Thứ Tư, 3 tháng 1, 2024

CHUYỆN LÍNH: LÀM BỐ MỘT ĐÊM

 


Ngau Hung Luu  

HỘI NGỘ
Đọc bài viết “Làm bố một đêm”, nhiều bạn hỏi, bây giờ cuộc sống của những nhân vật trong câu chuyện ra sao?
Tôi đã nhiều năm cất công đi tìm người đồng đội cũ. Giữa phố thị đông đúc của Hà nội, tìm một con người đã xa hơn 40 năm, ngôi nhà cũ của anh ở ngõ Tạm Thương sau khi anh chuyển đi, không còn ai nhớ.Tìm anh với địa chỉ mơ hồ” hình như họ ở khu ấy”, đôi lúc tưởng chừng vô vọng.
Vậy mà hôm nay tôi đã tìm được anh. Anh khóc, tôi khóc, cả nhà xúc động vì mừng (ảnh 1). Đứa bé 4 tuổi trong câu chuyện, đến nay đã gần 60 (ảnh 2), con lớn đã vào ĐH. Anh đã hơn tám mươi, tôi cũng bước sang tuổi 78.
Ngồi uống với nhau vài ly rượu lạt, chỉ thấy anh khóc khi ôn lại những kỷ niệm đời lính năm mươi năm trước, một nửa đời người. Năm mươi năm, ai còn, ai mất, anh nhớ. Mong anh khoẻ để gặp lại nhau nhiều hơn.
CHUYỆN LÍNH
LÀM BỐ MỘT ĐÊM
Sau tết Mậu Thân(1968), đơn vị từ Lào chuyển ra Thanh Hoá để an dưỡng và chỉnh quân. Đến ga Nghĩa Trang, còn phải đi tiếp cả hai chục cây số nữa mới đến trạm an dưỡng.
Đến chặng nghỉ mệt, thằng bạn B trưởng rỉ tai: mày có muốn tranh thủ về nhà không? Với điều kiện, khi lên,đón thằng cu nhà tao lên cùng, tao nhớ nó quá. Thư tao viết cho vợ và đây là địa chỉ trạm an dưỡng. Không đắn đo suy nghĩ, mình nhận lời, cầm thư, địa chỉ, hơn chục lá thư bạn gửi về nhà, quay ngược hướng hành quân, thẳng ra ga.
Tới ga, trời đã tối hẳn, gặp đoàn tàu hàng đang chạy chậm rời ga về HN, sẵn kinh nghiệm nhảy tàu trốn vé hồi đi học, cộng kỹ năng chiến đấu, chỉ một nốt nhạc, lính Hà đã an toạ trên tấm bạt dưới chất đầy hàng của một toa đĩa( toa không có mui).
Giở lương khô và nước ra dằn bụng, ngắm trời sao, vui sắp được ghé nhà và cô bạn học. Đang thời chiến, tàu chạy đêm nên không bị máy bay, ít kiểm tra khi dừng ga, dọc đường hầu như không gặp trục trặc gì. Gần sáng, qua đoạn Khâm thiên, tàu chạy chậm, ôm ba lô nhảy xuống, kết thúc hành trình trốn vé.
(Đọc đến đây mọi người thông cảm, hồi ấy, lính ở CT ra không có tiền để mua vé, phụ cấp được phát loại tiền Trường Sơn- lưu hành nội bộ).
Xuống đầu Khâm Thiên, vừa đi, vừa chạy, vừa đi nhờ, về đến nhà cả nhà vừa dậy. Mẹ vui quá, sờ nắn khắp người, bố đứng nhìn chẳng biết hỏi gì, thằng em 8 tuổi mắt nhắm mắt mở, chỉ hỏi anh không mang súng thật về à. Hàng xóm sang hỏi thăm, duy có ông tổ trưởng sang hỏi thăm, chủ yếu để điều tra xem mình có “tuột xích” ( đảo ngũ) hay không.
Bố để lại xe đạp, hai cụ chở nhau và thằng em đi làm và dặn xong việc ghé cơ quan bố mẹ. Ăn vội bát cơm mẹ phần, thay bộ đồ, hành trình “anh quân bưu” đi đưa thư của lính-Hơn mười bức thư, trải khắp Hà nội. Ưu tiên đưa trước thư của mấy thằng hứa hết chiến tranh gả em gái cho. Nhưng rồi chẳng xem mặt được ai, các nàng đều theo trường, học nơi sơ tán. Gần hết một ngày, đến ngõ Tạm Thương, nhà B trưởng để đưa thư, hẹn đón bé. Cả nhà mừng, riêng bé, được đi bộ đội với bố thì sướng quá nhảy cẫng lên. Chị Mỹ cũng không do dự gì, hẹn mai đưa chú cháu ra ga và cuối tuần sẽ vào đơn vị thăm anh và đón cháu.
Về đến nhà, khỏi nói, mọi người cũng hình dung ra không khí xum họp vui như thế nào dù ngắn ngủi.
Tối hôm sau, cả nhà, gia dình chị Mỹ và nhà mấy người bạn ra ga gửi thư và tiễn hai chú cháu vào Thanh.
Lần đi này có vé đàng hoàng và có cả tiền giắt lưng, không “vô sản” như chuyến về.

Một chàng trai trẻ măng ở tuổi 22,mang áo lính, vai đeo ba lô, dắt theo một cậu nhóc 4 tuổi lên tầu, gợi sự tò mò của các bà, các chị cùng toa. Nhiều ánh mắt như muốn hỏi còn ngại. Ra khỏi Hà nội khá lâu, trong toa bắt đầu hỏi thăm nhau. Người về quê có việc, người đi thăm con, người đi công tác... Cậu nhóc lần đầu tiên đi xa, gặp gì lạ cũng hỏi. Đến lượt mình bộc bạch, vội trả lời cho qua, hai bố con đón nhau về đơn vị-Thế là sập bẫy tò mò của các bà. Một loạt câu hỏi “ truy sát” được tung ra. Sau đợt thẩm vấn và trả lời, dưới con mắt cảm thông và đầy tình thương yêu "đồng loại” của các bà, các chị, chân dung của mình được phác hoạ “19 tuổi lấy vợ, đi bộ đội, vợ ở nhà sinh con, chờ không có tin tức gì, đi lấy chồng- giờ mang con lên đơn vị, cảnh gà trống nuôi con-Lên án người vợ, lên án chiến tranh, trách tình đời bạc bẽo”. Trong hoàn cảnh “sục sôi” như vậy, không cho bạn được thanh minh, đành câm nín diễn tròn vai đến lúc xuống tàu- hihi-Chỉ buồn cười, mỗi lần xưng bố, cậu nhóc lại làm câu xanh rờn” đ’ phải”, thế là đâu đó trong toa, lại có tiếng chép miệng: khổ, lính đi xa đến nỗi, con không nhận mặt bố-
Sau câu chuyện đã cởi mở là phong trào tự nguyện uý lạo hai bố con. Người nắm chim chim xôi, người bánh quy gai, loại làm ở lò bánh đầu phố... đúng chất thời chiến, chưa bao giờ được quan tâm như vậy.
Khuya, tàu chạy trên những quãng đường vắng lặng. Hai chú cháu trải tấm vải mưa ra nằm ở sàn tàu. Tưởng biển yên gió lặng, thì bất chợt cậu ra tình huống khó: buồn đi ị. Quả là tình huống nan giải đối với một gã trai, chưa hề biết nắm tay người thương, phải xử lý công việc của một gã có vợ và đã có con. Đang loay hoay chưa biết làm thế nào, phải qua những bước trình tự gì thì có một bàn tay dang ra đỡ : để đấy tôi làm cho. Chị dẫn ra đầu toa, chỉ lúc sau, cậu nhóc về với bộ mặt tươi tắn, nhẹ nhõm. Từ đầu toa, đến giữa toa, hai cô cháu về với ánh sáng của những chiếc đèn pin dõi theo. Hihi.

Tảng sáng thì tàu đến ga Nghĩa trang( chẳng hiểu ai đặt tên ga, nghe kinh kinh). Nhìn xuống sân ga đã thấy lô nhô áo lính. Cả một tiểu đội đi đón hai chú cháu. Bố mừng( dù lúc đầu cũng không nhận bố thật. Sau chắc là sự linh thiêng của huyết thống, cậu gọi bố ngon lành). Bóc vội gói thuốc Thủ Đô và gói kẹo Hải Châu mẹ dành dụm từ tết- cả bọn ngồi bệt ở sân ga mừng hội ngộ. Những ngày có nhóc ở đơn vị thật vui. Như một thứ giải toả tâm lý, hội chứng chiến tranh, hình như ai cũng nói cười nhiều hơn. Mấy chú được dịp trổ tài khéo tay, đẽo súng gỗ, làm xe tăng, làm chiến xa.. trẻ con thời ấy, toàn chơi trò chơi súng ống.
Tôi viết hồi ức này, nhân đọc một bài viết trên trang Hà Nội, kể về Ngõ Tạm Thương-HN.
Bạn tôi ở 34 Ngõ Tạm Thương, tên là Cao Đức Ta, vợ là chị Mỹ- Cháu bé trong hồi ức lúc 4 tuổi, bây giờ cũng gần 60 rồi. Tôi lúc ấy bây giờ đã tuổi 75.
Hết chiến tranh, bạn bè giải ngũ, gặp thời gạo châu, củi quế, lao vào cuộc mưu sinh. Bươn trải, tha phương, rời nơi đất mẹ sinh ra kiếm sống nuôi gia đình. Đến lục giật mình ngoảnh lạ, sắp hết một đời lưu lạc. Nhiều lần về phố cũ mỗi dịp về Hà nội tìm bạn, đều đã chuyển đi hết, người mới không hay.
Viết vài dòng tự sự mong bạn nào đọc được quen biết với gia đình anh, hữu duyên biết được thông tin để bạn cũ tìm về.



Không có nhận xét nào: