Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Giáo sư Zubov: Putin không phải Hitler nhưng sai lầm khủng khiếp

Andrej Borisovic Zubov, hiện vẫn là Giáo sư của Viện quan hệ quốc tế quốc gia Mátxcơva (MGIMO) 

Phỏng vấn- Tháng Ba vừa qua, Andrej Borisovic Zubov, hiện vẫn là Giáo sư của Viện quan hệ quốc tế quốc gia (MGIMO), đã công bố bài viết chỉ trích việc sát nhập Crimea của Putin vào Nga và so sánh nó giống như những hành động  của nước Đức Hitler năm 1938. Ngay sau đó ông nhận được quyết định sa thải từ MGIMO, nơi từng đào tạo những thế hệ cán bộ ngoại giao cao cấp của Nga. Tuy nhiên, không lâu sau lại có tin, quyết định sai thải ôngđược hủy bỏ. Sang Praha dự hội nghị nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Diễn đàn Hữu nghị Đông Âu, ông đã có bài trả lời phỏng vấn với báo Echo24.

Echo 24: Ông có dời khỏi MGIMO hay không? Chúng tôi được biết có xuất hiện những tin phản đối.

Andrej Zubov: Ngày 24 tháng 3, ngay sau khi viện trưởng MGIMO ký quyết định buộc tôi thôi việc, trên báo chí đã xuất hiện nhiều phản ứng tiêu cực. Thậm chí, cả chủ tịch ủy ban nhân quyền trực thuộc tổng thống cũng có đề nghị viện trưởng phải cung cấp các tài liệu và nguyên nhân liên quan tới việc sa thải tôi. Và sau đó, họ ra tuyên bố, rằng quyết định này là phạm pháp, là vi hiến và nó vi phạm một số điều luật dân sự kể cả luật lao động. Rồi viện trưởng mời tôi đến và hỏi: Chúng ta sẽ làm gì? Một câu hỏi rất thú vị, đúng không? Vậy thì, chúng ta sẽ làm gì đây? Viện trưởng quyết định hủy quyết định sai thải tôi và bởi vì hợp đồng lao động 3 năm của tôi còn giá trị đến 30 tháng 6 nên ông đồng ý cho phép tôi rời khỏi  MGIMO sau khi hợp đồng hết hạn. Có điều, từ nay tới đó tôi không được thực hiện công việc giảng dạy và không được tiếp xúc với sinh viên.Tức là tôi, tuy là giáo sư nhưng không được giảng dạy, một tình trạng hết sức đặc biệt. Tôi vẫn nhận lương, nhưng không được tạo điều kiện để thực hiện chức năng giáo dục của mình.

Echo 24: Điều gì sẽ xảy ra sau 30 tháng 6?

Andrej Zubov: Thực ra, trước sự kiện này hợp đồng đáng lẽ sẽ được gia hạn, tôi cũng đã nộp đầy đủ các giấy tờ cần thiết. Giờ đây, tôi có thể chắc chắn là họ sẽ không thực hiện điều đó và tôi sẽ không có hợp đồng giảng dạy. Báo Novaja Gazeta có mời tôi làm bình luận viên, họ hứa trả tôi lương cao hơn so với MGIMO, khó khăn về tài chính tôi không phải lo lắng. Có điều, trước hết bản thân tôi là người giáo viên, tôi muốn được tiếp tục giảng dạy, dù không dạy ở MGIMO thì có thể ở các trường khác ở Moskva. Tôi không muốn rời khỏi Moskva và tôi không có ý định bỏ nước Nga ra đi. Tôi nghĩ, trách nhiệm của tôi là phải ở lại đất nước của mình. Cho dù tình hình không được tốt và không thoải mái, vẫn cần phải ở lại.

Echo 24: Những người xung quanh và dư luận phản ứng việc sa thải ông ra sao?

Andrej Zubov: Hơn 150 sinh viên của tôi đã ký thư gửi cho viện trưởng, trong thư họ yêu cầu để tôi được trở lại giảng dạy ở trường. Khoảng 50 cựu sinh viên của tôi, hiện họ là những luật sư, những doanh nhân đã  tổ chức một cuộc tập trung ở gần viện và cuộc tập trung này không hề bị giải tán, ngược lại ông viện trưởng còn mời họ đến gặp và giải thích quan điểm của ông. Và một thư phản đối sau đó có hơn 7000 chữ ký gồm có nhiều các nhà khoa học tham gia. Một trong những giáo sư quen tôi, bà Ella Kolesnikova thậm chí đã tuyên bố từ chức để phản đối quyết định sai thải tôi. Rồi một giáo sư nữa cũng định làm như vậy, nhưng tôi đã can ông và đề nghị ông phải tiếp tục giảng dạy. Sau đó ông viết thư  ngỏ và công bố trên mạng. Hiện ông vẫn đang giảng dạy nhưng sau đó thì tôi không biết liệu ông sẽ có được  tiếp tục giảng dạy nữa hay không. Điều đó chứng tỏ mọi người phản ứng khác với thời Xô-viết. Hoàn toàn khác. Và đó là một kết quả thú vị từ trải nghiệm của tôi. Và một phần nào tôi cũng coi nó như một thí nghiệm với chính bản thân mình. Cũng như trong quá khứ, có những bác sĩ đã từng mang thân mình ra làm vật thí nghiệm cho một loại thuốc mới được phát triển. Và trải nghiệm của tôi chỉ ra rằng, xã hội chúng ta đã thay đổi. Tuy giới chính khách không thay đổi nhiều, nhưng điều đó không phải có giá trị cho tất cả. Ví dụ rõ hơn nữa là bức thư nói trên do chính ông Michail Fedotov, chủ tịch của ủy ban nhân quyền trực thuộc phủ tổng thống đã viết. Và người chuẩn bị các cơ sở liên quan để soạn nội dung bức thư đó là ông Vladimir Mironov, một trong những luật gia hàng đầu về quyền lao động.

Echo 24: Trong bài viết của mình, ông viết rằng hành động sát nhập Cremia làm ông liên tưởng tới những gì xảy ra  năm 1938 và cuộc xâm lược vùng Sudet của Hitler. Vậy người dân Séc và người dân các nước hậu Xô viết có phải lo lắng không? Liệu Putin có đi tiếp về hướng Tây?

Andrej Zubov: Tất nhiên là không, Putin không mạnh như vậy, Putin không phải là Stalin hay Hitler và nước Nga thực tế đang trong thời kỳ chính trị ốm yếu và thậm chí quân đội Nga cũng không mạnh như vậy. Vì thế, không thực tế khi cho rằng sẽ có một cuộc đổ quân chiếm đóng vào các vùng Đông Âu. Tuy nhiên, Putin cũng chỉ ra rằng ông ta có đủ sức mạnh để duy trì một áp lực trong khu vực các nước có cùng đường biên giới với Nga – những quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết.  Tôi viết trong bài đó, rằng chúng ta có thể chiếu qua sự kiện này để thấy kết hợp của chính sách ăn cướp của thời kỳ quốc xã với học thuyết Breznev. Các bạn ở đây, ở CH Séc biết rất rõ, rằng cuộc chiếm đóng năm 1968 là một trong những điển hình của học thuyết này, học thuyết về chủ quyền có giới hạn. Tất nhiên, ngày nay nó không thể áp dụng với các nước thành viên của khối NATO như Séc, Ba Lan. Nhưng với các nước hậu Xô Viết, không là thành viên khối NATO hay thuộc Liên minh châu Âu thì tình hình sẽ khác. Sau cách mạng ở Kiev, khi Ucraina quyết định đi theo con đường chủ quyền tự quyết, ngay lập tức Putin đã có nhiều hành độngvới mục đích thay đổi chính phủ ở đó. Nhưng ông ta không thành công và vì thế ông quyết định triển khai cách khác: Chiếm đóng một phần lãnh thổ của Ucraina, tạo dựng nên những bất ổn xã hội và làm hỗn loạn tình hình, bởi ông ta muốn Ucraina phải trở lại thuộc Nga, phải thuộc vùng ảnh hưởng của hậu Xô Viết. Phải nằm trong một liên bang Á-Âu, một cái tên nghe thật khó chấp nhận.

Echo 24: Trên báo chí, truyền thông Séc và cả trong dư luận, dân chúng cũng lo lắng đặt ra câu hỏi liệu Putin có thể viện cớ bảo vệ công dân Nga ở nước ngoài như ở thành phố Karlovy Vary (thành phố điện ảnh Séc, nơi có rất đông dân Nga sinh sống- ND) chẳng hạn, để biện minh cho việc tiến hành những hành động tương tự trong tương lai?

Andrej Zubov: Không, đó chỉ là chuyện tếu mà thôi. Tính nghiêm trọng trong tình hình hiện nay nằm ở chỗ khác. Nếu Putin được quyền thực hiện việc sát nhập vào Nga những vùng lãnh thổ có người nói tiếng Nga sinh sống, thì các dân tộc khác họ cũng có quyền làm điều đó. Thí dụ như ở Hungari, có rất nhiều người hỏi: tại sao Putin làm được mà họ lại không thể thống nhất hàng nghìn người Hung đang sống ở Rumani, Slovakia hay thậm chí cả ở Ucraina, ở vùng Kavkaz? Và vấn đề sẽ còn xảy ra ở nhiều nơi khác nữa. Bạn có biết ngay ở Đức, ngày nay vẫn có những nhóm người đang nghĩ lại thời kỳ Sudet. Điều này còn liên quan tới việc phá vỡ sự ổn định toàn châu Âu và cả hệ thống thế giới sau chiến tranh, bởi vì những gì xảy ra ở Crimea sẽ là một tiền lệ. Và một khía cạnh khác rất quan trọng. Năm 1994, Ucraina chấp thuận từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ba cuờng quốc hạt nhân là Mỹ, Anh và Nga đã tham gia quá trình đàm phán cam kết giải thể vũ khí hạt nhân. Và nay, thì chính một trong 3  nước tham gia cam kết lại tiến hành xâm lược một phần lãnh thổ của nước được cam kết bảo vệ. Từ đó có thể suy ra rằng, bất cứ nước nào, nếu có thể sẽ bằng mọi cách sở hữu vũ khí hạt nhân, bởi vì chỉ có sở hữu vũ khí hạt nhân thì mới có khả năng bảo vệ chủ quyền của mình. Đây chính là tiền lệ. Không ai ưa gì chế độ Bắc Triều Tiên, nhưng không ai muốn thay đổi nó bởi vì Bắc Triều Tiên có bom, có vũ khí hạt nhân.

Echo 24: Vậy ông đồng ý với quan điểm của một số chính trị gia cho rằng khủng hoảng hiện nay ở Ucraina là khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau 1945?

Andrej Zubov: Chắc chắn. Lần đầu tiên chúng ta chứng kiến sự phá vỡ và làm xáo trộn trật tự của châu Âu sau chiến tranh. Một khủng hoảng nghiêm trọng cũng từng đã xảy ra là sự kiện Cu Ba năm 1962, nhưng chỉ xảy ra trong khoảng thời gian rất ngắn và được giải quyết chỉ sau ít ngày. Hiện nay, chúng ta đang là nhân chứng của một khủng hoảng rất nghiêm trọng và sẽ kéo dài.

Echo 24: Danh tiếng của nước Nga trong rất nhiều người dân Séc từ lâu đã không được mấy tốt đẹp, bây giờ có lẽ sẽ còn đi xuống nữa.

Andrej Zubov: Tôi nghĩ, dư luận Séc cần hiểu rằng chính quyền Putin không phải là nước Nga. Tất nhiên, nhiều người Nga, kể cả báo chí, truyền thông  đang bị thôi miên bởi chính quyền Putin và chính sách bạo lực của ông ta. Nhưng trong một quan điểm xa hơn, người Nga đã nhận thấy rằng thay bằng xây dựng một mối quan hệ láng giềng hữu nghị và thân thiện với Ucraina, với EU hay cả với CH Séc, thì việc xâm chiếm lãnh thổ Ucraina là một sai lầm nghiêm trọng trong chính sách đối ngoại của nước Nga và của chính tổng thống của họ.

Echo 24: Một số ý kiến cho rằng có việc áp dụng 2 thước đo khác nhau trong phán xét sự kiện Crimea và cuộc khủng hoảng Ucraine. Thí dụ, người Mỹ cũng xâm chiếm Irak và chiếm đóng Aganistan nhiều năm. Tuy không làm y hệt như người Nga, nhưng họ làm một cách khôn ngoan hơn?

Andrej Zubov: Irak hay Afghanistan là những trường hợp hoàn toàn khác. Irak hay Afghanistan không hề được sát nhập vào nước Mỹ và chẳng có thay đổi nào với đường biên giới sau chiến tranh Thế giới thứ Hai ở châu Âu hay nước Mỹ. Chiến tranh ở Afghanistan như một phản ứng xảy ra sau cuộc tấn công vào tòa tháp đôi ở New York. Chính quyền Saddam Husajin là chính quyền kinh tởm và khát máu, tất nhiên việc đưa quân đội đến thay thế nó bằng vũ lực có thể không được cho là khôn ngoan. Tình hình ở  Ucraina, tôi có cái nhìn khác. Sau khi chính quyền tham nhũng, thối nát của Yanucovych bị cách mạng Kiev thay thế bằng một chính quyền dân chủ, hướng tới châu Âu thì Putin tìm mọi cách để thay thế nó. Trong khi trước đó ông ta không hề phản ứng hay phê phán gì chính quyền của Yanucovych. Còn người Mỹ tìm cách giải thể chính quyền Saddam, nguồn gốc của bạo lực và nguy hiểm cũng như tổ chức Taliban.

Echo 24: Có thời khắc nào trong lịch sử  quan hệ Séc – Nga làm ông tâm đắc?

Zubov: Tôi thấy có 2 sự kiện thú vị và tích cực nhất trong quan hệ của Séc- Nga. Đó là việc ủng hộ của Tiệp Khắc đối với quân bạch vệ sau thời kỳ cách mạng Bolsevich. Không có sự ủng hộ đó thì các tổ chức chống cộng sản ở vùng Siberi và vùng châu thổ sông Volga khó có thể tồn tại lâu như vậy. Và thời khắc thứ hai là sự kiện chính phủ Masaryk đã tạo nhiều cơ hội và giúp đỡ những khoản tài chính lớn của cho những người Nga trẻ tuổi tỵ nạn, từ đó họ học tập và trở thành những nhà chuyên môn giỏi. Mặc dù sau Thế chiến thứ Nhất, khi đó nước Tiệp Khắc chưa phải là nước giầu. Đó chính là biểu hiện tốt của tình hữu nghị và hỗ trợ lẫn nhau của những người thuộc khu vực Slavơ.

Người dịch: Nguyễn Cường- vietinfo.eu


Nguồn: Echo24.cz (vietinfo.eu)

Không có nhận xét nào: