Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Nhà giầu Trung Quốc không tin chính quyền

Những nhân vật giàu có nhất ở Trung Quốc không tin tưởng vào chính quyền. Điều đó cho thấy qua kết quả khảo sát tại 18 thành phố, do Ngân hàng Trung Quốc và hãng Hurun Report phối hợp tiến hành. Một nửa số người có tài sản trên 10 triệu nhân dân tệ đang sửa soạn ra nước ngoài định cư. 1/3 những người được hỏi thừa nhận đã chuyển vốn liếng ra nước ngoài. Trong nhiều trường hợp, động tác này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình làm thủ tục nhập cư.


Tâm trạng của tầng lớp giàu có tinh hoa thượng lưu trong xã hội Trung Quốc hiện đại có nhiều điểm tương đồng với kế hoạch của những người Nga sở hữu số tài sản lớn. Đã là người giầu, thì cả ở Nga lẫn ở Trung Quốc đều không ai tin chắc rằng sẽ bảo tồn được gia sản của họ. Những nhân vật cự phú này cũng cùng lối nghĩ, rằng ra nước ngoài con cái của họ sẽ có điều kiện nhận được học vấn tốt hơn.

Trong đó, những người Trung Quốc thành đạt nhất đang ngày càng hướng sang phương Tây. Họ làm như vậy, bất kể là kinh tế đất nước tăng trưởng nhanh chóng, và ở Trung Quốc thời gian gần đây đang thực hiện những bước đi mới theo hướng chính sách mở cửa. Xu thế thoạt nhìn có vẻ nghịch lý này được chuyên viên Aleksandr Larin từ Viện nghiên cứu Viễn Đông lý giải như sau:

“Quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc đã nhiều năm nay vấp phải khó khăn nghiêm trọng. Những mắc mớ đó đang tăng thêm. Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng đất nước cần một mô hình mới cho hiện đại hoá. Các đồng nghiệp nước ngoài của họ cũng nghĩ như vậy. Cần có phương án phân phối thu nhập công bằng hơn, bởi độ phân hóa trong xã hội đang là rất cao. Thế nhưng những người giàu và cực giàu nhìn thấy trong khuyến nghị này tiềm ẩn mối đe dọa đối với thu nhập riêng của họ. Nhà nước có thể tăng thuế với người giàu và áp dụng những hạn chế khác. Đây chính là những gì khiến họ lo chuyển vốn ra nước ngoài. Hoặc ít nhất, cũng là thứ buộc người giàu phải suy tính về nơi giữ của”.

Những nơi chốn có sức hút mạnh hơn cả đối với các nhà tư bản mới ở Trung Quốc là Hoa Kỳ, Canada và Australia. Trong danh sách những “miền đất hứa” này không thấy Nhật Bản hay Hàn Quốc. Khá thú vị khi dòng người nhập cư tăng lên ở Canada. Các chuyên gia không trực tiếp gắn hiện tượng đó với việc mấy năm trước đây Ottawa từng đưa ra lời xin lỗi chính thức vì đã phân biệt đối xử với các di dân nhập cư từ Trung Quốc hồi thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Dù sao chăng nữa, thái độ ăn năn như vậy, hiển nhiên có tác động nhất định đến sự lựa chọn của người giàu Trung Quốc khi nghĩ về những địa điểm mà họ có thể và cần nhân lên thêm số vốn tư bản của mình. Hồi tháng Chín, cả Washington cũng đưa ra lời xin lỗi tương tự với người Trung Quốc. Người ta hiểu đó là một cách thi lễ chính thức bày tỏ sự thân thiện. Lời mời này làm dịu nhẹ phần nào nỗi băn khoăn của các cự phú gia Trung Hoa đa cảm, trong tương quan suy giảm hoạt tính kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Mặt khác, những dự đoán của các nhà khoa học chính trị phương Tây rằng cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi sẽ sớm "nổ tung" Trung Quốc cũng gây nỗi bất an cho những người sung túc ở Trung Hoa. Dây ngòi nổ ẩn tàng dưới "phép lạ kinh tế" Trung Quốc đang kích thích lạm phát, tiền tiết kiệm mất giá, gia tăng phân hóa xã hội và sự căng thẳng trong cộng đồng. Tình cảnh đáng báo động như vậy có hợp lý hay chăng? Sau đây là ý kiến của chuyên viên Nga Aleksandr Larin:

“Khó có thể nói là viễn cảnh kịch tính này chính xác đến đâu. Và không loại trừ rằng những phân tích của các chuyên viên phương Tây đang phần nào làm nóng bầu không khí. Nhưng hiển nhiên, cả chính quyền Trung Quốc cũng lo ngại trước tình trạng này. Họ đang cố gắng làm nhiều việc nhằm cải thiện tình hình. Hiện tượng người giàu đổ xô ra nước ngoài và nói lên ý định rời khỏi Trung Quốc là một thực tế rõ rệt. Lo sợ, bất an và những khó khăn buộc họ tìm đến phương Tây”.

Lớp cư dân triệu phú là biểu hiện tương đối mới với xã hội Trung Quốc. Có thể thấy hiện giờ chính quyền đang học cách tìm tiếng nói chung với số ít này. Tuy nhiên, như chứng tỏ qua kinh nghiệm của nước Nga, đó là việc hoàn toàn chẳng dễ dàng gì. Lại càng phức tạp hơn nữa, trong bối cảnh gia tăng sự không ổn định trên thế giới, mà đặc biệt là ở Trung Quốc. Có vẻ là hôm nay cả những người Trung Quốc giàu có, lẫn chính quyền của đất nước này đều đang cố tìm kiếm câu trả lời cho cùng một câu hỏi: liệu hai bên có xứng và cần cho nhau hay không?

Theo TNNN

Không có nhận xét nào: