Những ai còn tin vào 16 chữ vàng và 4 tốt của Trung Quốc để tự ru ngủ mình, nhất là những ai dùng "tầm cao chiến lược" với ý định hợp tác với Trung Quốc để khai thác chung ở biển Đông, cần thấy việc làm và lời nói của họ không nhất quán. Kể từ sau 1975, tại sao chỉ có các "đồng chí" tiến đánh, chiếm đóng Việt Nam ? Trong "4 tốt", Trung Quốc không có cái tốt nào cả. Chỉ cần TQ là một "láng giềng bình thường" chứ không phải "láng giềng khốn nạn" đã là quý lắm.
VM
Ngay sau khi Việt Nam và Ấn Độ ký thỏa thuận cùng thăm dò dầu khí, người phát ngôn Trung Quốc một lần nữa khẳng định chủ quyền "không thể chối cãi" của nước này đối với nguồn tài nguyên ở Biển Đông.
Tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC vừa chính thức ký kết một thỏa thuận khai thác dầu khí thời hạn ba năm với PetroVietnam.
Thỏa thuận này cùng một loạt các thỏa thuận khác được ký hôm thứ Tư ngày 12/10 sau các cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ở New Delhi.
Theo đó, ONGC dự định sẽ bắt đầu thăm dò dầu khí vào năm tới trong hai lô ngoài khơi Việt Nam, mà Trung Quốc nói là thuộc chủ quyền của họ.
Từ khi thông tin về dự án chung này được loan báo hồi tháng trước, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối thông qua nhiều kênh chính thức.
Mới nhất, trong buổi họp báo thường kỳ hôm thứ Sáu 14/10, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Duy Minh tuyên bố rằng Trung Quốc "có chủ quyền không thể chối cãi" đối với khu vực Biển Đông.
Ông Lưu nói với các nhà báo: "Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với Nam Hải (Biển Đông) và các vùng biển phụ cận. Lập trường của chúng tôi về điều này luôn rõ ràng và dứt khoát."
Ông nói Bắc Kinh ghi nhận thông tin về dự án Việt-Ấn và "hy vọng các bên liên quan sẽ đóng góp cho sự phát triển hòa bình và ổn định" ở khu vực.
Bắc Kinh và Hà Nội cũng vừa ký một thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản nhằm tìm giải pháp cho tranh chấp Biển Đông.
Tuy nhiên điều đó không cản trở truyền thông Trung Quốc đăng tải các bình luận mạnh mẽ hơn lên án việc hợp tác dầu khí chung giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Tờ Nhân dân Thời báo cho rằng đằng sau dự án thăm dò dầu khí này là "động cơ chính trị mạnh mẽ".
Hiện Việt Nam chưa đưa ra bình luận gì về phản đối của Trung Quốc, nhưng Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang trước chuyến đi Ấn Độ đã khẳng định Việt Nam hoan nghênh các tập đoàn của Ấn Độ và các nước khác đầu tư vào lĩnh vực dầu khí ở thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam và hứa bảo vệ lợi ích của các công ty này.
Trước đó New Delhi cũng đã bác bỏ phản đối của Trung Quốc về việc ONGC thăm dò dầu khí, nói đây vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và tuyên bố thêm rằng Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải.