Lời người dịch: Việc Putin, cựu sĩ quan tình báo cộng sản KGB, trở lại Kremlin, đã được quan tâm và phân tích rất nhiều qua báo chí trên thế giới. Bởi vì muốn hay không, nước Nga có vai trò quan trọng trên bàn cờ chính trị và kinh tế thế giới.
Trong tuần rồi, Nga và Trung Quốc bác bỏ dự thảo nghị quyết trừng phạt Syria do Liên minh châu Âu đề xướng, đã làm dư luận lo ngại về sự bắt tay - “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” - của các chế độ độc tài, chuyên chế. Thái độ của Nga và Trung Quốc khiến tình hình ở Syria có thể bế tắc, mặc dù nhà độc tài Syria Assad đã đàn áp đẫm máu, giết chết khoảng 2.700 người, cùng hàng ngàn người khác bị thương, trong các cuộc xuống đường biểu tình suốt từ tháng 3 năm nay.
Greg Kuczynski
*********
Putin trong chân dung của Brezhnev, cựu Tổng bí thư đảng CS Liên Xô được phổ biến trên Internet |
Khi Putin rời điện Kremlin gần bốn năm trước, cả nước Nga run lên, cả thế giới mong đợi một điều tốt đẹp.
Hôm nay Putin trở lại, nhưng ngày càng có nhiều người Nga cười chế diễu ông ta - không riêng những người thuộc nhóm ủng hộ trước đây trên internet. Với báo chí phương Tây Putin cũng ở trong tình trạng thảm hại. Phải chăng câu tục ngữ không ai đi xuống một dòng sông để tắm hai lần, được kiểm nghiệm?
Putin rời điện Kremlin vào năm 2008, đã làm dấy lên nỗi lo sợ hơn là tiếng cười. Thậm chí trong các chuyện tiếu lâm đã xuất hiện hình ảnh Stalin với ông ta. Như là, trong giấc mơ, Putin thấy Stalin tới thăm mình. Tận dụng cơ hội, Putin bèn xin một lời khuyên về cách thức cai trị. Stalin nói: - Bắt hết và giết chết tất cả những nhà tranh đấu dân chủ, và sau đó hãy sơn màu xanh điện Kremlin. - Tại sao màu xanh? - Putin ngạc nhiên - Hà! - Stalin đáp - Tôi biết ngay rằng anh chẳng quan tâm gì đến các nhà tranh đấu dân chủ!
Ba năm đã trôi qua. Putin cầm chịch đất nước với bàn tay sắt, nhưng xã hội Nga không còn có thể kiểm soát một cách hiệu quả nữa. Thậm chí cách cai trị của Sa hoàng, hoặc public relations (PR) cũng không giúp gì được.
Chiếc vò cổ của Putin
Chúng ta còn nhớ hình ảnh Putin giỡn chơi với con cọp, gấu Bắc cực, hoặc cá voi, và cũng hãy nhớ lại, cảnh ông ta dập tắt lửa cháy từ trên máy bay, lái xe môtô Harley và lặn dưới đáy hồ Baikal bằng tàu ngầm nghiên cứu. Một trong những màn trình diễn cuối cùng của Thủ tướng Nga là lấy lên từ đáy biển Azov một chiếc vò cổ có hai quai.
Nhưng không giống như những khai thác trước đó của Putin, lần này phần lớn người Nga thậm chí đã cười chế nhạo một cách công khai. Sự "biểu lộ" của công chúng trắng trợn đến mức mà người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ sau một thời gian đã phải công khai thừa nhận rằng chiếc vò hai quai ấy đã được phát hiện bởi các nhà khảo cổ từ trước, nhưng sau đó người ta đã đặt xuống đáy biển - và Putin đã kéo nó lên thêm một lần nữa.
Sự nốc-ao của những nhân vật PR? Hay là việc sử dụng hình ảnh của Superman Putin?
Putniev forever
Chân dung Putniev đang đạt kỷ lục về mức độ phổ biến trên internet của nước Nga – Ngã tư đường nối Putin với Brezhnev. Bức chân dung này xuất hiện ngay sau khi nhà lãnh đạo Nga đã tuyên bố quay trở lại điện Kremlin - với viễn cảnh sẽ làm ông chủ Kremlin đến 12 năm (cùng với hai nhiệm trước sẽ trọn hai thập niên dưới sự cai trị của triều đại Putin ở Nga). Chúng ta hãy nhớ lại Leonid Brezhnev, người cai trị Liên Xô 18 năm, và giai đoạn này được ghi vào lịch sử như là khoảng thời gian trì trệ, tình hình kinh tế xấu đi và đối đầu với phương Tây.
Trong đại hội đảng Một Nước Nga (hay Nước Nga Thống nhất – ND), lời tuyên bố quan trọng của Putin đã gợi lại liên tưởng sống động giống như trong đại hội của Đảng Cộng sản Liên Xô. Điều này đã được các nhà báo và blogger nhắm đến. Nhưng nhà cầm quyền, giống hệt như thời Liên Xô, có vẻ không nhận thấy sự trớ trêu này. – Brezhnev không phải là dấu trừ trong lịch sử nước ta, mà là một dấu cộng lớn - Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Thủ tướng Chính phủ đã nói đến ở trên, phát biểu như vậy khi được hỏi về sự so sánh giữa Putin và Brezhnev.
Báo tiếng Nga: "Putin đuổi kịp Brezhnev?" - Ảnh: Internet
Giai thoại về Putin
Các câu chuyện hài hước thường phản ánh các vấn đề xã hội và chính trị hiện tại của một đất nước. Đặc biệt là ở Nga. Đã có một thời mọi người chế giễu Stalin bằng giọng của vùng Georgia và đả phá phong cách cá nhân "củ cải" (quê mùa – ND) của Khrushchev.
Trong những năm gần đây, người ta hay cười theo khuynh hướng: con rối Medvedev và người có thực quyền Putin. Bây giờ khi biết Putin sẽ trở lại điện Kremlin, xuất hiện một loại tiếu lâm mới.
Putin và Medvedev thức dậy vào một ngày với cái bụng nôn nao. Ấy là năm 2023. Putin hỏi: - Trong chúng ta bây giờ ai là Tổng thống và ai là Thủ tướng? - Tôi không nhớ - Medvedev nói - Nhưng mà tôi có thể làm Thủ tướng Chính phủ vào ngày hôm nay. – Đúng quá rồi, cạn bia đi chứ. Anh là nhà hành pháp mà – Putin nói.
Một tiếu lâm khác từ serial này. Putin nói Medvedev: - Dima, hãy đoán ai sẽ kế nhiệm người kế nhiệm của tôi nhỉ? Medvedev thất vọng: - Eee... Vâng... Tôi không biết. Có thể là ai? - Ngu quá Dima ơi! Tôi chứ ai vào đây nữa - Putin cười gằn.
Người Nga không bằng lòng với việc Putin trở lại điện Kremlin. Họ lo sợ cho tương lai.
Một trong những câu đùa: "Bạn có nghe ứng cử viên mới cho ghế tổng thống là Vladimir Putin hứa hẹn sẽ sửa chữa các lỗi được thực hiện bởi chính phủ của Thủ tướng Putin, người kế thừa di sản lộn xộn của cựu Tổng thống Putin?".
Trong một giai thoại khác, trên đường phố Moscow một người đàn ông đến gõ cửa xe hơi - Bọn khủng bố đã bắt cóc Putin và đe dọa chúng sẽ tẩm xăng ông và đốt, nếu như chúng không nhận được 10 triệu đôla tiền chuộc. Ông có đóng góp nào cho việc chuộc không? Một trong các lái xe trả lời: - Tôi có thể cho thêm 5 lít xăng.
“Putinlandia”
Khi Putin tuyên bố ông trở lại điện Kremlin, một trong những nhật báo của Moscow đã viết rằng "Liên bang Nga có thể chắc chắn được gọi là Putinlandia".
Đối với người Nga, nhà cầm quyền đã vượt quá các giới hạn của sự hài hước. Điều này có lẽ không phải là cơ sở cho một cuộc cách mạng, nhưng chắc chắn nhiều người trong nhà nước Putin đang ngày càng nhìn nhà cầm quyền giống như cha mẹ của họ đã từng nhìn vào Liên Xô - với tiếng cười và sự mỉa mai.
Sự châm biếm đôi khi nguy hiểm cho chế độ hơn là cuộc nổi dậy khởi nghĩa. Thậm chí khi hiệu ứng của nó tới chậm hơn.■
Bản Việt ngữ © 2011 Lê Diễn Đức - RFA Blog