Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

HOÀI NIỆM NGA XÔ


Ông Lê Nin ở nước Nga
Mà sao em thấy rất là Việt Nam
...
(Trần Đăng Khoa)

Tổng thống Nga V.V Putin
Hôm nay ông Putin (Vladimir Vladimirovich) dành trọn cho Việt Nam một ngày. Đây là lần thứ ba ông sang Việt Nam trong tư cách nguyên thủ quốc gia. Lần đầu tiên là năm 3/2001. Lúc ông mới ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất ở điện Kremlin. Sau khi được Boris Yeltsin chuyển giao chiếc ghế tổng thống ngày 31/12/1999 và thắng cử trong cuộc bầu tổng thống sau đó 3 tháng (3/2000).

Cũng năm đó Tổng thống Mỹ Bill Clinton có chuyến đi "giã bạn" tại Việt Nam trước khi rời toà Bạch ốc! Cả hai ông đều có chuyến đi đáng nhớ đến Việt Nam. Đất nước đã từng có vị trí đối nghịch nhau, so với quốc gia họ đang điều hành. Một là "cựu thù" và một là "cựu đồng chí"!

***
Nước Nga mình chưa đến. Tiếng Nga mình đã từng học 3 năm đầu đại học. Tuần hai buổi hai tiết với cô Liễu hoặc thầy Trình. Sau 3 năm trình tiếng Nga của mình cũng chỉ đạt mức giao tiếp cơ bản và đọc tài liệu chuyên ngành với sự hỗ trợ của… từ điển. Sau đó, phải tự học thêm để năm cuối thi tốt nghiệp. Ngoại ngữ là một trong bốn môn lý thuyết bắt buộc trong kỳ thi cuối cùng.
  Nhưng hỡi ôi, mình chẳng bao giờ có cơ hội để dùng tiếng Nga. Người Nga mình gặp đầu tiên là 5 năm sau. Đó là mấy chuyên gia về vũ khí khi đó đang ở 58 Trần Phú. Cái sự đọc tài liệu Nga cũng bỏ luôn. Tài liệu chuyên ngành y thì hiếm hoi ngay cả ở Thư viện Y học Trung ương (13. Lê Thánh Tông, Hà Nội). Huống chi ở vùng rừng núi Đông Bắc Cam-pốt, sau "đại cách mạng công xã" của Khmer Đỏ. Sốt rét cũng không phải là vấn đề dịch tễ của Liên Xô... để mà có nhiều tại liệu ở Việt Nam. Nhiều bạn sẽ nhạc nhiên mà hỏi rằng: Học Y, tại sao không học tiếng Anh tiếng Pháp mà học tiếng Nga? (Mình sẽ kể chuyện học ngoại ngữ vào một dịp khác). Đó cũng là câu hỏi lớn nhất của mình khi bước chân vào Y Hà Nội 10/1977.
Cái thời đó nó phải thế. Mình gọi là “một thời... Hoa Mẫu Đơn"!

****
Những năm 1987-1989, người dạy và người học tiếng Nga ở Nha Trang còn rất... "hùng hậu". Giới trí thức và công chức mang "tâm hồn Nga" cũng đang phơi phới. Một năm sau họ bắt đầu hoang mang về một nước Liên Xô vĩ đại đang phân hoá.
Năm 1991, khi Boris Yelsin đứng trên nóc chiếc xe tăng chỉ huy nả pháo vào toà nhà quốc hội Liên Xô, thì những người Việt yêu mến Liên Xô và văn hoá Nga như đổ vỡ niềm tin. Nỗi đâu như đâm xuyên qua trái tim họ. Bố một người bạn mình, cựu chiến binh từng du học Nga lên cơn đau thắt ngực mỗi khi mình vô tình nhắc đến những gì liên quan đến Liên Xô và văn hóa Nga.
Những cô thầy dạy tiếng Nga xao xác như đàn gà con mất mẹ. Kẻ bỏ nghề, người chuyển ngành. Sinh viên tiếng Nga phải học lại từ đầu bằng tiếng Anh. Nhiều người mắc kẹt ở Nga khi đang bổ túc hay hoàn thiện chương trình năm cuối tiếng Nga. Tiếng Nga cũng bị loại khỏi chương trình phổ thông...

Tất cả là do chính sách đường lối. Một đất nước thống nhất đã 15, 16 năm; trải qua 3 nhiệm kỳ mà vẫn lựa chọn đường đi cho dân tộc theo lệ thuộc hệ tư tưởng… bên ngoài. Khi “đầu tàu” của con tàu “hệ thống xã hội chủ nghĩa” bị sụp đổ thì tất yếu phải đau đớn và hoang mang.
Thế nên, những năm 1990, 1991, chẳng riêng gì người học tiếng Nga và thực hành tiếng Nga. Ở cấp cao nhất là những người vạch đường đi cho đất nước,... cũng nháo nhào chạy đôn chạy đáo Đông, Tây tìm đồng minh cho… đường lối. Ít nhất là về mặt tinh thần. Hệ lụy của chính sách đó vẫn còn kéo dài tới bây giờ.

Chính nước Nga một thập kỷ Yeltsin cũng loay hoay tìm đường đi riêng. Nhưng “xây một ngôi nhà mới” với những con người mang nặng u buồn và hoài niệm về lý thuyết Xô Viết, đã đưa nước Nga đến một thập kỷ hổn mang và suy giảm sức mạnh.
Cuối cùng ông Yeltsin cũng tìm ra giải pháp cho mình và cho nước Nga bằng chuyển giao quyền lực cho một người đủ trẻ, đủ thông minh, có sự hậu thuẫn và đảm bảo quyền lợi cho mình; trưởng thành từ môi trường biết kiểm soát cảm xúc và có bàn tay sắt để chèo lái con thuyền Nga.

Năm 2001, khi ông Putin đến Việt Nam, chưa có mạng xã hội như bây giờ. Internet cũng chỉ mới có ở Việt Nam hơn 3 năm (1997). Mình nhớ, Việt Nam (Hà Nội), chào đón ông Putin như một ngôi sao đang lên trên chính trường. Ông được báo chí Việt tung hô như một thần tượng. Rất rất... nhiều người, từ chính khách đến thương nhân hay nhà khoa học, lúc đó gọi ông Putin là “đồng chí”. Ta-va-rís (tiếng Nga viết thế nào nhỉ? Bỏ lâu quá nên quên) vang lên đó đây trên mọi nẻo đường nơi ông đến trong chuyến thăm.

Nhưng, có lẽ cảm xúc trào dâng và đọng lại lâu nhất cho những ai đã từng tu nghiệp, chịu ơn và yêu mến văn học, văn hoá Nga là cái đêm ông Putin giao lưu với cộng đồng cựu lưu học sinh VN tại Cung Hữu Nghị Việt – Xô (hình như là đêm 03/3/2001). Những cựu học sinh ở Nga, có người đang làm chủ tịch nước và thủ tướng Việt Nam. Mặc dù tiếng Nga của họ không còn đủ giao tiếp (chẳng sao, vì đã có anh Lại Văn Sâm làm MC) nhưng từ "Ta-va-rís" họ không thể nào quên.

Ông Putin đến Việt Nam lần 1, sau khi thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống toàn Nga tròn một năm. Những cải cách kinh tế xã hội và lập lại trật tự chính trường, cũng như những phát biểu của ông thời đó, làm nức lòng không chỉ công dân Liên Xô cũ. Cả những người Việt Nam mang hoài niệm về một nước Nga Xô cũng hi vọng về Putin. Vì thế sự đón tiếp long trọng dành cho ông không có gì là ngạc nhiên. Người ta thiếu cái gì thì hy vọng vào cái đó. Có lẽ bây giờ nhiều người Việt cũng mong Việt Nam cần có một ông Putin (chẳng phải "Putin Việt Nam" trên facebook đâu).
Hôm đó mình cũng "ôm" TV xem hết chương trình trực tiếp của VTV. Mình cũng có cảm xúc như người đã từng sống ở nước Nga và bây giờ gặp lại người thân. Cảm xúc HOÀI NIỆM NGA XÔ ! Hi hi..

Nhưng lần này, thì sao?

Ông Putin đến Việt Nam lần này chắc cảm xúc "hoài niệm Nga Xô" của người Việt không còn được "nồng ấm" như cách đây 12 năm. 15 vấn đề hai bên ký kết như báo Việt đưa tin chẳng cần ông phải chứng kiến. Thế nên, ông đến và đi cũng vội vàng. Chỉ chưa đầy 24 giờ. Chuyến thăm của ông chỉ mang tính tượng trưng. Nó giống như đi kiểm tra tình hình… bão lụt của phó thủ tướng Việt Nam rứa thôi.
 

Ông Putin đến Việt Nam lần này chắc cảm xúc "hoài niệm Nga Xô"
 của người Việt không còn được "nồng ấm" như cách đây 12 năm.
Bài học 25 năm trước vẫn còn đó. Khi Trung Quốc tấn công Trường Sa 1988, Hiệp ước Hữu nghị Việt- Xô (1978-2003) còn hiệu lực. Các tàu ngầm hải quân Nga ở quân cảng Cam Ranh vẫn án binh bất động. Vì thế, sẽ là ngây thơ khi coi nước Nga là chổ dựa tinh thần và vật chất để đối trọng với các cường quốc khác.

Nước Nga của Putin hay của ai thì họ cũng chỉ vì lợi ích địa chính trị của chính họ ở Thái Bình Dương mà thôi. Những mỏ dầu khí ở Biển Đông của Vietsopetro. Những hợp đồng bán Vũ khí máy bay tàu lặn; những cung đường hàng hải quốc tế,... đều là mối quan tâm làm ăn của nước Nga.
...
Giờ này, có lẽ ông Putin đã bay qua quần đảo Kurin đang tranh chấp với Nhật Bản. Mình gửi theo ông hai câu thơ tiễn biệt:

Ông Pu-tin đến Việt Nam
Cảm xúc chẳng thấy dâng trào như xưa!
...
He he...

12/11/2013.

Tác giả (Facebooker Sao Hồng)

Không có nhận xét nào: