Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

KHÔNG CÒN CẦN DẤU CHẤM HỎI ?


Trong lúc vận động tranh cử, ứng cử viên Donald Trump gây được sự chú ý của cứ tri Mỹ về vấn đề TQ. Ông tố cáo TQ gian lận thương mại, ăn cắp sản phẩm trí tuệ, lũng đoạn tỷ giá, đánh cắp công ăn việc làm của người Mỹ, tạo ra thặng dư mậu dịch quá lớn với Mỹ. Người cố vấn cho ông là một giáo sư, nổi tiếng với cuốn sách"Chết bởi TQ" được rất nhiều người chú ý.
Song chính trị là một nghệ thuật quyền biến, chưa chắc khi đắc cử các vị dân cử thực hiện đầy đủ những gì đã mạnh miệng khi tranh phiếu.

Nhưng với tổng thống Donald Trump có vẻ như không phải là một nhà chính trị quyền biến linh hoạt theo lối mòn. Ông tranh chức tổng thống để thực hiện điều ông muốn về đất nước ông và nhân dân ông, không màng đến việc người khác, nước khác nghĩ gì. Ông làm tất cả những gì ông hứa khi tranh cử, với chủ trương khá thuyết phục, tất cả cho một nước Mỹ hùng mạnh nhất.
Trở lại vấn đề TQ. Khi phát động chiến tranh thương mại, hầu hết đều nhận định ông làm thế là để ép TQ cân bằng mậu dịch với Mỹ. Nhưng cũng không ổn vì TQ đã tỏ ra uyển chuyển khi ký thỏa thuận mua hàng trăm tỷ đô hàng Mỹ lúc ông Tập Cận Bình tiếp vợ chồng ông Trump ở Tử Cấm Thành tháng 11 năm ngoái. Họ vẫn tích cực đàm phán. Đối với lợi ích thì dùng dà dùng dằn khi tính toán là bình thường. Hơn nữa một con số chênh lệch mậu dịch quá lớn không thể rút ngắn trong ngày một ngày hai.
Có người cho rằng ông Trump muốn triệt hạ TQ. Nhận định này cũng không ổn vì ông Trump đánh thuế tất cả các nước có thặng dư mậu dịch với Mỹ chứ không riêng gì TQ. Vậy thực tế ông Trump muốn gì? Câu hỏi này khiến dư luận tốn không ít giấy mực phân tích. Riêng đám học giả TQ thì cũng chẳng đoán được, và cứ tranh cãi tù mù.
Nhưng khi ông Trump có những chính sách quyết liệt ngắn cản TQ tóm thâu hoặc tiếp cận các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ, ngắn cản gián điệp mạng TQ đánh cắp thông tin Mỹ, ngăn cản không cho công quyền và quân đội sử dụng một số sản phẩm công nghệ của TQ, thì câu chuyện đã dần dần hướng đến mục tiêu chính của ông Trump. Qua đó việc trừng phạt thuế buộc TQ rút ngắn thặng dư mậu dịch với Mỹ vừa là sự đương nhiên vừa là cái cớ.
Thấy rõ hơn khi ông Trump cù EU về phía Mỹ để bao vây TQ khi bãi bỏ trừng phạt thuế. Chỉ yêu cầu EU mua nông sản và khí đốt hóa lỏng của Mỹ. Và dĩ nhiên các nước khác có thặng dư mậu dịch với Mỹ cũng được xử lý na ná như vậy, ngoại trừ TQ. Qua đó các nước đều được lợi với Mỹ nhiều hơn nên không theo TQ chống Mỹ, thậm chí còn có thể về hùa với Mỹ.
Thấy rõ hơn khi ông Trump gặp Putin và cù Nga về phía Mỹ. Đổi lại Nga sẽ nhận được nhiều lợi ích, và không loại trừ việc Mỹ lờ đi vụ Nga cướp Crimea.
Thấy rõ hơn khi đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản đã nối lại bình thường với Nga để tách Nga ra khỏi TQ.
Thấy rõ hơn khi Mỹ đang xem xét nâng thuế 25% cho hơn 500 tỷ đô hàng hóa TQ xuất qua Mỹ chứ không phải chỉ đánh thuế 25% cho 50 tỷ đô hàng hóa TQ, số còn lại đánh 10% thuế như dự kiến ban đầu.
Nhưng giờ thì rõ như ban ngày khi QH Mỹ vừa thông qua dự luật quốc phòng năm nay lên đến hơn 700 tỷ USD, gấp...hơn 3 lần GDP của Việt Nam. Dự luật diễn giải nhằm đổi phó với những thách thức của TQ, trong đó VN được lợi vì dự luật có nói đến việc Mỹ đối phó với TQ ở Biển Đông. Điều đặc biệt là dự luật này được thông qua với tỷ lệ rất cao của cả hai đảng dân chủ và cộng hòa, chấm dứt những dư luận tiêu cực cho rằng ông Trump bị đảng dân chủ và một phần đảng cộng hòa chống đối.
Chuẩn chi ngân sách quốc phòng khổng lồ nhằm đối phó với TQ, kết hợp với chiến tranh thương mại, cho thấy ông Trump quyết ép TQ một cách tổng lực như muốn hạ knock out đối thủ.
Vậy là đã rõ, mục đích của ông Trump là ngăn chặn kế hoạch Made In China 2025, và mục tiêu TQ vượt Mỹ năm 2035. Như vậy mục đích Mỹ phát động chiến tranh thương mại là làm suy yếu TQ chứ không đơn thuần là để cân bằng mậu dịch. Có vẻ như ông Trump muốn làm sụp đổ tham vọng của TQ giống như vị tiền nhiệm mà ông rất ngưỡng mộ là cố tổng thống Ronald Reagan, người được cho là đã làm sụp đổ đế quốc Liên Xô.
...

Ngoc Bich Ninh
BẠN 4 TỐT NGUY RỒI !
Dự luật chính sách quốc phòng được cho là cứng rắn nhất trong lịch sử đối với Trung Quốc, một động thái cho thấy sự đồng tâm hiệp lực đối đầu với Trung Quốc từ phía cả hai đảng của Hoa Kỳ. 
Dự luật chính sách thường niên trị giá 716 tỷ USD cho tổng chi tiêu quốc phòng trong năm tài khóa sắp tới, nhằm chống lại một loạt các chính sách của chính phủ Trung Quốc, bao gồm các động thái quân sự hóa Biển Đông và nỗ lực gia tăng ảnh hưởng trong các doanh nghiệp của Mỹ, theo WSJ.
“Thách thức lớn nhất đối với sự thịnh vượng và an ninh của Hoa Kỳ là sự tái xuất hiện của một cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn. Trung Quốc đang tận dụng hiện đại hóa quân sự, gia tăng ảnh hưởng, và chính sách kinh tế cướp đoạt để ép buộc các nước láng giềng, với tham vọng thay đổi trật tự trong khu vực Ấn-Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho họ”, theo một bản tóm tắt sơ lược về Chiến lược Quốc phòng 2018 của Hoa Kỳ
Một số điều khoản đáng chú ý nhất của dự luật liên quan đến hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Dự luật yêu cầu siết chặt an ninh quốc gia trong các giao dịch liên quan Trung Quốc, thông qua sự kiểm soát của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ. Đồng thời cải thiện hoạt động kiểm soát xuất khẩu vốn, quản lý việc công nghệ nào của Mỹ có thể được đưa ra nước ngoài.
Mặc dù các điều khoản của dự luật dự kiến sẽ gây ảnh hưởng đến một loạt các doanh nghiệp Mỹ, nhiều người ủng hộ các biện pháp này vì lo ngại ngày càng tăng đối với các chính sách của Trung Quốc.
Dự luật quốc phòng cũng đề nghị một báo cáo thường niên về những động thái của chính phủ Trung Quốc nhằm tác động đến “các phương tiện truyền thông, tổ chức văn hóa, kinh doanh và cộng đồng học thuật và chính sách” của Hoa Kỳ.
Dự luật cũng bao gồm các điều khoản để tăng cường quan hệ quốc phòng với Ấn Độ và Đài Loan – hòn đảo tự trị mà Trung Quốc cố gắng tuyên bố chủ quyền. Đồng thời ngăn cản sự tham gia của Trung Quốc vào các cuộc tập trận hải quân của Rim of the Pacific – bao gồm 26 quốc gia – cho đến khi Bắc Kinh dừng viêc quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.
“Đây là tín hiệu cho các đồng minh và đối tác trong khu vực – đặc biệt là Úc, Nhật Bản và Đài Loan – rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông không được chấp nhận”,

Không có nhận xét nào: