Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ ( Tiếp theo )

"Tôi có dịp chứng kiến quá trình chuyển biến của Liên bang Xô-viết trong 30 năm cuối cùng.
Tôi đến Liên Xô lần đầu năm 1959, đúng giữa giai đoạn được gọi là "băng tan", cũng là thời điểm cường quốc sô 2 của thế giới này đạt mức phát triển cao nhất và có vị thế chưa từng có trong lịch sử của nó. Sau này, khi Liên Xô sa sút, người dân xô-viết luyến tiếc giai đoạn này, gọi đấy là "thời Hoàng kim" của nước Nga.
Còn lần cuối cùng tôi đến Liên Xô là năm 1990, vài tháng trước khi Đảng Cộng sản Liên Xô tuyên bố chấm dứt sự tồn tại và Liên bang Xô-viết tan rã. Đây là thời kỳ suy sụp, trái ngược hoàn toàn với thời đỉnh cao huy hoàng của lần đầu tiên tôi đến năm 1959."
Dinhphong Vu
  Tất cả cái không khí ngột ngạt ấy càng làm mọi người hướng niềm hy vọng vào Liên Xô. Họ kín đáo truyền tay cả những số báo Pháp như "Lettres Francaises" để động viên nhau và níu lấy chút hy vọng vừa bị dập tắt, chỉ còn le lói. Tôi được một bạn thân cho mượn số báo tiếng Pháp đăng truyện ngắn "Le Monument" của nữ văn sĩ Pháp Elsa Triolet, vợ nhà văn Cộng sản Louis Aragon. Truyện tả một họa sĩ ở một nước kia, có tài và giầu lòng yêu nước, do tích cực tham gia cuộc Kháng chiến chống Phát xít Đức xâm lược, được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Hòa bình lập lại, ông họa sĩ được cử làm Bộ Trưởng Bộ Nghệ thuật. Nhưng ở cương vị ấy, ông ta nhanh chóng biến thành công cụ mù quáng của Đảng Cộng sản và Chính quyền -thực chất cũng là tay sai của Đảng. Mặc dù trong thâm tâm không tán thành, nhưng vì "ý thức tổ chức" (thật ra là vì hèn nhát) ông họa sĩ Bộ trưởng kia vẫn chấp hành, thậm chí còn hỗ trợ mọi quyết định tội ác của cấp trên. Ông ta biến thành đao phủ, tham dự vào việc bắt giam và sát hại bao nhiêu nghệ sĩ tài năng và trung thực. Đến nay, các vụ đàn áp đẫm máu và dã man ấy bị phanh phui, tình hình đổi khác, lương tâm cắn rứt khiến ông ta không chịu nổi, đã tự sát, để lại một bức thư trối trăng lời lẽ hết sức đau đớn… Nữ tác giả Elsa Triolet không nói rõ câu chuyện xảy ra ở đâu, nhưng ai cũng hiểu, nếu không phải Liên Xô thì cũng là một quốc gia "xã hội chủ nghĩa" khác ở Đông Âu. Và nhân vật Họa sĩ rõ ràng ám chỉ tâm trạng và hành động của nhà văn Fadeev (Алекса́ндр Алекса́ндрович Фаде́ев; 1901 –1956) Cựu Chủ tịch Hội Nhà Văn Liên Xô cũng đã tự sát sau khi các tội ác đẫm máu của Stalin cùng với bộ máy an ninh của y bị phanh phui và công bố trên diễn đàn Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, những tội ác mà Fadeev đã nhúng tay vào.
Liên Xô xưa nay vẫn được coi là "thành trì", là "anh cả" của các quốc gia xã hội chủ nghĩa (còn gọi là "phe" xã hội chủ nghĩa, gồm bẩy nước Đông Âu (CHDC Đức, Tiệp khắc, Ba Lan, Hung-ga-ri, Ru-ma-ni, An-ba-ni, Nam Tư) và ba nước châu Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam), nay được toàn dân Việt Nam hướng đến để hy vọng.
Tuy "Nhân Văn - Giai phẩm" bị đình bản, các trí thức và văn nghệ sĩ tham gia, nhẹ thì phải kiểm điểm và chịu kỷ luật, nặng thì bị truy tố và nhận án tù, nhưng mọi người vẫn cố tìm cách tự an ủi, để khỏi mất đi niềm hy vọng nhỏ nhoi chưa tắt hẳn.
Họ đưa mắt nhìn nhau, lo lắng :
- Thế nghĩa là sao ?     
    
- Bọn họ là gián điệp đấy mà. Con Thụy An cầm đầu, lôi kéo Phùng Quán, còn Nguyễn Hữu Đang đang bất mãn cũng đi theo.
- Ừ nhỉ. Chứ chuyên gia Liên Xô vẫn đang ùn ùn sang đấy thôi. Mọi thứ mình vẫn theo Liên Xô. Ông anh Cả mà chuyển thì mình sớm muộn cũng sẽ chuyển. Chỉ bao giờ ta chống Liên Xô, phê phán Liên Xô thì mới đáng ngại. Nhưng chắc sẽ không có chuyện ấy. Cho nên cứ yên tâm mà ăn no ngủ kỹ đi !
Mà đúng thế. Chuyên gia Liên Xô sang mỗi lúc một đông. Ngay sân khấu là một ngành văn hóa nhỏ mà ta cũng mời chuyên gia Liên Xô để giảng dạy cho đạo diễn và diễn viên các đoàn về lý thuyết sân khấu tiền tiến của Liên Xô. Ông chuyên gia này tặng cho khán giả Thủ đô một tiết mục "Lu-ba" hoành tráng, chưa từng thấy ở nước ta về số lượng diễn viên tham gia, về trang trí công phu, tốn kém. Tiếp đến là tiết mục "Câu chuyện Iếc-cút" còn được hoan nghênh hơn … Song song là nhiều phim nghệ thuật với diễn suất điêu luyện, kỹ thuật tối tân nhất được trình chiếu : "Đất vỡ hoang", "Chiến tranh và Hòa Bình", "Năm đêm trắng", "Ôten-lô", "Nàng tiên cá" và rất nhiều bộ phim khác… Gần như bộ phim nào cũng là kiệt tác nghệ thuật và được người xem Việt Nam thán phục. Nghĩa là ta vẫn theo Liên Xô, yên tâm đi. Tất cả những cách đối xử tàn bạo, những bất công, những cấm đoán dân chủ sẽ mất dần. Yên tâm đi ! Cứ nhìn Liên Xô sẽ thấy ta sẽ thế nào.
Thời kỳ này cuộc sống của riêng tôi đã được cải thiện chút ít. Do nhu cầu dịch kịch bản, sách lý luận sân khấu từ các ngoại ngữ tăng cao, tôi có việc làm thêm và thu được số tiền nhuận bút đủ để sống. Hồi ấy tôi còn độc thân cho nên nhu cầu chưa nhiều. Tôi nhận dịch cả cho vài nhà xuất bản nên lại có thêm một kênh thu nhập nữa.
Đúng lúc ấy thì trong cuộc sống của tôi xảy ra một may mắn hiếm hoi đến mức "không tưởng tượng nổi", và cũng hoàn toàn bất ngờ với tôi, một kẻ ngoài đảng và luôn để lộ ra là không ưa gì chính trị.
Chẳng là Hội Sân khấu Toàn Nga (Vcerossiskoe Teatralnoe Obshestvo, gọi tắt là V.T.O.) mời ta cử đại biểu sang dự cuộc Gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp của giới đạo diễn sân khấu toàn "phe" họp ở Moskva. Chính phủ ta nhận lời. Vì đã tham gia tích cực vào việc xây dựng hai tiết mục Liên Xô và lại thông thạo tiếng Nga nên tôi được cử đi, cùng với đạo diễn Trần Bảng (ông là đạo diễn, đồng thời là tác giả Chèo, và là Trưởng Đoàn Chèo T.Ư.) sang Moskva dự cuộc gặp nói trên.
Tin này đã làm tôi coi như "bắt được của" thì lại nhận được thêm một tin còn đáng mừng hơn thế. Vì biết ba ngoại ngữ, tôi được Bộ Văn hóa cử đi giúp việc cho Đoàn Ca Múa T.Ư. tham gia đoàn đại biểu ta đi dự "Festival" (Liên Hoan Sinh viên và Thanh niên Thế giới) lần thứ VII ở Vienne (Áo). Chưa hết ! Theo kế hoạch, sau Festival, Đoàn Ca Múa Trung ương sẽ tách ra khỏi Đoàn đại biểu Thanh niên và Sinh viên, tiếp tục đi biểu diễn ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và một số nước ở Nam Á, trước hết là Ấn Độ và Miến Điện… Ôi, sao tôi lại có thể may mắn đến thế nhỉ ?
Và "phúc bẩy mươi đời", chuyến đi này lại tiến hành sau chuyến đi dự cuộc "Gặp Gỡ và Trao đổi kinh nghiệm" kia ở Moskva.
Khi nhận Hộ chiếu, để khỏi hồ nghi vì sự thật nằm ngoài mọi mơ tưởng của tôi, tôi lật trang xem, thấy ở mục "Nơi đến" ghi "đi tất cả các nước" chứ không phải chỉ đi Liên Xô, có nghĩa Hộ chiếu dùng cho cả hai chuyến đi.
Tôi hồi hộp chờ đến ngày lên đường. Hồi hộp đến nỗi tuy không mê tín nhưng tôi vẫn khấn Trời, Phật và tổ tiên phù hộ cho không bị cơ quan tổ chức thay đổi quyết định. Chắc hẳn Trời, Phật, Tổ tiên đã nghe thấy lời khấn, cho nên mọi sự đã diễn ra trót lọt.
*
Trước khi lên đường, tôi thống nhất với Đoàn Ca Múa là sau cuộc "Gặp gỡ" của Hội Sân khấu Toàn Nga, tôi sẽ ở lại Moskva chờ Đoàn sang để cùng đi dự Festival.

2. Chuyến đi dự Hội thảo quốc tế ở Moskva

Nỗi hồ nghi vẫn tồn tại và khi đoàn tầu hỏa liên vận chuyển bánh, rời khỏi sân ga Hà Nội, tôi vẫn chưa thật yên tâm. Biết đâu cơ quan Tổ Chức bỗng thay đổi quyết định, gạch tên tôi thay bằng một cái tên ai, và khi tầu chưa đến biên giới, đã có điện hỏa tốc yêu cầu tôi ở lại ! Cách làm việc của cơ quan tổ chức tôi đã quá rõ, sau thời gian "ngu ngơ" (mượn cách nói của nhạc sĩ Tô Hải). Chỉ đến khi đoàn tầu lăn bánh qua đường biên giới Việt - Trung tôi mới thở phảo nhẹ nhõm.
Vốn từ nhỏ đã khao khát đi đây đi đó, tôi bàng hoàng sung sướng ngắm nhìn phong cảnh Trung Hoa ngoài cửa sổ. Một loạt địa điểm tôi chỉ được thấy trên sách báo thì nay hiện ra trước mắt : Bằng Tường, Quế Lâm, Liễu Châu, Vũ Hán… Đây rồi, con sông Dương Tử nổi tiếng. Bao địa danh từng nghe thấy nay lần lượt hiện ra trước mắt. Những phong cảnh lạ lẫm… Cuối cùng, đoàn tầu tiến vào ga Bắc Kinh. Dạo chơi một ngày ở Thủ đô Bắc Kinh, vào xem Cố Cung, nhiều địa điểm nổi tiếng khác, hôm sau chúng tôi ra ga để tiếp tục cuộc "du hành". Chúng tôi được chuyển sang đoàn tầu Liên Xô. Các cu-pê rộng rãi hơn. Nhân viên phục vụ đều là người Nga. Cả chị trực toa mang trà đến.
Rồi ngoài cửa sổ hiện ra những khúc quanh của Vạn Lý Trường Thành, rồi đến biên giới Liên Xô. Tầu chạy suốt cả đêm cả ngày. Tôi được ngắm hồ Bai-kan bao la, quang cảnh Xi-bê-ri mênh mang, với những cánh rừng bạch dương, rừng thông nối tiếp nhau hàng chục cây số… rồi dặng Núi Uran, bắt đầu vào địa phận nước Nga…
Đến ngày thứ chín của cuộc hành trình tính từ Hà Nội, chị phục vụ toa bảo tôi : "Tối nay tầu sẽ đến Moskva. Đến đấy "mày" (lối phiên dịch thông dụng của sinh viên ta) sẽ thấy con gái Thủ đô không xấu xí, béo tròn như "tao" đâu, mà mảnh dẻ, đều đẹp như thần Vệ Nữ cả đấy."
Chiều muộn hôm ấy, đoàn tầu Liên vận Vladivostok-Moskva giảm tốc, từ từ chạy vào ga Komsomolskaia. Trời nhá nhem tối. Hai chúng tôi đang thu dọn hành lý để xuống thì một người đàn ông cao, gầy, có chòm râu cắt nhọn, tôi thấy rất giống văn hào Dostoevski, trong bộ âu phục cắt may rất đẹp, hiện ra giữa khung cửa cu-pê.
- Các đồng chí là đại biểu Việt Nam ? - Ông hỏi.
- Zdrastvuichie ! Chào đồng chí, - Nghệ sĩ Trần Bảng vui vẻ đưa tay bắt và đáp bằng từ tiếng Nga anh mới học được.
- Tôi là người của Hội Sân khấu Toàn Nga có nhiệm vụ ra đón các đồng chí. Tên tôi là Deysmor. Hơi khó phát âm, xin nhắc lại : Deysmor, đồng chí Deysmor.
- Deysmor, Deysmor ! Họ của đồng chí không có vẻ Nga, - Trần Bảng nhận xét và tôi dịch lại.
Ông ta cười :
- Hẳn đồng chí nghĩ họ Nga âm cuối phải là "ốp" hoặc "in" chứ gì ? Có rất nhiều họ Nga không có một trong hai cái đuôi ấy. Như họ của tôi chẳng hạn. Cũng rất có thể tổ tiên tôi không phải người Nga. Tôi nghe thì hình như dòng họ của tôi gốc Đức. Ở Liên Xô, có rất nhiều người không phải gốc Nga.
Tôi dịch. Nghe xong Trần Bảng cười thân thiện :
- Tôi hiểu.
Deysmor nói :
- Mời hai đồng chí ra xe.
Ông dẫn chúng tôi xuống sân ga đông nghịt, rồi nắm tay tôi, và tôi nắm tay anh Bảng, lách qua đám đông, len lỏi đi ra phía ngoài. Một chiếc xe Volga đen đã chờ sẵn bên vỉa hè.
Khi đã ngồi êm ái trong xe, Deysmor nói :
- Hình như đây là lần đầu tiên hai đồng chí đến đất nước Xô-viết của chúng tôi. Bây giờ còn sớm, thời tiết Mùa Hè lại rất dễ chịu. Đang là thời điểm đẹp nhất trong năm của nước Nga chúng tôi. Nếu hai đồng chí không mệt, chưa cần về khách sạn nghỉ, tôi mời hai đồng chí tham quan thành phố Moskva, niềm tự hào của người xô-viết chúng tôi, và cũng để hai đồng chí có một cái nhìn bao quát về nó. Sau đấy ta sẽ đến khách sạn.
Tất nhiên hai chúng tôi đồng ý.
Chiếc xe êm ru đưa chúng tôi đi vòng vèo các đường phố sáng ánh đèn. Deysmor giới thiệu :
- Vửa rồi là Quảng trường Komsomolskaya. Lát nữa chúng ta sẽ đến Quảng Trường Đỏ… Đây rồi. Kia là Lăng Lê-nin. Trong chương trình làm việc của Hội thảo, có mục thăm lăng, hai đồng chí sẽ có điều kiện ngắm nghía nó tỷ mỷ và chiêm ngưỡng xác ướp của hai lãnh tụ, Lê-nin và Stalin, hôm nay chúng ta ngó qua phía ngoài. Bên kia Quảng Trường Đỏ là cửa hàng Bách hóa Tổng hợp G.U.M, cái tên chắc các đồng chí đã từng nghe thấy…
Xe tiếp tục chạy. Deysmor giới thiệu tiếp :
- Trước mặt chúng ta là Tòa cao ốc của Bộ Ngoại Giao, lát nữa chúng ta sẽ đến Quảng trường Nhà hát Bolshoi. Đây rồi. Nhà hát này nổi tiếng về các tiết mục ba-lê và opera. Bên cạnh là Nhà hát Malyi, với tượng đài nhà viết kịch vĩ đại của nước Nga Alexandr Ostrovskyi… Đây rồi, Quảng trường Maiakovski… Sông Moskva, Thư viện Quốc gia mang tên Lê-nin, một trong những thư viện lớn nhất thế giới và cũng là một trong những niềm tự hào của người xô-viết chúng tôi.
Rồi ông điểm tiếp :
- Nhà hát Maiakovski, Nhà hát Gogol, Quảng trường Arabat…
Tôi tưởng như mình lạc vào cõi Tiên, nơi chỉ có thể đến trong giấc mơ… Sau khi đi một vòng khắp thành phố, đêm đã khuya, xe đậu lại trước thềm cao, nhiều bậc, của một cao ốc, đèn thắp sáng chưng.
- Hai đồng chí sẽ nghỉ ở Khách sạn này…
Tôi thán phục ngước nhìn tòa nhà cao chót vót.
- Khách sạn này được đặt tên là khách sạn "Ukraina". Cả Liên Xô chỉ có hai tòa nhà cao 30 tầng, một là Khách sạn này và hai là Trường Đại học Tổng hợp Lômônossov, rất tiếc là chúng ta chưa đến được đấy vì Trường nằm trên "Đồi Lê-nin", khá xa, không tiện đường, và đêm cũng đã khuya. Hai đồng chí đi đường xa hẳn đã mệt, cần nghỉ. Cả hai tòa nhà đều được xây dựng và khánh thành mới cách đây hai năm, để đón đại biểu thanh niên và sinh viên năm châu đến tụ hội, tham dự Festival lần thứ VI, tổ chức tại Moskva…
Deysmor mở cửa xe, mời chúng tôi ra rồi dẫn vào khách sạn… 

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: