Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

BIỂN ĐÔNG TRONG BÀN CỜ NƯỚC LỚN !



Năm 1974 TQ bất ngờ tấn công quần đảo Hoàng Sa. Hạm đội 7 của Mỹ ở cách đó không xa (vịnh Subich Philippines) làm ngơ trước lời yêu cầu của đồng minh VNCH.
Khi Mao Trạch Đông đánh đuổi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của thống chế Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan, thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa năm 1949, thì phong trào du kích Cộng Sản do Mao Trạch Đông giật dây đã bùng phát ở các nước Nam Á và Đông Nam Á (ASEAN).
Indonesia và Malaysia là hai nước Hồi giáo lớn đã tiêu diệt hiệu quả các du kích quân Maoists. Singapore thì ông Lý Quang Diệu sợ quá phải tạm xin sát nhập vào Malaysia để tránh làn sóng đỏ Maoists. Philippines rất vất vả chống đỡ, dù đến nay TQ không còn nuôi dưỡng, song bọn khủng bố Maoists vẫn còn gây khó khăn cho nội an xứ này. Riêng Thailand thì cho Mỹ thuê sân bay Utapao để không kích chiến trường VN. Vừa có tiền thuê, vừa có lợi từ mua bán và làm dịch vụ cho quân đội Mỹ, vừa bảo đảm được an ninh trước mối đe dọa của du kích quân khủng bố Maoists.

Trước tình hình làn sóng đỏ Maoists hoành hành dữ dội, Mỹ đã thành lập liên phòng Đông Nam Á để phòng thủ chung. Song khi Henry Kissinger và Richard Nixon đến Bắc Kinh vào đầu thập niên 70, thì cái liên phòng Đông Nam Á chỉ còn là bóng ma.
Thời gian đã đủ lâu, và với nhiều tiết lộ, đặc biệt là tiết lộ mới nhất của một quan chức Nhà Trắng đã từng làm việc cho các đời tổng thống trước, thì người ta mới tường tận bàn cờ các nước lớn được ngoéo tay nhau dưới gầm bàn. Mỹ Trung đã thỏa hiệp với nhau để xóa sổ Liên Xô. Việc sớm có được hiệp định Paris ngày 27/01/1973 là để Mỹ rảnh tay kéo qua Trung Đông bảo vệ nguồn dầu, tìm cách kìm chế sự trổi dậy manh mẽ của LX có nguy cơ thách thức quyền bá chủ của Mỹ. Và dĩ nhiên TQ là người hưởng lợi nhiều nhất. Một trong những cái lợi là Mỹ kéo qua Trung Đông giao khoảng trống quyền lực của liên phòng Đông Nam Á cho TQ thả sức vẫy vùng.

Năm 1979 TQ xâm lăng VN, năm 1988 TQ đánh cướp các đảo đá chiến lược trong quần đảo Trường Sa của VN. Cùng với sự hà hơi tiếp sức của Mỹ, TQ đã vươn lên mạnh mẽ thành một cường quốc. Lúc này Mỹ mới nhận ra mấy thập niên Mỹ lãng quên Á Châu Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước thuộc liên phòng Đông Nam Á cũ không còn tin tưởng vào những cam kết của Mỹ. Các quan chức cao cấp của Mỹ thưa vắng đến thăm vùng này. Những cuộc họp ASEAN Mỹ chỉ cử quan chức cấp thấp đến dự ... cho nên vùng này đã có 'sói chủ' mới là TQ

Đó là lý do TQ một mình một chợ xác lập những ảnh hưởng vững chắc về kinh tế chính trị và quân sự trong vùng, các nước rất e ngại sự trỗi dậy quá mạnh và sự hung hãn ngan ngược của TQ, nhưng chẳng dám làm phật lòng Bắc Kinh.

Tổng thống Obama đắc cử, đã cùng với ngoại trưởng Hilary Clinton định hình lại chiến lược, quyết định xoay trực qua Á Châu Thái Bình Dương để kềm chế sự trỗi dậy của TQ. Những chuyến đi con thoi dày đặc của các quan chức Mỹ, đặc biệt là của ngoại trưởng Hilary đến vùng này có vẻ như rất hối hả. Song do các nước trong khu vực vẫn còn e ngại sự thật lòng của Mỹ trước những cam kết, do ảnh hưởng của TQ đã quá sâu đậm nơi đây, và do TQ đã thành một cường quốc chứ không còn tép riu như xưa, nên nỗ lực của Washington không suông sẽ như mong đợi, nếu không muốn nói là hiệu quả rất thấp. TQ vẫn ngang nhiên xây dựng các đảo nhân tạo, thách thức cả Nhật Bản, cho tàu cá khiêu khích Malaysia và Indonesia mặc cho Obama vận động thành lập TPP để cô lập kinh tế TQ, nhằm hạ giảm tầm quan trọng của TQ với các nước trong khu vực. Những chuyến tuần tra của Mỹ không mấy hiệu quả.

Nguyên nhân được cho là cách tiếp cận của Mỹ chưa đủ mạnh mặc dù đã có quyết định của PCA vô hiệu hóa đường lưỡi bò của TQ. Bởi nếu Mỹ cứ tuyên bố Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp giữa TQ và 5 nước chung quanh Biển Đông, chỉ quan tâm đến tự do hàng hải, thì khác nào bỏ mặc cho lợi thế nước lớn của TQ. Mỹ trông chờ vào COC giữa ASEAN và TQ để kềm chế sự ngang ngược của TQ. Song TQ dại gì ký COC bất lợi cho mình ?

Có vẻ như chính quyền của ông Donald Trump đang có sự tiếp cận mạnh mẽ hơn về tranh chấp Biển Đông. Dự luật ủy quyền quốc phòng NDAA 2019 mà ông Trump vừa ký ban hành là một ví dụ. Việc xây dựng tứ giác kim cương (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) như NATO Châu Á cũng là giải pháp tốt để định hình lại bàn cờ Biển Đông.

Đang có tin đồn Tòa Bạch Ốc đã bắt đầu công nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của VN trong chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng VN Ngô Xuân Lịch đến Washington vừa rồi. Chưa rõ thực hư của tin đồn, song rất mong tin đồn này là sự thật. Đây mới chính là chìa khóa ngăn chặn sự trỗi dậy mang tính bành trướng của TQ, cũng chính là cách ngăn chặn hiệu quả nhất lộ nhất đới của TQ, và cũng chính là việc sắp lại bàn cờ chiến lược của các nước lớn. 
Nguyễn Tấn thành


Không có nhận xét nào: