ảnh minh họa |
(Viết lại "Thằng Đổ Vỏ" theo một cách nhìn khác)
Sau này, khi mà chị đã lên đến đỉnh cao chói lọi, khi người
ta gọi chị là anh hùng, cũng như khi người ta coi chị là con mụ lăng loàn đáo để,
thì chị vẫn không thể nào quên những ngày tháng tươi rói của thiếu nữ thời mới
lớn, những ngày tuyệt vời làm sao…
Tốt nghiệp cấp 2, Hòa nộp đơn xin vào lớp học nghề công nhân
dệt. Tỉnh này vốn tự hào là có thành phố dệt, và ước mơ của một cô gái nông
thôn đơn giản chỉ là trở thành một cô thợ dệt như hình ảnh vẫn đăng trên báo.
Chủ nhật ấy, trước khi đi lễ nhà thờ, Hòa nhận được giấy gọi đi học. Nhảy tung
tăng trên đường làng, cô tưởng tượng mình mặc bộ đồ xanh công nhân, đeo cái tạp
dề đằng trước, đầu quấn chiếc khăn hình tam giác để giữ tóc cho gọn, bước đi
thoăn thoắt trước dàn máy dệt trong tiếng thoi đưa. Khóa lễ hôm ấy dường như
nhanh hơn mọi khi. Cha giảng gì cô cũng không nghe rõ. Lòng cô còn để ở đâu
đâu. Cuối khóa lễ, mọi người lần lượt lên xưng tội. Hòa cũng chờ đến lượt mình.
Quỳ trước bàn xưng tội, cô nói theo thói quen:
- Thưa cha, con là người có tội.
Giọng cha trầm trầm nhẹ nhàng :
- Con có tội gì, hãy xưng với Chúa, Chúa sẽ tha thứ cho con.
Hòa như sực tỉnh : mình có tội gì nhỉ ? Cô cũng chẳng biết nữa.
Cô đang rất vui, đang hồi hộp háo hức trở thành cô công nhân dệt. Cô đang mong
rời khỏi gia đình, rời khỏi làng quê. Cô không còn nghĩ đến nghĩa vụ thiêng
liêng với Chúa. Đó có phải là tội không ?
- Thưa cha, thực tình con cũng không biết con có tội gì. Ngày
mai con sẽ rời làng lên thành phố vào lớp học nghề công nhân dệt. Con háo hức
quá, con quên cả nghĩa vụ phụng thờ Chúa. Đó có phải là tội không, thưa cha ?
Nhìn vào đôi mắt mở to trong sáng, nét mặt Mẹ Đồng trinh của
cô thôn nữ này, vị linh mục già thấy rõ một tâm hồn trong trắng, trong trắng
tuyệt vời, trong đến cái độ lúc nào cũng thấy như mình phạm tội. Ông cất tiếng
an ủi :
- Không, con chưa phạm tội đâu con. Nhưng trên thành phố có rất
nhiều cám dỗ. Hàng ngày con sẽ phải đối mặt với chúng, con dễ phạm tội lắm đó
con. Con hãy nhớ luôn giữ mình, luôn nghĩ đến Chúa. Người sẽ ở cạnh con dẫn dắt
con đi.
Những ngày tháng học nghề sao mà vui thế. Bạn bè vui vẻ, thầy
giáo tận tình. Hòa như cảm thấy cuộc đời không có gì đẹp hơn. Cái Hồng lúc nào
cũng nhí nhảnh, cậu Trương học bên cơ khí thì chuyên nói đùa Hòa :
- Này, khi nào hỏng máy thì cứ ới tớ một câu nhé. Máy đằng ấy
mà hỏng thì tớ chữa vèo một cái là xong ngay.
Cái Hồng nguýt dài :
- Đừng hòng nhé. Máy của cái Hòa chỉ có chạy tốt trở lên
thôi. Đằng ấy đố mà sờ vào đấy.
Các anh học sinh trường Kỹ thuật 3 đi thực tập ở xưởng thì tỏ
vẻ đạo mạo. Anh Hoành ngày nào cũng kiếm cớ đến bên Hòa, hướng dẫn cái này cái
nọ. Hòa biết, anh để ý đến cô. Nhưng cô quyết không. Tất cả tập trung cho học tập.
Mọi thứ đều là cám dỗ… Hòa chỉ thích nhất chị Lan. Chị trên cô mấy khóa, sắp trở
thành công nhân chính thức rồi. Chị Lan không xinh nhưng tính tình hiền dịu và
giúp đỡ tận tình.
Ba năm học nghề trôi qua nhanh chóng. Giờ đây Hòa đã là một
công nhân đứng máy. May mắn cô lại được phân cùng tổ với chị Lan. Hai chị em
cái gì cũng hợp nhau. Hòa như là cái bóng của chị ấy. Còn chị ấy thì là thần tượng
của Hòa. Học nghề xong, Hòa được lương công nhân 2/7. Chị Lan trước mấy năm nay
là công nhân bậc 3. Hai chị em cứ dắt nhau mà tiến. Khi Hòa bậc 4 thì chị cũng
lên bậc 5. Nhưng thang lương là một việc, lương thực tế ăn theo sản phẩm. Chị
Lan đạt năng suất cao nhất phân xưởng : 17 ngàn mét một tháng. Hòa về thứ hai
nhưng cách khá xa : 12 ngàn.
Hôm ấy là một ngày đặc biệt, có thể nói là ngày làm thay đổi
cuộc đời Hòa. Cuối tuần, họp tổng kết thi đua, bác Đỉnh tổ trưởng nói :
- Tổ ta ba năm liền là tổ tiền tiến, nay ta phải phấn đấu để
trở thành tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Về ngày công, năng suất, chất lượng, tổ
ta đều đạt cả rồi. Chỉ có một điều, tổ Lao động XHCN là phải có chiến sĩ thi
đua. Tổ ta tất cả đều là lao động tiền tiến nhưng lại không có chiến sĩ thi
đua. Nay ta phải bầu một chiến sĩ thi đua.
Hòa cực kỳ phấn khởi. Cô dơ tay xin phát biểu đầu tiên :
- Đúng quá rồi. Cháu xin bầu ngay chị Lan là Chiến sĩ thi đua
ạ.
Nhưng chị Lan ngồi cạnh Hòa cười và ghé tai nói nhỏ :
- Không được đâu em.
Mọi người như là đã bàn với nhau từ trước hay sao ấy, nhất
trí bầu Hòa.
Hòa ngạc nhiên thật sự :
- Không được, năng suất cháu còn kém xa chị Lan, cháu lại
không có sáng kiến gì.
Chị Lan phát biểu :
- Năng suất Hòa xếp thứ hai. Hòa lại có sang kiến nối sợ chéo
phổ biến cho cả tổ.
Hòa nhớ lại. Chị Lan đứng 8 máy. Hòa cũng cố theo chị. Chị hướng
dẫn Hòa từng li từng tí. Hôm ấy chị hướng dẫn cô nối sợi như thế nào cho nhanh.
Cô chợt hỏi : Sao không nối chéo thế này có phải nhanh hơn không chị ? Chị cười
: Em giỏi lắm, chị đang định hướng dẫn em như thế, vậy mà em đã biết rồi. Đúng
là học một hiểu mười. Sáng kiến này phải phổ biến cho toàn tổ. Sáng kiến là của
chị, vậy mà hôm này chị lại phát biểu là của cô. Cô nhất định không nhận. Nhưng
bác Đỉnh đã tổng kết cuộc họp rồi. Bác nói :
- Thành tích là thành tích chung của tổ, nhưng chúng ta phải
tập trung vào cho một người điển hình. Tổ đã nhất trí bầu cô Hòa. Vậy cô Hòa
hãy vì quyền lợi của tổ mà nhận đi. Hòa chuẩn bị làm báo cáo để trình hội đồng
thi đua duyệt.
Tan cuộc họp, Hòa hỏi Lan :
- Sao thế chị ? Sao không phải là chị mà lại là em. Em thấy mọi
người thế nào ấy.
Lan cười :
- Em không biết ư ? Bộ tứ đã chọn rồi. Nếu mà đưa chị lên thì
không được duyệt đâu. Người ta cần người trẻ, xinh đi báo cáo, cấp trên sẽ có cảm
tình. Mấy ông lãnh đạo nhà máy thích em lắm, em không biết à ?
Ngày hôm sau, anh Mùi ở ban thi đua hẹn gặp Hòa để hướng dẫn
làm báo cáo. Cô bảo em không biết làm báo cáo đâu, em chỉ biết dệt thôi. Anh bảo
thì đây, chính tôi được phân công giúp cô viết báo cáo đây này. Nghề của chúng
tôi mà. Tổ chức phân công rồi. Cô thì phải dệt cho giỏi, còn chúng tôi thì phải
viết cho hay. Bây giờ tôi sẽ hỏi gợi ý, cô trả lời rồi tôi sẽ viết nhé.
- Quê cô ở đâu nhỉ, gia đình cô thế nào ?
- Quê em cách thành phố có 30 cây thôi anh. Nhà em theo đạo,
cả làng em theo đạo đó anh.
- Về cái khoản đạo thì em đừng đề cập đến. Nhưng bố mẹ em là
nông dân nghèo chứ ?
- Vâng, nông dân, nghèo lắm anh, tất bật quanh năm, chân lấm
tay bùn.
- Thế khi cô chăm chỉ làm việc, đưa năng suất lên cao như thế,
cô nghĩ đến cái gì ? Ý tôi nói là động cơ làm việc ấy.
- Thì em nghĩ đến bố mẹ em. Em muốn kiếm đồng lương thật cao
về đỡ đần cho bố mẹ. Em cũng nghĩ đến Chúa. Chúa răn dạy phải chăm chỉ siêng
năng…
- Thôi cái khoản Chúa đi em. Cũng đừng nói là muốn kiếm nhiều
tiền giúp đỡ gia đình nữa. Anh hỏi em, em có nghĩ đến miền Nam ruột thịt hay
không ?
Hòa nghĩ : miền Nam ruột thịt, người ta cứ nói quen mồm. Mình
có ai ruột thịt gì ở miền Nam đâu. Nhưng chảng lẽ lại trả lời rằng không. Cô
cũng nói đưa đẩy :
- Thì cũng có nghĩ.
- Đấy, vấn đề ở đấy. Em nghĩ đến miền Nam ruột thịt, đến đồng
bào ta đang ngày đêm chống kẻ thù đế quốc, em phải phấn đấu một người làm việc
bằng hai, vì vậy em quyết đưa năng suất lên cao. Thôi được rồi, khỏi nói nhiều.
Tôi sẽ viết bản bán cáo hoàn chỉnh đưa cho cô, cô chỉ việc học cho thuộc, và nhớ
khi đọc phải diễn cảm đấy nhé. Thành tích này là thành tích chung mà. Nay mai
thành đạt nhớ đừng quên tôi đấy nhé.
Quả thật anh Mùi có tài. Bản báo cáo anh viết thật tuyệt vời.
Hòa chẳng bao giờ nghĩ được như thế. Nhưng từ nay ta phải tập nghĩ, cũng phải
nhớ tới miền Nam chứ. Mình vô tình hờ hững với đồng bào quá. Mình chỉ nghĩ đến
cha mẹ mình thôi, như thế là không được. Được rồi, mình sẽ học thuộc, sẽ đọc diễn
cảm. Khó đấy, có vẻ đọc diễn cảm còn khó hơn dệt ấy, nhưng chắc mình sẽ làm được
thôi. Nhưng khi đọc đến thành tích cụ thể, ôi thôi, sao lại thế này. Anh Mùi
ơi, anh nhầm rồi. Năng suất của em là 12 ngàn, đâu phải 17. Mười bảy ngàn là
năng suất của chị Lan. Cô gặp anh Mùi. Anh nói anh không nhầm đâu. Thành tích
này là thành tích tập thể. Chị Lan thì cũng là em. Anh giải thích như thế,
nhưng cô thấy không ổn. Như thế là lừa dối, là ăn cắp, cô quyết không nhận.
Nhưng anh Mùi, bác Đỉnh, rồi cả chị Lan nữa cứ nói vào, không nhận cũng không
xong. Cô đi ngang qua nhà thờ thành phố, tháp chuông cao vời vợi. Cô muốn cầu
xin Chúa, nhưng cô không thuộc hội thánh này. Vả lại người ta cũng khuyên cô là
công nhân, là đoàn viên thì không nên đi lễ nhà thờ.
Hòa mượn xe đạp. Sáng chủ nhật cô dậy từ 5 giờ sáng, cố đạp
thật nhanh về quê để dự khóa lễ lúc 7 giờ. Cuối buổi cô vào xưng tội với cha :
- Thưa cha, con là người có tội. Con đã phạm tội giả dối, ăn
cắp thành tích của người khác.
Hòa kể cho cha nghe chuyện báo cáo thành tích chiến sĩ thi
đua.
Giọng cha vẫn trầm trầm :
- Như thế là có tội đấy con. Con không được nhận thứ gì không
phải của con. Con hãy dũng cảm từ chối. Chúa sẽ tha thứ cho con.
Nhưng rồi từ chối chẳng xong. Cô vẫn phải nhận thành tích, vẫn
phải đi báo cáo. Cô trở thành chiến sĩ thì đua, tổ cô trở thành tổ lao động
XHCN. Ba năm liền như thế. Năng suất của cô mấy giờ đã theo sát chị Lan rồi. Cô
đạt 17 ngàn thì chị 17 ngàn rưởi. Cô leo đến 17 rưỡi thì chị đạt 18. Nhưng giờ
đây chị em không còn thân mật nữa, chị có vẻ xa cách lảng tránh cô.
Hôm ấy, lãnh đạo nhà máy mời cô lên. Lâu nay những buổi làm
việc với lãnh đạo như thế đã quen rồi. Nhưng lần này khác. Ông giám đốc nói cô
lên để gặp bí thư tỉnh ủy. Bí thư tỉnh ủy là to đến mức nào, cô cũng không mường
tượng rõ, nhưng chắc là to lắm. Giám đốc còn phải sợ kia mà. Giám đốc nói với
cô mà như nói thầm, sợ ông tỉnh ủy nghe thấy chăng.
- Gặp bí thư là cô phải cẩn thận đấy. Phải nói là lãnh đạo
nhà máy luôn quan tâm giúp đỡ cô nghe không ? Mà chúng tôi giúp đỡ cô rất vô tư
trong sáng đấy nhé.
- Sao thế ạ ? Cô hỏi lại. Vì sao lại phải nhấn mạnh vô tư
trong sáng nghĩa là sao ạ.
- Thì cô cứ biết vậy.
Bác bí thư mời cô vào phòng, mời cô ngồi, mời cô uống nước.
Trông bác ấy thật hiền.
- Cô Hòa năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ ?
- Thưa bác, cháu hai ba.
- Còn trẻ lắm, nhưng cũng đã đến độ chín rồi đấy. Tôi có đọc
bản thành tích của em. Khá lắm. Cuối năm nay có đại hội anh hùng chiến sĩ thi
đua toàn quốc. Em phải đi dự đại hội đó. Em sẽ trở thành anh hùng. Nhưng em
cũng còn phải phấn đấu nhiều. Lãnh đạo hôm nay đã nhất trí chọn em làm hạt giống
đào tạo kế cận. Cho nên trước hết em phải vào Đảng, rồi đề bạt làm phó giám đốc
nhà máy, cuối năm đi dự đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc là vừa. Tỉnh
ta là tỉnh dệt, phải có anh hùng ngành dệt.
- Thôi chết. Mình mà làm phó giám đốc ? Mình biết gì mà lãnh
đạo. Mình chỉ biết dệt thôi.
- Thưa bác, nhưng năng suất của cháu vẫn kém chị Lan. Và dường
như tột đỉnh rồi, cháu không thể nào đuổi kịp chị ấy.
- Chị ấy cản bước tiến của em ư ?
- Không, cháu không nói như vậy. Nhưng năng suất của chị ấy
cao lắm. Cháu đã cố hết sức mà vẫn không theo kịp.
- Cô ấy đạt bao nhiêu ? Mười tám ư ? Em mười bảy rưỡi ? Thôi
được rồi, mười bảy rưỡi là nhất. Sẽ không còn ai mười tám nữa.
Thế rồi, ít lâu sau, bác Đỉnh về hưu. Đáng lẽ chị Lan thay
bác làm tổ trưởng thì chị ấy lại được đề bạt lên phó quản đốc. Phó quản đốc là
gián tiếp rồi, chẳng còn ai đạt năng suất cao hơn Hòa nữa. Người ta nói cái phó
quản đốc chẳng có quyền gì, lại ăn lương quản lý, thua lương sản phẩm trước đây
của chị. Chị Lan buồn, nhưng chị hiểu vì sao điều đó xẩy ra với chị.
Cuộc đời Hòa đúng như đã vạch sẵn : vào Đảng, lên phó giám đốc,
đi dự đại hội anh hùng chiến sĩ thì đua toàn quốc trên thủ đô. Đoàn của tỉnh do
bí thư dẫn đầu được bố trí ở trong một khách sạn ven hồ. Một mình Hòa là nữ, được
bố trí riêng một phòng. Ngày mai các đoàn được hướng dẫn đi tham quan thủ đô.
Sướng thật. Nhưng Hòa được bác bí thư cho ở nhà để chuẩn bị báo cáo với đoàn
nhà báo sẽ gặp vào ngày tiếp theo sau đó. Bác bí thư dặn :
- Cũng như các báo cáo trước thôi, nhưng em không được đọc,
mà phải nói như là ta trao đổi với nhau. Em phải nói như là kể chuyện, chuyện của
chính em mà, nên em phải nhuần nhuyễn. Em cứ ở nhà chuẩn bị.
Ngày hôm sau, Hòa đang đóng cửa phòng nhẩm học, thì nghe gõ cửa.
Bác bí thư đến.
- Ồ, cháu tưởng bác đi tham quan cùng đoàn chứ ?
- Anh em họ đi hết rồi. Nhưng tôi cũng phải ở nhà chuẩn bị để
chiều tranh thủ báo cáo với ban bí thư. Nhân tiện ghé sang để xem em chuẩn bị đến
đâu rồi.
Bác cười, nói tiếp :
- Để tôi giúp em, truy bài như hồi đi học nhé. Nào, ngồi xuống,
đối diện với tôi. Bây giờ tôi là nhà báo, em là chiến sĩ thì đua toàn quốc, người
sắp trở thành anh hùng, phải trả lời trôi chảy đấy nhé. Ta bắt đầu. Thưa chị,
được biết chị là người nữ công nhân xuất sắc nhất của ngành dệt, là một đảng
viên trẻ, lại là một cán bộ quản lý đang lên, xin chị cho biết động cơ gì đã
làm cho chị đạt thành tích cao như vậy ?
Câu này thì Hòa đã chuẩn bị quen rồi :
- Thưa anh, cám ơn anh đã quá khen. Thực ra tôi chẳng giỏi
giang gì đâu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ chủ tịch mỗi người làm việc bằng hai
vì miền Nam ruột thịt, tôi đã cố đưa năng suất của mình lên gần mười tám ngàn
mét một tháng, trong khi mọi người vẫn chỉ chín ngàn, đúng là băng hai đấy ạ. Sở
dĩ làm được điều đó là vì tôi đã phát huy sáng kiến nối sợi chéo, giảm được
công vô sản đi nhiều. Tôi lại được sự giúp đỡ của anh chị em trong tổ lao đông
XHCN, được sự động viên của lãnh đạo nhà máy, của lãnh đạo tỉnh ủy
- Chị nói lãnh đạo tỉnh ủy, vậy lãnh đạo tỉnh có sát sao với
cơ sở không, thưa chị ?
- Rất sát sao. Các tỉnh khác như thế nào tôi không biết, chứ
chỗ chúng tôi, tỉnh dệt, thành phố dệt, thì dệt là hàng đầu, giao ban nào đồng
chí bí thư tỉnh ủy cũng hỏi ngay đến sản lượng của nhà máy, năng suất, chất lượng
ra sao…
Truy bài khoảng một giờ thì bác bí thư bảo cô nghỉ giải lao,
ông pha nước ngọt mời cô uống, rồi đứng gần cửa sổ gọi cô ra ngắm nhìn bàu trời
xanh và mặt hồ gợn sóng. Cảnh vật gợi tình. Không hiểu sao cô cũng thấy trong
lòng rạo rực. Bác bí thư kéo cô lại gần, đặt tay qua eo cô, xiết nhẹ. Cô hơi
lùi ra :
- Đừng bác.
Bí thư nói khẽ :
- Không sao đâu em.
Rồi ông vòng tay qua người cô, ông hôn lên mái tóc cô, lên mặt
cô rồi lên môi cô.
Ông ấy đang cưỡng bức mình ư ? Cũng không hoàn toàn đúng.
Hình như mình cũng thích thích được như thế này. Rồi ông cởi áo ngoài của cô, lần
đến áo trong, rồi gì nữa. Lòng cô rạo rực. Không biết vì những đụng chạm sờ mó
có nghề hay vì cốc nước ngọt mà cô thấy bủn rủn chân tay, muốn đẩy ra cũng
không đẩy được. Cô buông xuôi.
Tỉnh dậy, mọi việc đã xong. Nhìn thấy vết máu trên chiếc khăn
mà vị bí thư đã khéo léo lọt dưới mông cô, cô biết thế là mình hết đời con gái
rồi. Tại mình, hay tại ông ta. Vì cả hai quá cảm xúc không tự chủ được mình,
hay tại ông ta có nghề cao thủ ? Cô không biết và cũng không muốn tự hỏi mình nữa.
Chuyện đã vậy rồi, hãy để cho nó thế thôi.
Từ ngày đó trở đi, sau khi trở về thành phố thì việc gặp gỡ
bí thư trở nên thường xuyên hơn. Toàn ở những nơi kín đáo mà từ trước cô không
thể nào ngờ tới. Cho đến tháng ấy, cô thấy chậm mấy ngày, rồi một tuần, hai tuần,
cả tháng. Thôi chết rồi, mình dính rồi. Biết làm sao đây.
Cô gọi điện cho bí thư hẹn gặp, giọng bối rối. Ông nghe là biết
rồi. Từ trước tới nay toàn ông chủ động hẹn gặp chứ cô có gọi bao giờ đâu. Ông
biết việc có thể đến đã đến. Ông gặp cô. Ông trấn an cô không sao đâu em, anh sẽ
thu xếp, em cứ an tâm. Và sự an tâm được thể hiện ngay bằng một trận mây mưa dữ
dội như chưa bao giờ xảy ra, bởi vì bây giờ việc đã rồi chẳng có gì cần phải đề
phòng nữa. Sau trận cuồng phong ấy, Hòa cảm thấy rã rời. Không biết bí thư sẽ
thu xếp ra sao đây. Lấy cô thì không được rồi, ông đã có vợ con đàng hoàng và chức
vụ, danh sự của ông. Vứt bỏ cái thai gần hai tháng tuổi ư ? Cô còn trẻ, chưa
xây dựng gia đình, làm vậy thì thất đức và quả báo về sau. Lúng túng, chán chường,
cô ngồi ngẫm lại. Vậy ra người mà lãnh đạo chọn làm hạt giống là vậy ư ? Đúng
là họ đã gieo hạt giống rồi. Vậy ra cả quá trình bồi dưỡng cô, đưa lên mấy
xanh, cũng chỉ vì để đạt được cái này. Bây giờ cô mới hiểu vì sao lãnh đạo nhà
máy phải dặn cô báo cáo với bí thư là họ giúp đỡ cô rất vô tư và trong sáng. Nhớ
chị Lan lần đầu nói nhỏ vào tai cô : lãnh đạo thích em lắm, em không biết ư ?
Nhưng lãnh đao cấp trên lại thích cô hơn, cho nên họ đành dâng lên, đành vô tư
trong sáng. Ngộ ra, thì bầu trời sụp đổ. Thế mà trước đây cô cứ tưởng mình phấn
đấu thật, họ tôn trọng sự phấn đấu của mình.
Bí thư thu xếp rất nhanh. “Em sẽ lấy chồng. Chồng em là một kỹ
sư tốt nghiệp ở Liên Xô về. Con đỡ đầu của anh đấy. Bây giờ thì anh ta mới chỉ
phó phòng thôi, nhưng sau khi lấy em sẽ lên phó giám đốc sở, rồi còn lên nữa.
Anh sẽ bồi dưỡng để anh ta sẽ lên thay anh. Em thấy anh có trách nhiệm với em
hay chưa ?”
Buổi gặp đầu tiên thật là “thơ mộng”, cô tự mỉa mình. Không
có bầu trời xanh và mặt hồ gợn sóng ngoài khung cửa sổ. Buổi gặp tỏ tình đồng
thời là đính hôn, thực hiện ở trong một phòng họp nhỏ của tỉnh ủy. Cô ngồi đợi
trước, rồi người ta dẫn anh vào. Rồi họ để hai người nói chuyện với nhau. Cả
hai cùng biết chuyện rồi, nhưng thấy anh lúng túng, cô hỏi trước :
- Vậy là anh đồng ý lấy tôi ? Anh tự nguyện chứ ?
- Nếu không chấp nhận thì tôi đã chẳng đến đây.
Vậy đó. Cô để ý thấy anh không lặp lại cái từ tự nguyện mà cô
đã chủ ý dùng. Anh dùng chữ chấp nhận để tiến tới hôn nhân.
Cô chủ động :
- Anh biết đấy, cả hai chúng ta đều biết đây là sự sắp xếp của
tổ chức. Chúng ta lấy nhau mà không có tình yêu, nhưng anh cứ yên tâm, tình
nghĩa rồi sẽ đến. Tôi sẽ cố gắng làm tròn vai trò của người vợ.
- Thế còn cái thai … ? Anh rụt rè hỏi.
Dường như đụng vào tự ái của cô. Cô điên tiết định gào lên :
anh ngu lắm, nhưng rồi kìm lại được :
- Anh không hiểu ư ? Anh lấy vợ, vợ anh sinh con, vậy thì đó
là con của anh. Thiên hạ đều như thế cả mà.
Đêm tân hôn. Anh như người mất hồn. Chị thất vọng, Không phải
vì anh không yêu chị, điều đó là đương nhiên rồi. Nhưng chị thất vọng vì thấy
anh hèn quá. Nếu như anh phản kháng, nếu như anh khùng lên, thì có lẽ chị vẫn
còn một chút cảm thương anh. Đằng này, vì danh vọng, anh chấp nhận, đúng là định
xây dựng sự nghiệp từ đũng quần của đàn bà. Chị nghĩ thế.
Dù sao, đêm tân hôn chị vẫn phải giữ vai trò người vợ. Chị
xoay người anh lại, chị tự cởi bỏ quần áo mình rồi cởi quần áo của anh. Lúc đầu
anh mềm nhũn, nhưng những cọ xát da thịt chị chủ động đã làm anh vượt qua được
mặc cảm của thằng đàn ông. Anh lên, nhưng cũng chỉ được dăm phút là xong phận sự,
chẳng so sánh được với sự hùng hổ, điên loạn của thằng bố đứa con trong bụng chị
vào cái hôm mà biết rằng chẳng có gì phải giữ gìn nữa.
Đúng là anh đã lên. Lên trên bụng chị thì chỉ được dăm phút,
nhưng lên trên quan trường thì dường như không nghỉ. Trưởng phòng, phó giám đốc,
rồi giám đốc, tỉnh ủy viên, chủ tịch tỉnh rồi bí thư. Chị đã làm tình với một
bí thư rồi làm vợ một bí thư khác. Ông kia thì lên trung ương rồi. Ông này thay
thế.
Đúng là tình yêu không có, nhưng tình nghĩa thì hình thành.
Ông nói với chị :
- Đằng nào thì mình cũng là vợ chồng. Chồng ngã vợ nâng. Mình
cũng đã có hai mặt con, mình phải gây dựng cho chúng. Quan trường không phải là
chốn lâu dài, phải tranh thủ lúc đương chức mà dựng chút vốn cho mình. Tuy
nhiên phải thật khéo léo. Tôi thì phải tỏ ra rất thanh liêm, nhưng người ta sẽ
tìm đến bà. Bà phải thật khéo léo, tế nhị, nhưng cũng phải rất kiên quyết.
Chúng nó đều là những đưa mua chức mua quyền. Chưa trả đủ giá thì ta chưa bán.
Nhưng bà phải nói rằng chuyện này chỉ mình bà và họ biết thôi, bà sẽ có cách
tác động. Nhưng “ông nhà tôi mà biết là hỏng việc, ông ấy kiên quyết không nhận
kiểu này đâu”.
***
Nói đến đây, bà ngừng lại, có lẽ đắn đo một chút trước khi trải
nỗi lòng. Tôi, người ghi chép câu chuyện này cũng lặng im nhìn bà, không giục,
không hỏi thêm, để cho bà tự tuôn ra.
Phải nói rằng sau khi ông về hưu, cả hai ông bà đều ẩn mình
tránh bọn báo giới, không chịu tiếp xúc với ai. Mãi sau này, khi biết tôi là một
nhà báo nữ, lại chuyên viết về thân phận những người phụ nữ eo le, thì bà mới
chịu tiếp tôi và kể cho tôi dường như cả cuộc đời của bà, từ chỗ đến với Đảng với
tình yêu ngây thơ, tin tưởng, phục tùng, cho đến khi biết mình bị lợi dụng, thần
tượng sụp đổ và nhận ra tất cả chúng đều là những thằng hèn lại tham lam, bà tỏ
ra khinh chúng, và bà trở thành người phụ nữ lăng loàn đáo để.
Bà kể tiếp :
- Người ta nói ông ấy tên là Ân nên đối xử ân nghĩa, ân tình,
còn tôi tên Hòa mà chẳng bao giờ chịu hòa cả, lúc nào cũng phải thắng cho bằng
được. Thực ra, tôi lấy cho ông ấy đấy chứ đâu phải cho tôi. Mà nói cho công bằng,
cái lũ đến cầu cạnh ông ấy cũng cực kỳ hèn hạ, nó bóp nặn người ta nhiều quá rồi,
ông ấy không nặn lại thì cũng bất công. Mà nói cho công bằng, ông ấy cũng không
đến nỗi nào. Lúc đầu thì hèn thật nhưng sau ông ấy cũng làm được khối chuyện
đáng làm. Mà ông ấy không tham quyền cố vị đâu, đã viết đơn từ chức mấy lần, viết
thật chứ không phải dầm dứ đâu, nhưng sau lại được trọng dụng, trọng dụng thì
ông làm tiếp. Mà ông làm theo cách của ông, chứ không phải rập khuôn như cũ.
Rút kinh nghiệm của ông bố đỡ đầu chỉ vì đi sớm một bước mà mất tất cả, ông ấy
biết nhìn trước nhìn sau, đổi mới một cách vừa phải. Còn khi người ta không
dùng nữa thì ông ấy nghỉ, mà nghỉ là nghỉ hẳn luôn.
Cô thấy thế nào sau khi tôi kể ? Tôi có phải là người đàn bà
lăng loàn đáo để hay không ? Thôi tùy cô viết, viết tôi là nạn nhân của mọi mưu
mô cũng được, mà có viết tôi là nguồn gốc của mọi bi kịch chính trường thì cũng
không sao. Cô cứ để cho mọi người nhìn nhận theo cách của họ cô nhé.
(Viết một mạch tại Hanover vào đêm trước hôm đi Tiệp.
Sửa lại qua loa tai khách sạn Iris Congress, Praha)
12/6/2010
Không rõ tác giả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét