Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

Xin vĩnh biệt ông! John McCain (1936-2018)


Truong Huy San
26/8/2018
John McCain (1936-2018)
Cho dù, vào đúng ngày 29/4/2000, John McCain đã gọi Bên Thắng Cuộc là "wrong guys", chưa có chính trị gia nước ngoài nào tận tình với Hà Nội như ông (và John Kerry). Không biết có ai cật vấn "động cơ" của ông ấy. Chỉ biết, bằng cách kéo Hà Nội lại gần với Washington hơn, ông đã giúp được rất nhiều cho cả những người Việt Nam Cộng hoà và những thường dân Việt Nam (được coi là) Cộng sản.
Nếu không xếp súng đạn và cả huân chương vào quá khứ thì ông đã ở mãi trong chiến tranh; nếu cứ nuôi thù hận thì ông suốt đời chỉ có kẻ thù. Và, ông chỉ là "War Hero" chứ không thể trở thành một "Political Hero" như ông đã.

Rất may là nhiều chính trị gia và nhà ngoại giao Hà Nội cũng đã biết bước ra khỏi chiến tranh, đón nhận được một phần các nỗ lực của những cựu binh như ông, như John Kerry và cả Bob Kerry... Cái cách mà John McCain & John Kerry giúp đỡ các nhà ngoại giao Hà Nội ở Washington, D.C., là như chăm sóc, nâng đỡ những đứa con. Không phải các ông đang dung dưỡng các nhà độc tài mà các ông đang kiên nhẫn để các nhà độc tài bớt độc tài và hành xử có trách nhiệm hơn với dân chúng.
[Tôi có mặt ở D.C. trong những ngày mà các nhà đàm phán VN đang căng thẳng với Mỹ từng câu chữ. Những bế tắc trong đàm phán thường không chỉ vì người Mỹ đòi hỏi các lợi ích kinh tế mà chủ yếu vì họ đòi các quyền lợi khác cho người dân VN. Tôi vài lần đùa với một người Việt Nam mà tôi cũng coi là "hero" - Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA), ông Nguyễn Đình Lương - "Nhiều đòi hỏi của Mỹ mà nếu các anh thất bại ở bàn đàm phán thì người dân VN chiến thắng"]
Nhờ những nhân cách như John McCain mà Hà Nội đã dần hoà giải được với Washington. Trong khi, người Việt vẫn chưa có những nhân cách đủ lớn để giúp hai phía VN hoà giải. Không phải tự nhiên mà truyền thông Mỹ và MXH hôm nay tràn ngập những lời tốt đẹp khi nói về ông. Một người chỉ có thể trở thành anh hùng của dân khi không chỉ có lòng quả cảm mà còn phải có đủ tài năng và đạo đức.

1 nhận xét:

Nguyen Ngoc Chu nói...



MỘT NGƯỜI BẠN LỚN ĐÃ RA ĐI

1. Lúc đang bị giam cầm tại Hỏa Lò Hà Nội, vì ông nội và bố đều là Đô đốc Hải Quân 4 sao, John McCain được đề nghị phóng thích sớm nhưng ông đã từ chối. Ông nói rằng người nào bị bắt trước thì phải được thả trước. Đó là một nhân cách lớn của con người John McCain.

2. Vứt nỗi nhục tù binh và nỗi thù hận hai chiến tuyến, John McCain khi trở thành Thượng nghị sĩ bang Arizona vào năm 1987 đã có bước ngoặt bản lề, khởi động một chiến dịch bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Cùng với John Kerry và sau này là Bob Kerrey, John McCain là đầu tàu cho chính sách bình thường hóa quan hệ Mỹ- Việt. Ông không chỉ thực hiện những nhiệm vụ đá tảng trong chính sách bình thường hóa quan hệ với Việt Nam của chính quyền tổng thống Bill Clinton, mà còn đối mặt gạt phăng những cản trở của phái diều hâu trong bộ quốc phòng, làm tan đi những mặc cảm và thù hận của các cựu binh chiến tranh Việt Nam, để cuối cùng năm 1995, Mỹ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ. Một chặng đường 20 năm gian khó sau chiến tranh của cả hai dân tộc. Đó là tầm nhìn sáng của một chính khách, và một nhân cách lớn nữa của John McCain.

3. John McCain là người đối địch với chủ nghĩa cộng sản. Nhưng ông đã gạt bỏ rào cản thù hằn ý thức hệ, để ủng hộ Việt Nam ở mọi nơi mọi lúc trong mọi khả năng có thể. Ông luôn là một lá chắn trước mọi sự tấn công Việt Nam ở Đảng Cộng Hòa hay ở Đảng Dân Chủ, ở chính trường hay ở ngoài xã hội. Đó là tình yêu và thiện cảm của ông dành riêng cho nhân dân Việt Nam. Coi thường nỗi nhục tù binh, bỏ qua nỗi hận thua cuộc mà hành động. Không chỉ là tầm nhìn mà còn là sự cao thượng và nhân bản.

4. John McCain luôn cất tiếng nói đầu tiên và mạnh mẽ phản kháng sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông Nam Á. Ông là người chống đối kịch liệt mọi chính sách nước lớn ức hiếp nước bé. Ông là đập tràn ngăn cản sự bành trướng. Đó là một tính cách nổi trội rất John McCain.

5. Suốt 31 năm hoạt động chính trị trong tư cách thượng nghị sĩ, John McCain là chính khách phản biện xuất sắc trước các tình huống chính trị thế giới, trước mỗi biện pháp hành động của Chính phủ Mỹ. Ngay cả ở tháng cuối cùng của cuộc đời, sau một năm chống chọi với bệnh ung thư não, trong tình cảnh thật bi đát, nhưng John McCain không rời các phản ứng với tình hình quốc tế, với chính sách của Chính phủ Mỹ. Trí tuệ và sức làm việc của John McCain thuộc lớp người siêu hạng.

Sự ra đi của Thượng nghị sĩ John McCain là một tổn thất không chỉ của nhân dân Mỹ. Nhân dân Việt Nam đã mất đi một người bạn chân tình, một đồng minh chống lưng mạnh mẽ, hiệu quả. Ngoài nước Mỹ, có lẽ không nước nào nhận được sự ủng hộ của ông như Việt Nam.

Thương tiếc, kỉnh nể và cảm ơn Thượng nghị sĩ John McCain.