Câu nói hay của ông Đỗ Quý Doãn :"Vấn đề là kiểm chứng thông tin chứ không phải e ngại thông tin từ mạng xã hội. Các tòa soạn báo, các nhà báo phải tự xây dựng cho mình phương thức xác định sự thật từ những thông tin trên mạng. Phía cơ quan quản lý cũng phải nghiên cứu thấu đáo, tạo môi trường lành mạnh để mặt tích cực của mạng xã hội phát triển."
Lần đầu tiên một hội thảo cấp bộ đã đặt vấn đề, phân tích sự tác động giữa thông tin của báo chí truyền thống và thông tin trên các mạng xã hội (hội thảo tại Huế ngày 28-10).
Bà Annelie Ewers, Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí FOJO, Thụy Điển, chia sẻ ngay đầu cuộc hội thảo: “Mạng xã hội đang là chủ đề nóng trên thế giới, đang từng ngày thách thức đối với cách truyền thông truyền thống. Vai trò nhà báo cũng đang thay đổi và chúng ta đã đến ngã tư đường: Ai sẽ nắm quyền tác động và vai trò nhà báo trong tương lai sẽ như thế nào?”. Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết công cụ tìm kiếm và mạng xã hội là hai dịch vụ được hàng chục triệu người dùng Internet sử dụng rộng rãi nhất. Trong đó, 100% sử dụng tìm kiếm, 80% sử dụng mạng xã hội. Trong số những người sử dụng dưới 18 tuổi thì 43% có một tài khoản, 25% có hai tài khoản và 13% có bốn tài khoản trở lên.
Ông Hải cũng xác nhận thông tin trên các mạng xã hội này là một nguồn đầu vào cực kỳ phong phú cho báo chí, tham gia quảng bá cho các thông tin báo chí lan tỏa, tiếp cận bạn đọc. Trong nhiều vụ việc cụ thể, mạng xã hội còn tác động, tương tác với báo chí, làm thay đổi quy trình làm báo truyền thống, giúp báo chí có sự điều chỉnh cần thiết trong quá trình tiếp nhận ý kiến. Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý về sự thiếu chính thống, thiếu kiểm chứng của các thông tin trên mạng xã hội. “Nhiều thông tin không có động cơ, mục đích rõ ràng, có một số thông tin có động cơ xấu. Nếu thông tin đầu vào thiếu chọn lọc, thiếu kiểm chứng thì trên báo chí có thể xuất hiện thông tin sai sự thật và điều này sẽ khiến cho tờ báo trở nên tầm thường, lá cải”. Ông Lê Hồng Minh, chủ trang mạng Zingme, nói rằng sử dụng mạng xã hội là xu thế không thể cưỡng lại của những người trẻ. Điều này tạo ra những thách thức thực sự với báo chí truyền thống. Đại diện báo Pháp Luật TP.HCM nhìn vấn đề ở góc độ “phủ sóng” thông tin. Bạn đọc luôn có nhu cầu được biết, nếu báo chí chính thống né tránh thì sẽ mất người đọc và người dân sẽ tìm đến các mạng xã hội. Theo bà Annielie Ewers, nhà báo phải đi đầu sử dụng mạng xã hội chứ không phải cản trở sự phát triển của nó. Đó là cách báo chí cùng tồn tại, kiểm chứng, cũng là bảo vệ sự thật và bảo đảm cân bằng cho người thụ hưởng thông tin.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn nhấn mạnh: Vấn đề là kiểm chứng thông tin chứ không phải e ngại thông tin từ mạng xã hội. Các tòa soạn báo, các nhà báo phải tự xây dựng cho mình phương thức xác định sự thật từ những thông tin trên mạng. Phía cơ quan quản lý cũng phải nghiên cứu thấu đáo, tạo môi trường lành mạnh để mặt tích cực của mạng xã hội phát triển.
PHAN MAI (Theo PLTP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét