Thời
điểm để đặt ra câu chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc đã trôi qua từ lâu. Vấn đề
này hiện nay cần được nhìn nhận dưới những góc độ khác. Nhận định này được Đại
sứ Nguyễn Khắc Huỳnh, nhà ngoại giao lão thành, nguyên thành viên đoàn đàm phán
Hiệp định Paris 1973 chia sẻ với Thanh Niên Online.
Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh - Ảnh: Trường Sơn |
Ông Huỳnh lý
giải: Lúc đầu đàm phán Paris, tư tưởng của ta là giành thắng lợi, buộc Mỹ rút,
lập chính phủ liên hiệp và sau đó chính phủ sẽ đoàn kết toàn dân. Điều này có
nghĩa là toàn dân Việt Nam dù phe này phe kia, tập hợp ba lực lượng: lực lượng
cách mạng, lực lượng đối địch, lực lượng thứ ba cũng sẽ đoàn kết lại dưới sự
lãnh đạo của chính phủ liên hiệp. Lúc đó chưa có khái niệm hòa hợp dân tộc.
Nhưng trong
quá trình đàm phán và chiến đấu ta thấy đánh Mỹ khó, đánh thắng Mỹ lại càng
khó. Ta đánh lâu dài thì Mỹ cũng có khả năng đánh lâu dài. Lúc đầu mình tính
chính phủ liên hiệp nhưng sau sự kiện Mậu Thân 1968 và sau đó năm 1972, ta
không có những thắng lợi quyết định.
Vậy phải
tính thế nào? Năm 1972 ta mới đề ra đường lối tìm cách mở đường cho Mỹ rút. Ta
mới đưa ra khẩu hiệu là “Mỹ rút, Sài Gòn còn, miền Nam giữ nguyên trạng”. Để
liên kết các lực lượng miền Nam thì đặt ra vấn đề hòa hợp dân tộc.
Vấn đề ấy được
đặt ra trong lúc ta tính tới phương án giữ nguyên trạng miền Nam. Vì vậy ta đưa
vào dự thảo Hiệp định và bàn kỹ vấn đề hòa hợp dân tộc.
Lúc đầu ta gọi
là chính phủ liên hiệp ba thành phần. Chính phủ Mỹ không chấp nhận được vì
chính phủ mới có nghĩa là thủ tiêu Sài Gòn. Ta mới hạ thấp xuống là “một chính
quyền hòa hợp dân tộc”, gần gần với lập trường của Mỹ. Mỹ đề xuất một “body” -
một tổ chức để tổng tuyển cử.
Mỹ dùng chữ
“body” thì mình cũng dịu bớt đi, đề xuất là trong lúc chính quyền hai bên tồn tại,
thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc để tiến tới tổ chức tổng tuyển cử thành lập
chính quyền (đưa thêm khái niệm hòa giải, vì là hai kẻ địch.)
Nhưng Mỹ
không chấp nhận chữ “chính quyền”. Chữ “chính quyền” có gì đó mang ý nghĩa thủ
tiêu Sài Gòn. Vì thắng lợi của mình năm 1972 cũng có mức độ thôi, chưa thể lấn
át Mỹ được, nên ta lấy yêu cầu Mỹ rút là chính. Mỹ nhận rút và quân miền Nam ở
lại là đạt yêu cầu cao nhất rồi, ta mới chấp nhận thành lập một hội đồng quốc
gia hòa giải, hòa hợp dân tộc. Hiệp định có điều khoản thành lập một hội đồng
quốc gia hòa giải hòa hợp dân tộc để tổ chức tổng tuyển cử và đôn đốc thi hành
Hiệp định.
Lúc đó hình
thành khái niệm hòa giải hòa hợp dân tộc.
Đấy là quá
trình đàm phán đi đến hòa giải hòa hợp dân tộc. Ta thấy không có con đường nào
khác cả. Bởi vì chúng ta thắng thế nào thì Sài Gòn cũng vẫn sẽ còn. Dù lập
chính phủ hai thành phần, ba thành phần hay giữ nguyên trạng thì cũng vẫn phải
có hòa giải, hòa hợp. Không có cách nào khác. Không có bên nào thắng bên nào.
Thực tế miền Nam có ba lực lượng, hai chính quyền thì phải giải quyết với nhau
như vậy.
Nhờ những
sách lược mềm dẻo của ta, mà trong đó có việc tạm gác vấn đề xóa Sài Gòn, thực
hiện một hình thức hòa giải, hòa hợp dân tộc mà tổ chức ấy chỉ là hội đồng thôi
chứ không phải chính quyền, chính phủ gì nên Mỹ chấp nhận.
Nhờ đó mà ký
được Hiệp định. Hiệp định Paris là gì? Là một hình thức thỏa hiệp giữa Việt Nam
trên đường thắng lợi với Mỹ tuy thua nhưng vẫn đang còn mạnh và chính quyền Sài
Gòn còn là một thực thể. Hiệp định Paris là một sự thỏa hiệp “phải chăng”. Vì vậy
4 bên chấp nhận được, Việt Nam chấp nhận được, Mỹ cũng chấp nhận được mở đường
cho Mỹ rút, Sài Gòn cũng chấp nhận được.
* Thanh Niên
Online: Sau ngày 30.4.1975 vấn đề hòa giải dân tộc đã được thực hiện như thế
nào? Có điều gì chúng ta đã làm được và chưa làm được?
- Đại sứ
Nguyễn Khắc Huỳnh: Ta đã chân thành đấu tranh thi hành Hiệp định Paris 1973, thực
hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc. Ta đã làm việc rất tích cực với các lực lượng
thứ ba. Nhưng kết quả rất hạn chế. Ngay đêm Hiệp định có hiệu lực (27.1.1973),
chính quyền Thiệu đã cho chiếm Cửa Việt, sau đó ta phản kích lấy lại. Có thể
nói là không có lấy một ngày hòa bình. Đã không có hòa bình thì không có điều
kiện cho hòa hợp.
Nhưng sau
khi ta thắng lợi giải phóng miền Nam thì vấn đề hòa hợp trở thành vấn đề lớn.
Thậm chí là cực kỳ lớn.
Nhưng khi ta
thắng lợi rồi thì chính sách hòa hợp dân tộc thực hiện được bộ phận thôi chứ
chưa được rộng rãi và có kết quả. Phải thẳng thắn nhìn nhận là nhiều chính sách
của ta sau giải phóng khá nặng nề với sĩ quan, binh lính chế độ cũ cũng như gia
đình họ. Rồi chuyện báo chí Sài Gòn bị đóng cửa hầu hết, tất cả hoạt động kinh
doanh của miền Nam bị hạn chế... Sau đó là hợp tác hóa, cải tạo xã hội chủ
nghĩa.
Đó là một
trong những nguyên nhân dẫn đến chuyện hàng chục vạn người bỏ nước ra đi, thành
phong trào “thuyền nhân”. Đó là một trang sử đau thương, đen tối của chúng ta.
Khi tôi sang
dự một hội thảo liên quan đến chiến tranh Việt Nam tại ĐH Brown (Mỹ), ban tổ chức
có bố trí một chương trình giao lưu với các giáo sư và khoảng 1.000 sinh viên.
Tôi nhận được vài chục câu hỏi trong đó có câu hỏi liên quan đến vấn đề này.
Một sinh
viên hỏi: Thưa ngài đại sứ, Việt Nam đã chiến thắng Mỹ, các ngài coi là “giải
phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc” nhưng tại sao lại có chuyện hàng triệu người
bỏ nước ra đi?
Tôi
đã trả lời thế này: Đó là chuyện rất đáng tiếc. Về nguyên nhân thì thứ nhất là
trong suốt thời gian chiến tranh, quân đội, các nhà chức trách Mỹ cũng như
chính quyền Sài Gòn qua mấy đời tổng thống đều tuyên truyền nếu Việt Cộng về sẽ
có nạn tắm máu. Sau 30.4.1975 nhiều người đã lo lắng chuyện “tắm máu” vì vậy việc
đầu tiên họ tính là ra đi. Có mấy loại người ra đi: người thuộc chính quyền cũ,
những người thấy làm ăn không thuận lợi, người giàu có và sau là những người sợ
tắm máu.
Có một số
người nữa thấy kinh tế Việt Nam đã nghèo lại còn bị chiến tranh tàn phá nên
cũng kiếm đường ra đi.
Một lý do nữa,
chúng tôi chiến trận thì biết nhưng làm kinh tế chưa nắm được tình hình, chưa
làm tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân nên họ bỏ ra đi.
Nguyên nhân
cuối cùng là việc thống nhất đất nước qua con đường chiến tranh thì đã làm tốt
nhưng việc tranh thủ lòng người thì chưa làm tốt, chưa thực hiện hòa hợp tốt.
Tôi cũng bổ
sung thêm: Dù nguyên nhân gì và những người ra đi khỏi Việt Nam như thế nào,
chúng tôi luôn luôn coi họ thuộc dân tộc Việt Nam và luôn luôn sẵn sàng mở cửa
để ai về thăm, ai về nước, ai liên lạc lại, cả ba mức đó chúng tôi đều chấp nhận,
mở cửa rộng rãi.
Tôi nói vậy,
mọi người vỗ tay rất mạnh.
* Tại sao
sau 30.4.1975, ta chưa thực hiện tốt hòa hợp dân tộc?
- Phải nói
là ta đã có thực hiện được một số việc chứ không phải không làm được gì. Nhưng
trong phạm vi hẹp. Đối với những người thuộc lực lượng thứ ba ta đều giữ lại
dùng cả. Một số giáo sư tiếp tục ở lại giảng dạy, những nhân vật cao cấp thuộc
chính quyền cũ đầu hàng ở dinh Độc Lập ta đều tôn trọng, không bắt bớ gì mà để
họ được tự do. Một số người thuộc chính quyền cũ cũng được đối xử tương đối nhẹ
nhàng. Nhưng những chuyện ấy chỉ diễn ra ở diện hẹp.
Tại sao
không thực hiện được hòa hợp dân tộc để xảy ra những chuyện như tôi vừa nói?
Đây là quan điểm của cá nhân tôi thôi, chứ chưa có tổng kết: Theo tôi, nguyên
nhân thứ nhất là thắng lợi lớn quá. Đến mức ngợp. Không kịp suy nghĩ gì cả. Đến
cái mức mà có lãnh đạo cấp cao của ta nói là bây giờ đã hết kẻ thù, vĩnh viễn sẽ
không có chiến tranh nữa.
Nguyên nhân
thứ hai, lúc ấy tư tưởng giáo điều ý thức hệ rất nặng nề, thể hiện ở chuyện
“thành phần”. Phân biệt kẻ thắng người thua rất nặng nề. Tư tưởng địch-ta nặng
nề. Rồi tư tưởng XHCN đối lập với tư bản. Nhiều cái giáo điều ý thức hệ như vậy
nên chuyện hòa hợp là không thể.
Nguyên nhân
thứ ba là trình độ nghiên cứu của ta rất thấp. Không nghiên cứu được là sau khi
giải phóng miền Nam cái gì sửa cái gì giữ, đối xử với các tầng lớp thế nào...
* Theo ông
hiện nay vấn đề hòa hợp dân tộc cần đặt ra như thế nào? Đặt ra với ai?
- Theo tôi
có lẽ đặt ra trước hết với người Việt ở nước ngoài. Thứ hai là đối với các tầng
lớp nhân dân trong nước. Tôi chỉ xin chia sẻ một vài suy nghĩ của tôi có thể
đúng, có thể chưa đúng nhưng để chúng ta suy nghĩ.
Đối với người
Việt ở ngoài nước hiện có 3 - 4 cộng đồng có quan niệm khác nhau.
Nhóm thứ nhất
là cộng đồng những người Việt mà ta gọi là “người Việt yêu nước”. Theo tôi cái
chữ ấy nên bỏ đi, không ai lại phân biệt bằng khái niệm “yêu nước” với “không
yêu nước”. Lấy gì để xác định yêu nước? Nên nhìn họ như những Việt kiều có quan
niệm thuận với trong nước.
Nhóm thứ hai
sống bình thường, họ không ủng hộ mà không gây sự, chỉ lo tập trung làm ăn. Tôi
cho rằng đây là nhóm đa số, bây giờ mời họ về giúp nước là khó đấy. Đây là nhóm
mà Nhà nước cần có chính sách tranh thủ.
Thứ ba là lực
lượng đối lập, có phê phán những chính sách, có đóng góp ý kiến, phê phán.
Nhóm cuối
cùng là những người đối nghịch hoặc báo chí ta gọi nặng nề là chống cộng. Họ là
những người công khai không tán thành chủ nghĩa cộng sản, nhóm này theo tôi biết
bên Mỹ có nhiều.
Thế bây giờ
đặt vấn đề thế nào? Đối với những người đã ủng hộ đã sống hòa hợp, thích hợp rồi
thì ta tiếp tục tranh thủ, tạo điều kiện để họ đi về đóng góp thăm viếng đất nước.
Những người chờ đợi và chưa có thái độ rõ ràng là lớp người còn xa ta nhưng mà
không chống đối, chính là cần thực hiện hòa hợp dân tộc với những người đó. Thực
hiện hòa hợp dân tộc ở đây không phải bằng lập trường giai cấp, bằng chủ nghĩa
cộng sản đâu, mà bằng TƯ TƯỞNG DÂN TỘC, TƯ TƯỞNG YÊU NƯỚC, ĐẶT LỢI ÍCH DÂN TỘC
LÊN TRÊN HẾT.
Tôi cho rằng
đối với Việt kiều càng đưa vấn đề ý thức hệ ra thì càng không có tác dụng. Tôi
đối xử với anh bằng tinh thần dân tộc, bằng tinh thần yêu nước chứ không phải bằng
ý thức hệ thì lúc đó mới nói chuyện được với nhau, nếu không thì còn nhiều khó
khăn. Đối xử bằng lòng yêu nước bằng tinh thần dân tộc. Lấy lợi ích dân tộc đặt
lên trên hết. Bất cứ thời đại hoàn cảnh nào thì lợi ích dân tộc vẫn là cao hơn
cả, có sức mạnh hơn cả.
Còn đối với
trong nước, vấn đề không phải là hòa hợp mà là làm sao tranh thủ sự đồng thuận,
lấy lợi ích dân tộc để tranh thủ đồng thuận là đường lối chiến lược. Bây giờ tầng
lớp nào trở nên quan trọng và cần tranh thủ đồng thuận? Ngoài nông dân, công
nhân thì đặc biệt cần tranh thủ đội ngũ trí thức và doanh nhân. Đồng thuận
chính là đồng thuận với hai tầng lớp này.
* Xin cảm ơn
ông.
Trường Sơn (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét