Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

VÌ SAO PHIM “VỢ BA” BỊ VÙI DẬP TƠI TẢ Ở QUÊ NHÀ?

Cảnh trong phim "Vợ ba"


“VỢ BA” NHẬN HÀNG LOẠT GIẢI THƯỞNG QUỐC TẾ DANH GIÁ, ĐÃ CÔNG CHIẾU 28 NƯỚC CHÂU ÂU, VÌ SAO BỊ VÙI DẬP TƠI TẢ Ở QUÊ NHÀ?
“Vợ ba” là bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Phương Anh, phim đạt nhiều giải thưởng quốc tế và đã được công chiếu thương mại ở 28 nước Châu Âu.
Tôi xin điểm qua các giải thưởng:
- Tháng 9-2018, phim được công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto (Canada). Tại đây, phim đã được NET PAC ( Mạng lưới các nhà phê bình phim Châu Á Thái Bình Dương) trao tặng giải thưởng Phim châu Á hay nhất.
Sau đó phim được công chiếu thương mại ở 28 nước Châu Âu.
- Tại LHP quốc tế Kolkata (Ấn Độ) lần thứ 24 phim giành giải Phim hay nhất (Best Film).
- Tại LHP quốc tế Chicago (Mỹ), phim giành giải Đạo diễn trẻ.
- Tại LHP quốc tế Cairo (Ai Cập) lần thứ 40 vào tháng 11 năm 2018, phim giành giải “Đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất”.
Ngoài ra còn có một số giải quốc tế nhỏ hơn.
Như vậy bộ phim không hề rẻ tiền hay câu khách và nếu lâu nay chúng ta than phiền về dòng phim hài nhảm thì việc được xem bộ phim này là điều rất đáng mong chờ. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau khi ra rạp, phim bị một số nhà báo lên tiếng, dần dần tạo nên một làn sóng phản đối khiến phim phải dừng phát hành.
Vừa qua Bộ văn hóa cho biết sẽ xử lý minh bạch vụ phim “Vợ ba”.
Tình cảnh này đã xảy ra ở Trung quốc với rất nhiều bộ phim khi thành danh ở nước ngoài nhưng bị vùi dập ở quê nhà.
Như vậy là ở 2 nước XHCN, tình hình không khác gì nhau. Đó không chỉ là luật lệ khắt khe của nhà nước mà còn là hệ tư tưởng của người dân không chấp nhận những điều mà nhiều nước khác chấp nhận.
Thậm chí có một điều nghịch lý là trong khi nhân dân hay than phiền về thể chế chính trị này gò bó tư tưởng nhưng ngược lại tư tưởng của nhân dân gò bó hơn cả thể chế chính trị. Bằng chứng là bộ phim được Cục điện ảnh cấp phép nhưng báo chí và người dân lại phản ứng.
Nguyễn Phương Anh sinh ra ở Việt Nam nhưng vào năm 13 tuổi, cô rời Việt Nam đến Anh học văn chương, sau đó cô qua Mỹ học điện ảnh ở Đại học New York. Cô là học trò của đạo diễn, nhà biên kịch, diễn viên nổi tiếng Spike Lee.
Với chuyên môn và tầm tri thức như vậy, tôi tin cô không hề rẻ tiền.
Các phản ứng xoay quanh việc đạo diễn dùng một diễn viên 13 tuổi để đóng cảnh nóng, và đi xa hơn các nhà báo đặt vấn đề bảo vệ trẻ em để chống lại bộ phim.
Nhưng liệu có giống nhau giữa 2 tình huống một cô bé 13 tuổi bị sờ soạng trong thang máy và một cô bé 13 tuổi đang lao động nghệ thuật với một ước mơ cống hiến cho cái đẹp?
Tôi mạnh dạn nói cái đẹp mà không phải là sự lạm dụng cảnh sex trần tục là vì phim đã được các nhà phê bình điện ảnh tầm cỡ thế giới công nhận mà NET PAC - Mạng lưới các nhà phê bình phim Châu Á Thái Bình Dương là một bảo chứng mạnh mẽ khi họ trao giải “Phim hay nhất Châu Á”.
Tôi dành lời tranh luận tiếp cho các bạn.
Trần Đình Thu

Không có nhận xét nào: