Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

NGHĨ VỀ MÁI TRƯỜNG HỌC VIỆN AN NINH, CẢNH SÁT VÀ CÂU CHUYỆN TUYỂN SINH HÔM NAY.


Phan Đăng Trường
Ngày hôm qua, nhiều thế hệ thầy và trò Học viện An ninh sau cảm giác bàng hoàng là tâm trạng thật tâm tư, trăn trở… Nhiều người chia sẻ với nhau qua những dòng tin nhắn đầy lo lắng, những người khác buồn không hiểu điều gì đang xảy ra. Lẽ nào Học viện thành doanh trại CSCĐ. Dư luận xã hội thì người ta phản ứng với những ngôn từ không hay ho gì... 

Thế hệ chúng tôi dùi mài đèn sách ở ngôi trường này 5 năm, từ ngày giã biệt đèn sách giảng đường đại học cũng đã 18 năm. Trăn trở cũng bởi chính vì niềm tự hào mái trường mình đã học, đã lớn lên, đã trưởng thành…
Thà rằng các em cứ đi nghĩa vụ, rồi nếu có điều kiện có thể chuyển chuyên nghiệp, sau đó học tại chức xong thì làm thạc sĩ, tiến sĩ (như một số người vẫn làm ) thì cũng chẳng sao bởi sự học là hành trình phấn đấu. Nhưng trong tuyển sinh đại học thì khác.
61% sinh viên khoá D50 nhập trường xuất thân từ lính nghĩa vụ, chỉ có 39% còn lại là học sinh phổ thông.
Con số ấy nói lên điều gì?
1. Trước hết, về nghĩa vụ:
Các cháu đi nghĩa vụ là một sự lựa chọn phù hợp nguyện vọng bản thân và gia đình, nghĩa vụ hay là gì cũng không có gì xấu hổ với bạn bè, trang lứa. Các bạn giỏi hơn đi đại học, học viện; kém chút thì vào trung cấp, tất cả đều phải trải qua kỳ thi tuyển sinh, nay là thi THPT quốc gia. Còn đi nghĩa vụ, ấy là khi lực học mình không thể so bì bè bạn và cũng có thể vì kinh tế gia đình mà không có điều kiện đi vào một trường đại học khác, khi đó sự lựa chọn con đường lính nghĩa vụ là an toàn và đương nhiên cũng phải qua những điều kiện khác. 
Cũng có nhiều em, cháu sau khi vào nghĩa vụ đã tranh thủ đèn sách, tiếp tục thử tài ở kỳ thi tiếp theo và họ đã toại nguyện. Nhiều em đã vươn lên, trưởng thành lên từ chính con đường nghĩa vụ, được tôi luyện cả về bản lĩnh và tri thức, kinh nghiệm và thể hiện tốt khi đảm nhiệm công việc.
Tuy nhiên, dù ở mức nào thì nó cũng có lim, có giới hạn. Khoá chúng tôi thi tuyển vào An ninh năm 1995, tỷ lệ chọi ngày đó cũng ở mức trên dưới 30 lấy 1. Năm nào, cùng với sinh viên phổ thông trúng tuyển thì cũng có tỷ lệ lính nghĩa vụ đỗ đạt, nhưng đều ở mức khiêm tốn, không quá 5%. Ví như khoá D27 chúng tôi có gần 500 sinh viên trúng tuyển (tổng cả An ninh và Cảnh sát) thì số lính nghĩa vụ trúng tuyển tầm 13,14 người, tức khoảng 3%. Đó là những người đã vượt qua lò lửa thực sự bởi cả tiểu đoàn mấy trăm người, chỉ vài chục người đủ sức ôn thi đại học và chỉ 1-2 người đỗ, thậm chí không ai đỗ. Với sự sàng lọc như vậy, các anh lính nghĩa vụ khoá chúng tôi ngày đó có kinh nghiệm, có tư cách đàn anh nên được phân công làm lớp trưởng, lớp phó và hầu hết họ đều thể hiện được năng lực, trình độ trong môi trường đào tạo của học viện.
Nhưng con số đó chỉ vài phần trăm trong tổng số sinh viên Học viện, duy trì tỉ lệ đó suốt chiều dài lịch sử. 
2. Thứ hai, về thương hiệu Học viện An ninh, Cảnh sát
Là hai trung tâm đào tạo đầu ngành của lực lượng, có bề dày lâu đời, đây chính là hai lò cung cấp nhân lực chủ chốt cho cán bộ trong Công an. Mấy chục năm qua, điểm đầu vào của 2 học viện đều ở top đầu của cả nước, trong đó số sinh viên các trường chuyên, lớp chọn vào đây khá nhiều. Chúng tôi vẫn luôn tự hào về ngôi trường mình học (Học viện An ninh) mà nói với nhau rằng, chính vì sự nghiêm túc, vì sự chặt chẽ tuyển lựa đầu vào mà những gia đình xuất thân từ nông dân như chúng tôi mới có cơ hội vào đây. Tôi nhìn trong lớp D27 C ngày đó, không thấy ai con em giám đốc, phó giám đốc, cục trưởng nào cả. Các bạn đều mua mì tôm Miliket cân, pha chung ấm nước và đến giờ là ôm sách lên thư viện, học và học. Vào phòng thi, không ai dám mang tài liệu bởi bị bắt thì coi như năm đó kỷ luật, đi tong.
Có lẽ bởi đầu vào và quy trình đào tạo chặt chẽ như thế nên khi ra trường, các học viên mang tên C500 nói riêng, An ninh, Cảnh sát nói chung được công an các đơn vị, địa phương tín nhiệm. Nhiều người nói, chỉ cần tiếp xúc một lúc, họ sẽ nói rằng bạn học ở đâu, có phải dân Học viện An ninh không! Cảm xúc đó thật tuyệt. 
Bây giờ trong Công an, hầu hếu đã phổ cập bậc đại học. Hệ trung cấp được đào tạo thêm để cấp bằng đại học, thạc sĩ và cả tiến sĩ. Không những vậy, lính nghĩa vụ bây giờ nhiều người cũng đã có bằng tiến sĩ, cả phó giáo sư, nghĩa là sự học luôn cởi mở cho những ai vươn lên. PGS, Tiến sĩ rồi thì người ta cũng ngại nhắc đến cái thời đi lính nghĩa vụ ngày xưa, coi đó là một thời kỷ niệm. Ai đó có bảo, anh xưa thi đại học zê rô hò văn tạch, chán đời bỏ ruộng vườn anh đi lính, rồi vào chuyên nghiệp, tiếp tục hành trình đèn sách để xong cái tại chức, làm nốt thạc sĩ, rồi luôn cái tiến sĩ, thì giờ người ta gọi anh là Tiến sĩ, tới nữa là phó giáo sư, hẳn anh cười "các chú cứ nhớ dai, quan trọng giờ là tiến sĩ, nhà khoa hoc, nhắc gì cái thời giẻ rách nghĩa vụ xa xưa"...
Thế nhưng, trong CAND người ta vẫn có sự tôn trọng riêng: Họ không hỏi bằng thạc sĩ, tiến sĩ gì mà hỏi, có phải từ lò Học viện An ninh, Cảnh sát không, có phải dân D không (D là các khóa đào tạo chính quy của Học viện).
Điều đó nói lên thương hiệu của mái trường. Và suy cho cùng, cuộc đời mỗi người có thể đi qua rất nhiều kỳ thi, rất nhiều trường học nhưng kỳ thi quan trọng nhất, kỳ thi khẳng định năng lực, trình độ bản thân, đó là kỳ thi đại học. Việc đào tạo cũng vậy, không môi trường đào tạo nào nghiêm túc, quy củ, bài bản và chất lượng như đào tạo đại học hệ chính quy. Chúng tôi hiểu rõ điều đó nên dù sau này, chúng tôi có học thạc sĩ, tiến sĩ, học cao cấp, học bằng này bằng nọ thì những bằng đó dù phấn đấu thật nhưng nhiều khi nghĩ chỉ như giấc mơ trưa, chỉ đào tạo đại học hệ chính quy là gian nan, vất vả, thực chất nhất. Một giai đoạn đào tạo mà trước khi thi, gấp sách lại thì nắm được toàn bộ số trang trong đó viết những gì.
Tuy nhiên, theo năm tháng, gần đây có người nói chất lượng giờ không đều như trước? Đặc biệt, từ ngày thi 3 chung, rồi 2 chung, chỉ tiêu tuyển sinh lên cả nghìn mỗi khoá, dù điểm đầu vào cao chót vót nhưng theo các thầy giáo nói thì điểm cao chưa hẳn ruột đỏ. Nghĩa là đầu vào có vấn đề.
Vì sao phải tuyển đầu vào chặt? Các cụ nói, có công mài sắt, có ngày nên kim. Nhưng nếu là sắt thì mài cả đời không thành vàng được. 
3. Về thi trắc nghiệm: Hình thức thi này phương Tây áp dụng từ lâu, gần đây ta đưa vào. Nhưng phương Tây có vẻ gian dối thi cử không ghê gớm như mình. Ở mình đi thi hay nghĩ cách gian lận, thói ấy có từ xa xưa. Trong các hình thức thi thì trắc nghiệm dễ tiêu cực nhất, chỉ cần 5 phút cuối chờ đáp án hoặc nhắc từ người khác là tô đẹp mà không cần viết lách gì. Về nguyên tắc, đã học các môn xã hội ngoài việc nhớ thì phải có tư duy, viết lách, thể hiện ra văn bản được. Trắc nghiệm làm như cái máy, không thể hiện được tư chất của khoa học xã hội, nhất là về lý luận. Kể cả Toán cũng vậy. 50 tự luận, 50 trắc nghiệm là hợp lý. Giả như học Sử mà chỉ tô thôi, học Địa chỉ tô thôi, Toán cũng tô... mà không diễn đạt được bằng văn phong, bằng lời giải thì khác gì người câm ra ám hiệu bằng cử chỉ, hiểu đấy nhưng không nói được. 
4. Gặp các em, các cháu nghĩa vụ, mình hiểu họ cũng tâm tư và muốn phấn đấu có công việc ổn định. Đi nghĩa vụ mà ra quân về lại chốn quê thì gian khó lắm. Nếu giữa bộn bề tập luyện mà cháu nào vẫn say mê đèn sách để rồi đỗ đạt, để vào Học viện An ninh, Cảnh sát thì niềm hạnh phúc ấy còn gì lớn bằng. Nhưng nó phải thực chất.
Nay thì gần vạn học sinh phổ thông trổ tài mà chỉ có 80 em lọt vào Học viện An ninh mới thấy độ khốc liệt thế nào. Bao nhiêu em trường chuyên lớp chọn ở xứ học Thanh Nghệ Tĩnh, Thái Bình, Nam Định… đã dang dở giấc mơ. Thế mà 61% em vào Học viện lại từ lính nghĩa vụ, một con số khó thể tin nổi. Khác với học sinh phổ thông, vừa rồi dư luận nói có nơi lính nghĩa vụ họ biết cách phải làm gì để “bài đẹp”, thậm chí có khi được "giám thị chỉ bài cho bé tập tô" ngay khi thi cho nên thanh tra, chấm lại không thể làm được gì (cái này chưa có kiểm chứng, không rõ có phải thế không).
Chúng tôi cũng muốn các em sau nghĩa vụ thì có việc gì đó ổn định, lo cuộc sống sau này. Nhưng tất nhiên đó không phải là khoác lên mình thương hiệu Học viện AN, CS bằng cách không chính đáng. Còn nếu các em phấn đấu vào được bằng năng lực thì như bao thế hệ đi trước, rất đáng trân trọng. 
Tôi biết, nhà trường băn khoăn lắm, lo lắng lắm. Nhiều giảng viên nói họ rất tâm tư, rất buồn. Nhưng nhà trường chưa có hành lang pháp lý để làm việc này…
Nhà trường không muốn dư luận gọi Học viện thành doanh trại cảnh sát cơ động.
Thật trăn trở...


Tran Hung .· 
Tôi đã đoc đi đoc lại bài viết này, cám ơn tác giả, bạn đã đúng. Tôi đã tự hào và vẫn rất tự hào khi tốt nghiệp C500. lứa học sinh chúng tôi, D11, gần 40 năm trôi qua. Một truyền thống của nhà trường, không ai nói ra, nhưng chỉ cần gặp nhau, thấy lứa đàn anh học trước là automatic nhường ghế ngay. Tôn trọng và trật tự kính nhường. Học Đại học chính quy khi đó là tự hào lắm, còn tại chức, chuyên tu, bồi dưỡng... nhiều loại hình phù hợp với các đơn vị do yêu cầu cũng như trình độ học vấn của học sinh. Nay, nghe các cháu thi 30 điểm thủ khoa, rất kính nể. Khi sự việc vỡ lở vừa qua xảy ra, bản thân thấy rất buồn, quá buồn. Tôi đã điện thoại cho lãnh đạo trường, người Thầy, người Anh tôi yêu quý, anh em tâm sự trao đổi qua điện thoại . Anh cũng rất buồn. rất bức xúc ... anh cho biết. Nữ thủ khoa năm 2017 thi đỗ 30 điểm năm ngoái cũng chính là... con của phó ban khảo thí tỉnh Hà Giang. Quá bất ngờ, tôi không biết nói gì nữa. khi sự thật đã phơi bầy. Chúng ta đào tạo lực lượng kiên trung, then chốt, trọng yếu của ngành, cho Đảng, mà như thế này ư? Chắc chắn họ hiểu rằng bố mẹ họ thi hộ cho họ hoặc ... có bảo bối nào đó giúp họ. Họ thừa hiểu thực lực thật của chính họ. Nếu còn liêm sỷ và tự trọng, lòng trung thực và nhân phẩm... tất cả những người ... Giả đó phải trả chỗ đi về, giành chỗ cho những người Thật. Nhà trường không có gì khó khi kiểm tra trực tiếp lại đầu vào, trả lai sự công bằng và minh bạch, giữ uy tín cho thương hiệu truyền thống của nhà trường. Cám ơn tác giả bài viết. 
Một học sinh khóa D27

Không có nhận xét nào: