Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Nghĩ vụn về Sài Gòn và Hà Nội

Vũ Thị Phương Anh

23 Tháng 02 /2014 
Báo Tuổi Trẻ hôm nay trên mục Diễn đàn chủ nhật có loạt bài "Làm gì để giữ Hà Nội thanh lịch". Mọi người nói nhiều về nguyên nhân tại sao Hà Nội ngày nay không còn giữ được vẻ thanh lịch vốn có từ xưa. Nhưng dường như chưa đụng đến nguyên nhân cốt lõi của vấn đề thì phải, đọc cứ thấy thiếu thiếu thế nào ấy.


Người Hà Nọi coi xe là đồ trang sức, người Sài Gòn coi xe là phương tiện ...

Tôi chợt nhớ đến một bài mà tôi đã dịch về "văn hóa thị dân" (hay "văn hóa đô thị") trước đây, nên ngồi đọc lại xem các nhà lý thuyết đã nói gì về cái gọi là văn hóa đô thị. Tôi cũng tự hỏi, cái gì làm nên sự khác biệt giữa HN và SG, vì nếu nói là do ảnh hưởng của CNXH thì SG cũng chỉ thua HN có 21 năm (thời VNCH) mà thôi. Nhưng có vẻ như cái văn hóa đô thị của HN đã bị phá đi một cách căn bản, nên giờ đây không thể nói chuyện "giữ văn hóa đô thị" cho HN nữa, mà phải nói chuyện "xây lại văn hóa đô thị" cho HN thì đúng hơn. Trong khi SG dường như vẫn may mắn không mất đi cái văn hóa đô thị đó.


Đọc lý thuyết một hồi thì tôi tạm liều lĩnh đưa ra nhận định như thế này:

Sở dĩ HN bị mất còn SG thì không mất đi cái "văn hóa đô thị" của mình là bởi vì cái "văn hóa đô thị" của HN vốn dĩ xuất phát từ một loại đô thị tiền công nghiệp (là kinh đô của thời phong kiến), trong khi văn hóa đô thị của SG có xuất phát điểm từ một đô thị công nghiệp (là một đô thị đúng nghĩa từ thời Pháp thuộc).

Sự khác biệt căn bản giữa hai loại đô thị này, theo các nhà lý luận về đô thị học, là ở chỗ (trích): "cư dân của các đô thị tiền công nghiệp gắn kết với nhau bởi những mối dây ràng buộc mang tính cá nhân về chủng tộc và sắc tộc; loại đô thị này duy trì kết nối dòng tộc mạnh mẽ và hầu như không thấy sự phá vỡ trật tự xã hội [...]; chức năng chủ yếu của đô thị là vai trò hành chính của đế chế hơn là vai trò sản xuất công nghiệp." Như vậy, văn hóa của đô thị tiền CN gắn chặt với một giai cấp xã hội cụ thể, tức giai cấp quý tộc, giai cấp thống trị của một "đế chế". Nói cách khác, cái thanh lịch của người HN chính là cái thanh lịch của những người sống tại HN thời ấy, tức là giai cấp thượng lưu của chế độ cũ. Khi chế độ thay đổi, những con người cũ rời đi nơi khác thì để lại một khoảng trống về văn hóa khó lấp đầy. Và HN dễ dàng bị ảnh hưởng bởi văn hóa của "giai cấp mới" - những người mới đến sau năm 54.

Trong khi đó, đô thị công nghiệp không gắn với những con người thuộc một giai cấp cụ thể nào hết, mà đòi hỏi một hạ tầng công nghiệp và những mối quan hệ kinh tế sòng phẳng. Chính điều này đã tạo ra một SG như hiện nay: cởi mở, không giai cấp, không vị chủng (ethnocentric); ai đến và sống được ở SG này đều phải có một cái gì đó để có thể trao đổi (ví dụ: sức lao động, sự chịu khó chịu khổ, nếu không phải là tài buôn bán, sản xuất, sáng chế, hoặc - tất nhiên - là mối quan hệ với giai cấp thống trị mà có thể quy đổi ra thành giá trị  kinh tế ...). Và SG sẽ vinh danh những con người bất kể nguồn gốc xuất thân, miễn là có đóng góp gì đó cho sự phát triển của đô thị này và những con người sinh sống ở đây, cho dù ở bất cứ khía cạnh nào. Ngược lại, họ sẽ phê phán và không chấp nhận những gì làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hoặc cuộc sống của cư dân thành phố này. Vì vậy, sau năm 75 dù giai cấp thống trị cũ đã rời đi nơi khác, nhưng với nền tảng cơ bản của một thành phố công nghiệp với những cơ sở sản xuất và những mối quan hệ kinh tế khá sòng phẳng thì SG vẫn tiếp tục tạo ra được cái văn hóa của một đô thị công nghiệp mà những người mới đến sẽ phải tuân theo.

Phải chăng đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân? Rất mong mọi người cùng trao đổi, chỉ giáo.

Vũ Thị Phương Anh

Bài liên quan:  1.  Thị dân và văn hóa thị dân
  2. Người Sài Gòn coi xe là phương tiện – người Hà Nội coi xe là đồ trang sức



Không có nhận xét nào: