Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Ninh Thuận sẽ trở thành tỉnh nguyên tử của Việt Nam

Ninh Thuận tới đây sẽ có qui chế mới là "tỉnh hạt nhân" của Việt Nam, bởi là nơi kiến thiết hai nhà máy điện hạt nhân. Sau hai năm nữa Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước Việt Nam. Tiếp đến Nhật Bản sẽ bắt tay kiến thiết cơ sở thứ hai, - như đã khẳng định tại cuộc gặp của các vị Thủ tướng Chính phủ hai nước.


Diện mạo mới của tỉnh Ninh Thuận là vấn đề được ban lãnh đạo Việt Nam suy nghĩ ngay từ những năm giữa thập kỷ vừa qua. Kế hoạch kiến thiết ở tỉnh này hai nhà máy điện hạt nhân là quyết định chiến lược của chính quyền Việt Nam, - Giám đốc chương trình xây dựng cơ bản của "Rosatom" ông Sergey Boyarkin cho biết.

“Theo đơn đặt hàng của phía Việt Nam công việc lựa chọn sơ bộ địa bàn dành xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đã được các chuyên viên Nhật Bản thực hiện trong những năm 2005-2006. Họ cũng khuyến nghị hai khu vực có thể để bố trí nhà máy. Ban lãnh đạo Việt Nam đề xuất một khu vực cho phía Nga, địa bàn thứ hai là dành cho phía Nhật Bản triển khai công tác kiến thiết sau này”.

Cả hai khu vực, như hiện tại chúng ta được biết, đều thuộc địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Nhưng mặt bằng xây dựng chính xác ở chỗ nào thì hiện vẫn chưa xác định rõ. Đây cũng là công việc mà trong vòng năm rưỡi-hai năm tiếp theo các chuyên gia ngành công nghiệp hạt nhân Nga sẽ xúc tiến phân định tại khu vực của họ, còn chuyên viên Nhật Bản thì làm việc trên khu vực của họ. Đây là công tác hết sức nghiêm túc, yêu cầu đảm bảo lựa chọn đúng địa điểm tuyệt đối an toàn theo hai thông số hệ trọng nhất. Đó là bảo vệ vững vàng trước những trận sóng thần và hiệu ứng địa chấn tiềm ẩn. Thảm họa gần đây với nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản càng làm tăng thêm ý nghĩa quan trọng đặc biệt của công tác này.

Thời gian gần đây, các tác giả của hàng loạt ấn phẩm báo chí Việt Nam đều lưu ý đến yếu tố tỉnh Ninh Thuận nằm gần chỗ đứt gãy của vỏ Trái đất. Hoàn toàn hiểu mối quan ngại của các tác giả đó, ông Sergei Boyarkin nhận xét:

“Kết cấu của vỏ Trái Đất khiến những lỗi đứt gãy của nó có ở khắp mọi nơi. Với bất kỳ điểm nào trên bản đồ, ở khoảng cách này hay cự ly khác chúng ta đều có thể bắt gặp những chỗ đứt gãy. Hiển nhiên nếu nhà máy điện hạt nhân nằm càng xa điểm đứt gãy thì càng tốt. Các chuẩn mực Nga đòi hỏi một khoảng cách tối thiểu là không dưới 8 km. Những qui định của Nhật Bản đỡ nghiêm khắc hơn, họ cho phép bố trí nhà máy trong khoảng cách gần hơn”.

Dựng sơ đồ những điểm đứt gãy trong các khu vực dự kiến bố trí nhà máy điện hạt nhân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hơn cả mà các chuyên gia nguyên tử của Nga và Nhật Bản cần phải tiến hành nghiên cứu mấy năm tiếp theo. Cũng như việc xác định điểm đứt gãy nào tiềm ẩn hoạt tính, còn những điểm nào trong trạng thái thụ động. Hiển nhiên, nguy hiểm hơn cả là những điểm đứt gãy hoạt tính. Thế nhưng cũng không được phép quên lãng những điểm thụ động. Bởi những đứt gãy như thế có thể giảm thiểu, ngăn chặn hiệu ứng địa chấn, hoặc trái lại, kích thích địa chấn. Vì vậy, tùy thuộc vào vị trí phân bố những đứt gãy hoạt tính và thụ động tại những điểm khác nhau của cùng một khu vực nhỏ, đều tiềm ẩn mức độ địa chấn khác nhau. Tất cả những yếu tố đó sẽ được xem xét kỹ lưỡng khi lựa chọn địa điểm dứt khoát để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân - cả của Nga và Nhật Bản.

Cũng sẽ mô hình hóa tất cả những dữ liệu tính toán phục vụ thiết lập hệ thống bảo vệ dành cho cơ sở điện hạt nhân tương lai trước nguy cơ sóng thần – kể cả là dạng thiên tai này sẽ xảy ra từ hướng nào, và ở khoảng cách bao nhiêu. Địa bàn xây dựng hoặc sẽ được di chuyển cách xa bờ biển, hoặc được bao phủ che chắn bởi đồi núi tự nhiên hay những đê đập rào cản nhân tạo, có tính đến khả năng sức mạnh và chiều cao tối đa của cơn sóng thần giả định trong khu vực này.

Công tác nghiên cứu đang được bắt đầu. Ban lãnh đạo Việt Nam sẽ cho quyết định về địa điểm cụ thể tại tỉnh Ninh Thuận dành xây dựng nhà máy điện hạt nhân, chỉ khi hoàn tất công tác nghiên cứu đảm bảo mọi tiêu chí cần thiết.

Theo TNNN

Tìm hiểu thêm
Về địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam

“Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA, quá trình lựa chọn địa điểm dành cho nhà máy điện hạt nhân được tiến hành trong hai giai đoạn. Trong bước đầu tiên sẽ chọn "khu vực điểm" là vùng khá rộng, nơi không cấm xây dựng các chủ thể hạt nhân. Nơi bị cấm là bề mặt phía trên các đứt gẫy địa chất hoạt tính hoặc núi lửa bùn ngầm. Đến giai đoạn thứ hai trong phạm vi “khu vực điểm” sẽ chọn một số "trọng điểm" để xây dựng nhà máy”.

Quá trình chuẩn bị cho việc kiến thiết nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam đã trải qua giai đoạn đầu tiên. Khu vực tại tỉnh Ninh Thuận được lựa chọn từ nhiều phương án đối trọng thay thế, tính đến tất cả những chuẩn mực qui định của Nga và Việt Nam cũng như đòi hỏi của Cơ quan quốc tế chuyên trách IAEA. Phía đặt hàng là Việt Nam cũng như nhà thầu Nga sẽ không thay đổi lựa chọn đó.

Chuyên viên Nga Sergey Boyarkin nhấn mạnh rằng về lựa chọn địa điểm xây dựng chủ thể hạt nhân thì cách tiếp cận của Nga là nghiêm ngặt nhất thế giới. Chẳng hạn, đối chiếu với tiêu chuẩn của Nga thì địa điểm đã xây dựng nhà máy điện Fukushima của Nhật Bản là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Vì thế, nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam sẽ được kiến thiết trong sự tính toán kỹ lưỡng tất cả những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn, và cơ sở điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ xuất hiện chính ở nơi mà nguy cơ đó là tối thiểu.



Không có nhận xét nào: