Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018

Việt Nam: Đảng viên đã qua đời vẫn có thể bị kỷ luật?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang nhấn mạnh chỉnh đốn Đảng Cộng sản 


Ngay sau khi tướng công an Phan Văn Vĩnh bị bắt và khởi tố trong tuần đầu tháng Tư, truyền thông đăng tải rộng rãi về một văn bản hướng dẫn "xử lý, kỷ luật đảng viên vi phạm", vốn đã được ký từ trước đó vài tuần.

"Tuy văn bản mang tính nội bộ trong Đảng nhưng Đảng này là đảng cầm quyền nên những quy định của họ đều tác động rất nhiều đến đời sống của một quốc gia," luật sư Đặng Đình Mạnh từ TP Hồ Chí Minh nói trong cuộc thảo luận Bàn tròn thứ Năm hàng tuần của BBC hôm 12/4/2018.

Được Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng ký và có hiệu lực từ hôm 22/3, Văn bản 04-HD/UBKTTW cụ thể hóa việc thi hành Quyết định 102 của Bộ Chính trị ngày 15/11/2017.

Ưu tiên 'công tác xây dựng Đảng'?

Theo các tài liệu trên thì Đảng Cộng sản nay dường như đặc biệt chú trọng tới nhu cầu đạt được "nhiệm vụ chính trị" và "công tác xây dựng Đảng" so với các vấn đề khác.

Quy định 102 coi đây là một trong các yếu tố phải cân nhắc khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên.

Trong lúc nói rằng các tổ chức Đảng "không được giữ lại để xử lý nội bộ" đối với đảng viên có sai phạm, nhưng Văn bản 04 nói phải dựa trên "hoàn cảnh lịch sử cụ thể, khách quan, toàn diện nhằm đạt mục tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng".
Đảng cũng tỏ rõ quyết tâm xử lý nghiêm minh, công bằng giữa đảng viên với người ngoài Đảng, bằng việc "không được can thiệp để đảng viên chỉ bị xử lý kỷ luật về Đảng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý về chính quyền, đoàn thể", theo nội dung Văn bản 04, và phải dựa trên chứng cứ - "chứng cứ đến đâu, kết luận đến đấy, không suy diễn".

Tuy nhiên, Đảng dường như muốn vươn tầm kiểm soát sang hệ thống tư pháp nhiều hơn, với việc đòi tòa án phải "sao gửi bản án" cho các cơ quan Đảng nếu đảng viên bị án "từ cải tạo không giam giữ trở lên".

Đây là yêu cầu hoàn toàn không có trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Những người bị mức án này đồng thời sẽ bị mức kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, Quy định 102 nói, đồng nghĩa với việc Đảng sẽ không bao giờ có đảng viên mang tiền án.

Tuy nhiên, quy định về khai trừ Đảng với những người bị kết án chỉ là nội dung mang tính hình thức, theo một số nhà phân tích.

Trên thực tế, "Ở Việt Nam hiện nay, theo qui định của Đảng Cộng sản Việt Nam thì không bao giờ tòa, hay viện kiểm sát, công an Việt Nam được khởi tố, truy tố một đảng viên cả. Nếu một đảng viên bị khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử thì đảng viên đó hoặc là phải bị đình chỉ tư cách đảng viên, hoặc phải bị khai trừ đảng, thì lúc đó mới xử," luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC trong một cuộc thảo luận diễn ra hồi tháng 1.

Cách diễn giải của Văn bản 04 trong việc cân nhắc kỷ luật đảng viên khiến người ta đặt câu hỏi liệu sẽ xử lý thế nào đối với những đảng viên vi phạm hình sự vì "nhiệm vụ chính trị" hoặc vì mục đích "xây dựng Đảng".

Nói cách khác, liệu đảng viên có thể có quyền vi phạm hình sự nhằm đạt "nhiệm vụ chính trị" hoặc để phục vụ "công tác xây dựng Đảng" mà không sợ bị xử lý hay không? Và nếu những đảng viên đó không bị Đảng xem xét kỷ luật, thì liệu các cơ quan tư pháp có thể truy tố, đưa họ ra xét xử hay không?

Người chết có hết tội?

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là các đối tượng đảng viên nào sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, và họ bị kỷ luật tới đâu nếu có sai phạm.

Quy định 102 nêu rõ việc xem xét kỷ luật áp dụng cả với các đảng viên "đã chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu".
Trên thực tế, việc kỷ luật Đảng với các đảng viên đã nghỉ hưu từng được áp dụng từ trước khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định 102.

Một số trường hợp đáng chú ý là cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng bị cách chức bí thư cán sự đảng hồi 11/2016, hay cựu Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang bị cảnh cáo và cựu Bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự bị cách chức, cùng trong tháng 4/2017.

Tuy nhiên, trong Quy định 102 nay quy định việc xem xét cả với cả người chết, điều có vẻ chưa từng có tiền lệ.

Hồi 2/2014, Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ qua đời trong lúc Bộ Chính trị đang cân nhắc việc xử lý những tố cáo đối với ông trong vụ "Làm lộ bí mật nhà nước".

Tang lễ tướng Ngọ sau đó được tổ chức theo nghi lễ cao cấp. Truyền thông nhà nước sau đó không nhắc gì tới vụ án "Làm lộ bí mật nhà nước".

Nay, Quy định 102 xác định, với các trường hợp "vi phạm kỷ luật đặc biệt nghiêm trọng" thì việc "kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật" áp dụng cả với "đảng viên vi phạm đã qua đời".

Văn bản 04 giải thích rõ hơn rằng nếu đảng viên đã chết mới phát hiện có vi phạm thì "không tiến hành kiểm tra", còn nếu đang kiểm tra, xử lý mà chết thì "chỉ kết luận, không thi hành kỷ luật".

Tuy nhiên, "đảng viên vi phạm đặc biệt nghiêm trọng qua đời thì vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật", Văn bản 04 ghi.

Quy định như vậy liệu có khả thi không, và liệu có vi phạm pháp luật hay không?

"Theo luật bất thành văn chung của tất cả các nước, hầu như không có quy định nào cho phép xử lý‎ với người đã chết rồi," luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét.

Nếu dựa theo nguyên tắc tố tụng hình sự chung thì việc xem xét đối với người đã chết là không phù hợp, nhà nghiên cứu, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nói trong cùng cuộc thảo luận hôm 12/4.

"Về nguyên tắc, khi điều tra ai khởi tố ai thì người đó phải có quyền biện minh. Nhưng với người đã qua đời thì điều đó không thể thực hiện được. Cho nên việc kết luận người ta có vi phạm hay không sẽ mang tính chất một chiều."

Tuy nhiên, do đây là văn bản của Đảng, cho nên "về mặt pháp luật điều đó không phù hợp nhưng nếu người ta quyết tâm thì điều đó có thể xảy ra", bà nói thêm.
Luật sư Trần Quốc Thuận từ TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng "luật hình sự quy định rằng nếu người chết thì sẽ đình chỉ vụ án", nhưng cũng đồng ý rằng "đây là luật của Đảng, nếu anh đồng ‎ý thì ở trong Đảng, nếu không đồng ý ‎thì ra hay thế nào đó, tùy."

"Rõ ràng Đảng có những luật riêng của Đảng," ông nói trong cuộc thảo luận 12/4, tuy đó là "những quy định hơi không bình thường".


Quy định 102 nêu ra bốn hình thức kỷ luật đối với các đảng viên có vi phạm, từ mức nhẹ nhất khiển trách, cho tới các mức nặng hơn là cảnh cáo, cách chức, và khai trừ đảng.

Nếu như mức khiển trách có thời hiệu xử lý kỷ luật là 5 năm, còn các mức cảnh cáo, cách chức là 10 năm, thì hình thức khai trừ Đảng "không áp dụng thời hiệu xử lý".

Như vậy, có thể hiểu rằng các trường hợp "vi phạm đặc biệt nghiêm trọng" sẽ không có giới hạn thời gian cho việc xem xét kỷ luật, và do vậy những đảng viên đã qua đời, nếu bị coi là hành vi vi phạm thuộc mức độ này sẽ bị xem xét xử lý bất kể họ đã chết được bao lâu.

'Phải chịu trách nhiệm về hành động của con cái'

Quy định 102 nói rằng đảng viên sẽ bị khiển trách nếu "thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục, dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội".

Diễn giải cho nội dung trên, Văn bản 04 giải thích rằng đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới khi con, gồm cả con đẻ, con nuôi hợp pháp, con dâu và con rể, nếu "cùng sống, cùng sinh hoạt trong gia đình và trực tiếp phụ thuộc và việc nuôi dưỡng, quản lý của đảng viên đó".

Đánh giá rằng đây là một trong những nội dung cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Đảng Cộng sản trong việc chống tham nhũng, nhưng Tiến sỹ Khuất Thu Hồng đặt câu hỏi về việc "vượt quá khuôn khổ pháp luật hiện hành" của văn bản này.

"Người nào làm thì phải chịu trách nhiệm chứ không thể là con cái làm thì bố mẹ phải chịu trách nhiệm," Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nói. "Tôi nghĩ là dù là đảng lãnh đạo thì cũng không thể vượt qua khuôn khổ của pháp luật."

Luật sư Trần Quốc Thuận từ TP Hồ Chí Minh cũng có đồng quan điểm rằng quy định này của Đảng không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

"Bộ luật Hình sự quy định trong tố giác tội phạm và che giấu tội phạm thì cha, mẹ, ông, bà, con, cháu trong gia đình không bị khởi tố điều tra," ông nói. "Nhưng trong văn bản này lại ghi là [nếu họ là đảng viên thì họ] phải chịu trách nhiệm liên quan."
Theo BBC  13 tháng 4 2018

Không có nhận xét nào: