Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

VỀ MỘT NGÔI NHÀ SẮP BỊ ĐẬP!



"Nếu chúng ta không ghi công trong việc xây dựng thành phố nầy, thì đừng để cháu con chửi rủa chúng ta vì đã phá nó!" - Trần Nhật Vy

Saigon liên tục tiển đưa nhiều công trình nổi tiếng "về nơi an nghỉ cuối cùng", vừa xong Ba Son, tới hàng cây cổ thụ, giờ nguy cơ rất cao là Dinh Thượng Thơ. Mấy hôm nay báo chí đăng nhiều về chuyện này, nhiều nhà chuyên môn đã lên tiếng, tôi copy bài trên FB của anh Trần Nhật Vy vì đã thẩn thờ rất lâu khi đọc... Xin chia sẻ cùng các bạn:

VỀ MỘT NGÔI NHÀ SẮP BỊ ĐẬP!

Mấy ngày nay, tôi hết hồn vì tin ngôi nhà ấy sắp bị đập bỏ trong kế hoạch mở rộng UBNDTPHCM. Đó là ngôi biệt thự mang số 59-61 Lý Tự Trọng.
Tôi hết hồn vì lòng chưa thật hết bàng hoàng khi ngó thấy cái chết của khu Ba Son, nơi từ thế kỷ 18 là xưởng đóng tàu bè của Nguyễn Ánh. Chưa hết bàng hoàng vì hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng đã bị chặt trụi và những cây cổ thụ trong khuôn viên nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã biến mất. Nay thì tới căn biệt thự số 59-61 Lý Tự Trọng.

Về nhà xưa ở Sài Gòn mà nói, thì căn nhà nguyên là nơi cư ngụ của Giám mục Bá Đa Lộc, hiện được bảo quản trong khuôn viên toàn Tổng giám mục giáo phận Sài Gòn số 180 Nguyễn Đình Chiểu là xưa nhứt. Nhà được xây năm 1790.
Và ngôi nhà xưa thứ hai ở Sài Gòn chính là căn biệt thự số 59-61 Lý Tự Trọng.
Ngay sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, thực dân Pháp đã lên kế hoạch chiếm đóng lâu dài trên đất nước ta. Năm 1861, họ dựng một ngôi nhà gỗ dùng làm dinh Thống đốc Nam Kỳ trên phần đất nay là trường Trần Đại Nghĩa.
Năm 1864, họ thành lập Nha Nội chánh (báo chí và dân chúng ngày xưa thường gọi là dinh Lại bộ thượng thơ). Nhiệm vụ của Nha nầy là: 
1-Tòa án bản xứ. 
2-Học chánh. 
3-Tài chánh sự vụ như bưu chánh, công sản, trước bạ, địa chính, điện tín, thương cảng.
4-Sở công chánh (cầu đường, xây dựng...). 
5-Thương nghiệp, nông nghiệp và công nghiệp. 
6-Cảnh sát, trại giam, nhà thương và 
7-Điều khiển các nhân viên phụ trách hành chánh các tỉnh. (theo Trương Vĩnh Ký, Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ. bản dịch Nguyễn Đình Đầu trong Petrus Ký Nỗi oan trăm năm, Nhã Nam và Tri Thức xuất bản 2016, trang 65).

Nói chung quyền hành rất lớn. Tòa nhà Nha nội vụ năm 1864 được Thống đốc Nam Kỳ chỉ định ở "góc đường Catinat và quảng trường Đồng hồ, mặt tiền hướng về đường phố" (Trịnh Tri Tấn, Nguyễn Minh Nhựt, Phạm Tuấn, Sài Gòn từ khi thành lập đến giữa thế kỷ 19, Nxb TPHCM 1999, trang 78) và cùng năm nầy được đấu thầu xây dựng. Hình như nhà xây xong thì Pháp đã chiếm xong ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, đến nay đã tròn 150 năm! Khi được xây dựng thì mùi máu tanh của hàng ngàn người Việt chết ở Đài đồn Chí Hòa vẫn còn phảng phất trong không khí!

So với nhà thờ Đức Bà nằm cách đó chưa đầy trăm thước, Nha nội vụ xưa (nay là cơ quan Sở Thông tin và truyền thông) là đàn anh, là chú bác. Vậy mà khi nhà thờ bị hư hỏng nặng, giáo hội đã tu bổ như chúng ta đang thấy. Nghe nói, tổng chi phí là 140 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền nầy do giáo dân trong giáo phận đóng góp và không xin của ai!

Còn Nha nội vụ thì sao? Sau 150 năm đứng chịu nắng mưa, chịu bao phong ba bảo táp thì hư hỏng là việc bình thường và chuyện sửa chửa cũng là bình thường. Việc bất thường là có đề nghị đập bỏ! Tôi không rõ ai là người hoặc cơ quan nào đề nghị, song khi đề nghị như vậy, họ có cho cấp trên biết nếu xây dựng một căn nhà tương tự như vậy tốn bao nhiêu không? Và liệu như chúng ta có dư tiền để xây một hay hai căn nhà giống như vậy thì những căn nhà ấy có đủ tố chất, đủ thâm niên, đủ các yếu tố như căn nhà đang có không? Hay là khi đề nghị họ chỉ nghĩ đến việc "có xây là có dựng", "có làm là có ăn"? Tôi không dám đánh đồng cá mè một lứa, không dám quơ đũa cả nắm, song tôi xin lỗi không thể nghĩ khác được, còn UBND thì xây ở đâu chả được. Thậm chí, khi giữ nguyên ngôi nhà nầy, thì UB vẫn có cách để sử dụng nó có hiệu quả mà không cần phải đập rồi xây mới.

Chỉ giáo dân của một giáo phận mà dám quyên 140 tỷ đồng tu bổ một ngôi nhà thờ; còn hơn 10 triệu người ở thành phố nầy lại không đủ sức, đủ tiền để tu bổ một cổ tích của thành phố? Quá vô lý!

Sẽ có người lập luận rằng: đây là dấu tích của thực dân cần phải phá bỏ. Tôi xin thưa rằng: dù là ai xây, nhưng các công trình có trên đất thành phố nầy đều là tiền của và công sức của người Việt cả. Không có thằng thực dân nào bỏ xu teng nào ra hết! Tất cả đều là của người Việt! Giữ lại một cổ tích không phải là giữ dấu tích của kẻ thù mà là giữ lại xương máu và mồ hôi của tổ tiên ta đã đổ xuống để tạo nó nên hình nên dáng. Đồng thời nhắc nhớ cho cháu con một giai đoạn lịch sử của thành phố nầy đã từng trãi qua.

Nhà thơ Gamzatov có câu thơ hay:
nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục,
thì tương lai sẽ trả lại bằng đại bác.
(If you fire at the past from a pistol, The future will shoot back from a cannon).

Còn tôi thì nói rằng: Nếu chúng ta không ghi công trong việc xây dựng thành phố nầy, thì đừng để cháu con chửi rủa chúng ta vì đã phá nó!

Tôi ít có thời giờ để viết trên face nhưng tôi thấy việc nầy cần nói và nói hơi dài, mong các bạn thông cảm.
Ngày 26-4-2018

Xung quanh những công trình kiến trúc cổ này, còn hiện hữu nhiều công trình kiến trúc có “tuổi đời” trên dưới 100 năm như trụ sở Bảo tàng TP.HCM, Thương xá Tax…

Có một thực tế, là trước nhu cầu, áp lực của sự pháp triển, khu vực trung tâm TP.HCM đang được chỉnh trang trên nền diện mạo đô thị hiện hữu. Một số công trình, dự án mới triển khai, hoặc đang nằm trong kế hoạch triển khai, ít nhiều ảnh hưởng đến “hồn vía của Sài Gòn xưa”, như dự án xây nhà ga Nhà hát Thành phố thuộc tuyến tàu điện ngầm số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cao ốc mới tại vị trí của Thương xá Tax…

Theo ý kiến của một số nhà chuyên môn, công trình kiến trúc cổ đóng một vai trò rất quan trọng đối với chiều sâu lịch sử hình thành, phát triển của một đô thị. Với đặc thù của khu vực trung tâm TP.HCM, việc chỉnh trang là hết sức cần thiết, nhưng phải đảm bảo phát huy được giá trị văn hóa, lịch sử, trong đó có mảng kiến trúc cổ. Nếu như chỉnh trang mà làm ảnh hưởng đến sự nguyên vẹn của những công trình kiến trúc cổ là “rất oan uổng”, và nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, sẽ dẫn đến thực trạng hao mòn nhanh chóng những hình ảnh của Sài Gòn xưa trong đời sống đô thị ngày nay.

Cụ thể đối với tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng, nếu chỉ yêu cầu nghiên cứu bảo tồn mặt đứng, thì về căn bản, tổng thể kiến trúc sẽ không còn được nguyên vẹn. Và một vấn đề rất đáng phải quan tâm là kiến trúc mới sẽ “ăn nhập” ra sao với phần còn lại của kiến trúc cổ?...



Không có nhận xét nào: