Chính sách đối ngoại đầy hứa hẹn của Barack Obama bị xói mòn bởi sự hỗ trợ thiển cận cho Israel và các mục tiêu không rõ ràng tại Afghanistan. Tổng thống Barack Obama liên tiếp tạo ra “thảm họa” trong chính sách đối ngoại.
Trong ít nhất ba lĩnh vực quan trọng đối với hòa bình thế giới và lợi ích của Mỹ, gồm những quan hệ căng thẳng giữa khối Arab và Israel, Afghanistan - Pakistan, Yemen - Somalia, Tổng thống Mỹ đang thể hiện sự liều lĩnh, khiến tình cảm tức giận, căm ghét Mỹ tăng lên mà phải mất nhiều thời gian mới có thể xua tan.
Sự “đầu hàng” khốn khổ trước Israel về vấn đề Palestine của Obama làm nhiều người sửng sốt và phá hoại nghiêm trọng vị thế của Mỹ trong con mắt của người Arab và Hồi giáo.
Mục đích của động thái này được cho là nhằm giành phiếu của cử tri Do Thái trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới. Tổng thống Obama đảo ngược chính sách tiếp cận với thế giới Hồi giáo trong bài diễn văn rất hung hồn tại Cairo năm 2009.
Nếu bị buộc phải sử dụng quyền phủ quyết của Mỹ tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc để từ chối đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc của Palestine thì Obama sẽ bị các lực lượng ủng hộ Đạo Hồi, mà ông từng hy vọng sẽ chế ngự được, phản đối.
Chính sách của Obama tại Afghanistan cũng sai lầm không kém. Một mặt, dường như Tổng thống Mỹ muốn kéo Taliban vào các cuộc đàm phán nhưng mặt khác, một số lãnh đạo quân đội và các nhà ngoại giao cao cấp của Obama lại có vẻ muốn tiêu diệt Taliban đầu tiên.
Đây không phải là một chính sách có thể đưa các phần tử nổi dậy tới bàn đàm phán. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, Ryan Crocker, tân đại sứ của Mỹ tại Kabul nói rằng cuộc xung đột nên tiếp tục cho đến khi Taliban bị tiêu diệt hoàn toàn.
Ông Obama đang bị chỉ trích trong nhiều vấn đề trên mặt trận đối ngoại của Mỹ.
Trong thông điệp vào dịp lễ Eid, lễ đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramadan, Mullah Muhammad Omar, lãnh đạo của Taliban tại Afghanistan có vẻ sẵn sàng cho một cuộc đàm phán toàn diện. “Tất cả các lựa chọn hợp pháp có thể được xem xét để đạt được mục tiêu hướng tới một chế độ Hồi giáo độc lập ở Afghanistan”, Mullah Muhammad Omar nhấn mạnh.
Muhammad Omar kêu gọi quân đội nước ngoài rút “ngay lập tức” để đạt được một giải pháp lâu dài cho vấn đề này. Taliban không muốn độc chiếm quyền lực và tất cả các dân tộc sẽ tham gia vào một “chế độ Hồi giáo thực thụ mà tất cả người dân Afghanistan có thể chấp nhận được”.
Mỹ và các đồng minh có nên phản ứng tích cực với thông điệp này? Một hội nghị tại Bonn vào tháng 12/2011 dự định sẽ đánh giá về cuộc chiến của NATO ở Afghanistan - cuộc chiến dường như đang tiến gần đến thất bại hơn là chiến thắng.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, khoảng 25.000 binh sĩ rời bỏ các đơn vị vũ trang Afghanistan vì mất niềm tin vào khả năng Chính phủ Hamid Karzai bảo vệ được họ cùng gia đình. Liên quân dự kiến sẽ rút đi vào cuối năm 2014.
Nên chăng đưa ra đề nghị đàm phán ngay lập tức cùng với cam kết rút quân sớm hơn? Rốt cuộc, những lợi ích chiến lược, nếu có, mà phương Tây đang bảo vệ ở Afghanistan còn chưa được làm rõ.
Đây là vấn đề khá cấp bách từ khi chiến lược chống nổi dậy của Mỹ gặp rắc rối thực sự với hàng loạt khó khăn:
Tháng 7/2011, Ahmad Wali Karzai, em trai của Karzai, bị bắn chết ở Kandahar. Tháng 8, quân Taliban tấn công Hội đồng Anh tại Kabul. Ngày 10/9, một chiếc xe tải chứa thuốc nổ đã giết chết 05 người và làm bị thương 77 binh sĩ Mỹ tại một căn cứ quân sự NATO ở phía Tây Nam Kabul. Đây là số quân bị thương cao nhất của lực lượng nước ngoài trong một vụ tấn công đơn lẻ trong cuộc chiến kéo dài 10 năm tại Afghanistan.
Ngày 13/9, quân nổi dậy tấn công trong vòng 12 giờ vào Đại sứ quán Mỹ và trụ sở ISAF tại trung tâm Thủ đô Kabul - khu vực được coi là có vành đai bảo vệ tốt nhất trong cả nước.
Tiếp đó, ngày 20/9, Burhanuddin Rabbani, cựu Tổng thống Afghanistan, người dân tộc Tajik, bị ám sát. Trước đây, chính trị gia này đứng đầu Hội đồng tối cao về hòa bình và được Karzai chỉ định chịu trách nhiệm tiến hành thương lượng với phong trào Taliban song có vẻ ít có tiến triển.
Pakistan có lợi ích chiến lược quan trọng ở Afghanistan. Đó là muốn gạt bỏ ảnh hưởng của Ấn Độ khỏi Afghanistan. Pakistan nghi ngờ Karzai liên minh với Ấn Độ, thích Afghanistan do Taliban quản lý hơn là chế độ của Kazai được Mỹ hậu thuẫn. Trong bất kỳ tình huống nào, cái chết của ông Rabbani làm Karzai mất đi một đồng minh quan trọng và khiến quan hệ với Pakistan trở nên căng thẳng. Đây có thể là một bước thúc đẩy dẫn tới một cuộc nội chiến nếu không sớm có nỗ lực can dự với Taliban.
Cuộc chiến Afghanistan hiện bước vào năm thứ 11 làm tiêu hao nguồn lực của Mỹ (người Mỹ mỗi năm phải nộp khoản thuế khổng lồ khoảng 120 tỷ USD), làm suy yếu nghiêm trọng chính quyền Pakistan và đe dọa sự tồn vong của liên minh giữa Mỹ và Pakistan.
Phát biểu tại Thượng viện Mỹ vào tháng 9/2011, Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân Mỹ cáo buộc quân đội Pakistan và cơ quan tình báo quân sự đầy quyền lực (ISI) liên minh với mạng lưới Haqqani.
Bằng cách sử dụng "chủ nghĩa cực đoan bạo lực như một công cụ của chính sách", Pakistan phá hoại các nỗ lực quân sự của Mỹ và gây nguy hiểm cho quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Pakistan, ông Mullen cho biết.
Pakistan có phản ứng ngay sau đó. Phát biểu trên chương trình The World Tonight của BBC ngày 22/9, Tướng Asad Durani, một cựu lãnh đạo của ISI, miêu tả quan hệ Mỹ - Pakistan ở vào trạng thái "xung đột cường độ thấp." Pakistan nên hậu thuẫn cho các đối thủ của Mỹ tại Afghanistan nếu Mỹ tiếp tục dùng máy bay không người lái tấn công các mục tiêu tại Pakistan.
Trong khi đó, để săn lùng Taliban và những người ủng hộ lực lượng này, lực lượng đặc biệt Mỹ tăng cường các cuộc tấn công thường xuyên vào ban đêm tại Afghanistan.
Tại Yemen và vùng sừng châu Phi, phương sách Mỹ sử dụng máy bay không người lái nhưng gây thương vong cho dân thường đã làm người dân địa phương tức giận và đẩy họ đến với lực lượng nổi dậy.
Theo tờ Washington Post, chính quyền Obama sử dụng máy bay không người lái do CIA vận hành để tiến hành các cuộc tấn công “chết chóc” chống lại al Qaeda ở Afghanistan, Iraq, Libya, Pakistan, Somalia và Yemen. Tính từ năm 2001 đến nay, kế hoạch máy bay không người lái này cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 dân thường và quân nổi dậy.
Chắc hẳn giờ là lúc xem xét liệu chính sách của Mỹ đã không tạo ra nhiều tên khủng bố hơn những tên đã cố tìm diệt? Liệu có tốt hơn không nếu Mỹ chỉ đơn giản tuyên bố giành thắng lợi ở Afghanistan rồi đưa quân về nước càng sớm càng tốt và chuyển sang quan tâm “chăm lo” cho những vết thương trong lòng xã hội đã bị rạn nứt của Mỹ?
Việt Thành (theo Diplomat)