Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Đế chế tự lật nhào hay tiếng chuông cáo chung đã báo hiệu nguyện hồn VTV


Đó là tôi nhắc tới VTV chứ không phải nói tới thể chế này, mặc dù cả hai có nhiều điểm giống nhau. Lâu nay VTV thường xúng xính lượn lờ xưng là đài truyền hình quốc gia, là cơ quan truyền thông số 1, báo hình hàng đầu của cả nước, không gì có thể thay thế... Chính nhà cai trị cũng ban cho nó đặc ân ấy nên nó càng làm càn, coi trời bằng vung, ngó nhìn thiên hạ, nhìn các cơ quan báo chí truyền thông khác bằng nửa con mắt.
Suốt một thời gian dài, VTV làm mưa làm gió, cai trị dân trí, muốn nhuộm óc dân màu nào kiểu nào thì nhuộm. Nịnh chế độ, tô hồng phết son là nghề của nó. Mặt khác, nó cũng tiếp âm những lời đe dọa, gào thét, răn đe của chế độ đối với dân. Nhưng cũng phải nói cho công bằng, nhiều năm trời VTV là thứ không thể thiếu đối với cả quan chức lẫn nhân dân.
Nhà cai trị không giấu diếm việc dùng VTV để trị dân, biến nó thành thứ công cụ hữu hiệu trên mặt trận tuyên truyền, cưỡng bức tư tưởng, ép buộc đường lối chính sách của họ vào dân chúng. Điều rõ nhất là người đứng đầu VTV nhiều năm qua luôn là ủy viên trung ương đảng. Giống như cài cắm gián điệp, mật thám vào bộ máy cầm đầu để định hướng chỉ đạo, nhất cử nhất động làm theo lệnh đảng. Những Vũ Văn Hiến, Trần Bình Minh chỉ là cánh tay nối dài của đảng để đảng nắm cơ quan truyền thông đại chúng này chứ tài cán bao nhiêu. Ai có ý thoát khỏi sự ràng buộc, như ông Trần Đăng Tuấn, dù giỏi giang mấy chăng nữa, khó thoát khỏi sự trừng trị.
Tôi không tin khi ai đó bảo rằng VTV đã lâu không nhận sự bao cấp của nhà nước, đã tự hạch toán thu chi, tự nuôi nó mà không cần tiền ngân sách. Nhà cai trị đang cần nó nên đã và sẽ nuôi nó, còn nó chẳng dại gì dứt miệng khỏi bầu vú ngân sách. Chỉ tiếc rằng đồng tiền thuế mà người dân phải một nắng hai sương mới có được đã bị tiêu phí vào việc nuôi dưỡng thứ của nợ này.
Đã nhiều năm rồi, người ta không còn háo hức chờ các chương trình của VTV nữa, không hẳn bởi có quá nhiều sự cạnh tranh, mà cái chính là nó quá nhạt nhẽo, vô bổ, dở hơi, nhí nhố, tầm thường, cũng giống như những tờ báo lá cải sa vào chuyện cướp giết hiếp câu khách. Thời sự thì chỉ rặt nịnh nọt, ca ngợi ông này bà nọ, văn nghệ thì nhí nhố, nhảy nhót lố lăng, chính trị thì bảo thủ, những chương trình một thời hút khách như “Chiếc nón…”, “Ai là…”, “Hãy chọn…” cũng ngày càng nhạt nhẽo, những game show tào lao nhảm nhí, ngay cả món đặc sản hài của nó là “Gặp nhau cuối năm” đêm giao thừa cũng chỉ đem lại tiếng cười gượng gạo… May ra còn thể thao và… thời tiết. Vậy nhưng qua vụ thể thao ASIAD lần này, tiếng chuông cáo chung đã báo hiệu nguyện hồn VTV. Một cái chết được báo trước, không thể tránh khỏi. Đế chế tưởng như “đời đời bền vững” đã sụp đổ tan tành. Tượng đất trong khói hương đèn nhang thì là tượng nhưng gặp nước lụt có khác chi đống bùn.
Điều cần nói thêm là đã bao lâu VTV một mình một chợ trong sự bảo kê của nhà nước nên nó muốn làm gì thì làm. Ai mà biết được số tiền mua bản quyền các chương trình thể thao quốc tế thực chất là bao nhiêu, như dân gian thường nói với nhau “ai biết được ma ăn cỗ”. Cứ nâng vống lên triệu đô này, tỉ tiền nọ để rồi chém khách hàng quảng cáo và trốn nộp thuế, bỏ túi chia nhau. Giá có hơn triệu rưỡi chẳng hạn, vống thành 10 triệu, 15 triệu, nếu tổng thu từ khách hàng, tất nhiên sẽ trừ chi phí (từ con số khống ấy) rồi mới nộp thuế cho nhà nước. Chuyện ấy có thể xảy ra, thậm chí rất nhiều lần rồi, chưa có cơ quan thuế vụ, thanh tra, kiểm tra nào để ý, phanh phui. Đại loại nó cũng giống như người ta mua bán cái nhà, thỏa thuận ngầm với nhau kê ra số nhất định nào đó để trốn thuế, cùng được lợi.
Những kẻ cầm đầu VTV và bảo kê VTV chắc không ngờ rằng bị rơi vào vận hạn ASIAD. Nhưng đi đêm lắm có ngày gặp ma, trước sau cũng lộ cái bộ mặt nhem nhuốc của kẻ biển lận, nịnh nọt, bất tài. Tốt nhất là còn tí sức tàn lực kiệt nào hãy ráng tự chui vào quan tài để công chúng tiễn ra bờ huyệt. Đừng bao giờ mong lại thời hoàng kim cột ăng ten rung rinh trên mọi nóc nhà. Nhé.
Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào: