Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Từ tuyên ngôn độc lập đến hiến pháp Hồ Chí Minh

     Xin trân trọng đề nghị NSGV đăng lại bài về Hiến pháp VN rất đáng đọc “Tu-tuyen-ngon-doc-lap-den-hien-phap-Ho-Chi-Minh”. Tác giả Chu Hảo, nguyên là thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay khởi xướng nhà xuất bản Tri Thức dịch sang tiêng Việt các tác phẩm kinh điển thế giới . Để giúp bạn đọc hiểu thêm vấn đề, chúng tôi xin vắn tắt điểm lại "chuỗi Nhân Quả" đưa đến hiện trạng Trung Quốc xâm lăng.
+ Đối với HCM, đó là chủ nghĩa dân tộc. Tổng Bí thư đầu tiên là Trần Phú của đệ tam QTCS chứ không phải là HCM, người bị xem là theo chủ nghĩa dân tộc lợi dụng chủ nghĩa CS như một công cụ nhằm giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ. Không thể chối bỏ các kết quả của HCM về mặt đoàn kết dân tộc với:
- Lập Mặt trận Bình dân xóa bỏ mù chữ,
- Viết 'Lịch sử Nước ta' năm 1942, lịch sử bằng thơ lục bát (mà người ta gần đây đã đục bỏ ở Nghệ An mấy câu về Nguyễn Huệ!)
- Viết Tuyên ngôn độc lập
- Soạn Hiến pháp 1946 (hai công trình này là tổng hợp tinh hoa của 2 nền dân chủ Pháp và Mỹ mà ít "chính khách" VN đã lăn lộn sống ở nước ngoài có thể làm được!)
- Thành lập Chính phủ Lâm thời đoàn kết người VN mọi thành phần xã hội, chính kiến và quốc tịch, mọi tôn giáo, mọi đảng phái (trừ VNQDĐ kiểu Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh đã chạy theo Tàu Tưởng - Bỏ lỡ cơ hội hòa đàm 1946 "Ta càng nhân nhựơng, địch càng lấn tới" dẫn tới cuộc chiến VN I.

+ Đối với ĐCSVN 1945-1954, không thể chối bỏ:
- Tài ngoại giao của HCM giữ độc lập và tranh thủ hỗ trợ của "quốc tế CS"
- Chiến thắng Điện Biên Phủ ( tài quyết đoán của Võ Nguyên Giáp, không nghe theo cố vấn TQ hi sinh nhân mạng "đánh nhanh thắng nhanh" mà chọn chiến thuật "kéo pháo ra", chắc thắng mới đánh)
- Chấp nhận Hiệp định Genève chia cắt đất nước do phản bội của TQ, dẫn đến hàng triệu người công giáo, tư sản, trí thức quốc gia...di cư vào Nam và dòng người ngược lại từ trẻ con đến người lớn, cán bộ, bộ đội tập kết ra Bắc.

+ VNDCCH/ VNCH 1954-1963
- Thiêt lập chế độ chuyên chính vô sản, ban hành Hiến pháp 1959
- Thiết lập Đệ nhất cộng hòa, 1 chủ thuyết: Cần lao Nhân vị, 1 đảng: CM QG, dẹp đảng phái giáo phái (Bình Xuyên Bẩy Viễn, Ba Cụt, Năm Lửa, Nguyễn Văn Hinh, Cao đài, Hòa hảo, ngay cả VNQDĐ cũng nằm ngoài dòng!). Luật 10/1959 loại bỏ "CS nằm vùng", lập ấp Chiến lược
- Thành lập MTGPMN 1960
- Anh em họ Ngô quay đầu nhìn lại anh em 1 nhà thì đã quá trễ - bị giết 1963,- Các chính phủ dân sự, quân nhân nối đuôi nhau đấu đá.- Quân đội Mỹ đổ bộ tiến hành Chiến tranh hủy diệt trên toàn quốc. Bỏ lỡ cơ hội "Hiệp thương hòa bình Thống nhất đất nước 1956" dẫn tới Chiến tranh VN II.
- Chiến tranh Nam Bắc khốc liệt 1963-1975- Lấy VN làm quân bài bảo vệ hai khối CS - TB (mà thực ra là TQ chống Mỹ đến người VN cuối cùng)- Chiến tranh lan ra miền Bắc (chỉ còn không phá đê sông Hồng hay dùng bom nguyên tử)
- Hiệp dịnh Paris 1973 (lại TQ phản bội chia 3 vùng, đi đêm với Mỹ ở Thượng Hải)
- Miền Nam không thể tự cường do tham nhũng và hèn nhát, - theo Nguyễn Cao Kỳ!

+ CHXHCNVN 1975-1992
- CSVN bỏ lỡ cơ hội "Hòa hợp Hòa giải dân tộc" 1975 vì cao ngạo chiến thắng, bài học lịch sử đời Trần. Nếu như khi đó...- Hiến pháp XHCN 1980, chính sách kinh tế 1 thành phần, đóng cửa, ngăn sông cấm chợ đưa đến nghèo đói
- Cải tạo, giam giữ sĩ quan viên chức VNCH, cải tạo tư sản mại bản, tịch thu tài sản .. dẫn đến vượt biên .hàng triệu người
- Chiến tranh biên giới với CPC và phía bắc với bá quyền TQ
- Sửa Hiến pháp 1992, xem TQ là thế lực bành trướng bá quyền
- NV Linh -Chính sách cởi trói văn nghệ sĩ, đổi mới (nửa chừng) và VVKiệt -Chính sách "phá rào", nhưng quá trễ...vì
- Tường Berlin bị phá đổ, LX & Đông Âu sụp đổ
- Cuộc gặp Thành Đô cầu xin TQ cứu đảng CSVN!
- Bỏ lỡ cơ hội "đa nguyên dân chủ" năm 1990, thanh trừng nội bộ đảng. Nếu như khi đó...
+ VN XHCN toàn trị 1992…
- Kinh tế thị trường định hướng XHCN, đảng quyết định thay QH
- Khai thác Bô xít ở tây Nguyên và cho TQ thuê rừng đầu nguồn mất an ninh quốc gia. Mở cửa lậu qua biên giới, tham nhũng tràn lan.
- Cấm phản biện, bỏ tù bất đồng chính kiến, chính quyền dựa trên công an và tư pháp "hối lộ"
...
  Cái nhân như thế và cuối cùng cái quả đã đến - mưu toan đã lộ diện: TQ ngang ngược xâm chiếm 80% Biển Đông. Một bộ phận lãnh đạo vì quyền lợi phe nhóm vẫn làm ngơ, hùa theo "đàm phán song phương" vì "ổn định chính trị để phát triển". Mù quáng bám theo "phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt" của TQ để tồn tại. Lẫn lộn bạn, thù của dân tộc VN hiện nay.
Đất nước nguy biến.
- Trí thức biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc gân hấn; chính quyền đàn áp, bắt bớ, ngăn cản. Nhà nước bảo - đã có nhà nước lo.

Ưu tiên đoàn kết cứu nhà cứu nước hay tiếp tục bơi rác chửi rủa? Nguyễn Cao Kỳ còn biết viết trước khi mất: VN cần 1 lãnh tụ như HCM (để đoàn kết toàn dân tộc chống ngoại xâm như thời 1945-46) [http://longnguyen48.blogspot.com/2011/09/nguyen-cao-ky-mien-nam-viet-nam-can-mot.html]. Sau đó mới sửa hiến pháp (trở về HP 1946) kiến tạo 1 đất nước dân chủ văn minh...

Tình hình hiện nay khác với thời Nguyễn Huệ có nửa nước đồng lòng quyết chí, còn triều đình L C Thống hèn nhát bán nước. Khi đó Nguyễn Huệ mới đánh được cùng 1 lúc quân Thanh, dẹp triều đình. Các người QG yêu nước không nhìn rõ điều đó mà ra sức gào thét chống "TQ đến thằng Việt cộng cuối cùng"; đó chính là sách lược của TQ chống đế quốc Mỹ trước đây! Chỉ có đoàn kết toàn dân mới tạo được sức mạnh làm chùn bước ngoại bang và làm những kẻ run sợ trước sức mạnh quân sự TQ, hay vì quyền lợi phe nhóm, phải suy nghĩ lại, làm vững tinh thần yêu nước của đại bộ phận quân đội nhân dân VN, quay đầu lại cùng nhân dân chống giặc!

Đây là thời cơ. Xin đừng bỏ lỡ cơ hội này 1 lần nữa! Mong lắm thay!

VHLong 01/10/11

   Hiến pháp 1946 của nước ta đã được giới học thuật về luật pháp trong vào ngoài nước ngày nay khẳng định là bản Hiến pháp tiến bộ nhất so với các bản khác, được Quốc hội nước nhà ban hành vào các năm1959, 1980 và 1992. Vì lẽ đó, nguyện vọng thiết tha của toàn dân vào lúc này là Hiếp pháp 1992 phải được sửa đổi một cách thực chất để trở lại những tư tưởng cơ bản của Hiến pháp 1946 là Dân Chủ-Cộng hòa-Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.

Nếu Hiến pháp Mỹ 1787 ( vẫn đang thực thi liên tục trong hơn 200 năm qua và được coi là bản Hiến pháp có giá trị bền vững nhất trong lịch sử luật pháp thế giới vì chứa đựng đầy đủ nhất tinh thần thời đại về Nhân quyền và Dân quyền ) đã được xây dựng một cách hết sức công phu bởi 55 nhà lập pháp kiệt xuất mà Thomas Jefferson (1743-1826, tác giả Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776) gọi là “những người con của thánh thần” (xem Nguyễn Cảnh Bình, Hiến pháp Mỹ đã được làm ra như thế nào, Nxb Tri thức, 2010), thì Hiến pháp 1946 của nước ta, theo cảm nhận của chúng tôi, thực sự đã được làm ra chủ yếu bởi chỉ một người, mà vào thời điểm lịch sử đó, cũng xứng đáng là “người con của thánh thần”, ấy là Hồ Chí Minh.
Giòng cuối cùng của phần Phụ lục trong bài diễn ca tuyên truyền cách mạng “ Lịch sử nước ta ” viết vào tháng 2 năm 1942 ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh đã có một dự báo thiên tài: “VIỆT NAM ĐỘC LẬP 1945”. Không thể không nghĩ rằng, ngay từ lúc ấy Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc soạn thảo một Tuyên ngôn độc lập mang tầm vóc thời đại và một Hiến pháp phù hợp với trào lưu dân chủ thế giới.

Lịch sử ghi lại rằng : Cụ Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội ngày 27-8-1945. Có thể Cụ đã viết trong một ngày, nhưng những tư tưởng chính, những dữ liệu cơ bản để viết bản Tuyên ngôn ngày ấy chắc chắn đã được Cụ sưu tầm và chắt lọc ít nhất từ 3 năm trước, khi mường tượng đến tương lai tươi sáng vào năm 1945 của nước Việt Nam bước ra từ kiếp nô lệ sang kỷ nguyên độc lập.

Với phần mở đầu Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 bằng câu trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” Hồ Chí Minh đã đặt nền móng vững chãi cho bản Hiến pháp sau này.

Thomas Jefferson đã nâng Tư tưởng nhân quyền của John Lock (1632-1704, triết gia Anh, cha đẻ của Lý thuyết Khế ước xã hội và Chủ nghĩa tự do) từ ba quyền cơ bản của con người là “quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu” lên một mức cao hơn thành “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Hồ Chí Minh, một lần nữa lại nâng cao tư tưởng nhân bản ấy bằng ý tưởng suy rộng từ Con người sang Xã hội: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Và chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đã tuyên bố dứt khoát: “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”. Đối với Hồ Chí Minh lúc đó, không phải chỉ cần ngay một bản Hiến pháp, mà phải là một Hiến pháp dân chủ, đúng theo tinh thần của Tuyên ngôn độc lập.

Rất nhất quán, rất dứt khoát và rất khẩn trương; chỉ 3 tuần sau đó, ngày 20 tháng 9, Ủy Ban Dự thảo Hiến pháp đã được thành lập theo sắc lệnh 34-SL với người đứng đầu là Hồ Chí Minh. Chưa có Quốc hội (Nghị viện nhân dân) mà đã nghĩ ngay đến Hiến pháp. Và tinh thần dân chủ của Hiến pháp sắp được xây dựng đã được thể hiện một cách đầy thuyết phục trong cuộc tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên ở nước ta theo thể thức phổ thông đầu phiếu ngày 6 tháng 1 năm 1946.

Hai tháng sau đó, ngày 2 tháng 3 năm 1946 Ban Dự thảo Hiến pháp ( tiếp tục công việc của Ủy ban Dự thảo ) được Quốc hội bầu ra; Và chỉ hơn nửa năm sau, ngày 9 tháng 11 năm 1946 Quốc hội đã thông qua Hiến pháp với tỷ số phiếu thuận áp đảo 240/242.

Và như vậy lịch sử đã minh chứng vai trò của Hồ Chí Minh như là linh hồn của bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Tuy đã từng là người của Quốc tế cộng sản, nhiều năm học tập và làm việc tại Mascơva, không thể không am tường thể chế chính trị của Nhà nước xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô Viết, nhưng Hồ Chí Minh đã không lấy bản Hiến pháp 1936 của Liên Xô làm khuôn mẫu khi chỉ đạo xây dựng Hiến pháp Việt Nam năm 1946. Bản Hiến pháp ấy cho đến nay vẫn là đỉnh cao cho trong lịch sử lập hiến nước nhà bởi những ưu việt sau đây.
1) Thượng tôn quyền lực của Nhân dân bằng việc xác lập quyền phúc quyết Hiến pháp của Nhân dân và đặt Hiến pháp lên trên Nhà nước.
2) Thể hiện đầy đủ và tường minh tư tưởng Nhà nước Pháp quyền trên nguyên tắc tam quyền phân lập và cân bằng quyền lực trên cơ sở quy định trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan Lập pháp (quốc hội), Hiến pháp (chính phủ) và Tư pháp (tòa án) từ trung ương đến địa phương; cũng như trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu các cơ quan ấy.
3) Hết sức ngắn gọn, khúc triết, dễ hiểu và dễ thực thi. Rất tiếc là chỉ hơn một tháng sau khi Hiến pháp 1946 được Quốc hội thông qua thì ngày 19-12-1946 Hồ Chủ tịch đã phải đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Do đó điều 21 của Hiến pháp 1946 chưa được thực thi, có nghĩa là chưa được toàn dân phúc quyết. Vì vậy ngày nay chúng ta đang mắc trong một “thế kẹt lịch sử”:
a) Nếu coi Hiến pháp 1946 là Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam độc lập, tồn tại liên tục cho đến ngày nay, thì các Hiến pháp 1959, 1986 và 1992 không có giá trị pháp lý vì đã vi phạm điều 21 của Hiến pháp trước.
b) Nếu coi Hiến pháp 1946 là không có giá trị pháp lý vì chưa được toàn dân phúc quyết, thì phải thừa nhận rằng thể chế chính trị của nước ta, dù là Cộng hòa Dân chủ hay Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa, chưa bao giờ là một thể chế thực sự dân chủ với đặc trưng quan trọng nhất là Quyền lập hiến phải thuộc về Nhân dân.
Từ năm 1959 Quyền lập hiến “mặc nhiên” thuộc về Quốc hội, cả trong thời chiến lẫn trong thời bình. Lịch sử sẽ mổ xẻ sự “mặc nhiên” ấy. Còn bây giờ, đứng trước yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Hiến pháp 1992, chúng ta hãy tập trung thảo luận những điều khả dĩ sau đây.
1. Điều quan trọng nhất phải được đặt ra là : Trong Hiến pháp sửa đổi lần này, quyền phúc quyết Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia phải thuộc về Nhân dân. Có người nói đây là điều “bất khả” vì sợ rằng quyền phúc quyết của Dân sẽ dẫn đến “ xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp hiện nay”, và như vậy chẳng khác gì là “Đảng tự sát”. Nỗi lo sợ ấy có vẻ như hồ đồ vì hai lẽ:

a) Điều 4 Hiến pháp chưa bao giờ được luật hóa. Chưa có Luật về Đảng mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn thực sự là người lãnh đạo duy nhất và toàn diện của đất nước này. Vậy thì có hay không có điều 4 trong Hiến pháp rõ ràng không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng hơn là phải có Luật về Đảng.
b) Nếu Đảng Cộng sản Việt nam chủ động đặt vấn đề trả lại quyền phúc quyết cho Dân thì chưa biết chừng chính Dân lại đề nghị để lại Điều 4. Chưa trưng cầu dân ý trực tiếp một cách trung thực thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra!
2. Phân công và kiểm soát quyền lực thật rõ ràng giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước; giữa các nhánh quyền lực của Nhà nước về Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Sự phân công và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Lập pháp, Hình pháp và Tư pháp có thể lấy Hiến pháp năm 1946 làm khuôn mẫu. Cân bằng quyền lực giữa 3 nhánh này bao giờ cũng là tương đối, nhưng nhất thiết phải hợp lý, rành mạch và phải được kiểm soát chặt chẽ bằng chế tài có hiệu lực. Phân công và kiểm soát quyền lực giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước là điều không dễ trong chế độ đa Đảng, nhưng không phải là khó trong chế độ một Đảng; chỉ cần cụ thể hóa công thức: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.
3. Nhất thể hóa chức danh Chủ tịch Nước và Chủ tịch Đảng cầm quyền. Trong thế chế chính trị của nước ta hiện nay, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là người có quyền lực cao nhất, nói nôm na là “vua”. Vậy mà ông “vua” này không chịu bất kỳ một trách nhiệm nào trước Hiến pháp và Pháp luật với tư cách là “vua”, ngoài trách nhiệm của một công dân bình thường. Ông “vua” này cũng không được đối xử một cách danh chính ngôn thuận ngang hàng với các ông “vua” khác trên thế giới. Phải để Chủ tịch Đảng cầm quyền đồng thời là Chủ tịch nước để người có quyền lực cao nhất nước cũng phải được điều chỉnh bởi Hiến pháp và Pháp luật cả về đối nội lẫn đối ngoại.

Nếu những điều cơ bản trên đây không được đưa ra thảo luận để đi đến thống nhất quay trở về với khuôn mẫu Hiến pháp Hồ Chí Minh, thì tốt hơn hết là không nên đặt vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1992 ra làm gì vội cho tốn kém thời gian, sức lực và tiền bạc ( là tiền đóng thuế của Dân ). Hiến pháp là Văn kiện thiêng liêng của mỗi quốc gia, không thể mỗi lúc mỗi sửa. Hay là đợi đến khi điều kiện cho phép lấy lại Điều 16 Hiến pháp 1946 thì hãy sửa. Điều ấy quy định rằng: “Những người ngoại quốc tranh đấu cho dân chủ và tự do mà phải trốn tránh thì được trú ngụ trên đất Việt nam”. Ôi! Vĩ đại thay !..

GS. TS. Chu Hảo
Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý