Hôm trước đọc bài “Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong hiến pháp” của ông đại tá tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, thấy tức anh ách với kiểu lý sự cùn theo đơn đặt hàng của ông ta. Ai cũng thấy ông tiến sỹ này đúng là "sản phẩm sạch" của trường Đảng cao cấp Mác Lê ở Hà Nội. Thế nhưng vạch ra được kiểu “cùn” này cho mọi người thấy rõ ràng, sâu sắc, và từ đấy suy ra bài viết của đại tá tiến sĩ Nguyễn Văn Quang ở trên là hết sức phản động thì chắc chỉ có Nguyễn Quang Lập. Bởi vì: “theo cách phân loại nhân dân của ông tiến sĩ Quang thì những người (nhân dân)giành độc lập năm 1945 nếu không về trời cũng đã trên trăm tuổi cả rồi, những người tham gia chống Mỹ, chống Pháp hết thảy đã về hưu, thế hệ chống Trung Quốc xâm lược năm 1979 như mình cũng đã ngót nghét sáu mươi, sức tàn lực kiệt hết lượt. Tóm lại nhân dân của chế dộ, của Đảng toàn loại hết hơi, còn đám thanh niên trai trẻ ngày nay chúng chẳng phải nhân dân, vì thế chúng chẳng có trách nhiệm gì với chế độ với Đảng, tha hồ ăn chơi nhảy múa nhé” . Thật hóm và sâu sắc.
VM
Mấy hôm nay đau bụng không viết lách được gì, toàn post bài của bạn bè thôi. Hôm nay đọc bài “Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong hiến pháp” của ông đại tá tiến sĩ Nguyễn Văn Quang chợt cười phì, không thể không viết. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ mình mới biết có người phân loại nhân dân thế này, chết thật.
Ông Quang viết: “Nhân dân không chỉ được hiểu một cách phổ thông, đơn thuần là khối người đông đảo làm nền tảng cho một nước trong một thời gian lịch sử nhất định. Nhân dân còn với nghĩa là một tầng lớp, một giai cấp đại diện cho một quốc gia, dân tộc trong một Nhà nước nhất định”. Như rứa là có nhân dân chung chung, có nhân dân cụ thể, nhân dân đích thực. Và để định nghĩa nhân dân đích thực là gì, ông Quang khẳng định: “Lời nói đầu của bản Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (do Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 9-11-1946) đã xác định rõ danh từ “nhân dân” là những người dân “đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa“
Mình quá ngạc nhiên không hiểu sao Hiến pháp năm 1946, một hiến pháp được xem là tốt nhất từ 1946 đến giờ, lại có cái định nghĩa nhân dân kì khôi đến vậy. Nói như bác Hà Hiền, cũng là một người bạn của mình, “Thế thì lấy mốc từ những năm nào để xác định những ai không phải là “nhân dân”, sinh sau 1945, 1954 hay 1975? Thế này thì vài chục năm sau không còn ai là “nhân dân” nữa khi những “nhân dân” theo định nghĩa của ông đại tá tiến sĩ này về già và chết hết cả rồi.”
Mình đọc đi đọc lại lời nói đầu của Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, tuyệt không có định nghĩa nhân dân kì khôi đó, té ra đó là định nghĩa về nhân dân của ông Quang, đích thị của riêng ông mà thôi, hi hi chết cười.
Có lẽ lòng thành ông Quang muốn bảo vệ chế độ nên mới bịa ra định nghĩa nhân dân như vậy và khuyên mọi người đừng nhầm lẫn với các định nghĩa nhân dân khác, tức là các định nghĩa của lực lượng thù địch “mượn từ “nhân dân”, “dân tộc” để đối lập nhân dân với Nhà nước, với hệ thống chính trị và với Đảng ta hiện nay”.
Hi hi theo cách phân loại nhân dân của ông Quang thì những người giành độc lập năm 1945 nếu không về trời cũng đã trên trăm tuổi cả rồi, những người tham gia chống Mỹ, chống Pháp hết thảy đã về hưu, thế hệ chống Trung Quốc xâm lược năm 1979 như mình cũng đã ngót nghét sáu mươi, sức tàn lực kiệt hết lượt. Tóm lại nhân dân của chế dộ, của Đảng toàn loại hết hơi, còn đám thanh niên trai trẻ ngày nay chúng chẳng phải nhân dân, vì thế chúng chẳng có trách nhiệm gì với chế độ với Đảng, tha hồ ăn chơi nhảy múa nhé.
Đến khi lâm sự, nếu hỏi: Ai là nhân dân giơ tay lên? Khi đó chỉ thấy những ông rụng răng, tóc bạc da mồi giơ tay. Hỡi ôi, nhân dân của chế độ ta là vậy ư. Thử nghĩ mà xem, có định nghĩa nhân dân nào phản động hơn định nghĩa của tiến sĩ Quang?
Lại học theo giáo sư Ngô Bảo Châu mà rằng, không thể lấy loại tiến sĩ giáo sư như tiến sĩ Quang làm lực lượng bảo vệ chế độ, thảm hại lắm thay !
Theo Bọ Lập (Blog Quê Choa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét