Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ*

(Trích Hồi ký của một người "Bên thắng cuộc" )

1. Sau "Giải phóng Thủ đô"

Năm 1954, nước ta ra khỏi cuộc Kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ dẫn đến hòa bình trên một nửa đất đai của Tổ quốc. Nhân dân Hà Nội cầm cờ đỏ sao vàng phấn khởi đón chính quyền và quân đội "của ta" trở về "giải phóng". Nhưng chỉ vài hôm sau thì họ đau đớn nhìn thấy bao hy vọng tươi sáng bị dập tắt một cách phũ phàng. Những người chiến thắng lập tức hiện nguyên hình thành kẻ tàn bạo. Không khí bắt đầu ngột ngạt.
Dân chúng Hà Nội mới hôm qua còn hớn hở, thì nụ cười chưa kịp nở hết đã vụt tắt, thay bằng cái nhăn mặt trước những hành vi phũ phàng, thô bạo và tàn nhẫn của chính quyền "cách mạng"… Những gia đình có con em hy sinh trong cuộc chiến đấu "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" đang phấn khởi, hy vọng sẽ được đền đáp, đã thấy ngay mình mơ tưởng hão. Doanh nghiệp nhỏ bé của họ bị đóng cửa, nhà của họ bị trưng dụng… Những ai đang ở trong tòa nhà lớn bây giờ chỉ còn được sử dụng một gian phòng nhỏ cho 5-7 người chen chúc…

Người Hà Nội đón mừng bộ đội về Thủ Đô ...
Nỗi đau len lỏi vào mọi gia đình. Một trong những bạn cùng quê và cùng học một lớp Trường Tiểu học Đáp Cầu và có chút quan hệ họ hàng với tôi, vốn chỉ là nhân viên kế toán của một cơ quan quân sự Pháp mà bị gọi đi tập trung để "học tập", mà ai cũng hiểu là đi tù. Bà mẹ cậu ta chạy đến gặp ông em ruột, đang ở cương vị Ủy viên Bộ Chính trị ĐLĐVN, hồi 1944-1945 từng là nhân vật huyền thoại mà bọn nhóc chúng tôi thì thầm báo cho nhau biết với vẻ mặt đầy ngưỡng mộ kèm theo niềm tự hào : "Ông ấy bây giờ cấp to lắm, to nhất nước, là Chủ tịch Mặt trận Việt Minh, chính là người làng ta đấy… (Lúc ấy chưa nhiều người biết về "Cụ Hồ").
Bây giờ (năm 1954) ông là Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Ruộng đất, trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo Thí điểm Thái Nguyên, đã ra lệnh đấu tố, rồi xử bắn bà Nguyễn Thị Năm, địa chủ kiêm tư sản Kháng Chiến, người đã tự nguyện đóng góp bao nhiêu công của cho Cách mạng, đã giúp đỡ bao nhiêu bộ đội, và có cả con là sĩ quan trong quân đội đang tại ngũ…
Bây giờ bà mẹ cậu bạn tôi tìm đến cầu cứu ông em ruột đầy quyền lực, nhờ ông "nói một câu" để cậu bạn tôi khỏi phải đi "tập trung". Bà hết sức ngạc nhiên thấy ông em quyền lực vô biên kia thoái thác, tất nhiên lấy lý do : "đây là chủ trương chung… cháu nó đi học tập ít lâu rồi lại về thôi mà, chị yên tâm !"
Về sau nhớ lại và tự phân tích, tôi đoán lúc ấy Cải cách Ruộng đất do ông chỉ đạo vừa bị phát hiện đã phạm nhiều sai lầm quá lớn, đã vu oan và xử tử hình bao nhiêu cán bộ cốt cán của Đảng, và tuy vẫn có chân trong Bộ Chính trị, nhưng uy thế của ông giảm sút rất nhiều (năm sau, ông bị loại ra khỏi Bộ Chính trị)…
Cũng cần nói thêm đôi lời về ông, người làng, đã từng là bạn cùng học Tiểu học với cha tôi. Sau khi bị thất sủng, ông về sống ở quê nhà, tôi có dịp gặp, thấy ông hoàn toàn không phải người nhẫn tâm, trái lại, bản chất hiền lành, khiêm tốn (tôi tin không phải ông thất thế nên như thế, mà đấy là bản chất của ông, đã bị cái lý thuyết Mác-xít kia biến thành tàn bạo, dối trá…) Nhân đây bỗng tôi nhớ đến lý thuyết về "tha hóa" của Mác. Chính ông bác họ của tôi kia đã bị cái lý thuyết Mac-Lê ác độc ấy "tha hóa". Tính ông hiền lành, sinh hoạt lại giản dị, sống thanh bạch, và trong xử sự rất chân thành, độ lượng, thậm chí thật thà, chất phác nữa. Sau này khi được tiếp xúc nhiều, tôi càng hiểu cái lý thuyết Mác-xít kia đã tha hóa con người ta đến mức nào, không phải chỉ ông mà hầu hết người tốt ở xã hội ta.
Trở lại chuyện năm 1954, năm Chính phủ ta về tiếp quản Hà Nội. Không nói đến ai khác nữa mà nói ngay đến chú ruột của tôi, cũng rơi vào đúng hệt tình trạng như cậu bạn tôi : là nhân viên kế toán nhưng lại trong một cơ quan quân sự Pháp, ông cũng bị yêu cầu "tập trung học tập" (thực chất là đi tù - gọi theo cách lừa bịp là "học tập", "cải tạo"). Nhưng là cột trụ của gia đình, người kiếm tiền duy nhất để nuôi thím tôi và ba em đều còn nhỏ, ông thấy không thể đi "tập trung", bỏ mặc vợ con đói khát, nheo nhóc. Tận dụng mọi mối quen biết và không nề vất vả, sẵn sàng chịu đựng mọi khốn khổ, thậm chí nhục nhã, tốn kém, ông mới chạy được "thoát" chuyện "tập trung". Tôi nhớ một lần tôi về thăm nhà, bắt gặp mẹ tôi đang khóc. Thấy con trai, mẹ tôi vội lau nước mắt. Tôi hỏi : "Mẹ làm sao thế ?" Mẹ tôi đáp : "Chú T. vừa ở đây, chú ấy kể những chuyện không thể ngờ. Mẹ không biết chú ấy khốn khổ, vất vả, gian truân đến thế. Hồi mẹ mới về làm dâu ông bà nội, chú ấy là út, được cưng chiều hết mực. Muốn gì được nấy, cả nhà dành mọi ưu tiên cho chú ấy. Mẹ nghe chú ấy kể mà không cầm được nước mắt. Nhờ ơn Trời Phật, Tổ tiên, bố con không bị rơi vào tình trạng của chú ấy. May hồi dinh tê về Hà Nội để gặp bà nội lần cuối cùng rồi chôn cất bà, bố lại chạy được chân dạy học, không phải đi lính, chỉ phải vay một khoản tiền để đút lót sau trả dần. Với lại nhờ ba anh em con là bộ đội, gia đình được tặng bảng vàng danh dự, tuy chỉ là "hão" nhưng cán bộ tổ dân phố cũng vì nể đôi chút, đỡ hành…"

Những ngày đen tối ...
Mọi tự do, mọi quyền sống ở Hà Nội nói riêng và Miền Bắc nói chung bị bóp nghẹt. Tiếp đến là những tin tức khủng khiếp về sự tàn bạo, độc ác, dã man trong cái gọi là "Cải cách Ruộng đất" truyền đến tai.
Nỗi thất vọng cay đắng lan tràn, những cách đối xử vô lý, tàn nhẫn mỗi ngày một gia tăng. Không khí ngột ngạt bao vây bốn bề, tâm trạng lo lắng hiện lên trên nét mặt của "người vùng tạm chiếm", dần dà lan sang cả những người đã tham gia kháng chiến.
Rồi đột nhiên !
Những tin tức sáng sủa từ Liên Xô vọng đến, như một tia nắng mảnh mai lọt vào căn nhà đang tối đen. Người ta thì thầm truyền cho nhau, từ chỗ nửa tin nửa ngờ đến biết chắc, niềm hy vọng cứ tăng dần. Mỗi lần những tin tức nức lòng người từ Liên Xô đưa đến càng tăng thêm niềm hy vọng ấy.
Tôi không sao quên được, vào những năm 1955, 1956, đi đâu cũng nghe thấy những lời thầm thì háo hức về bản báo cáo mật của vị lãnh tụ mới của Liên Xô. Rồi những tin tức về Đại hội XX, về bản báo cáo của Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô, bài nói chuyện của Bí thư Thứ nhất Nikita Khrusov với văn nghệ sĩ… cùng những văn kiện "nức lòng người" của cái Đại hội kỳ diệu ấy, được người này rỉ tai người khác, nhờ đọc báo nước ngoài hoặc nghe lén trên các đài phát thanh "tư bản".
Cuối cùng những lời đồn đại ấy được khẳng định, đăng một phần trên báo chí "nhà nước" khiến không ai phải bán tín bán nghi nữa. "Thế là đã rõ ! Liên Xô đã chuyển, chắc chắn "ta" cũng sẽ chuyển theo thôi ! Ôi, sung sướng quá." Tôi đã thấy có những người khóc vì sung sướng.
Rồi đến tin Trung Quốc công bố đường lối "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", nghĩa là Tàu cũng "chuyển".
Liền sau đấy, tin hàng chục vạn tù nhân chính trị ở Liên Xô được phóng thích, tin Chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô, cây bút cách mạng mẫu mực Fedor Fadeev, vẫn được biết là lãnh tụ cuả nền văn học nghệ thuật không chỉ xô-viết mà của cả "phe ta", tác giả cuốn tiểu thuyết "Đội Cận vệ Thanh niên" tác phẩm khuôn mẫu của phương pháp sáng tác "hiện thực xã hội chủ nghĩa" tự sát "vì hối hận"… Rồi một loạt phim "nói lên sự thật" liên tiếp được công chiếu ở các rạp Hồng Hà, Tháng Tám, Đại Nam, Mê Linh… người xếp hàng mua vé đông như trảy hội. Họ sẵn sàng chờ đợi cả buổi để mua vé vào xem "Bài ca người lính", "Người thứ 41", "Khi đàn sếu bay qua"…
Và như báo trước một sự thay đổi lớn lao và đang dược mong mỏi, những sai lầm trầm trọng trong Cải cách Ruộng đất bị "lãnh đạo ta" công khai phanh phui. Đảng Lao động và Chính phủ nhận sai lầm, tuyên bố tiến hành "sửa sai". Tổng bí thư từ chức. Không khí phấn khởi và hy vọng lan tràn khắp nơi. Ai ai cũng hướng về phía Liên bang Xô viết nghe ngóng, tin tưởng và hồi hộp chờ đợi. Tâm trạng ấy lây lan đặc biệt nhanh nhạy trong tầng lớp trí thức và văn nghệ sĩ.
Như kết quả của sự chuyển biến, tháng 9 năm 1956, báo Nhân Văn, tờ báo tự do đầu tiên ra số một, mọi người tranh nhau mua, ai chưa mua được thì tìm cách mượn đọc. Cả Giai phẩm, số đầu ra trót lọt cuối năm 1955 đã bán chạy như tôm tươi, nay ra tiếp số thứ hai đầu năm 1956, lấy tên "Giai phẩm Mùa Xuân". Trên các trang báo "tự do" ấy, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ hàng đầu như Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán… lên tiếng phê phán lối lãnh đạo kiểu "kiểm duyệt từng chữ", lối đối xử với con người theo lý lịch, phân biệt người trong đảng với người ngoài đảng, lối "đem bục công an đặt giữa trái tim người" (ý một bài thơ của Lê Đạt), vv và vv…
Nhiều chi đoàn thanh niên tự động lập ra "báo tường" để mọi người tự do phát biểu, vạch trần những xử sự vô lý, bất công, những biểu hiện mất dân chủ ở cơ quan, đơn vị. 
Niềm hy vọng sắp được "giải thoát" ấy đang lan nhanh như sóng biển, đột nhiên bị chặn lại. Ngọn lửa hy vọng mới nhen nhúm nhanh chóng bị dập tắt khi báo Nhân Dân đăng bài lên án báo Nhân Văn và Giai phẩm là phản động ! Nỗi hoang mang quay trở lại rồi lan nhanh với tốc độ còn dữ dội hơn.
Ôi, cái thời thế này đến là lạ ! Vui buồn chen lẫn nhau. Sáng vui, chiều đã buồn, rồi lại vui, rồi lại buồn… mà vui thì như nổ trời, buồn thì chỉ muốn kiếm sợi dây thừng thắt vào cổ cho xong cuộc đời khốn nạn này. Đâu dâu cũng thấy tâm trạng hoang mang, bế tắc. Những ai "chót dại" chưa bị ra tòa vội vàng "xám hối" hoặc "bỏ chạy". Tôi có ông anh rể (chồng chị con cô con cậu với tôi ) lúc ấy chưa lấy chị tôi, đang là Bí thư Chi đoàn Thanh niên Lao động, và đang phấn đấu để vào Đảng. Bỗng một hôm Bí thư Chi bộ gọi lên, hỏi :
- Cậu có định vào Đảng không đấy ?
- Sao lại không, anh hỏi gì lạ vậy ?
- Thế tại sao cậu lại viết báo tường phê phán lãnh đạo ?
Ông anh rể tương lai của tôi hoảng quá, tính chỉ còn cách là "chuồn". Đang làm ở Bộ Tài Chính, có nhiều triển vọng, anh xin đi học… Đại học Y (vì cho rằng nên dựa chính vào nghề nghiệp), và bắt đầu sống rất ngoan, từ bỏ ý định "làm người". Ngoan ngoãn chăm chỉ học tập, anh được kết nạp Đảng, và sau khi tốt nghiệp Trường Y, nhờ có cái thẻ Đảng và rút được kinh nghiệm "đấu tranh tránh đâu" anh lên dần, đến chức Giám đốc Sở Y tế Hà Nôi, oai như cóc ! Và nhiều người ngạc nhiên thấy đúng tuổi là anh về hưu, không khai man tuổi hoặc chạy chọt để hưởng lương nhà nước thêm vài năm nữa như rất nhiều đồng sự thường làm. Tôi còn nhớ, sau khi về hưu, thấy tôi làm nghề viết văn, anh ngỏ ý muốn nhờ tôi đọc cho cuốn truyện của anh để tôi nhuận sắc. Anh nói, đấy là một cuốn "toàn sự thật". Anh hẹn sẽ đem bản thảo đến nhà tôi, nhưng tôi đợi mãi không thấy anh đến. Về sau tôi nghe loáng thoáng là bà chị họ tôi can, phần vì sợ liên lụy đến con cái, phần vì từ lâu chị vẫn không ưa tôi và không muốn chồng quan hệ thân thiết với tôi… Nay anh đã mất, không biết bản thảo cuốn truyện "toàn sự thật" ấy bây giờ ở đâu hay bị vợ con hủy rồi. Nhân đây cũng nói thêm. Về hưu được vài năm, anh bị ung thư gan. Bạn bè khuyên anh mổ, và bản thân anh cũng là người ngành y, nhưng anh nhất định từ chối. Rất có thể anh làm trong ngành y, biết nếu có mổ cũng không hơn gì, nhưng tôi vẫn có cảm giác anh thấy mình đã hèn nhát không dám sống theo ý mình thì sống nhiều làm gì !

Trở lại tình hình thời điểm 1955-56. Các cây bút đang được hâm mộ, các tác giả viết bài trên báo "Nhân văn" và " Giai phẩm" lần lượt bị bắt và kết án án tù rất nặng. Bây giờ thì các tin đồn lại đổi chiều. Người ta thì thầm với nhau, người này đã bị bắt, người kia đang bị điều tra, người nọ đã nhận tội… 
(Còn tiếp)
Dinhphong Vu (Facebooker)
Ghi chú: * - Các tiêu đề của NSGV

Không có nhận xét nào: