Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

MẸ CHỒNG TÔI.

Ảnh minh họa
 

Bu ốm đã ba năm, hơn một năm tôi chưa về. Tôi mong trời sáng quá! Mong chuyến xe về với làng quê yên ả ven bờ sông Luộc hiền hòa. Nơi trong tiềm thức tôi, những bà, những chị mặc quần láng đen và môi đỏ vết trầu. Nơi có Bu tôi, người Mẹ quê thuần hậu.
Sáu tiếng trên xe, giấc ngủ nặng nề không đến.
Quê tôi bây giờ đẹp lắm. Nhà cao tầng và những con đường phẳng lì, tít tắp.
Trời nôn nao chuyển mùa bằng trận mưa nhỏ. Tôi nôn nao trở về với ăm ắp nhớ thương.
Tôi rón rén vào gần Bu, tôi cứ đăm đăm nhìn vào hình hài nhỏ thó trong chiếc chăn mỏng khe khẽ phập phồng lên xuống:
- Con cái May đấy như? Về mấy Bu rồi con cái Hến ai nom?
Nụ cười của Bu nhẹ như mây, ngọt như quả chín.
Đến lúc này thì tôi mặc kệ những giọt nước mắt bò ra bên má lạnh ngắt. Tôi muốn xin lỗi Bu, nhưng miệng như bị ai khâu chặt.
Dường như trong kí ức của Bu chỉ còn nguyên vẹn ngày tôi ra đi, ngày con Hến là cả thế giới của Bu, tôi thấy mình mắc tội lớn quá, tôi bỏ lại sau lưng những con đường rộng dài đông đúc, tấp nập người xe đua nhau lao vun vút.
Tôi đứng giữa nhà, thấy Bu đang lom khom lựa những hạt đỗ tương vàng ruộm, căng nhức, như cần mẫn xe những sợi gió mát rượi để vá đêm với ngày.
- May ơi! Ơi May!
Tiếng Bu gọi lấp đầy khoảng sân chang chang nắng. Bu gánh yêu thương từ chợ về, đổ đầy gian bếp nhỏ, bữa cơm có Thầy tôi, chồng tôi, có con Hến dính vào lòng Bu như con mèo nhỏ, thấy Bu nắm tay tôi đi dọc cánh đồng thông thốc gió, bàn chân có ngón cái xòe ra cong cong giẫm rạc những gốc rạ mùa vàng ươm trên nền ruộng li ti cỏ dại.
- Đây là cây cỏ đĩ.
Tôi bụm miệng cười, Bu tôi nghiêm sắc mặt:
Hẵng nguyên để Bu bẩu:
- Nó đứng im thì không sao, ấy vậy mà quệt qua nó là mùi cứ nhộn lên, in như giống đĩ vậy.
Tôi vân vi:
- Là Bu tự đặt tên cho nó ạ?
- Là các cụ ngày xưa bẩu thế. Liền bà cũng như cây cỏ, cơ mà đừng để liền ông giẫm chân lên thân mình, vừa đau, vừa nhục.
Năm ấy Bu tôi sáu mươi tuổi.
Hôm nay tôi về. Bu ngồi dậy được. Tôi đã gói tất cả nước mắt vào tận đáy lòng. Tôi nắm tay Bu, người đàn bà cả đời lam lũ. Lúc trẻ nuôi con chồng, khi già lại vẫn một mình. Tôi không biết Bu tôi đã sai ở đâu? Thầy bỏ Bu đi với người đàn bà khác có đến năm mặt con. Bữa cơm nghèo chỉ có dưa cà, mà Bu lấy ở đâu đến thừa thãi bao dung cho cả những đớn đau lọc lừa:
Trách người một, trách ta mười
Bởi ta bạc trước cho người tệ sau.
Tôi ôm ngang người Bu, cố tìm lại ăm ắp sắc xuân một thời nồng nàn, tôi xót xa khi thấy cái đau dềnh lên trong mắt Bu. Bu thở dài, như cảm thông, như nuối tiếc:
Tung tăng như cá trong lờ
Trong không ra được ngoài ngờ là vui.

- Con phải coi Mẹ Hai như Bu nhớ! Nghe chửa ? May?
Đêm chùng như võng.
Tôi khao khát một khoảng yên bình cho những đớn đau đang đè nặng Bu tôi.
Tôi thèm thả chân trần đi trên con đường lát gạch nghiêng mát lịm. Tôi nhớ những sáng cả xóm lắng tai nghe thông tin nông nghiệp được phát từ chiếc loa trên cây cao đầu làng. Tôi nhớ những bàn chân, bàn tay bám gạch cua vàng quạch, vội vã bóc củ khoai vừa đi vừa ăn cho kịp buổi cấy, vậy mà xa làng một ngày là không chịu nổi. Tôi nhớ bà Toàn ngay đầu ngõ nhà tôi:
- Thành phố gì mà chỗ ăn chỗ ị sát cạnh nhau, nền nhà ngày lau đến mấy lần, đi cứ là ngại cả chân.

Bờ sông làng tôi giờ đẹp và hiện đại lắm. Bu tôi không đi được nữa, tôi cảm giác những cơn gió từ máy điều hòa làm xước ngang tiếng thở nặng nề của Bu. Bu trong tôi vẫn là người đàn bà dáng gầy bên bờ sông hanh hao nắng cuối năm. Bàn chân bước rạc cánh đồng bốn mùa thông thốc gió. Đội hoa mùi trắng như đội mây về làng. Cơn gió nào về, thổi đi những đắng cay tủi hờn, gió ơi...

Tôi dành thời gian ít ỏi về thăm Bu. Khi biết chiều tôi ngược. Bu nằm xuống, ôm tay áo rấm rứt khóc. Tôi quay đi, thả những day dứt vào chiếc bánh đa vàng ruộm, thơm nức mùi vừng trong kí ức, thả vào những hạt đỗ vàng mẩy khi đã nhặt xong trong cái mẹt nhỏ mỗi chiều nắng chênh chếch dáng Bu, tôi ngước lên, nước mắt chảy xuống bàn tay gầy siết cổ họng tôi nghẹn ứ.
Căn nhà thơm nức mùi cỏ dại của Bu, ô cửa sổ ngày xưa tôi đặt chùm hoa tóc tiên nhỏ xíu màu hồng, vợ chồng nhà thạch sùng tặc lưỡi mỗi đêm tôi đau đáu chờ chồng, tiếng mèo hoang xé trăng, xé gió, xé vụn những khao khát tuổi mười bảy, xé những vết xước rịn máu trên lưng , trên ngực một thời kiêu hãnh, xé những gáo nước mưa lạnh căm xối xả trên người. Tôi đã bỏ làng đi, chạy trốn điều mà tôi nghĩ đó là những nỗi buồn đeo đẳng, nuôi một ước mơ. Sao lần nào về tôi cũng gặp cơn gió mồ côi lạc lõng trên cánh đồng tắc nghẹn.

Làng tôi bây giờ nhà xây san sát, xe máy, ô tô chen nhau đi. Những gói hạt mùi, hạt cải ủ trong người của Bu không còn đất mà gieo xuống. Tôi thương người đàn bà đội mây về làng của tôi đến quặn lòng. Những luống cải dọc bãi bồi bên triền sông ăm ắp phù sa, màu hoa cải dịu dàng như nụ cười của Bu, ươm mắt về say với mắt, gọi nắng về say với nắng, đưa mật về quện lấy mật, mang vòng tay bao dung đủ ấm của Bu để cứ thế tuôn chảy những bề bộn yêu thương trong tôi.
Ngày tôi bế con Hến theo chồng xa quê, tia chớp rạch mái chui vào nhà. Bu thương tôi, vẫn mang ánh sáng xanh ấy trở về trong những giấc đêm mỏi mệt sau một ngày vật lộn mưu sinh.
Tôi đi cùng bà Toàn. Dọc đường làng. Bà ngồi thụp xuống.
- Chỗ này là mảnh ruộng giáp ao sen nhà bà Tính, năm nào cũng cấy muộn vì nước ngập phải cấy lúa ngoi, cái giống lúa kiên cường, nước đến đâu lên đến đấy mà vẫn chắt chiu cho hạt thóc ngọt lịm đằm cơm. Bà ngồi đấy, mắt buồn như những vụ mùa mất trắng. Có ai như Bu tôi, như bà Toàn, bà Tính. Cả đời luẩn quẩn với đồng ruộng, với con gà, quả na. Tôi nhắm mắt lại. Bụi chảy qua đỏ bầm như máu.
Tôi áp bàn tay gầy của Bu vào lòng. Bu ngẩng lên, thảng thốt:
- Con cái May đấy như?
Tôi thấy tay Bu như thảm cỏ non mềm, mát lịm trong buổi sáng tinh mơ, tôi thấy bàn chân nhỏ bé vụng về của tôi cứ vô tư giẫm lên ấy, điềm nhiên đi qua bao nhiêu thăng trầm của mấy mươi năm cuộc đời. Bu nắm tay tôi, sức người Mẹ không đủ siết mạnh nữa. Tôi và Bu cùng giả vờ không thấy, không biết những kí ức đang đạp lên nhau chạy về khiến cả hai Bu con cùng ngộp thở. Lâu lâu ánh mắt hiền như nắng tháng ba, chan chứa yêu thương của Bu lại ngước lên như ngờ vực:
- Con cái May đấy như?
Tôi sợ lắm. Ngày mai... Đôi tay gầy buông thõng trên chiếc giường dẻ quạt cũ. Ngày mai...
Tôi thèm nghe Bu kể vanh vách từng khâu làm ra được một chum tương ngon, từ lựa đỗ, đánh mốc đến phơi nắng rồi ủ tương. Tôi thấy bóng Bu đi chợ về, dọc theo lối có hàng tóc tiên màu hồng bé xíu, tôi thấy mùi bánh đúc thơm ngậy, thấy hàm răng nhưng nhức hạt na, thấy giữa luống cải vàng có một bông hoa ướt đẫm sương đêm, thấy áo nâu giữa bầy gà đủ màu, nheo nheo nhìn cái bụng lùm lùm của tôi:
- Con này hư lắm! Tinh sang nhà bà Toàn bới rau, Bu thịt cho em ăn đùi nhớ!
Tôi được Bu ủ trong nồng nàn hương thơm cỏ dại. Thứ mùi mà chưa lúc nào tôi ngừng khao khát.
Tôi sợ giây phút phải chào Bu để về. Tôi luống cuống, tôi quanh quẩn bên Bu cả nửa buổi, Bu ôm tôi đắng đót, đẩy tôi về miền xa thẳm nơi cánh đồng chiều cuối năm thông thốc gió mùa:
Làm người như quế trên non
Trăm năm khô rụi vẫn còn thơm tho.

Bu tôi chưa già, Bu tôi chưa lẫn. Tôi nhặt một vốc đá ném xuống dòng sông. Tôi ước những nuối tiếc, những buồn đau của tôi được dòng nước kia cuốn thật xa. Trả về cho tôi một người mẹ thuở thanh tân.
Mặt trời trốn biệt, chiều đến sớm quá.
Tôi rút điện thoại, len lén nhìn giờ. Bu đẩy tôi ra, phũ phàng như người ta rũ bỏ cái áo cũ.
- Về đi! Chẳng con Hến lại khóc hết hơi...
Tôi đi như chạy, không dám ngoái đầu nhìn lại, những luống mùi cuối năm, luống cải đang cựa mình trổ hoa. Sợi khói thơm bay lên từ nắm rơm vàng ruộm, góc buồng im lìm, vợ chồng nhà nhện già lạc đường nhả tơ, chiếc nón Bu đội cả bộn bề thanh xuân, bàn tay gầy bấu mòn cổng tre, mong tiếng cười khúc khích của con Hến vang ngõ chiều.
- Thưa Bu, con về…
- May ơi! Ơi May...
Âm thanh ấy dát vàng cả khung trời xanh mướt. Chiều nay. Không có hoàng hôn.
Tôi chìm vào nắng thơm, gió thơm, chiếc bánh đa vừng thơm, và Bu tôi ngan ngát một kiếp đàn bà thơm thảo...

Duyên Phùng.

Không có nhận xét nào: