Ẩn đến rơi nước với người bạn trước khi về với ông bà.

Phạm Xuân Ẩn, ông là một nhân cách lớn! Mọi người đều yêu mến ông.
Ngày ông Ẩn ra đi, ông Tư Cang đã làm mấy câu thơ tiễn bạn thật cảm động:
Đời người tình báo thế là xong
Tình dân nghĩa Đảng nợ non sông
Làm trai trong suốt thời ly loạn
Anh thật xứng danh một anh hùng
Xuân Ẩn từ nay ẩn thật rồi

Không có nhận xét nào: